Có một tháng tư như thế

Thứ Sáu, 28/04/2017, 13:57
Và đến buổi chiều ngày 30 tháng 4, các thầy cô giáo đang giảng bài được triệu tập hết lên phòng ban giám hiệu. Khi vừa về đến cửa lớp, thầy giáo chúng tôi kêu lên: “Các em ơi, miền Nam giải phóng rồi, giải phóng hoàn toàn rồi!”. Tất cả chúng tôi nhảy lên và hét vang: “Miền Nam giải phóng, miền Nam giải phóng…!”.


Khoảng một tuần trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi vẫn lên lớp đầy đủ nhưng sớm hơn mọi ngày. Đó là năm học phổ thông cuối cùng của chúng tôi. Chúng tôi tụ tập ở sân trường trước tấm bảng bằng xi măng để xem tấm bản đồ miền Nam. Cứ mỗi thành phố được giải phóng là thầy giáo phụ trách tuyên truyền của nhà trường lại vẽ một bông hoa to bên cạnh cùng với một lá cờ có ngôi sao năm cánh. Tuy vậy, nhưng khi vào lớp, chúng tôi lại náo nức nghe thầy giáo nói về tình hình chiến sự miền Nam. Có lẽ đó là những buổi lên lớp đặc biệt nhất của chúng tôi trong cả đời học sinh...

Và đến buổi chiều ngày 30 tháng 4, các thầy cô giáo đang giảng bài được triệu tập hết lên phòng ban giám hiệu. Khi vừa về đến cửa lớp, thầy giáo chúng tôi kêu lên: “Các em ơi, miền Nam giải phóng rồi, giải phóng hoàn toàn rồi!”. Tất cả chúng tôi nhảy lên và hét vang: “Miền Nam giải phóng, miền Nam giải phóng…!”. Chúng tôi ùa đến ôm chặt lấy thầy giáo. Trong chúng tôi, có nhiều người khóc nức nở. Thời gian còn lại của buổi sáng đó, các thầy cô không ai giảng bài mà chỉ nói về miền Nam. 

Năm đó chúng tôi thi tốt nghiệp nhưng thực sự nhiều đứa chẳng tập trung ôn thi được bao nhiêu. Những ngày sau đó ở đâu người ta cũng nói về đất nước được thống nhất. Thực sự ngày đó tôi nghĩ nếu thi trượt phổ thông cũng chẳng có gì quan trọng đối với tôi vì đất nước đã thống nhất, chiến tranh đã kết thúc thì làm gì cũng hạnh phúc và tôi sẽ sẵn sàng học lại một năm nữa. 

Sau khi nghe tin miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, một nhóm bạn học chúng tôi, những học sinh đã cùng nhau chích máu ở đầu ngón tay ký vào một lá đơn xin nhập ngũ trước đó mấy tháng nhưng không được chấp nhận, kéo nhau ra sau trường buồn bã vì đã đánh mất cơ hội được tham gia vào cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc. Chúng tôi ngồi bên nhau và tưởng tượng ra bao điều nếu chúng tôi ở trong những đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn trong ngày 30 tháng 4 lịch sử ấy.

Bức ảnh nổi tiếng “Mẹ con ngày gặp mặt” của Lâm Hồng Long phản ánh niềm vui đoàn tụ và thống nhất đất nước.

Chủ nhật ngay sau đó, tôi đạp xe về quê. Tôi muốn về với mẹ trong những ngày đất nước ngập tràn niềm vui này. Tôi trọ học cách nhà mười lăm cây số. Từ trên dốc đê tôi thấy cờ đỏ cắm rợp làng. Có những gia đình không có cờ thì họ tự làm cờ. Làng tôi những ngày ấy trang hoàng như có hội lớn. 

Xóm nào cũng làm một cây đèn kết cờ hoa rực rỡ. Ban chủ nhiệm hợp tác xã quyết định mổ lợn trong trại chăn nuôi chia cho dân làng để liên hoan mừng miền Nam giải phóng, mừng đất nước thống nhất. Đội chèo của làng được triệu tập gấp để tập vở mới chuẩn bị cho đêm văn nghệ chào mừng đất nước thống nhất. Rất nhiều những bức tường của những ngôi nhà ở bên đường làng được quét vôi trắng và kẻ lại khẩu hiệu. 

Trước kia trên những bức tường đó là những khẩu hiệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ như: “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “ Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… Mẹ tôi nói mấy anh chị trong ban văn hóa xã thức suốt mấy ngày đêm quét lại vôi tường và viết những khẩu hiệu mới lên đó như “Nước Việt Nam vô địch”, “Tổ quốc Việt Nam từ nay hòa bình vĩnh viễn”, “Quân đội Việt Nam là đội quân giỏi nhất thế giới”....

Suốt những ngày đó, làng tôi vui như Tết. Buổi tối, người làng thường tụ tập ở nhà nhau uống nước chè tươi, hút thuốc lào và nói chuyện đến khuya về những ngày gian khổ của chiến tranh như là chuyện từ rất lâu rồi cho dù chiến tranh mới kết thúc được ít ngày. Nhưng nhiều nhất là chuyện những người lính chưa trở về. Những gia đình có con cháu, anh em đi bộ đội đều náo nức đợi chờ họ. Đặc biệt là những người vợ đã xa chồng nhiều năm. 

Nhiều gia đình quét lại vôi nhà, lợp lại mái nhà như chuẩn bị cho một sự kiện trọng đại nào đó. Những gia đình có người đã hy sinh thì lau chùi ban thờ sạch sẽ và sắp mâm cơm cúng những người con đã ngã xuống trong sự nghiệp kháng chiến. Họ tin linh hồn những người lính đã hy sinh bây giờ mới thực sự trở về với gia đình, làng xóm. 

Nhưng cũng có những người phụ nữ vừa đau khổ vừa sợ hãi khi nghĩ đến một ngày không xa người chồng trở về từ mặt trận. Trong những năm tháng dằng dặc chờ chồng, họ đã “sa ngã”, thậm chí có con với người khác. Có một người phụ nữ làng tôi đã ôm đứa con bé bỏng ngoài giá thú của mình bỏ làng ra đi. Chị để lại một lá thư tạ lỗi với người chồng của mình. Chị đã chung thủy chờ chồng hơn mười năm và đến năm cuối cùng của cuộc chiến tranh thì gục ngã. 

Chuyện những người phụ nữ như thế không phải là hãn hữu. Nhưng có những người lính trở về đã đi tìm vợ mình và đưa vợ cùng đứa con riêng của vợ về quê. Họ buồn nhưng họ hiểu cái giá của chiến tranh và hiểu sự hy sinh của những người phụ nữ chờ chồng biền biệt.

Ngay đầu con đường đất từ bến đò lên mặt đê đầu làng tôi có một cây đa. Dưới gốc đa là một quán nhỏ bán nước chè xanh và một vài thứ quà quê như bánh khoai, bánh sắn, kẹo vừng và hoặc khoai luộc, ngô nướng theo mùa vụ ở làng tôi. Bất cứ ai khi đi xa về qua đò đều vào quán nước trước khi về nhà. Bà bán nước mừng rỡ như đón một người thân trong gia đình mình về ăn Tết. 

Tôi thường ngồi đó uống một bát nước chè xanh trước khi về nhà. Và thực sự, quán nước lợp lá mía đó như chính ngôi nhà của mình. Trong khi tôi uống nước và ngắm nhìn xuống bãi sông vàng hoa cải cuối năm, bà bán nước kể cho tôi nghe những câu chuyện của làng mà những ngày đi làm ăn xa ở thành phố tôi chưa được biết. Tôi không bao giờ quên được những ngày tháng sau khi chiến tranh kết thúc. Quán nước chè xanh này đã trở thành một trạm thông tin vô cùng quan trọng của làng. Những ngày tháng đó, sự đợi chờ lớn lao nhất của người làng tôi là đợi chờ sự trở về của những người lính. Thi thoảng lại có một người lính trở về. 

Con sông Đáy không phải quá rộng, vì thế ngồi trong quán nước nhìn sang bến nước bờ bên kia, bà bán quán có thể nhận được người đang gọi đò qua sông là đàn ông hay đàn bà và nhất là những người lính bởi chiếc mũ cối họ đội và chiếc ba lô khoác sau lưng. 

Mỗi khi nhận ra có một người lính đang đợi đò qua sông thì tất cả những người đang làm việc trên cánh bãi ở bên này sông rối rít cả lên. Họ gọi nhau í ới thông báo có một người lính trở về. Họ ngừng hết mọi công việc để hướng về bên kia sông. Họ giục ông lái đò nhanh nhanh chèo đò sang đón người về. Có người còn gọi to sang bên kia sông hỏi rằng đó có phải người làng Chùa không. 

Sau khi đón được khách, nếu người lính đó là người làng Chùa thì ông gọi to thông báo cho những người làng đang đứng chờ trên bến sông “Anh Bàn con bà Bất về... Anh Bàn còn bà Bất về...”, “Anh Ấm con bà Ấm Keng về, anh Ấm con bà Ấm Keng về...”. 

Ngay sau khi nhận được thông tin từ ông lái đò, bà hàng nước lập tức sai đứa cháu chạy thật nhanh vào làng thông báo cho gia đình của người lính cái tin nóng hổi người lính sắp về đến nhà. Tôi đã từng chứng kiến vài lần cảnh tượng ấy. Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn không cầm được nước mắt vì xúc động, vì những năm tháng mất mát đau thương nhưng kiêu hãnh và đẹp đẽ nhường nào.

Có một câu chuyện mà tôi không bao giờ quên được. Đó là chuyện về bà Đoán làng tôi. Bà chỉ có một người con trai, anh đã xung phong nhập ngũ bằng được và đã hy sinh, có giấy báo tử trong thời gian chiến tranh. Nhưng bà Đoán vẫn nghĩ con mình sẽ trở về. Những ngày sau khi chiến tranh kết thúc, thi thoảng bà Đoán ghé qua quán nước bên bến sông và dặn đi dặn lại bà bán nước rằng nếu anh Đoán về thì phải sai cháu chạy vào báo cho bà ngay lập tức. Chứng kiến cảnh đó, ai cũng ứa nước mắt. 

Không chỉ mình bà Đoán, làng tôi còn có nhiều gia đình mà những người con của họ đã đi vào mặt trận từ bến đò quê nhưng không trở về nữa. Trong trường ca Những người lính của làng (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1996), tôi viết về những người lính ra đi từ làng tôi và đã hy sinh, trong đó có một đoạn viết về linh hồn một người lính trở về và nói với người yêu của anh:

Em ơi anh đã trở về
Chim ri gọi bạn chân đê cuối chiều
Mây trời chín một màu rêu
Cánh chim khỏa gió
           chia đều mênh mông
Anh về một phía bờ sông
Lòng đầy thương nhớ
              mà không gọi đò

...........................................

Em ơi ! Anh đã trở về
Trăng thanh chảy mát
                bốn bề đêm thanh
Nếu em còn có yêu anh
Xin yêu người ấy để thành lứa đôi
Lòng anh hóa đám mây trời
Bay trong tiếng hát
              con người thương nhau.

Nhưng tôi tin có những con đò làm bằng mây trắng vẫn đưa linh hồn những người lính đã hy sinh trở về với mẹ mình. Và có lúc đứng bên bến đò quê trong ánh hoàng hôn đang lan dần trên mặt sông ngày cuối năm, tôi như thấy có biết bao người lính đã hy sinh mà gia đình họ cũng chưa biết hài cốt họ ở đâu, giờ đang trở về đứng bên kia sông và tiếng gọi đò của họ vang trong những ngọn gió thổi về làng.

Chỉ mấy ngày sau khi chiến tranh kết thúc, những người làng tôi đã thay đổi cuộc sống của họ. Họ bắt đầu nghĩ về một tương lại tốt đẹp và cảm thấy tương lai ấy đang ở ngay trước cửa nhà và chỉ bước ra là chạm vào.

Tôi tin có những con đò làm bằng mây trắng vẫn đưa linh hồn những người lính đã hy sinh trở về với mẹ mình. Và có lúc đứng bên bến đò quê trong ánh hoàng hôn đang lan dần trên mặt sông ngày cuối năm, tôi như thấy có biết bao người lính đã hy sinh mà gia đình họ cũng chưa biết hài cốt họ ở đâu, giờ đang trở về đứng bên kia sông và tiếng gọi đò của họ vang trong những ngọn gió thổi về làng.

Nguyễn Quang Thiều
.
.
.