Con hổ ở Trại rắn Đồng Tâm bị giết như thế nào?

Chủ Nhật, 27/08/2006, 08:31
Giả thuyết ban đầu được đặt ra: bọn trộm lợi dụng trời mưa, đã đột nhập vào trại rắn, cắt khóa chuồng, giết hổ bằng thức ăn có độc chất rồi sau đó mang ra ngoài mổ bụng. Việc chúng bỏ lại phủ tạng con vật có thể nhằm mục đích không để cho độc chất ngấm vào xương...

Sau 7 tuần lễ, kể từ rạng sáng ngày 29/6/2006, khi một con hổ của Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu Quân khu 9 (thường được gọi là Trại rắn Đồng Tâm), bị kẻ gian đột nhập vào chuồng, mổ bụng rồi mang đi mất tích. Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Lực lượng Quân khu 9 đã mở cuộc điều tra đến ngày 14/8 bắt được 5  tên có liên quan đến việc gây ra vụ án này. 

Với diện tích trên 10 hécta, tọa lạc tại ấp Tân Thuận, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, Trại rắn Đồng Tâm từ nhiều năm nay ngoài việc nghiên cứu, nuôi trồng các loại dược liệu, thì đây còn là một trong những nơi sản xuất thuốc trị rắn cắn, và cũng là điểm du lịch hấp dẫn.

Đầu năm 2006, Trại rắn Đồng Tâm mua về một con hổ, do một vị tướng về hưu ở Cần Thơ thuần dưỡng từ nhỏ với giá 350 triệu đồng. Khi đưa về, con hổ đã được 3 tuổi, rất hiền lành và thân thiện với người – kể cả người lạ. Điều đặc biệt là con hổ này không ăn thịt sống, mà thực đơn hàng ngày của nó chỉ gồm sữa tươi, rau, củ và cháo thịt xay nhuyễn.

Đêm 28, rạng sáng ngày 29/6 trời mưa to. Chung quanh Trại rắn Đồng Tâm có hàng rào bao bọc, và có lực lượng bảo vệ thay phiên nhau tuần tra. Vả lại xưa nay ở đây cũng chưa hề xảy ra một vụ mất trộm lớn nào nên chẳng ai ngờ rằng lại có kẻ dám đột nhập để... giết hổ. Đến 5 giờ sáng, một nhân viên bảo vệ khi đi tuần ngang chuồng hổ, thì không còn nhìn thấy con vật đâu nữa. Tại hiện trường, từ nền chuồng ra đến cửa chuồng, máu me be bét, cùng một bộ phủ tạng con vật và 3 đôi găng tay – kích cỡ dùng cho phụ nữ.

Giả thuyết ban đầu được đặt ra, là bọn trộm lợi dụng trời mưa, đã đột nhập vào trại rắn, cắt khóa chuồng, giết hổ bằng thức ăn có độc chất rồi sau đó mang ra ngoài mổ bụng. Việc chúng bỏ lại phủ tạng con vật có thể nhằm mục đích không để cho độc chất ngấm vào xương, ảnh hưởng đến việc bán thịt, nấu cao sau này, còn 3 đôi găng tay kích cỡ tay phụ nữ, khả năng là đánh lạc hướng các cơ quan chức năng trong việc điều tra.

Vụ việc sau đó được báo cáo với Công an tỉnh Tiền Giang, cùng bộ phận Điều tra Hình sự Quân khu 9. Kết quả xét nghiệm do Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an tiến hành cho thấy bộ phủ tạng mà bọn trộm bỏ lại đúng là phủ tạng hổ, và độc chất mà bọn chúng dùng để giết hổ là chất xyanua – một chất cực độc mà vài năm trước đây. Lê Thị Thanh Vân đã dùng nó để đầu độc, giết chết 13 người, cướp tài sản.

Theo đánh giá, ít nhất bọn chúng phải có từ 3 tên trở lên thì mới có thể giết, rồi mang con hổ nặng 150kg đi thoát vì ngoài việc phải vượt qua hàng rào cao hơn 2 mét, còn phải vượt qua một hồ nước rộng chừng 30 mét. Điều đó chứng tỏ trước khi ra tay hành động, bọn trộm đã nghiên cứu địa hình rất kỹ lưỡng. Bộ xương hổ ấy nếu đem nấu cao, cùng tấm da hổ, nanh hổ, thịt hổ và đặc biệt là bộ phận sinh dục của hổ sẽ có giá không dưới vài tỉ đồng vì theo Đông y, cao hổ có thể chữa nhức mỏi, thấp khớp, bồi bổ cơ thể. Da hổ làm vật trang trí, nanh hổ được nhiều người coi như một thứ “bùa”, đeo vào tránh được sét đánh (!?), trẻ con đeo nanh hổ không ốm vặt, không khóc đêm, còn bộ phận sinh dục hổ ngâm rượu, cũng theo Đông y thì Viagra cũng phải chịu là "đàn em".

Con hổ thu được có phải là con hổ của Trại rắn Đồng Tâm

Những ngày sau đó, công tác điều tra do Công an Tiền Giang và bộ phận Điều tra Hình sự Quân khu 9 cùng phối hợp, tích cực tiến hành. Lần theo từng dấu vết, từng nguồn tin do những người chuyên mua bán động vật hoang dã, cao hổ, nanh hổ, da hổ... ở khu chợ Đông Nam dược đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP HCM cùng nhiều nơi khác cung cấp, 9 giờ sáng ngày 14/8, Công an Tiền Giang cùng Điều tra Hình sự Quân khu 9 đã bắt giữ Nguyễn Khắc Điệp, 53 tuổi, cư trú tại tổ 34, khu phố 5, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP HCM.

Khai thác nhanh đối tượng, Công an Tiền Giang cùng Điều tra Hình sự Quân khu 9 tiến hành kiểm tra căn nhà số 320/2, khu phố 3, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, nằm cách đường quốc lộ khoảng 1km. Chủ nhà – ông Bạch Văn Bản cho biết ông mới mua căn nhà này vào cuối tháng 7/2006. Một năm trước đó, chủ cũ căn nhà đã cho một phụ nữ tên Nguyễn Thị Yến  thuê, và Yến hiện vẫn đang ở.

Tại đây, Công an Tiền Giang cùng Điều tra Hình sự Quân khu 9 đã phát hiện một tủ cấp đông, bên trong có 1 con hổ đã bị mổ bụng, và 2 cái mật bò, 2  sừng bò có nguồn gốc từ châu Phi cùng  7,5kg xương động vật được cất giấu ở nhiều chỗ. Sau đó, Cơ quan chức năng bắt thêm Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1977, cư ngụ tại đường Lam Sơn, quận Tân Bình, TP HCM. Theo lời những  người hàng xóm cho biết, thì đêm 13/8, họ thấy có một chiếc xe tải dừng trước nhà 320/2, rồi thấy mấy người xúm lại khiêng xuống một chiếc tủ lớn.

Đến sáng 14/8, bà Yến - người thuê nhà - giải thích với hàng xóm, rằng chiếc tủ cấp đông này của một người quen, do khu vực đó bị cúp điện dài ngày để sửa chữa nên họ gửi bà giữ giùm.

Ngay trong ngày, các đối tượng nghi vấn trong vụ giết hổ được đưa về Tiền Giang để điều tra. Theo lời khai của Nguyễn Khắc Điệp, thì ông ta mua con hổ này của người khác với giá 5 tỉ đồng, và đem về để giao cho một khách hàng  đã đặt từ trước. Sau đó, Công an Tiền Giang và Hình sự Quân khu 9 bắt thêm Lê Anh Tuấn, 44 tuổi, cư ngụ tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nguyễn Quốc Bảo, 23 tuổi và Bùi Chí Toàn, 52 tuổi, đều cùng cư ngụ tại khu phố 5, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP HCM, là những đối tượng có liên quan.

Sáng 15/8, đại diện Trại rắn Đồng Tâm đã đến Cơ quan Điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang để nhận dạng con hổ. Tại đây, họ nhận ra một số dấu vết quen thuộc của con hổ đã bị giết trộm, như các đường vằn phía trước bụng, móng chân. Nhưng bên cạnh đó, con hổ nằm trong tủ cấp đông màu lông lại không giống con hổ đã bị giết, là màu trắng vằn đen thay vì màu vàng vằn đen, và trọng lượng của nó nặng 180kg – nghĩa là nặng hơn con hổ Trại rắn Đồng Tâm 30kg.

Vậy con hổ mà các điều tra viên phát hiện tại nhà 320/2 và con hổ bị giết ở Trại rắn Đồng Tâm có phải là một  không? Chúng tôi đã trao đổi vấn đề này với Tiến sĩ Y, Sinh học Đào Đại Cường, giảng viên Khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM. Tiến sĩ Cường cho biết: “Lông loài vật, cũng như con người cấu tạo bằng chất sừng, và được nuôi dưỡng bằng những ống nhỏ li ti nằm bên trong lông, lấy chất bổ từ nang lông ở  dưới da. Màu sắc của lông được quyết định bởi các tế bào sắc tố. Khi con vật chết, cũng như tất cả những bộ phận khác, lông không còn được nuôi nên nó cứng dần chứ không mềm mại nữa. Dưới tác dụng của thời gian, của nhiệt độ, tế bào sắc tố phân hủy dần. Sắc tố nào càng nhạt thì phân hủy càng nhanh”.

Có lẽ vì thế, màu vàng trên bộ lông con hổ đã chuyển sang màu trắng, màu đen thì vẫn còn nguyên. Riêng về sự chênh lệch 30kg, thì rất có thể bọn trộm đã tiêm nước vào hổ để tăng cân nặng, nhằm bán được nhiều tiền. Kết quả phân tích của Viện Khoa học Hình sự – Bộ Công an cho thấy 2 mẫu thịt lấy từ xác con hổ trong tủ cấp đông, và  chất dịch lấy từ dạ dày hổ mà bọn trộm bỏ lại tại hiện trường Trại rắn Đồng Tâm đều có chất xyanua. Thượng tá Đặng Quang Minh, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an tỉnh Tiền Giang qua kiểm tra thực tế, đã khẳng định con hổ thu được tại nhà 320/2 chính là con hổ của Trại rắn Đồng Tâm đã bị giết.

Chiều 17/8, Cơ quan Điều tra Hình sự Quân khu 9, phối hợp cùng Công an Tiền Giang đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Khắc Điệp về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật quý hiếm. Được biết, Nguyễn Khắc Điệp từ nhiều năm nay chuyên mua bán thú rừng, đặc biệt là hổ. Việc bắt giữ Điệp, Tuấn và 3 người liên quan sẽ đưa vụ giết hổ ở Trại rắn Đồng Tâm ra ánh sáng, cũng như có thể sẽ là sự khởi đầu của việc bóc gỡ những đường dây mua bán động vật hoang dã sau này

V.C.
.
.
.