Có một làng miền Nam trên quê hương Quảng Bình

Thứ Tư, 07/04/2010, 08:36
Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, tại Lệ Ninh, Lệ Thuỷ, Quảng Bình, hơn 1.000 con em của 27 tỉnh, thành miền Nam đã thành lập nên liên đoàn sản xuất miền Nam. Sau đó, Lệ Ninh chính là nơi đón các thương binh từ các trại thương binh trở về; đồng thời là nơi tập trung quân nhu, cán bộ chiến sĩ vào Nam chiến đấu.

Cũng từ mảnh đất này hàng trăm con em đã trở lại miền Nam chiến đấu cho đến ngày đất nước toàn thắng. Hoà bình, với suy nghĩ "Việt Nam đâu cũng là nhà", con em miền Nam ở Lệ Ninh đã lập nên một thị trấn trù phú trên vùng đất cát Quảng Bình.

Có sức người biến sỏi đá thành cơm

Bước sang những năm 60 của thế kỷ XX, với khí thế hồ hởi xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên toàn miền Bắc, hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên ở các đơn vị sản xuất miền Nam được huy động về vùng đồi núi Lệ Ninh, Lệ Thuỷ phát huy sức trẻ lao động, sản xuất. Bên ấm nước chè nóng của những ngày cuối xuân, đầu hạ, ông Phạm Đình Khương, người vinh dự vừa nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng hào sảng kể về những tháng năm "vừa chiến đấu, vừa sản xuất" trên vùng đất Lệ Ninh: Quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, sau nhiều năm quần nhau với giặc, ông Khương bị thương và được đưa ra Bắc năm 1954.

Tháng 7/1958, ông Khương được điều động về Lệ Ninh cùng nhiều đồng chí miền Nam khác khai hoang, lập địa bàn, làm hậu cứ chuẩn bị chờ lệnh của cấp trên vào Nam chiến đấu. Bấy giờ Lệ Ninh là vùng đất nằm lọt thỏm giữa chốn thâm u của núi rừng. Nhiều đêm, hổ, mang, voi vào quần nát cả lán trại. Tất cả còn rất hoang vu, chỉ có dấu chân của bộ đội Trường Sơn đi qua. Song với suy nghĩ "vì miền Nam đang đau thương" mỗi người đã làm việc bằng hai, với cây cuốc, cây rìu, con em miền Nam nơi đây san sẻ lau lách, hạ cây, bẩy đá, đổi sức người cho lúa, ngô, khoai, sắn mọc lên.

Thế hệ thứ 3 con em miền Nam ở thị trấn Lệ Ninh luôn học hành đến nơi đến chốn.

"Vừa vượt mình khai khẩn rừng hoang, vừa chiến đấu với kẻ thù, đó là những năm tháng đáng nhớ, đáng tự hào nhất đối với chúng tôi", ông Nguyễn Đình Khoa, người tự vệ trưởng đầu tiên của Lệ Ninh khẳng định như vậy. Bắt đầu từ năm 1964, giặc Mỹ đánh phá điên cuồng tuyến lửa Quảng Bình, trong đó điểm ác liệt nhất lại là Lệ Ninh. Bởi Lệ Ninh vừa là nơi tập trung quân lương, bộ đội để trực tiếp chuyển vào miền Nam, vừa là nơi xây dựng nông trường XHCN, Lệ Ninh có Binh trạm 16 của Bộ đội Trường Sơn, đồng thời nơi có ngã ba Dân Chủ trên đường 10 qua nước bạn Lào… Đó là những yếu tố để B52 của địch chà đi xát lại vùng này.

Địch đánh ban ngày, các đoàn viên lại sản xuất ban đêm. Với ý chí thống nhất nước nhà, nỗi trăn trở với quê hương miền Nam, hơn 1.000 thanh niên miền Nam ở Lệ Ninh đã cùng với một ít thanh niên, đoàn viên địa phương Quảng Bình đã khai hoang được hơn 1.000 ha đất núi hoang vu để trồng cao su, chè, lạc, lúa… Những tấn lương thực đầu tiên lại được chuyển vào miền Nam theo các đoàn quân ra trận. Trong những năm đánh Mỹ, Lệ Ninh là nơi nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng và Chính phủ; Bác Tôn Đức Thắng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… đã từng vào thăm và động viên anh chị em bền gan vững chí chiến đấu, lao động sản xuất chờ ngày về lại quê hương.

35 năm trọn vẹn nghĩa tình

Kết thúc chiến tranh, có gần 200 cán bộ, đoàn viên của Lệ Ninh hy sinh anh dũng, 320 người để lại một phần cơ thể trên mảnh đất này. "Khi đi qua vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương để tập kết ra Bắc, ra Lệ Ninh xây dựng nông trường, chúng tôi đều giơ 2 ngón tay để chào quê hương miền Nam. Hai ngón tay biểu tượng cho chữ Victoria (chiến thắng), hai ngón tay cũng có nghĩa là hẹn 2 năm sau trở lại quê hương theo hiệp định Geneve, nhưng không ngờ phải mất 20 năm sau mới có dịp trở lại quê nhà khi đất nước được giải phóng", cụ Nguyễn Cương, quê Bình Định hiện sống ở Lệ Ninh nhớ lại.

Sau chiến tranh, chỉ một ít người trở về miền Nam, còn đa số bám trụ ở Lệ Ninh xây dựng gia đình lập nên một vùng quê mới. Mỗi người ở mỗi làng quê khác nhau, người ở Bình Định, người Ninh Thuận, người Quảng Ngãi, Quảng Nam… nhưng họ đã đùm bọc, nâng đỡ giúp nhau xây dựng cuộc sống mới ở Lệ Ninh. Từ sự cần cù chịu khó, những con em miền Nam tập kết ra Lệ Ninh đã xây dựng nên một nông trường, một thị trấn trù phú như ngày hôm nay.

Điều đáng ghi nhận ở Lệ Ninh là không chỉ phát triển về kinh tế, mà nhiều mặt trong đời sống xã hội như văn hoá, giáo dục, y tế cũng được quan tâm phát triển vượt bậc so với mặt bằng chung ở Quảng Bình. Nhiều gia đình trở thành gia đình cử nhân như nhà bác Nguyễn Hà, nhà bác Phạm Đình Khương, nhà bác Nguyễn Đình Khoa…

Bí thư Đảng uỷ thị trấn Lệ Ninh, anh Nguyễn Đình Thắng tự hào nói: "Hầu hết các hộ gia đình ở thị trấn đều có thu nhập từ 30-50 triệu đồng/năm trở lên. Gần 100% gia đình có điện thoại, ti vi, xe máy. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chưa đầy 3%, trẻ em được chăm sóc, đến trường, tỷ lệ học sinh giỏi ngày càng cao. An ninh trật tự luôn được giữ vững". Mỗi dịp đầu năm, con em miền Nam ở Lệ Ninh lại tổ chức họp đồng hương, trong buổi họp người lớn tuổi thường khuyên dạy con cháu gắng học thành tài. Những chuyện vui, chuyện buồn lại được bà con động viên, sẻ chia.

Chuẩn bị kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, giải phóng quê hương, nhiều con em ở Lệ Ninh đang tìm về quê hương với tấm lòng tri ân nguồn cội

D. Công Khánh
.
.
.