Có hay không MHB Trung ương bao che cho MHB An Giang?

Thứ Năm, 15/12/2005, 17:32

Sau khi có những xôn xao về sai phạm của Phan Văn Phụng, Giám đốc Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long, Chi nhánh An Giang (tên giao dịch là MHB An Giang), ngày 25/11/2005, MHB trung ương, cơ quan chủ quản của MHB An Giang, có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Qua công văn này, dư luận đặt vấn đề, phải chăng đây là sự bao che cho những hành vi sai trái?

Trong phần đầu của công văn do MHB trung ương gửi ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Huỳnh Nam Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) MHB trung ương cho rằng: “Những vấn đề báo nêu chủ yếu là những sự việc từ các năm trước, đã được thể hiện trong biên bản thanh tra của Ngân hàng Nhà nước An Giang, cũng như trong các lần kiểm tra nội bộ thường xuyên theo định kỳ của Hội sở MHB trung ương. Một số vấn đề báo nêu cũng đã được xử lý và khắc phục xong... Qua báo cáo của Đoàn kiểm tra nội bộ, kết luận của Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh An Giang (năm 2004 và 6 tháng đầu năm 2005), cho thấy: Ông Phan Văn Phụng không có sai lầm gì lớn đến mức phải xử lý kỷ luật”.

Ở đây, không hiểu vô tình hay cố ý, mà ông Chủ tịch HĐQT MHB trung ương Huỳnh Nam Dũng lồng ý kiến cá nhân ông vào kết luận của Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh An Giang, khiến nhiều người ngộ nhận. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước An Giang chưa hề kết luận: “Ông Phan Văn Phụng không có sai lầm gì lớn đến mức phải xử lý kỷ luật”. Cũng trong công văn này, ông Huỳnh Nam Dũng không tiếc lời ca ngợi MHB An Giang, rằng: “...Đã xây dựng được mạng lưới bao gồm 1 chi nhánh cấp một, 3 chi nhánh cấp hai với dư nợ hơn 700 tỉ đồng, góp phần to lớn vào phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực cho vay làm nhà tại một trong những khu vực trọng điểm lũ lụt của đồng bằng sông Cửu Long”.

Nhưng, thực tế lại không phải như vậy. Căn cứ vào số dư nợ với những khoản cho vay của MHB An Giang đến nay vẫn chưa đòi được, có thể thấy khá nhiều món nợ lớn - từ 1 tỉ trở lên đều không phải cho vay để... làm nhà chống lũ lụt: Doanh nghiệp (DN) Ngô Phát vay tiền đóng sà lan, còn nợ 4,1 tỉ; DN Thành Vinh vay xây khách sạn, còn nợ 3 tỉ; DN Thoại Châu nợ 1,5 tỉ; DN Thiên Lợi nợ 5 tỉ; Công ty TNHH Long Giang nợ 2,2 tỉ... rất khó có khả năng thu hồi. Chỉ tiêu nợ quá hạn được giao là dưới 1% nhưng tính đến ngày 30-6-2005, con số này ở MHB An Giang là 2,07%, bình quân mỗi cán bộ tín dụng quản lý 12,2 tỉ đồng tiền nợ!

Riêng chuyện: “Một số vấn đề báo nêu cũng đã được xử lý và khắc phục xong”, thì hãy xem MHB trung ương và MHB An Giang xử lý khắc phục như thế nào? Tháng 8/2004, khi phát hiện MHB An Giang tuyển dụng một số cán bộ, nhân viên sai nguyên tắc, MHB trung ương có công văn, yêu cầu MHB An Giang thành lập hội đồng thi, tổ chức thi tuyển rồi niêm phong và gửi kết quả về Phòng Tổ chức cán bộ MHB trung ương để chấm điểm.

Ngày 10/9/2004, MHB An Giang tiến hành tổ chức thi tuyển cho 12 người. Khi các thí sinh đang làm bài thi, bà Lê Thị Như Thủy, lúc đó là Phó giám đốc Chi nhánh huyện Châu Phú, trực thuộc MHB An Giang (và sau khi ông Phan Văn Phụng ly dị vợ, thì bà Thủy trở thành vợ ông Phụng), đã tự tiện vào phòng thi, lấy đề thi kế toán và đề tín dụng, đưa đi photo rồi đem ra ngoài cho người giải. Sau đó, bà Thủy cầm bài giải vào đưa cho “gà” của bà. Kết quả: Đề thi tín dụng có những bài giống nhau 100%, đề thi kế toán giống nhau 85% nên cuộc thi này đã bị MHB trung ương hủy bỏ.

Trong bản tự kiểm điểm ngày 20/10/2004, bà Lê Thị Như Thủy viết: “Do nhận thức không đúng, tôi có tham gia vào việc giải đề thi tín dụng khiến cho kết quả không được công nhận...”. Thế nhưng, bà Lê Thị Như Thủy - sau khi làm bản kiểm điểm nhận sai lầm, thì không phải chịu bất kỳ một hình thức kỷ luật nào, ngoài Quyết định số 195 của MHB trung ương, do ông Tổng giám đốc Nguyễn Phước Hòa ký, điều chuyển bà từ MHB An Giang sang công tác tại MHB tỉnh Kiên Giang, và lý do điều chuyển được nêu rất chung chung: “Theo đề nghị của Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và đào tạo”.  Trước sự việc ấy, cán bộ, công nhân viên MHB An Giang rất bất bình, nhưng không ai dám công khai phản ứng vì thời điểm đó bà Thủy là “bồ” của Giám đốc Phan Văn Phụng. Riêng ông Phụng vẫn bình chân như vại mặc dù với cương vị giám đốc, ông phải chịu một phần trách nhiệm trong việc giải đề thi này.

Bên cạnh đó, trong năm 2004, MHB An Giang đã 4 lần tổ chức hội nghị khách hàng, mà theo ý kiến của một cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh An Giang, thì đây là “hội nghị khống, được tổ chức nhằm mục đích tham ô, chiếm đoạt tài sản”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại ông Phan Văn Phụng đang sai một vài nhân viên, tìm gặp một số khách hàng vay tiền, gửi tiền tại MHB An Giang, để thuyết phục họ xác nhận, rằng họ có đi dự “hội nghị”, có “nhận quà”.

Có thể thấy, công văn mà MHB trung ương gửi Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, không đi vào từng vụ việc cụ thể, chẳng hạn như ông Phan Văn Phụng xây nhà cạnh Chi nhánh Châu Phú rồi cho chi nhánh thuê lại để hưởng lợi, hoặc ký hợp đồng cho MHB An Giang thuê phòng trong khu nhà trọ của ông (mà người ở chẳng ai khác hơn là ông Phụng và ông Trung, Phó giám đốc), hoặc tự lấy tôn - là tài sản của MHB An Giang về lợp cho khu nhà trọ của mình, đã được MHB trung ương xử lý như thế nào?

Ngày 9/12/2005, MHB trung ương đã đình chỉ chức vụ Giám đốc Chi nhánh MHB Kiên Giang với ông Tạ Phu vì có những biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống. Chưa đầy 4 năm hoạt động, MHB Kiên Giang đã để xảy ra số nợ khó đòi gần 20 tỉ đồng. So sánh với ông Tạ Phu, thì Giám đốc MHB An Giang Phan Văn Phụng cũng chẳng thua kém, nếu không muốn nói có phần vượt trội về lối sống đạo đức. Hiện tại, MHB Trung ương đã cử một đoàn kiểm tra, làm việc với MHB An Giang để làm rõ những vấn đề báo nêu. Kết quả ra sao, dư luận đang chờ đợi...

P.V
.
.
.