Kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2014):

Có một con đường Trường Sơn luôn lấp lánh

Thứ Ba, 20/05/2014, 08:23
Không hiểu sao trong suốt những ngày cả nước đang cùng hướng về Hoàng Sa, trong đầu tôi lại luôn hiện lên hình ảnh của những cô gái, chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi đi mở đường Trường Sơn, con đường huyền thoại. Những cô gái sẵn sàng quấn dù pháo sáng quanh mình dàn hàng làm cọc tiêu cho hàng trăm chuyến xe chở vũ khí, đạn dược, lương thực vượt trọng điểm vào chiến trường. Tôi cũng thấy hình ảnh của đội hơn 40 cô gái lái xe Trường Sơn, vượt suối, vượt đèo, vượt qua mưa bom, bão đạn chỉ với chút ánh sáng của chiếc đèn rùa nơi đầu xe… Tinh thần xung phong của cả một thế hệ thanh niên thời hoa lửa ấy vẫn chung một mạch nguồn thôi thúc thế hệ trẻ hôm nay, không khoan nhượng và không run sợ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

1. Căn nhà nhỏ nằm trong ngõ một con phố trung tâm Thủ đô Hà Nội của gia đình TS Lê Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, Trưởng ban liên lạc toàn quốc Nữ chiến sĩ Trường Sơn, từ lâu luôn là điểm hẹn của những người đồng đội cũ, những cô gái từng nếm mật, nằm gai, uống nước suối, ngủ hầm, từng chịu những trận sốt rét rừng đến xanh da, thâm môi. Giờ thì các cô, các chú đều đã hai màu tóc, lên chức ông, chức bà nhưng mỗi dịp gặp nhau, ký ức của một thời tuổi trẻ lại ùa về. Họ lại ríu rít chuyện trò, lại rơm rớm nước mắt, lại ngùn ngụt tinh thần cho những chuyến đi vận động, xây dựng nhà, lo cuộc sống cho những đồng đội vẫn còn đơn thân, những đồng đội lam lũ, vất vả ở Bắc Giang, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Hôm tôi đến nhà cô Thảo, cũng là lúc cô Nguyễn Thị Chén, một đồng đội cũ của cô Thảo ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa vừa mới ra tới. Không cần phải hỏi thăm nhiều, nhìn vóc dáng nhanh nhẹn của cô Chén, tôi cũng phần nào đoán được vì sao 46 năm về trước cô lại có mặt trong đội xung kích, đứng dàn hàng làm cọc tiêu cho xe vượt tuyến, ứng cứu đường, thông xe, rà phá bom nổ chậm. Cũng giống như nhiều nữ thanh niên xung phong thời ấy, cô Chén vừa sang tuổi 18 đã tình nguyện lên đường vào chiến trường trong biên chế đơn vị C893-đội 89-đường 12-Đoàn 559.

2. Nhìn lại thống kê số lượng bom mìn trút xuống tuyến đường Trường Sơn ngày ấy mà không khỏi rùng mình. Cô Lê Thị Phương Thảo hồi tưởng lại, mùa xuân Mậu Thân năm 1968, mức độ oanh kích đánh phá của địch càng tăng lên gấp bội hòng bịt chặt cửa khẩu vượt Trường Sơn, hủy diệt vị trí yết hầu con đường ra trận của ta. Chỉ tính riêng trong thời gian này, bình quân mỗi đội viên Đội TNXP 25 của cô Thảo phải chịu đựng 145 quả bom cỡ lớn. Riêng trọng điểm Cua chữ A do C5 thuộc Đội đảm nhận phải chịu đựng 969 lần oanh kích của pháo đài B52 đánh phá với trên 10.000 tấn bom. Bình quân mỗi người trụ ở Cua chữ A phải chịu đựng 606 quả bom cỡ lớn, chưa kể trên 2.000 trận đánh phá bằng máy bay phản lực với hàng tấn bom đạn các loại. Hằng đêm, địch thả từ 600-700 quả pháo sáng trên trọng điểm để phát hiện mục tiêu và uy hiếp tinh thần của người mở đường…

Đội nữ lái xe Trường Sơn trước giờ nhận nhiệm vụ.

3. “Có run sợ không khi mà có nhiều cô lúc đó ban đêm ngủ còn sợ ma?”, cô Nguyễn Thị Chén bật ra câu trả lời thật nhẹ: “Lúc chiến đấu chẳng biết sợ gì. Tâm thế ngày đó của tuổi trẻ là được lên đường đánh giặc. Chỉ sợ nhất là không được đi”. Điều này cũng lý giải tại sao cô Nguyễn Thị Tuế, một trong những tay lái lụa của đội nữ lái xe Trường Sơn anh hùng, đã phải “nịnh” mẹ để được đi làm công nhân quốc phòng để có dịp được vào tuyến trong. Cô Tuế xúc động nhớ lại cảm giác nhận được lệnh điều động vào tuyến trong “Tim mình đập loạn xạ. Đi bộ từ Gia Lâm – Hà Nội theo các con đường giao liên vào đến Quảng Bình, làm công việc đào đường rồi đến năm 1966, chiến tranh ác liệt, được chọn đi học lái xe”. Cô gái vóc dáng nhỏ thó, 45kg đã bước vào nghiệp cầm vô lăng sau 45 ngày huấn luyện ở Nghệ An. Chiếc xe đầu tiên cô cầm lái là chiếc xe goòng chở lương thực, thực phẩm, đạn dược đi từ Hương Khê vào sâu bên trong Đò Vàng (Hà Tĩnh).

Chiến tranh càng ngày càng ác liệt, cấp trên đã quyết định đưa đội nữ lái xe vào điển hình vượt trọng điểm, lấy tinh thần cho chiến sĩ. Sau đó, cô Tuế và các đồng đội nữ lái xe của mình cùng những chiếc xe Gat 51, 63 đầu tời, đã thực hiện thành công hàng trăm, hàng nghìn chuyến hàng từ hậu phương ra tiền tuyến và chuyển thương binh từ các trạm quân y dã chiến an toàn tuyệt đối. Cô Tuế tâm sự: “Giờ nghĩ lại không hiểu sao lúc đó mình làm được như thế. Trên thì pháo sáng, dưới thì đèo cao, vực thẳm. Kể cả mai hy sinh, hôm nay vẫn phơi phới”.

Chính cái tinh thần mãnh liệt ẩn bên trong những thân hình mảnh mai ấy mà đội quân lái xe tóc dài đã tiếp thêm năng lượng, nghị lực sống, động viên cho thương bệnh binh vượt qua đớn đau thể xác dưới bom đạn kẻ thù. Khi gặp những nữ lái xe Trường Sơn, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã phải thốt lên: “Không thể tin là em đã qua/Những túi bom bay mù bụi đỏ/Đường gập ghềnh ngổn ngang cây đổ/Trời lô nhô cây gỗ cưa ngang…/Em là cô bộ đội lái xe/Giặc đuổi bắn bốn bề lửa cháy/Căn buồng lái là buồng con gái/Vẫn nhành hoa mềm mại cài ngang”.

4. Để có 1m đường cắt ngang đỉnh núi là sức người, sức của, là mồ hôi, máu và nước mắt của một thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhớ mãi câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí nghị lực; tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”. Tất cả những mất mát, hy sinh đều hướng đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Câu chuyện của các nữ thanh niên xung phong mà tôi gặp trong ngày chuẩn bị kỷ niệm 55 năm ngày Mở đường Hồ Chí Minh và Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn 19/5/1959 – 19/5/2014) tại nhà TS Lê Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Hội TNXP Việt Nam, lại tiếp tục là khí thế sục sôi, sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ nào khi Tổ quốc cần. Những ngày này, cả cô Thảo, cô Chén, cô Tuế, những cô gái mở đường Trường Sơn, lái xe phục vụ chiến trường ngày nào, giờ đều chung niềm phẫn nộ trước hành động ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Cô Nguyễn Thị Chén cho rằng, “Chúng tôi thống nhất cao với tuyên bố của Thủ tướng, chủ trương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội về thái độ giải quyết trước vấn đề Biển Đông. Nếu sức chúng tôi còn làm được gì thì luôn sẵn sàng. Việc đầu tiên là động viên, con cháu, gia đình, dòng họ thực hiện bảo vệ bằng được chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; vận động quyên góp ủng hộ cho các chiến sĩ đang chiến đấu để bảo vệ biển đảo”. Truyền thống của Việt Nam muôn đời nay vẫn vậy, chống mọi kẻ thù xâm lược “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”

Thu Uyên
.
.
.