Côn Đảo mùa… khô khát

Thứ Tư, 04/05/2016, 08:54
Cuối tháng 4, đầu tháng 5 này là đỉnh điểm nắng nóng của mùa khô tại các tỉnh phía Nam, có ngày nhiệt độ ngoài trời giờ cao điểm lên tới 37-38 độ C. Huyện đảo Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu không nằm ngoài cái nền nhiệt độ nắng nóng đó, cho dù bốn bề là mênh mông sóng nước.

Nhiệt độ cao không phải là nỗi lo của người dân sinh sống trên đảo. Nước ngọt mới chính là vấn đề mà người dân và chính quyền của huyện đảo lo lắng nhất.

Dẫn chúng tôi đi thăm các di tích và thắng cảnh Côn Đảo là Trung tướng Châu Văn Mẫn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, nay là Tổng cục Chính trị, Bộ Công an, một cựu tù chính trị, người rất nặng lòng với mảnh đất mà ông từng gắn bó. 

Hồ Quang Trung đang được nạo vét và xây dựng.

Chỉ tay về phía hồ An Hải, ông cho biết, hồ này và hồ Quang Trung là hai hồ nước ngọt tự nhiên lớn của Côn Đảo. Cả hai là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt chính cho bà con trên đảo. Nhưng mấy năm trở lại đây, nước ở hai hồ này đang cạn dần, nhất là hồ Quang Trung. Được biết, hồ An Hải và hồ Quang Trung có vai trò cực kỳ quan trọng trong các vùng đất ngập nước ở Côn Đảo. 

Theo Công ước Ramsar (Công ước liên chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên) đất ngập nước rất đa dạng gồm các cửa sông, suối, ao hồ, đầm than bùn… Đất ngập nước bao gồm cả nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Vùng đất ngập nước phải bảo đảm hai yếu tố: Một là ngập nước quanh năm hoặc tạm thời, nước động hay tĩnh. Hai là phải có các động, thực vật thủy sinh. Với các yếu tố trên, hồ An Hải, Quang Trung, Mương Sấu, Bưng Bèo… hội tụ đầy đủ các tiêu chí là nơi cung cấp, tích trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất, chống lũ trên đảo. Tuy nhiên, các vùng ngập nước ở Côn Đảo đang bị đe dọa bởi tác động trực tiếp từ con người.

Hồ Quang Trung đã trơ đáy, có chỗ được làm sân bóng “dã chiến”. Một cán bộ của Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện đảo cho biết, mấy năm gần đây, mực nước trong các hồ xuống rất nhanh. Thứ nhất do địa hình đồi núi có độ dốc cao, thảm thực vật mỏng nên khó giữ nước. Thứ hai do khí hậu thất thường El Nino gây ra. Nhưng nguyên nhân chính có lẽ do con người. 

Hiện nay, dân số của đảo khoảng 8 ngàn người. Con số này ngày càng tăng do lượng khách du lịch và người nhập cư, chủ yếu là lao động thời vụ. Do vậy lượng nước cung cấp cho số người này cũng ngày một tăng theo. 

Ước tính lượng nước tối đa có thể phục vụ cho sinh hoạt trên đảo còn khoảng 50 ngàn mét khối/ngày. Hiện con số này đã là 40 ngàn mét khối, chưa kể lượng nước dành cho sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Ngoài các nguyên nhân trên, việc khai thác nước ngầm không có kiểm soát, khai thác, cát, đá… phục vụ cho xây dựng  khiến thảm thực vật và kết cấu địa chất ven vùng ngập nước bị phá vỡ… cũng làm giảm đi chức năng tích trữ nước, cũng là các nguyên nhân gây tác động tiêu cực tới nguồn  nước ngọt trên đảo.

Để khắc phục tình trạng này, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đăc biệt là chính quyền huyện Côn Đảo, một mặt tuyên truyền cho bà con trên đảo sử dụng nước tiết kiệm, không khoan giếng bừa bãi, không chặt phá cây rừng… Mặt khác chính quyền đã cho nạo vét lòng hồ, xây dựng hồ chứa… tiết kiệm từng giọt nước để cho Côn Đảo mãi xanh. 

Đức Hà
.
.
.