Có một “Mỹ Lai” ở Điện Biên Phủ

Chủ Nhật, 11/05/2014, 14:44
Noong Nhai từng là một bản trù phú bậc nhất của lòng chảo Mường Thanh, nhưng số phận nghiệt ngã đã biến địa danh này thành một trong chương đau thương khắc ghi tội ác của thực dân Pháp. Ngày 25/4/1954, 444 người dân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em bị đội quân hèn hạ sắp thua cuộc ở Điện Biên Phủ ném bom sát hại...

Sáu mươi năm đã trôi qua, mặc dù với nhiều người ký ức đau thương về vụ thảm sát kinh hoàng vẫn còn nhói buốt nhưng từ “mảnh đất chết”, cuộc sống mới đã hồi sinh…

Noong Nhai 60 năm vết thương chưa lành sẹo

Trời tự dưng trở nên u ám, sũng sĩnh nước khi những đám mây đen vần vũ kéo đến từ phía Đông. Chúng tôi tìm đến nhà ông Lò Văn Inh ở bản Noong Nhai 1, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên khi mưa bắt đầu nặng hạt. Năm nay đã bước sang tuổi 79, ông Inh không còn khỏe nữa. Ông nguyên là Chánh án TAND huyện Điện Biên, là một trong những nhân chứng ít ỏi còn sống trong vụ thảm sát Noong Nhai cách đây 60 năm. Ký ức đau buồn làm khuôn mặt ông khắc khổ, đôi mắt mờ đục dường như vẫn đau đáu bao nỗi niềm. Ông bắt đầu câu chuyện với giọng run run, đứt quãng vì xúc động…

Tháng 11/1953, ngay sau khi nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ, Pháp đã cho quân càn quét, dồn dân vào các trại tập trung. Noong Nhai khi đó là một trại tập trung lớn nhất, chúng nhồi nhét khoảng hơn 3.000 người của các bản Mường Thanh, Pom La, Thanh An, Noong Luống, Noong Hẹt, Pom Loi, bản Khá... Người dân Khơ Mú ở các bản vùng cao như Núa Ngam, Pú Nhi (nay thuộc huyện Điện Biên Đông) cũng bị giặc ép bỏ nhà cửa xuống trại tập trung. Mục đích của quân Pháp cực kỳ nham hiểm, chúng muốn tách người dân khỏi Việt Minh, lấy người dân làm bia đỡ đạn một khi cuộc chiến nổ ra. Ông Inh kể rằng, khi đó quân Pháp cứ từng toán khoảng 1 trung đội, kèm theo xe ủi, ôtô tải lùng sục vào tận các bản để bắt trâu, bò, lợn, gà. Nhà thì chúng cho xe kéo đổ lấy cột về làm hầm hào công sự. Dân không đi cũng không được vì mọi thứ đã bị giặc cướp phá tan tành.

Ông Lò Văn Inh (áo trắng) kể chuyện vụ thảm sát với lớp trẻ ở Noong Nhai.

Đám tay chân trước vốn là đệ tử của Đèo Văn Ún (con trai út Đèo Văn Long) Tri châu Điện Biên do tên Lò Văn Piệng, tào động cầm đầu quay sang đàn áp người dân. Một cổ hai tròng, hơn 3.000 người bị giặc dồn về sống tạm bợ, vật vờ trong các căn lều dựng tạm bằng tranh, tre, nứa, lá kéo dài từ bản Noong Nhai đến bản Pom La. Thức ăn chẳng có gì vì cánh đồng Mường Thanh trù phú giờ đã nham nhở các lô cốt, hầm hào của quân Pháp. Người dân sống tạm bợ bằng cách đi mót ngô, lúa, đào củ mài, củ ấu, bắt chuột, mò cua, ốc ngoài đồng sống qua ngày. Theo lời ông Inh kể, hàng trăm người bị bệnh tật phổ biến nhất là tiêu chảy và sốt rét; vài hôm lại có người chết. Ông Inh khi đó mới 16 tuổi, mặc dù gầy yếu nhưng đám tào bản, tào động tay sai cho Pháp cứ chiếu theo sổ sách để bắt ông và đám thanh niên trai tráng phải đi phu xây dựng hầm hào cho Pháp. Đàn bà con gái cô nào vô phúc có tí hương sắc lập tức bị bắt đi phục dịch, múa xòe, thậm chí làm vợ, làm bồ nhí của đội quân đồn trú. Ai dám ho he, chống cự lập tức chúng cho lính lôi ra hãm hiếp, xả súng bắn chết…

Đầu năm 1954, ông Lò Văn Inh hồi tưởng: Bộ đội từ phía Pú Tỉu, Tà Lèng, Nậm Khẩu Lệnh… đào hào xâm lấn dần vào vùng lòng chảo. Đêm đêm quân Pháp sợ hãi bắn pháo sáng sáng rực như ban ngày, ông Inh thấy rõ những đường hào cứ len lỏi dần đến khu vực lòng chảo. Sáng ra, quân Pháp lại huy động xe tăng và hò hét đám lính ra lấp hào. Nhưng lấp cũng chẳng xuể vì bộ đội ta có nhiều cách đối phó với quân Pháp, chủ yếu là sử dụng hình thức bắn tỉa. Khi bộ đội nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm, hôm nào ông Inh cũng thấy quân Pháp hò hét nhau rồi lại lũ lượt cáng về một đống tên chết trận hoặc bị thương rên la ông ổng. Sân bay Hồng Cúm (gần trại tập trung Noong Nhai) thất thủ, Pháp cay cú sử dụng súng cối bắn thẳng vào trại tập trung làm 21 người chết, mở đầu cho một cuộc thảm sát kinh hoàng vài tuần sau đó…

Khoảng 14h ngày 25/4/1954 cũng bình thường như mọi ngày khác ở cái trại tập trung nhếch nhác và bẩn thỉu, hầu hết các gia đình đều đang ở nhà, một số ra sông Nậm Rốm đào củ ấu, lấy rau má làm bữa tối thì bất ngờ tai họa ập đến. Ông Inh nhớ lại, ban đầu chỉ nghe tiếng máy bay ù ù rồi bất thần nghe tiếng uỳnh uỳnh liên tiếp, những cột khói kèm theo lửa đỏ rựåc bốc lên ngùn ngụt thiêu rụi tất cả. Nhiều tốp máy bay Pháp bổ nhào cắt bom, giội thẳng xuống đầu người dân vô tội. Trận ném bom chỉ kéo dài chừng 30 phút nhưng đã khiến cho 444 người (hầu hết là phụ nữ, người già và trẻ em) bị chết. Ông Inh hôm đó may mắn đang ở bờ sông Nậm Rốm nên thoát chết, nhưng hình ảnh những xác người nằm la liệt ám ảnh ông đến tận bây giờ. Hàng chục gia đình bị chết cả nhà, như: gia đình ông Lường Văn Puốn, ở bản Huổi Cánh, xã Thanh An có 22 người thì bị chết 21 người; gia đình ông Lù Văn Yêu, ở bản Hồng Cúm xã Thanh An, có 19 người thì chết 14 người; gia đình ông Lường Văn Cu ở bản Huổi Cánh, xã Thanh An có 7 người thì chết cả 7 người...

Hồi sinh trên vùng đất chết

Thấm thoắt cũng 6 thập kỷ đã trôi qua, từ một vùng đất ngầu máu đỏ Noong Nhai giờ đây đã xanh thắm trở lại. Chứng tích về vụ thảm sát kinh hoàng này là một tấm bia “Hận thù Noong Nhai” được xây dựng vào dịp kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chúng tôi tìm đến nhà ông Lò Văn Dọn, 86 tuổi, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Xương, một người cũng may mắn sống sót trong trận thảm sát. Ông bảo không muốn kể về cái ngày đau thương ấy dù trong tâm trí ông hình ảnh tang thương ấy chưa một ngày thôi nhói buốt. Ông rót rượu mời chúng tôi và mặn chuyện về những đổi thay kỳ diệu trên quê hương mình.

Noong Nhai nói riêng và Thanh Xương nói chung giờ không chỉ hồi sinh mà phát triển mạnh mẽ. Từ tay cày tay cuốc, cuộc sống thuần nông người dân Noong Nhai đã trở thành nông dân sản xuất giỏi hoặc doanh nghiệp làm giàu chính đáng bằng sức lao động ngay trên mảnh đất quê hương. Hiện nay 90% hộ gia đình được ngói hoá; 500 hộ có xe máy, toàn xã có 34 cái máy xay xát, 50 cái máy phay, máy gặt đập liên hợp, 70 ôtô và công nông... Các loại giống nếp 97, gạo tẻ thơm, IR64 lần lượt được gieo cấy thay thế nhưng giống địa phương, đưa năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha/vụ và trở thành hàng hoá đi khắp cả nước và xuất khẩu sang thị trường Lào và Trung Quốc.

Từ nhiều năm nay, Thanh Xương luôn là một trong những xã điển hình của Điện Biên Phủ nói riêng, Tây Bắc nói chung trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… khi lên Điện Biên đều dành thời gian xuống thăm hỏi nhân dân các dân tộc xã Thanh Xương. 1.860 hộ, hơn 7.800 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc chính là Thái, Kinh, Khơ Mú sinh sống ở 26 thôn, bản đã có một cuộc sống khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,8%. Đặc biệt Thanh Xương còn là một điểm sáng trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. “Một xã có tới hơn 350 đảng viên, hơn 2.000 hội viên các đoàn thể quần chúng, trong đó có 347 hội viên CCB thì không thể để cho tội phạm, cái xấu hoành hành” - Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Muôn khẳng định với niềm tin sắt đá.

60 năm đã trôi qua, rất nhiều nhân chứng của vụ thảm sát Noong Nhai mà nhiều người vẫn gọi là “Mỹ Lai ở Tây Bắc” giờ đã thành thiên cổ. Những người còn minh mẫn như ông Lò Văn Inh chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Ông và người dân Noong Nhai chưa bao giờ nguôi ngoai quá khứ đau thương cùng với tội ác của giặc Pháp, nhưng ông bảo cũng cần gác lại để tiến lên phía trước vì con cháu chúng ta còn nhiều thứ để lo toan, trăn trở. Nhìn nét mặt rạn đầy vết chân chim cùng với tấm lòng bao dung, vị tha của người đảng viên già, chúng tôi như đọc được niềm tin và sức sống mãnh liệt của người Noong Nhai và càng tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng…

Vũ Mạnh Hà
.
.
.