Cô sinh viên tật nguyền mãi tin vào mơ ước

Thứ Ba, 15/11/2005, 13:49

Nhìn dáng người nhỏ bé, cánh tay lủng lẳng và chiếc chân cà nhắc do bại liệt trải dài theo mỗi bước đi, thật khó tin rằng Hạnh đã vượt qua rất nhiều khổ đau để tự khẳng định mình bằng những thành tích xuất sắc trong học tập.

12 năm phổ thông, Hạnh luôn giữ vững danh hiệu học sinh khá - giỏi, tham dự nhiều kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh; 4 năm đại học, Hạnh là một trong hai sinh viên của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội liên tục được nhận học bổng của Công ty Nam Úc và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam tài trợ cho sinh viên tật nguyền có thành tích xuất sắc trong học tập.

Sinh năm 1982 trong một gia đình lao động nghèo ở xã Đại Hùng, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, Nguyễn Hồng Hạnh lúc chào đời cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Mọi biến cố bắt đầu xảy đến khi Hạnh vừa tròn 4 tháng tuổi. Trong một trận sốt dài ngày, Hạnh bị ngã từ trên cao xuống đất. Dù bố mẹ đã tích cực đưa Hạnh đi chữa trị, song chấn thương quá mạnh đã gây liệt hoàn toàn tay phải và chân phải của em. Lên 5 tuổi, khi các bạn cùng trang lứa bắt đầu tới trường thì Hạnh vẫn tha thẩn quanh nhà.

Một buổi trưa hè, nhìn thấy các bạn lúi húi tập viết ở bụi tre đầu làng, Hạnh đã lê đến nơi các bạn để nhìn, và em cũng tự tìm một viên gạch non rồi dùng tay trái viết lên đất từng nét nguệch ngoạc. Những nét chữ ban đầu méo mó, bàn tay đau nhừ, tê buốt nhưng Hạnh không nản chí. Hôm sau và nhiều ngày tiếp nữa, Hạnh kiên trì viết chữ ra khắp trong nhà, ngoài sân, dù “cây bút” chỉ bằng gạch non, que củi, thậm chí em sử dụng cả gai nhọn viết lên lá chuối tươi…

Là một nhà giáo nên thấy con mình ham học như thế, mẹ Hạnh mừng lắm. Chị dành rất nhiều thời gian giúp con gái đạt được ước mơ. Ngày đó ở quê chưa có điện, những hôm trăng sáng, chị rủ các bạn tới nhà học cùng Hạnh. Chỉ sau một thời gian ngắn, Hạnh dần chứng tỏ được khả năng của mình bằng cách đọc và viết nhanh hơn các bạn. Vậy là mẹ đưa Hạnh đến trường. Biết hoàn cảnh của Hạnh, cô giáo phụ trách dù rất cảm thông song vẫn tỏ ra ái ngại. Chỉ đến khi tận mắt chứng kiến năng lực của Hạnh, cô mới yên tâm. Những nét chữ của Hạnh từ đó cũng tròn trịa hơn.

Năm Hạnh học lớp 2, chị gái của Hạnh bỗng mắc chứng bệnh tâm thần. Năm sau, bố Hạnh đột nhiên bị thần kinh. Đồng lương giáo viên của mẹ Hạnh vốn khiêm tốn nên không thể xoay sở nổi tiền ăn và thuốc men cho mấy cha con, đành xin nghỉ chế độ để ra ngoài buôn bán thêm kiếm tiền. Bệnh tật và nghèo khó khiến gia đình Hạnh phải chịu cảnh sống vô cùng gian nan. Những năm kế tiếp, bệnh tình của chị Hạnh ngày một nặng hơn, rồi chị mất.

Học hết phổ thông cơ sở, một thách thức đến với Hạnh là trường cấp 3 cách nhà 5 cây số. Vì hoàn cảnh, gia đình không thể đưa Hạnh tới trường nên đã tính cho em nghỉ học. Không nản chí, Hạnh quyết tập đi xe đạp suốt trong 3 tháng nghỉ hè của năm cuối cấp 2. Tay phải co quắp, chân phải gần như bất động. Mỗi lần ngồi lên xe tập đi là mỗi lần Hạnh ngã dúi dụi. Chiếc xe nặng nề đổ đè lên người khiến Hạnh đau nhức toàn thân. Thương con quá, mẹ Hạnh đã khoá xe lại mỗi khi ra khỏi nhà để Hạnh khỏi tập. Song, mỗi khi trở về thấy Hạnh ngồi thu lu nơi góc nhà, từng dòng nước mắt chảy nhòa trên khuôn mặt con, chị lại không cầm được nước mắt. Chị hiểu được nỗi khát khao của con với sự nghiệp học hành. Trước sự động viên của mẹ, ý chí quyết tâm trong Hạnh lại tăng gấp nhiều lần. Ngã rồi lại dậy, Hạnh cảm thấy tự tin vào bản thân… Và một lần nữa Hạnh lại vượt qua được chính mình.

Chỉ với tay trái và chân trái, ngày nào Hạnh cũng đạp xe vượt đoạn đường 10 cây số vừa đi vừa về để đi học mà không cần ai trợ giúp. Khi Hạnh bước sang kỳ hai của lớp 10 thì mẹ bị ung thư phải cắt bỏ một bên ngực. Sức khỏe của mẹ ngày càng suy yếu, tay trái sưng to như cổ chân. Mẹ Hạnh gần như mất khả năng lao động. Số phận nghiệt ngã đối với gia đình Hạnh chưa dừng lại ở đó. Trong một lần kiểm tra sức khỏe, bệnh viện còn phát hiện em trai của Hạnh bị bệnh tim…

Nỗi đau liên tiếp kéo đến càng làm tăng những khó khăn và vất vả mà gia đình Hạnh phải đối mặt. Dù bệnh tật nhưng bố Hạnh vẫn phải gồng mình làm ruộng để kiếm tiền nuôi sống cả gia đình. Mẹ Hạnh dù cố lắm, song cũng chỉ hỗ trợ được bố Hạnh những việc rất nhỏ trong gia đình. Khổ nhất là mỗi khi trái gió trở giời, chứng bệnh phát tác hành hạ cả 4 người bệnh trong một gia đình. Khó khăn, vất vả là thế nhưng với ý chí và nghị lực của mình, Hạnh đã vượt lên và thi đỗ vào đại học.

Suốt 12 năm học phổ thông, Hạnh liên tục đạt danh hiệu học sinh khá và giỏi. Hạnh còn là thành viên đội tuyển dự thi học sinh giỏi của tỉnh Hà Tây. Kể từ khi trở thành sinh viên, bằng những nỗ lực của bản thân, cùng với một nam sinh viên tật nguyền khác cùng khoá, Hạnh đã giành được một suất học bổng do Công ty Nam Úc tài trợ. Số tiền này Hạnh tằn tiệm cũng tạm đủ chi tiêu trong thời gian học đại học. Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi, Hạnh còn đi làm gia sư cho các em nhỏ để có thêm thu nhập mua sách phục vụ cho việc nghiên cứu, mở rộng thêm vốn tri thức.

Bây giờ, Hạnh đã là sinh viên năm cuối, lớp K47 - Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Ước mơ của Hạnh là trở thành giáo viên theo nghiệp của mẹ. Hạnh đã tập đi được bằng chính đôi chân xiêu vẹo của mình thì Hạnh cũng có thể  tiếp tục vượt qua những khó khăn đang chờ đợi phía trước. Đây là câu chuyện cảm động về cuộc sống của một cô gái tật nguyền biết vượt lên số phận, đi tìm cơ hội cho mình trong cuộc sống

Nguyễn Phương Anh
.
.
.