“Cối xay người” và câu chuyện tri ân lịch sử

Chủ Nhật, 24/01/2010, 09:50
1.145 cán bô, chiến sĩ bị giết hại với những hình thức dã man như thời trung cổ: cắt tiết, moi gan, mổ bụng, điện giật, xâu tay chân phơi khô, cho bao tải buộc đá thả xuống sông…  Bốt La Tiến (Nguyên Hoà, Phù Cừ, Hưng Yên) trở thành một trong những "cối xay người" lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ của thực dân Pháp những năm 1949-1954.

Lịch sử đã trôi qua gần 60 năm, kí ức hãi hùng về một thời vẫn còn hằn sâu trong trí nhớ của thế hệ kiên trung khởi nghĩa. "Bia căm thù" vẫn sừng sững như chứng nhân tố cáo tội ác không thể dung thứ của quân thù. Và hôm nay, để tri ân lịch sử, tại vị trí bốt La Tiến năm nào, một ngôi đền đang được xây dựng để tưởng niệm những cán bô, chiến sĩ kiên trung đã bị địch giết hại…

Quá khứ hãi hùng        

Một buổi chiều cuối đông, trong căn nhà vừa được xây mới, ông Đặng Đình Tuy, 78 tuổi, thôn La Tiến, một cán bộ trung khởi nghĩa đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện lịch sử rùng rợn của hơn 60 năm trước. Thế hệ của ông không thể nào quên cái buổi chiều ngày 4/11/1949, từng tốp quân Pháp đi canô từ Ninh Giang (Hải Dương) ngược sông Luộc về bến La Tiến.

Ông Đặng Đình Tuy: "Tôi không thể nào quên cái đêm rùng rợn khi chứng kiến 3 chiến sĩ cách mạng bị địch giết hại lần lượt".

Ngay khi vừa đặt chân lên bờ, "lính trắng" đã bắn chết một người dân vô tội ngay tại dốc đê. Khi đó, quân Pháp về đóng trạm tại vị trí cách cây đa La Tiến khoảng hơn 200m. Sau một đêm, chúng kéo về chiếm chợ La Tiến và đóng bốt ngay tại vị trí gốc đa. Từ trước đó mấy ngày, Ủy ban kháng chiến hành chính đã kịp thời thông báo để nhân dân tản cư.

Thời điểm đầu, Pháp thực hiện chính sách mị dân. Với lời tuyên bố "không sát hại, đảm bảo sản xuất", dần dần các hộ tản cư lại kéo về làng. Pháp cho lập tề, bầu ra hương chủ để quản lí dân. Hàng ngày, các hương chủ phải đi bắt phu tới phục vụ cho việc xây bốt.

Chỉ trong một thời gian ngắn, 3 ngôi miếu, 1 ngôi đình ở La Tiến đã bị phá hủy để lấy vật liệu xây bốt. Tới đầu năm 1951, bốt Pháp được hoàn chỉnh với hệ thống boongke, lô cốt kiên cố. Thời điểm đầu chỉ có khoảng hơn chục "lính trắng", về sau bổ sung tới cả 2 đại đội.

Trong vòng vây của địch, bất chấp những khẩu đại liên bắn suốt ngày đêm, lính du kích vẫn tích cực hoạt động ngầm. Thôn La Tiến đã xây dựng được 3 hầm bí mật trong nhà dân để cán bộ chiến sĩ tụ họp. Để tăng cường khủng bố, năm 1952, một nhóm lính ngụy đã được điều động về đóng quân ngay trong làng tại 3 vị trí: đình La Tiến, trường học, nhà thờ họ Đặng.

Bia căm thù vẫn sừng sững tố cáo tội ác man rợ của thực dân Pháp những năm 1949-1954.

Những năm 1952-1953 là thời kì khủng bố trắng ác liệt nhất. Sau khi thua trận ở Đông Khê, Thất Khê, Pháp dồn quân xuống thảm sát đồng bằng. Lính Pháp càn quét, thực hiện chính sách khủng bố "Tam quang" (giết sạch, đốt sạch, phá sạch). Và cũng chính thời gian này, bốt La Tiến chứng kiến biết bao người con kiên trung của quê hương phải đổ máu. Đêm nào cũng có người bị địch giết hại. Thời đó, cả tỉnh Hưng Yên có 72 bốt, song cứ bắt được ở đâu, Pháp cũng đưa về La Tiến để xử.

Dọc tuyến sông Luộc, Pháp cài cắm hệ thống đồn bốt ở các vị trí: Bến Trại, Xuôi, Yên Lệnh, song La Tiến là bốt lớn nhất do nằm vị trí án ngữ 3 tỉnh: Thái Bình - Hưng Yên - Hải Dương. Nơi đây trở thành "cối xay người" với những hình thức man rợ như thời trung cổ. Những cái tên như sếp Nhu, sếp Ngọ… vẫn được nhắc tới như những tên đao phủ khét tiếng độc ác.

Theo lời kể của những nhân chứng, mỗi khi bắt được chiến sĩ cách mạng, lính Pháp treo họ lên cây đa La Tiến rồi bắt người dân vây quanh chứng kiến cách chúng tra tấn để uy hiếp tinh thần. Rồi cứ nửa đêm, chúng lần lượt thủ tiêu từng người với hình thức phổ biến nhất, rùng rợn nhất là cắt tiết. "Chúng dựng 3 cột lim giữa sông làm thành hệå thống ròng rọc. Sau khi hành quyết xong người nào thì buộc thây vào dây dù rồi kéo ròng rọc ném xuống sông" - ông Tuy kể lại.

Tại vị trí bốt La Tiến năm nào, một ngôi đền đang được xây dựng để tri ân những chiến sĩ cách mạng hi sinh.

Một đêm bị bắt ở lại làm phu cho bốt La Tiến đã trở thành kí ức hãi hùng nhất trong cuộc đời của ông khi phải chứng kiến cái chết của 3 chiến sĩ cách mạng. "Đêm đó trời lạnh, tôi và bố vợ nằm co ro dưới góc bếp, rét nên không ngủ được. Tới nửa đêm, bỗng thấy lính rục rịch, rồi thấy tiếng sĩ quan Pháp xì xào. Nhìn qua khe cửa, tôi thấy cả 3 cái cọc dựng đứng, trói 3 người.

Người đầu tiên chỉ kịp hô "Hồ Chủ tịch muôn năm!" thì một tiếng "hự" rồi ròng rọc lại kéo xác xuống sông. Hai người sau hô "đả đảo, đả đảo" rồi cũng bị xử tương tự. Xong xuôi lại thấy lính Pháp quây tụ trò chuyện rôm rả với nhau. Tôi nằm im bất động, chân tay run lẩy bẩy, lo sợ địch phát giác… Sau này mới biết, đêm nào chúng cũng xử cán bộ mình như thế" - ông Tuy nhớ lại cái đêm rùng rợn đó.

Là nhân chứng lịch sử của thời kì đó, ông Nguyễn Văn Chạo, 82 tuổi, thôn La Tiến, cựu tù binh Phú Quốc còn cho chúng tôi biết thêm: "Lính Pháp cứ đi tới đâu là đốt phá, giết hại, hãm hiếp phụ nữ. Ngoài chuyện cắt tiết, moi gan, mổ bụng, chúng còn sử dụng nhiều hình thức man rợ khác: cho bao tải buộc đá thả xuống sông, búa đinh ghè, buộc dây điện vào người rồi đổ nước, xâu tay chân người đem phơi nắng tới chết... Dã man hơn, chúng treo người lên cây nứa đã được làm dập nát rồi cắt dây cho người trôi xuống… Không chỉ cán bộ cách mạng mà cả dân thường, thậm chí người già, phụ nữ có thai, trẻ em cũng bị giết hại. Thời đó, ngày nào cũng có xác chết trôi trên sông Luộc. Không ai dám vớt xác đem chôn vì lính Pháp sục sạo đi tuần liên tục, thấy là bắn".

Vụng Quạ cách bốt La Tiến chừng 1km trở thành nơi chôn thây của hơn nghìn cán bộ, chiến sĩ cách mạng do nơi đây vụng nước xoáy sâu, lại có kè tạo thành vùng lõm nên xác trôi vào bị mắc kẹt lại. Không ai dám qua lại khu vực này, chỉ có bầy quạ đậu kín trời chờ xác chết trôi đến.

"Điều đáng tự hào là, mặc dù bị uy hiếp bằng những hình thức giết hại, tra tấn dã man song quân dân La Tiến đã không khiếp đảm. Không ai đi lính cho Pháp, không ai chỉ điểm, khai báo cán bộ cách mạng. Thời đó, tinh thần yêu nước thấm sâu vào tim óc, tới cả trẻ con. Phong trào rào làng kháng chiến sục sôi khắp mọi nơi. Năm 1953, dân làng phối hợp với bộ đội đánh bốt. Ngày 28 Tết năm 1954 thì giải phóng" - ông Chạo cho biết thêm.

Trong 1.145 chiến sĩ cách mạng bị giết hại tại bốt La Tiến thì có 121 người thuộc xã Nguyên Hoà. Trong trí nhớ của thế hệ lão thành như ông Tuy, ông Chạo thì những cái chết của ông Ao, ông Bính, ông Hoạt, cô Khang, cô Liệu, cô Nhẹn… mãi là kí ức rùng rợn, đau thương không thể nào quên.

Lịch sử được tri ân

Để tưởng niệm những chiến sĩ cách mạng kiên trung đã bị địch giết hại tại bốt La Tiến, cũng như tố cáo tội ác của kẻ thù, từ năm 1960, bia căm thù đã được xây dựng. Tới năm 1984, bia được tu bổ lại. Tuy nhiên, trải qua mưa nắng thời gian, bia đã xuống cấp.

Tháng 10/2009, Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội đã đứng ra xin được xây dựng lại hạng mục khu tưởng niệm với tổng vốn tài trợ là 2 tỉ đồng. Dự án sẽ bao gồm việc xây một ngôi đền tưởng niệm, tôn tạo lại bia căm thù, xây hệ thống kè bao quanh khu di tích để tránh sạt lở… Dự kiến tới tháng 4/2010, công trình sẽ hoàn thành.

Ông Phạm Văn Chu - Chủ tịch UBND xã Nguyên Hoà bày tỏ: "Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa tinh thần rất lớn, thể hiện sự tri ân của hậu sinh đối với thế hệ cách mạng tiền bối. Đây cũng là cách nhắc nhở cho thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống cách mạng của cha ông. Sau khi hoàn thành, hạng mục di tích này có thể kết hợp cùng với đền Tống Trân - Cúc Hoa để tạo nên cánh cung du lịch lịch sử".

Mấy năm trở lại đây, dòng sông Luộc đoạn chảy qua bốt La Tiến bất ngờ đổi dòng, từ lở chuyển sang bồi. Trước tàu chiến có thể qua lại dễ dàng, nay chỉ thuyền nhỏ, ca nô lách được. Trước, dòng sông ăn sâu mãi vào gần gốc đa La Tiến, nay, từ gốc đa tới mép sông đã dài hơn 30m, càng tạo thuận lợi cho việc thi công công trình.

Trở lại La Tiến sau gần 60 năm trang sử đau thương được khép lại, diện mạo nông thôn mới đã hiện hình. Kinh tế khởi sắc rõ nét, truyền thống hiếu học được phát huy. Cả xã có hơn 10 tiến sĩ, riêng dòng họ Đặng có 8 tiến sĩ. Tấm bia căm thù, cây đa treo người năm nào vẫn sừng sững như vật chứng tố cáo tội ác quân thù. Dấu vết của hố đại liên, lô cốt, đồn bốt đã bị xoá theo thời gian.

Những cái chết vô danh hay đầy đủ tên tuổi đều không toàn thây, đều mất xác... đã là câu chuyện bi hùng của quá khứ. Nhưng chợt thấy ấm áp hơn khi hậu sinh hôm nay không thờ ơ với sự hi sinh của cha ông. Việc xây dựng lại hạng mục khu tưởng niệm các liệt sĩ bị giết hại tại bốt La Tiến là cách chân thành nhất để tri ân lịch sử

Hà Ly
.
.
.