Giáo sư Trần Vĩnh Diệu, một trong mười Công dân Thủ đô ưu tú 2011:

“Còn sức khỏe, tôi còn sáng tạo và cống hiến”!

Thứ Sáu, 14/10/2011, 20:08
“Trong sâu thẳm lòng tôi, tôi luôn phấn đấu trở thành người có trách nhiệm công dân cao nhất, lớn hơn nữa là tình yêu nghề nghiệp. Mình được Đảng, Nhà nước cử đi học hành bài bản, thì chẳng có lí do gì để không học hành tử tế, có trách nhiệm với đất nước. Còn khoẻ ngày nào, tôi còn cống hiến, sáng tạo ngày đó...".

GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu hẹn tôi đến gặp ông tại Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polyme (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), nơi mà dường như ông đã gắn cả cuộc đời khoa học với nhiều sáng tạo, trải nghiệm vui buồn của mình ở đó. Căn phòng làm việc của ông chỉ rộng chừng 10m2, ngoài bộ bàn ghế nhỏ còn đâu ngập sách là sách.

Có lẽ cuộc đời làm khoa học giản dị của những người như Giáo sư Trần Vĩnh Diệu thì khoa học, sáng tạo chính là lẽ sống, là phong cách sống của họ. Nhưng bù lại cuộc sống giản dị ấy thì Giáo sư Trần Vĩnh Diệu lại là người “giàu có” với biết bao phần thưởng cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Giải thưởng Nhà nước, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhà giáo nhân dân và nhiều giải thưởng khoa học công nghệ do Quỹ hỗ trợ sáng tạo Khoa học công nghệ VIFOTEC và Hội kỹ sư châu Á trao tặng…

Tập thể cán bộ Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polyme chúc mừng Giáo sư Trần Vĩnh Diệu (người cầm hoa) nhân sự kiện ông được tôn vinh là Công dân Thủ đô ưu tú 2011.

GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu quê ở xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xúc động bảo tôi rằng, sinh ra và lớn lên ở những vùng quê nghèo như vậy đã rèn cho ông một ý chí tự lập từ nhỏ và chỉ có con đường học hành mới có thể thoát nghèo. Bố ông là một kỹ sư về mỏ nhưng mất khi các con còn nhỏ, một mình mẹ ông chèo chống nuôi năm người con khiến bà nhiều lúc bị kiệt sức, vì vậy từ nhỏ, cậu bé Diệu đã phải làm đủ nghề để phụ giúp mẹ: từ việc đồng áng cày cấy thuê đến phụ cắt tóc, nấu kẹo lạc, đạp máy khâu, viết khẩu hiệu thuê (vì chữ của Diệu rất đẹp).

Nhớ những ngày mùa đông lạnh thấu xương, chỉ với chiếc áo tơi mỏng, cậu bé Diệu cứ cặm cụi cày bừa, đến khi xong thửa ruộng thì chân tay tím tái, cứng đờ vì giá rét. Mà hiếm khi Diệu có được bữa ăn no. Nhưng đã mang phận con nhà nghèo thì không được quyền đòi hỏi, trách móc. Cuộc sống vất vả thời niên thiếu ấy không dập tắt được ý chí học hành, càng không làm tàn lụi được khát vọng hoài bão thi đỗ vào đại học trong Diệu.

Tốt nghiệp phổ thông hệ 9 năm, cậu học trò Trần Vĩnh Diệu thi đậu vào khóa I Đại học Bách khoa năm 1956 và chỉ sau một thời gian, cậu đã lọt vào tốp dẫn đầu. Năm 1959, sau khi học hết 3 năm khoa Hoá hữu cơ, Trần Vĩnh Diệu được cử đi đào tạo chuyển tiếp ở Moskva. Tại đây, Trần Vĩnh Diệu có dịp tiếp xúc với một số chuyên gia Nga giỏi trong ngành hóa hữu cơ, con đường theo ông đến tận bây giờ như duyên nghiệp. Sẵn bản tính ham học, cần mẫn chịu khó, Trần Vĩnh Diệu luôn làm các bạn học người Nga thán phục, thầy cô giáo khen ngợi vì thi môn nào, Diệu cũng đạt điểm 5 và tốt nghiệp bằng đỏ.

Năm 1962, ông về nước giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa và như có duyên với nước Nga, nên năm 1966, ông lại được cử đến Trường hóa kỹ thuật Mendeleev Moskva thực hiện đề tài nghiên cứu về một cơ chế phản ứng.

Năm 1978, ông trở lại Trường hóa kỹ thuật Mendeleev Moskva làm luận án tiến sĩ khoa học. GS Trần Vĩnh Diệu bảo tôi, nhắc đến những năm tháng học hành ở nước bạn là nhắc đến những kỷ niệm tuyệt đẹp trong cuộc đời ông... Ông gặp được những người thầy, những người bạn Nga chí tình đã mang đến cho ông tư duy khoa học, khát vọng chiếm lĩnh đỉnh cao, đã giúp ông vượt qua được khối lượng công việc quá tải.

Năm 1982, sau hơn 20 năm học tập, giảng dạy ở trong và ngoài nước, TSKH Trần Vĩnh Diệu đã tập trung toàn bộ trí lực cho việc giảng dạy hầu hết các môn học của ngành, đặc biệt là môn hóa lý polyme. Ông đã tham gia đào tạo trên 500 kỹ sư, trực tiếp hướng dẫn 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và đồng hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh khác. Ngay cả khi đã bước qua tuổi 70, năng lượng sáng tạo và khả năng truyền thụ kiến thức cho các lớp học trò trong GS Trần Vĩnh Diệu vẫn đầy ăm ắp và không ngừng toả sáng…

Trong số hàng trăm công trình khoa học do Giáo sư Trần Vĩnh Diệu và các đồng nghiệp, cộng sự nghiên cứu, sáng tạo, có một số công trình đã trở thành những “kỷ niệm đẹp” trong cuộc đời khoa học của ông. Đó là công trình nghiên cứu keo dán đá hoa cương ở Lăng Hồ Chủ tịch, cũng là công trình đầu tay do ông và người bạn đời là PGS.TS Lê Thị Phái cùng hợp tác nghiên cứu.

Với công nghệ hiện nay thì việc tìm ra một loại keo để kết dính những mảnh đá nhỏ như bàn tay thành 96 tấm đá lớn sẽ rất đơn giản. Nhưng vào những năm 1974 - 1975, trình độ khoa học công nghệ của ta còn nghèo nàn lạc hậu, thì việc sáng tạo ra loại keo dán đặc biệt, có khả năng kết dính cao đủ sức chống chọi với thiên nhiên, như sáng tạo của vợ chồng Giáo sư Diệu và một số đồng nghiệp thì quả là một công trình lớn.

Bốn tháng ròng rã nghiên cứu và dán hơn 4.000 mảnh đá đỏ nhỏ, Giáo sư Diệu đã nở một nụ cười hạnh phúc khi nhìn thấy thành quả của công trình: hai lá quốc kỳ và cờ búa liềm đá với diện tích 30m2 đã hoàn thiện từ chính những mảnh ghép bé nhỏ đó.

Giáo sư Diệu tâm sự rằng, hạnh phúc trong lòng vợ chồng ông như nhân lên nhiều lần, bởi công trình này còn là tất cả tìn h cảm và tấm lòng vợ chồng ông muốn dâng tặng lên anh linh của Hồ Chủ tịch. Ông còn bảo tôi, cũng giống như nhiều bộ môn khoa học cơ bản, lĩnh vực hoá hữu cơ rất cần được ứng dụng trong thực tiễn, thực tiễn sẽ là thước đo giá trị, vì nếu không lý thuyết sẽ chỉ là lý thuyết khô cứng và trừu tượng. Vậy nên, người làm hoá hữu cơ đòi hỏi phải luôn suy nghĩ, luôn sáng tạo ra các ứng dụng.

Một công trình mà GS Trần Vĩnh Diệu dành nhiều tâm huyết của mình là công trình chế tạo sơn êpoxy biến tính để sơn bảo vệ các xitéc đường sắt chuyên chở nước mắm từ Nam ra Bắc. Giáo sư Diệu đã dày công nghiên cứu, tìm ra một loại sơn “đặc biệt” có thể chống đỡ được sự ăn mòn của nước mắm. Sau này, khi đã ứng dụng thành công, được Viện Vệ sinh dịch tễ kiểm nghiệm, công nghệ chế tạo loại sơn bảo vệ này đã được chuyển giao cho Nhà máy cơ khí nội thương, đồng thời còn được sử dụng để bảo vệ các bồn chứa của Công ty rượu vang Thăng Long.

Giáo sư Trần Vĩnh Diệu cũng chính là người đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và lắp đặt vòm composit che máy bay chiến đấu tại bốn sân bay ở miền Bắc. Công trình này vô cùng khó, áp lực đè nặng, nếu không có sự quyết liệt, dám chịu trách nhiệm như Giáo sư Diệu, chắc khó vững tâm để hoàn thành. Giáo sư Diệu bảo tôi: “Khi thử nghiệm thấy vòm mái che đủ sức chịu đựng tác động của môi trường, tôi thở phào nhẹ nhõm. Đây là loại vật liệu lần đầu tiên được sáng tạo, áp dụng tại Việt Nam, kèm theo đó là hàng loạt các giải pháp kỹ thuật mới cũng lần đầu tiên được sáng tạo tại Việt Nam.

Tôi hạnh phúc vì công trình này đem lại hiệu quả kinh tế lớn trong việc bảo quản máy bay và đảm bảo sức khoẻ cho phi công lúc trực chiến”. Giáo sư Trần Vĩnh Diệu còn tâm sự với tôi rằng, phía sau những thành công của ông là cả một tập thể đồng sức, đồng lòng, những nhà khoa học hết lòng vì công việc.

Còn điều ông chiêm nghiệm sâu sắc từ chính cuộc đời làm khoa học của mình cũng rất giản dị: “Trong sâu thẳm lòng tôi, tôi luôn phấn đấu trở thành người có trách nhiệm công dân cao nhất, lớn hơn nữa là tình yêu nghề nghiệp. Mình được Đảng, Nhà nước cử đi học hành bài bản, thì chẳng có lí do gì để không học hành tử tế, có trách nhiệm với đất nước. Còn khoẻ ngày nào, tôi còn cống hiến, sáng tạo ngày đó. Chỉ cần nghĩ đến điều đó, tôi thấy mọi khó khăn, trở ngại trong nghiên cứu khoa học bỗng nhẹ nhàng hơn nhiều”…

Thu Phương
.
.
.