Có một vùng quê "giời đánh"

Thứ Bảy, 25/09/2010, 16:08
Vài năm trở lại đây "thiên lôi" đã lấy đi hàng chục sinh mạng người dân vô tội xứ Nghệ. Ngoài nỗi đau mất mát người thân, những gia đình có người bị sét hại còn phải ngày đêm túc trực canh mộ để đề phòng bọn mất nhân tính ăn cắp xác chết...
>> A Lưới - Thừa Thiên - Huế: Huyện “trời đánh”

Vùng đất bị "thiên lôi" gây họa

Anh Phan Văn ở xóm Đăng Lưu, xã Nam Thành, huyện Yên Thành - người thoát khỏi lưỡi tầm sét của “thiên lôi” chiều ngày 16/5/2009 đến nay vẫn chưa hết kinh hoàng kể: "Vào khoảng gần 16h cơn giông lớn bất ngờ ập xuống đồng khiến cho dân chúng làm ruộng không kịp trở tay. Giữa đồng Cò Rò có chiếc lều canh dưa hấu, vậy là nhiều người chạy vào đó để trú mưa. Khi tôi đến thì thấy khoảng 16-17 người ngồi chật ních. Không còn chỗ nên tôi chạy về, vừa chạy khoảng mươi mét thì nghe một tiếng nổ long trời kèm theo mùi khét lẹt. Dưới chân tôi, giun đất trồi lên từng bầy. Tôi ngoảnh lại thấy lều rách toang, người bắn tung tóe. Điều lạ là chẳng ai kêu được một lời. Tôi và mọi người xung quanh đó chạy lại thì thấy 3 người đã chết tại chỗ. Số bị thương  được bà con đưa ra trạm xá cấp cứu. Cả 16 người đều ở xóm Đăng Lưu. Khủng khiếp quá!".

3 người xấu số đó là em Vương Thị Quỳnh, 13 tuổi, học sinh lớp 7A Trường THCS Đăng Lưu; bà Nguyễn Thị Hòa, 52 tuổi; em Nguyễn Trọng Dũng, 15 tuổi. 13 người bị thương phải cấp cứu ở bệnh viện huyện và trạm y tế xã.

Cũng vào khoảng thời gian đó, tại cánh đồng thuộc xóm Phú An, xã Khánh Thành, nhiều tiếng sét liên tục đánh xuống làm một số cây lớn bị gãy. Bà Nguyễn Thị Chính, 53 tuổi thấy trời mưa lớn mang áo mưa ra cho con gái, vừa đến bờ ruộng bị sét đánh chết ngay tại chỗ.

Mọi người trên đồng chạy đến chưa hết kinh hoàng thì một tiếng sét nổ xé trời đánh chết tại chỗ chị Phan Thị Văn, 42 tuổi và  làm bị thương chị Lê Thị Biên, 30 tuổi. Chỗ hai chị bị sét đánh chết chỉ cách nhau khoảng 30m. Cùng thời điểm trên, tại cánh đồng xóm 2, xã Trung Thành, sét cũng đánh chết anh Nguyễn Hữu Từ, 37 tuổi. Vậy là trong một buổi chiều "thiên lôi" đã tước đi mạng sống của 6 người dân vô tội.

Sáng 17/5, hàng ngàn người dân Yên Thành đau thương tiễn 6  người xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhìn những chiếc quan tài nối đuôi nhau ra nghĩa địa trong trời mưa ảm đạm, những vành tang trắng, những tiếng khóc như xé cả miền quê, không ai cầm nổi nước mắt. Gia đình đầu tiên chúng tôi đến là nhà em Vương Thị Quỳnh 13 tuổi. Quỳnh là con thứ trong một gia đình nông dân nghèo. Tuy vậy em học rất giỏi, năm nào cũng đạt học sinh xuất sắc. Em mất đi để lại nỗi đau vô hạn đối với gia đình, bạn bè và thầy cô giáo. Nhà Nguyễn Trọng Dũng cách nhà Quỳnh khoảng vài chục mét. Vì hoàn cảnh khó khăn nên Dũng phải bỏ học từ năm lớp 7 để đi làm thuê, làm mướn giúp bố mẹ đã có tuổi lại thường xuyên đau yếu. Không biết rồi đây hai ông bà sống như thế nào khi không còn người con hiếu thảo. Kề bên nhà Dũng là nhà bà Nguyễn Thị Hòa. Bà Hòa ra đi bỏ lại cho chồng 3 đứa con còn thơ dại.

Chiếc lều ở đồng Cò Rò, xã Nam Thành nơi những người trú mưa bị sét đánh.

Tại xóm An Phú, xã Khánh Thành, 2 người đàn bà xấu số nhà cũng ở kề  nhau. Anh Hoàng hàng xóm cho biết: "Hoàn cảnh chị Văn cũng rất khó khăn, chồng đau yếu luôn, một mình chị gánh vác gia đình nuôi 4 người con, đứa út mới 4 tuổi. Nay chị chết đi anh Quý chồng chị đau ốm triền miên với cảnh gà trống nuôi con, trông thật tội.

Có lẽ hoàn cảnh bi đát nhất là nhà anh Nguyễn Hữu Từ, gia đình anh thuộc diện nghèo nhất xã Trung Thành vì ốm đau bệnh tật và nợ nần. Khi chúng tôi vào nhà thấy đồ đạc chẳng có một thứ gì đáng giá ngoài 2 chiếc giường tre ọp ẹp. Anh mất đi bỏ lại cho người vợ trẻ 3 đứa con thơ dại. Hiện nay gia đình chị rất khó khăn vì đã mất đi người đàn ông trụ cột.

Không riêng gì ở các xã Nam Thanh, Khánh Thanh mà ở nhiều xã trên địa bàn huyện Yên Thành cũng đã có nhiều người chết vì sét. Trường hợp gần đây nhất là sáng 31/7, anh Trần Văn Bổng, 36 tuổi trú tại xóm 6, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành đi chăn trâu ngoài đồng bất ngờ bị một luồng sét đánh xuống làm anh và con trâu chết ngay tại chỗ...

Chúng tôi đến huyện Yên Thành lúc người dân nơi đây đang hối hả gặt lúa hè thu. Hỏi một số người nông dân về thực trạng sét đánh trên địa bàn  thì họ tỏ ra rất sợ hãi. Một lão nông ở xã Nam Thành nói: "Không biết  tại mần răng mà vài năm trở lại đây sét luôn giáng họa xuống huyện ni. Đã có trên vài chục người chết và bị thương. Trước đây nếu có chết vì sét mỗi năm cũng chỉ  1-2 người, chứ làm chi có chuyện sét một lúc chết nhiều như rứa. Nhiều người bảo ở dưới lòng đất có mỏ vàng, mỏ quặng, nên hay bị sét... Nỏ biết ra mần răng cả. Bây giừ cứ mỗi bận trời mưa bà con đang làm đồng phải bỏ lúa mà chạy. Ai cũng sợ...".

Lời đồn nhảm và hệ lụy trần gian

Theo những lời đồn nhảm nhí đầy tính hoang đường thì thi thể người bị sét đánh chết như một báu vật hiếm có ở đời. Ai có bàn tay người chết sét đi ăn trộm thì sẽ trộm đâu được đó, như có phép tàng hình không bao giờ bị phát hiện. Xương bánh chè người chết vì sét mài uống chữa được các bệnh. Ai có đốt sống lưng của người bị “thiên lôi” đánh, treo ở cổ thì như bùa hộ mệnh, không bao giờ bị bệnh hay cảm mạo... Chính vì tin vào những lời đồn đại hoang đường mà một số kẻ mê muội, mất nhân tính đã đi đào trộm mộ lấy thi hài người chết sét để  làm bảo bối cho mình.

Vừa qua, tại bản Tà Sỏi, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), người dân nơi đây vừa ngăn chặn kịp thời 6 đối tượng mang cuốc, xẻng đi đào trộm mộ người bị sét đánh. Trước đó vào khoảng 14h ngày 25/4/2010, chị Vi Thị Hiền, 24 tuổi đang làm ngoài đồng thì bất ngờ bị sét đánh trúng khiến chị tử vong ngay tại chỗ. Thi hài chị được mai táng và chôn cất tại rú Mồ của bản. Chiều ngày 26/4,  có 6 người đàn ông lạ mặt mang theo cuốc, xẻng đi trên 3 chiếc xe máy lượn lờ quanh khu vực chôn cất chị Hiền. Khi chúng chuẩn bị thực hiện hành vi đào bới thì dân phát hiện kịp thời và hô hoán chạy ra ngăn cản, thấy vậy 6 đối tượng lên xe máy rồ ga bỏ đi, để lại hiện trường 1 chiếc xẻng...

Ngôi mộ người chết do sét đánh ở xã Nam Thành.

Cũng vì nỗi lo mất trộm ấy mà những gia đình nào có thân nhân chẳng may tử nạn do sét đánh luôn phải chôn người xấu số ngay trong vườn nhà mình. Và, để người ra đi được yên nghỉ, ngoài việc phải đổ hàng tấn bê tông, cốt thép che chắn trên mộ, gia đình nạn nhân còn phải cắt cử người canh giữ đúng 100 ngày. Vẫn theo những lời đồn đại thì sau một trăm ngày, uy lực của người bị... giời đánh sẽ không còn nữa. Và, cũng chỉ đến khi đó người sống mới được nghỉ ngơi...

Như nhiều nơi khác, theo thân nhân những người bị sét đánh này thì ngay sau khi đón nhận tin buồn trên, họ đã tính đến phương án bảo vệ người thân đã mất của mình trước con mắt dòm ngó của những người vì mù quáng mà làm điều thất đức. Đào sâu, chôn chặt bằng sắt thép, bêtông, đó là giải pháp mà tất cả các gia đình đưa ra.

Ai cũng chú trọng  khâu chôn cất, xây đắp mộ. Tuy chưa tính cụ thể nhưng theo những gia đình này cho biết thì các gia đình có người tử nạn đã dùng đến cả tấn ximăng, sắt thép để gia cố cho những "ngôi nhà vĩnh cửu" trên. Thế nhưng, tất cả những thứ đó cũng chẳng thể làm người còn sống an lòng. Suốt  những ngày đầu, gia đình có người tử nạn đã phải cắt cử người canh giữ cẩn thận, không phút nào rời mắt. Đêm đến, những ngôi mộ ấy được thắp điện sáng trưng và luôn có người túc trực bên cạnh để canh chừng. "Chiến dịch" canh gác chỉ dừng lại khi gia đình làm lễ cúng 100 ngày cho những người xấu số.

Anh Phạm Văn Quý, ở xóm Phú An, xã Khánh Thành, chồng của chị Phan Thị Văn cũng không khỏi lo lắng khi trò chuyện với chúng tôi. Anh Quý cho biết, mộ vợ anh đã được gia đình xây cất rất chắc chắn, thế nhưng điều đó cũng chẳng làm gia đình yên lòng. Bởi nỗi lo lắng ấy mà từ khi giã biệt người vợ thân yêu, anh và mấy anh em trong họ tộc đã phải ngày đêm canh gác. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, mộ anh Nguyễn Hữu Từ, ở xã Trung Thành  và mộ anh Bổng, ở Tăng Thành cũng được "lèn" chặt bằng một lớp bêtông dày với hàng chục người thay nhau canh ngày, giữ đêm.

Người dân cần được giáo dục cách phòng chống sét

Hiện nay hiểu biết của người dân về công tác phòng chống sét còn kém, đặc biệt là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ở Yên Thành nói riêng và Nghệ An nói chung có đến 85% nhà dân không có hệ thống chống sét. Nếu được tuyên truyền, giáo dục phòng chống sét có thể giảm thiệt hại do sét gây ra. Người dân phải biết kiến thức cơ bản để có thể tự lắp đặt hệ thống chống sét. Ngoài ra, cần nắm bắt được những kiến thức an toàn chống sét khi ở trong nhà cũng như ngoài trời. Mùa mưa giông người dân khi đi làm đồng cần để ý đến dự báo thời tiết. Nếu như có biểu hiện giông sét thì phải nhanh chóng về nhà, phải trang bị hệ thống chống sét trước khi có giông.

Trong trường hợp không kịp về nhà khi gặp giông bão, tuyệt đối không trú mưa dưới tán cây cối, tránh xa khu vực cao xung quanh, tránh xa các đồ vật kim loại như xe máy, sắt thép, rào sắt, không đứng thành nhóm người gần nhau. Khi cảm giác gai người tóc bị dựng lên cần nhanh chóng ngồi thụp xuống lấy hai tay che đầu...

Chính quyền địa phương cần có biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, mà cụ thể là tỉnh, huyện, xã có thể làm nhiều cột thu lôi, tháp cao thu lôi tại những khu vực thường xảy ra hiện tượng sét đánh, bảo vệ những khu có nhiều người như làng mạc, đường giao thông. Chi phí làm tháp, cột thu lôi không đến nỗi quá đắt đỏ. Nếu làm thu lôi đúng quy cách, hoàn toàn có thể chống được sét.

"Tôi đã có 40 năm làm nghề y, trong đó có 10 năm tu nghiệp ở Liên Xô, từng đọc rất nhiều sách nhưng chưa thấy một tài liệu nào nói về xương người chết do sét đánh có tác dụng chữa bệnh. Lại còn chuyện, ai có bàn tay người bị sét đánh đi ăn trộm không bị bắt... Tất cả chỉ là nhảm nhí và hoang đường" - Ông Nguyễn Việt Hà - Bác sĩ đã về hưu ở xã Khánh Thành cho biết.

Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết: Việc người dân không may bị chết sét đánh chỉ là hiện tượng tự nhiên và rất đỗi bình thường. Bởi thế, hoàn toàn không có chuyện thi hài người bị sét đánh có những quyền năng lạ lùng trên. Tất cả chỉ là sự đồn đại không có cơ sở của kẻ thiếu hiểu biết.

Thạch Tùng - Chuyên đề ANTG 996
.
.
.