Cổ tích giữa đời thường

Chủ Nhật, 26/12/2004, 07:11

Tình nguyện kết hôn với con nghiện ma túy, bằng nghị lực phi thường và trên hết là tình yêu đối với chồng con, chị Nga đã 3 lần giúp chồng cai nghiện, đưa anh Long từ cõi chết trở về. Cùng với thành công trong làm ăn kinh tế, gia đình chị Nga đã được Công an thị xã Cẩm Phả coi là một điển hình tiên tiến tỉnh Quảng Ninh.

Gặp anh Trần Minh Long (phường Cẩm Phú, thị xã Cẩm Phả), tôi không thể ngờ anh đã từng là "nô lệ" của ma tuý. Anh khoe: "Tôi tăng 10 kg. Ngày nào cũng thức dậy từ 4h sáng dọn chuồng, ngâm cám, chuẩn bị thức ăn cho lợn đến 9h tối mới xong".

Bây giờ anh cần mẫn, chăm chỉ, thương yêu vợ con bao nhiêu cũng chưa bù đắp đủ những thiệt thòi, vất vả mà họ phải trải qua. Anh nói: "Cô ấy đã hy sinh tất cả cho tôi, từ những ước muốn nhỏ nhặt nhất, cô ấy cũng không nghĩ đến. Nếu tôi không có được cô ấy thì đời tôi coi như đã bỏ đi". Càng khâm phục tình yêu thủy chung của chị, anh càng cố gắng xây đắp hạnh phúc gia đình.

Trong chuồng nhà anh Long hiện có hàng trăm con lợn, gà, ngan và đang mở rộng trang trại ở Quảng Yên, tiếp đến là trang trại ở HTX Thái Bình để phát triển kinh tế. Mơ ước của vợ chồng họ là sẽ phát triển trang trại gà giống với quy mô lớn để cung cấp cho tất cả những người nuôi gia cầm trong tỉnh.

Ba lần trồng cây mới được hái quả

Cách đây 7 năm, tốt nghiệp Trường Trung cấp Dược, chị Đinh Quỳnh Nga từ huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) chuyển ra thị xã Cẩm Phả để bán thuốc với người bác ruột. Việc chị xuất hiện đã làm cuộc sống ở khu phố mỏ vốn yên lặng đó như có thêm luồng sinh khí mới. Không ít chàng trai đã thầm thương trộm nhớ nhưng chị vẫn chưa nhận lời yêu ai.

Một lần đến chơi nhà cô bạn, chị gặp và chẳng hiểu sao đã cảm mến cái vẻ hiền lành, chịu khó của anh Long. Sau đôi ba lần trò chuyện, tiếng sét ái tình đã đánh gục 2 trái tim. Nhưng tình yêu đâu có suôn sẻ như mong đợi, khi một ngày người bạn gái thông báo cho chị anh Long nghiện ma túy, và có một quá khứ không mấy tốt đẹp.

Chị hoảng hốt đón nhận thông tin trên mà trong lòng như bị ai xúc phạm, giẫm đạp đau đớn. Tìm hiểu thêm, dần dà chị biết vốn được chiều từ nhỏ, gia đình lại có điều kiện, nên anh Long đã nhanh chóng bị đám bạn xấu rủ vào con đường nghiện ngập. Ba lần tự cai nghiện tại nhà (có lần xích mình trong nhà 9 tháng), nhưng khi lên cơn, anh Long lại phá xích đi tìm thuốc. Mỗi ngày, anh “đốt” từ 200 đến 300 nghìn đồng vào ma túy. Gặp Nga, anh đem tất cả lỗi lầm của mình kể cho cô với một thái độ thẳng thắn và chân thành.

Trước cử chỉ đó của anh Long, chị không còn cảm giác hoảng hốt mà chỉ nghĩ dù anh là người thế nào, có tiền án hay không cũng không còn quan trọng nữa nếu mình biết giúp anh có nghị lực, tạo điều kiện cho anh vươn lên trở thành người tốt thì tình yêu đó mới đáng trân trọng. Khi hay tin, gia đình, nhất là mẹ chị đã phản đối kịch liệt. Cả nhà không cho chị đi bán thuốc và sẽ từ chị nếu chị vẫn quyết tâm lấy Long. Đó là quãng thời gian dằn vặt ghê gớm giữa gia đình và cuộc hôn nhân mạo hiểm.

Dẫu vậy, đầu năm 2000, đám cưới sơ sài, buồn bã giữa cô gái xinh đẹp và chàng trai nghiện ma túy trên đất mỏ vẫn diễn ra.

Sau khi cưới, quyết định đầu tiên của chị Nga là thôi bán hàng, ở nhà quản lý không để chồng tiếp tục sa ngã với đám bạn xấu. Từ một cô dược tá, chị tìm mua các loại sách chăn nuôi về nghiên cứu và bàn với chồng cách làm ăn.

Mong ước của chị lúc đó là mua một đàn gà, vịt, ngan về nuôi để chồng có niềm vui, không nhớ đến "khói thuốc". Có 10 triệu tiền mừng cưới dành dụm, chị đầu tư vào 300 con vịt. Nhận ra tấm lòng của vợ, anh Long rất cảm động và chăm chỉ làm ăn.--PageBreak--

Ít người nghĩ rằng, chị Nga lại thích hợp với công việc chăn nuôi gia cầm đến thế. Nhưng bao công sức và mong mỏi của người phụ nữ cuối cùng đã "công toi" khi đàn vịt sắp đến ngày thu hoạch mắc phải dịch tả, lăn ra chết.

Ngày hôm sau, chị mua 400 con gà đẻ trứng và ngan về nuôi. Nhưng ông trời quả bất công với họ, đàn gà béo quay cũng lại lăn đùng ra chết. Vừa nén nỗi buồn vào trong, chị Nga vừa cố gắng nghĩ cách làm ăn để chồng có niềm vui. Song chị càng cố gắng bao nhiêu, thì anh Long lại càng phụ lại công lao đó bấy nhiêu, bởi lẽ một năm sau ngày cưới cũng là lúc chị Nga đau đớn phát hiện chồng mình tái nghiện.

Nhưng chị nghĩ, mất của chứ mất người mới uổng công. Và thế là hàng ngày vác cái bụng vượt mặt, cầm chiếc đèn pin, chị xông vào màn đêm dày đặc đi tìm chồng. Gần 1 tuần dò la, tìm kiếm, chị mới đưa được anh Long trở về trong bộ dạng thảm hại. Như con ngựa bất kham, anh Long lại trốn nhà đi tìm thuốc.

Những đêm tìm chồng không được, bước chân mỏi mệt về nhà, nước mắt chị ướt đẫm gối. Thương phận mình đã đành, chị Nga thương bố mẹ chồng gấp bội. Sau nhiều lần được vợ động viên, anh Long đồng ý cai nghiện.

Suốt những đêm cắt cơn, chị thức trắng để đấm bóp tay chân đang nhức mỏi cho chồng. Mỗi lần chồng thèm ăn vặt, chị lại hấp tấp ngược xuôi đun, nấu. Mẹ chị lặn lội từ quê ra, thấy cảnh đó bà đã khóc. Tình thương của người mẹ quả lớn lao khi biết mình sắp làm bà. Bà đã tha thứ mọi lỗi lầm cho chị. Như được tiếp thêm sức mạnh, chị đã làm được điều mà cả gia đình kỳ vọng.

Sau khi cắt cơn, anh Long khỏe khoắn hẳn ra. Anh chị lại bắt tay vào mua gà, ngan để chăn nuôi. Tưởng rằng hạnh phúc sẽ trọn vẹn khi chị sinh một bé trai kháu khỉnh. Nhưng khi con được 7 tháng, đàn ngan chưa kịp thu hoạch lại bị dịch lăn ra chết. Sợ con buồn chán, bà Trịnh Thị Tâm (mẹ anh Long) đã mang tất cả số ngan đó đi bán lấy tiền về đưa cho con (nhưng kỳ thực là bà mang đi vứt, bỏ tiền túi mang về). Nhưng sự yếu đuối của người đàn ông lại ngã gục khi anh Long tiếp tục lao vào cơn lốc của ma tuý.

"Thất bại là mẹ đẻ của thành công", với tâm niệm như vậy, đêm nào chị Nga cũng gửi con cho ông bà nội để đi tìm chồng. Hàng xóm ai cũng ái ngại, xót xa cho chị. Những lúc bất lực, chị nghĩ hay là buông xuôi. Thương con, thương chồng, chị lại lao đi. Lần cai thứ 2 tạm gọi là thành công do chị có ít kinh nghiệm.

6 tháng sau, anh Long lại tìm đến với "cái chết trắng". Mẹ chồng chị động viên trong nước mắt: "Ông trời chẳng phụ ai bao giờ, con cứ cố gắng vun trồng có ngày sẽ hái quả". Mọi người cho rằng, anh Long thế là hỏng, là bỏ đi và không tin vào thành công của lần cai  thứ 3.

Biết tin, anh Phạm Dũng, Trưởng Công an thị xã đã chỉ đạo Công an phường Cẩm Phú tạo mọi điều kiện giúp đỡ chị Nga và gia đình cai nghiện cho anh Long thành công. Điều khiến mọi người bất ngờ là anh Long đã tự nguyện xin cai nghiện. Nhờ nghị lực sắt đá và giúp sức của gia đình, các cấp chính quyền, lần này anh Long cắt cơn nhanh chóng. Ba năm qua, anh hoàn toàn đoạn tuyệt với ma tuý.

Bây giờ, anh Long không muốn nhớ về quá khứ đen tối (5 người bạn cùng ở trại cải tạo với anh đều chết vì căn bệnh HIV/AIDS). Bài học lớn nhất mà anh học được trong những ngày cận kề cái chết chính là nghị lực. Nếu không có nghị lực và gia đình thì anh không thể trở về cuộc sống của một con người thực sự

Trần Hằng
.
.
.