Có một trường học lớn cho thanh niên

Thứ Sáu, 29/04/2016, 14:52
Gần một năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hàng vạn thanh niên tại TP Hồ Chí Minh lại hừng hực khí thế lên đường. Họ tỏa về các nông trường, các vùng sâu vùng xa, xây dựng những khu kinh tế mới, phục vụ chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. 


40 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về một thời tuổi trẻ “hừng hực lửa” bởi những khát vọng lên đường, sẵn sàng cống hiến, chấp nhận hy sinh cho quê hương đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim mỗi người.

Viết về thế hệ TNXP của thành phố ngày ấy, Giáo sư Mạc Đường, cựu TNXP Khu V, Ủy viên Ban thường vụ Hội Cựu TNXP TP Hồ Chí Minh ví von họ như ánh bình minh lên sớm, trong khi thế hệ TNXP thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước như hoàng hôn chưa tắt. Ánh bình minh rạng rỡ của một thế hệ TNXP thành phố đã tỏa sáng từ ngày 28-3-1976. 

Tại sân vận động Thống Nhất của TP Hồ Chí Minh, hàng vạn thanh niên thành phố trang trọng làm lễ trước khi rầm rập lên đường. Họ từ giã phố phường, trường học  nước máy, ánh sáng điện và những buổi dạo chơi trên đường phố để đến những nơi mà bản thân chưa từng biết, chưa từng cảm nhận. 

Những nơi ấy, phần lớn còn hoang vắng, không điện nước sẵn có như phố phường, đời sống gian khổ. Muốn vượt qua, họ phải đoàn kết lại. Chiến tranh biên giới Tây Nam, lớp TNXP trẻ lại buộc phải quay về cuộc sống thời chiến ác liệt của lớp TNXP đi trước…

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung kể rằng, ngày đất nước thống nhất, anh mới 20 tuổi. Khát vọng sống, cống hiến cho Tổ quốc như ngọn lửa luôn hừng hực trong tim. Khi biết tin thành phố có chủ trương đưa thanh niên đi xây dựng các vùng kinh tế mới, Nguyễn Đức Trung là một trong những người đầu tiên đăng ký tham gia. 

Chủ tịch UBND Cách mạng TP Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt trao lá cờ truyền thống Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh cho Bí thư Đoàn Thanh niên, Phạm Chính Trực ngày 28-3-1976.

Ngày được lệnh tập trung lên đường (28/3/1976), anh dậy từ 4 – 5 giờ sáng. Đến sớm nhưng điểm tập trung đã rất đông. Không khí trang trọng thay vì niềm phấn khích lên đường khi Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt trao lá cờ truyền thống Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh cho Bí thư Đoàn Thanh niên, Phạm Chính Trực. 

Sau buổi lễ, dòng người tỏa về khắp nơi để cùng tham gia lao động, khai hoang, làm kinh tế mới. Đoàn của Nguyễn Đức Trung đến nơi tập kết khi mọi người đang lao động, lợp mái nhà. Người trên nóc nhà, người dưới đất đều “đen thùi lùi”. Tất cả nhộn nhịp lao động, nói cười. Không khí rất vui nên anh hòa nhập rất nhanh.

Hoạt động một thời gian dài trong TNXP, Nguyễn Đức Trung làm kinh tiêu thủy lợi rồi lao động ở rất nhiều nông trường như: Nông trường Phạm Văn Hai, nông trường Phạm Văn Cội, nông trường Lê Minh Xuân… 

Ban ngày lao động chân tay, đêm sinh hoạt văn nghệ. Nguyễn Đức Trung rất thích các buổi sinh hoạt như thế. Đây vừa là dịp để các thành viên có dịp giao lưu, chia sẻ, vừa là hoạt động giải trí văn nghệ. Anh lại thích hát, có năng khiếu âm nhạc và thường là người được chọn để biểu diễn. “Bài ca sinh hoạt” – một trong những sáng tác đầu tiên của Nguyễn Đức Trung ra đời trong hoàn cảnh này.

Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Nguyễn Đức Trung lại cùng nhiều đồng đội lên đường phục vụ chiến trường. Nhiều nữ TNXP, ngoài nhiệm vụ chung vẫn cùng anh tham gia biểu diễn văn nghệ giúp nâng cao đời sống tinh thần cho các cán bộ chiến sĩ ngoài mặt trận.

Chị Nguyễn Thị Tịnh, từng tham gia phục vụ chiến đấu tại mặt trận biên giới Tây Nam kể rằng, chị là một trong những người ít tuổi nhất tham gia lực lượng TNXP và có mặt trong buổi lễ lên đường ngày 28-3-1976. Vì nhỏ tuổi, không đủ tiêu chuẩn nên khi đăng ký, người tiếp nhận đơn không chấp nhận cho chị tham gia và đòi phải có giấy đồng ý của cha mẹ. 

Về xin cha mẹ nhiều lần không được, chị nghĩ ra cách “làm nư”, bỏ ăn bỏ uống. Cha mẹ đành phải chiều ý mà ký giấy cho đi. Những tháng ngày lao động khai hoang phục hóa tuy vất vả nhưng vui vẻ, yên bình. Chỉ đến khi tham gia phục vụ chiến tranh biên giới Tây Nam, chị mới cảm nhận được thế nào là sự khốc liệt của chiến trường mà lớp TNXP đi trước đã kinh qua.

Thực tế, không phải người nào tham gia lớp TNXP TP Hồ Chí Minh sau giải phóng cũng đều xuất phát với tâm thế sẵn sàng hy sinh, cống hiến. Nhưng, chính không khí lao động sôi nổi của tuổi trẻ trong một môi trường sinh hoạt chung đã trở thành ngôi trường lớn giúp họ rèn luyện, trưởng thành và trở thành những tấm gương đi đầu trong phong trào. Nhạc sĩ Nguyễn Cửu Dũng, tác giả ca khúc “Những bông hoa trên tuyến lửa” là một trong những trường hợp như thế.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Trung và các cựu TNXP kiêm văn công từng phục vụ chiến tranh biên giới Tây Nam hát lại ca  khúc “Những bông hoa trên tuyến lửa”.

Thời điểm tham gia phong trào, anh chưa định hình được mình đi đâu, làm gì, chỉ thấy bạn bè đồng trang lứa tham gia thì đăng ký tham gia cho đỡ thấy lạc lõng. Anh đi cùng chị gái, cả hai được phân về cùng một địa chỉ. 

Sau quãng đường dài đầy mệt mỏi, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt hai chị em là các nam nữ thanh niên lem luốc bùn sình đen từ đầu đến chân. Là trai thành thị, chưa trực tiếp tham gia lao động ở các vùng nông thôn nên Dũng lo lắng nhìn sang chị. Chị gái của Dũng cũng nắm chặt tay em, quay sang thì thầm: như thế này thì làm sao sống nổi? Hay là mình trốn về?. 

Nghĩ đến viễn cảnh phải sống trong ánh mắt không thiện cảm của người xung quanh, nhìn lại không khí lao động tấp nập của mọi người, cực khổ nhưng có phần vui vẻ, Dũng bảo chị ở lại. Anh thuyết phục chị gái: người ta sống được thì chắc chắn mình sống được…

Đã 40 năm trôi qua, nhạc sĩ Nguyễn Cửu Dũng vẫn khẳng định rằng đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất của anh thời tuổi trẻ. Lao động vất vả, đời sống kham khổ nhưng sự san sẻ yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến của những con người trẻ tuổi trong một tập thể đã trở thành động lực cho Nguyễn Cửu Dũng và đồng đội thi đua, phấn đấu. 

Phục vụ đời sống tinh thần của TNXP ngày ấy, rất nhiều ca khúc do các nhạc sĩ chuyên nghiệp, thậm chí đã rất nổi tiếng sáng tác thường được chọn biểu diễn, trong đó có “Bài ca thanh niên xung phong” của Phạm Trọng Cầu, “Khúc hát người đi khai hoang” của Lư Nhất Vũ, “Là thanh niên xung phong” của Phan Huỳnh Điểu… 

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống ngồn ngộn những tư liệu trước mắt luôn thôi thúc Nguyễn Cửu Dũng. Anh cũng tập tành sáng tác. Nhưng, cũng mãi đến chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra thì “Những bông hoa trên tuyến lửa” – một trong số các sáng tác mà anh ưng ý nhất về lực lượng TNXP mới ra đời. 

Thời điểm này, thông tin chiến sự nơi biên giới liên tiếp dội về. Xúc động mạnh bởi những tấm gương quả cảm, đặc biệt là câu chuyện của các nữ TNXP hy sinh trên chiến trường, nhớ đến bài thơ của Đỗ Trung Quân về TNXP, Nguyễn Cửu Dũng đã phổ nhạc rất nhanh.

“Những bông hoa trên tuyến lửa” nhanh chóng được phổ biến rộng rãi, đặc biệt là được hát rất nhiều trong các đêm văn công phục vụ chiến trường biên giới Tây Nam. Đến nay, ca khúc vẫn là một trong những sáng tác tiêu biểu về lực lượng TNXP trong giai đoạn này.

Nhớ những tháng ngày tham gia phong trào TNXP của TP Hồ Chí Minh từ năm 1976, hầu hết các cựu TNXP này đều khẳng định rằng đây là trường học lớn cho tuổi trẻ thành phố. Một trường Đại học đặc biệt, không có bằng cấp nhưng có tất cả. Đơn giản là vì nơi ấy, năm tháng ấy đã sản sinh ra một thế hệ, một lớp người sống xứng đáng và rất đỗi tự hào...

Hoa Nguyễn
.
.
.