Cô gái nối nghiệp cha dịch sử thi M’Nông

Thứ Sáu, 20/05/2011, 14:33
Sau khi bố mất, Mai nối nghiệp bố thực hiện tiếp công việc dang dở bố để lại đó là sưu tầm sử thi. Từ năm 2005 đến nay, chị Mai gắn bó với chiếc đài nhỏ nghe băng và giấy bút để chép lại các bản sử thi thành hai bản tiếng M`Nông và tiếng Việt...

Người con gái núi rừng Điểu Thị Mai ở bon Bu Prăng (xã Đăk N`Drung, Đăk Song, Đắk Nông), đang ngày ngày chép lại, dịch các bản sử thi của dân tộc mình sang tiếng Việt - tiếng M`Nông. Đấy cũng là công việc người cha của cô đã làm suốt 45 năm khi ông còn sống.

Tâm huyết

Sinh năm 1975, tại bon Bu Prăng, lớn lên trong cái nôi của sử thi khi bố là cố nghệ nhân Điểu Kâu - "bộ sử thi sống của người M`Nông". Điểu Thị Mai được đi cùng bố, nghe hát sử thi thâu đêm suốt sáng trong các lễ hội của bon làng. Dòng sử thi cứ thấm dần và lớn lên như cây rừng giữa đại ngàn.

Mê sử thi từ nhỏ nhưng có rất nhiều bài nghe mà không hiểu, Điểu Thị Mai xin bố dạy nhưng bố không chịu truyền lại ngón nghề chỉ vì lý do… còn nhỏ. Vậy là Mai tự mày mò tìm hiểu theo cách riêng của mình.

Điểu Thị Mai đang trao đổi về bài sử thi chị đang dịch với nghệ nhân Điểu Klung (70 tuổi).

Lên lớp 6, Mai phải nghỉ học để theo mẹ lên rẫy. Không bỏ dở niềm đam mê của mình, Mai tự tìm tòi, chỉ với mong muốn nghe và hiểu được những bài sử thi của dân tộc mình. "Năm 2001-2003, bố mở lớp dạy về sử thi, năn nỉ bố nhưng bố cũng không cho đi, thế là mình đi lén để được học - Mai nói - học xong khóa học mình được giúp bố một số việc về sưu tầm sử thi". Sau khi bố mất, Mai nối nghiệp bố thực hiện tiếp công việc dang dở bố để lại.

Hằng ngày, Mai nghe những bản sử thi đã được Viện Nghiên cứu Văn học dân gian Hà Nội sưu tầm ghi âm lại từ các nghệ nhân hát sử thi, ghi chép lại làm hai bản tiếng M`Nông và tiếng Việt thành câu chuyện hoàn chỉnh.

Bỏ công việc nương rẫy, chị dành tất cả thời gian cho việc chép lại và phiên dịch các bản sử thi. Từ năm 2005 đến nay, chị Mai gắn bó với chiếc đài nhỏ nghe băng và giấy bút để chép lại các bản sử thi thành hai bản tiếng M`Nông và tiếng Việt. Bằng cách này chị đã dịch được 3 tác phẩm sử thi: "Lêng lấy Ndring Ting Yông Kon Gâr"; "Lấy hồn người chết" và "Sung Trang đi đầu thai". Hiện tại, chị đang bắt tay vào dịch bài "Cướp trũm chil chơ". "Mình muốn dịch sang tiếng Việt để người kinh và người đồng bào đều đọc và hiểu được nội dung của những bản sử thi", chị tâm sự.

Chị say sưa kể lại nội dung của bài sử thi "Lêng lấy Ndring Ting Yông Kon Gâr" chị vừa hoàn thành sau hai tháng miệt mài làm việc, chị kết luận - bài sử thi dạy ta biết phải sống như thế nào cho đúng, không được lấy của người khác làm của mình.

Trong các lễ hội của bon, mọi người lại ngồi quây quần bên nhau nghe chị Mai hát sử thi. Chị chia sẻ: “Mình muốn khơi dậy cho thế hệ trẻ niềm đam mê, yêu thích sử thi, để có nhiều người nối nghiệp gìn giữ nét văn hóa truyền thống đang bị mai một.

Đến bây giờ mình hiểu vì sao bố không dạy cho mình, vì nó không đơn giản như mình nghĩ, để hiểu và nắm bắt được cái hồn của sử thi không chỉ có sự đam mê mà còn có cả một bề dày vốn sống, sự hiểu biết”.

Pho sử của người M`Nông

Mỗi bài sử thi là một câu chuyện có bắt đầu, có kết thúc, khi kể một số nghệ nhân sử dụng câu đỡ trong lúc suy nghĩ vì bài dài có thể chưa nhớ kịp, vì thế khi chép lại chị Mai gặp rất nhiều khó khăn. Việc phiên dịch sang tiếng Việt sao cho sát nghĩa nhất, dễ hiểu nhất cũng không dễ dàng.

Tài sản quý giá của cô gái trẻ người M`Nông ngoài những bộ sử thi còn tập hợp những bài ca dao dân ca, truyện cổ và bộ sưu tập các món ăn truyền thống của dân tộc mình. Để có được 956 bài ca dao dân ca của người M` Nông, chị đã vượt qua không biết bao nhiêu con suối, bỏ bao nhiêu mùa rẫy để đi tìm những nghệ nhân trong các bon làng trong tỉnh, rồi lặn lội đến Bình Phước, Đắk Lắk… để được nghe và ghi lại bằng tiếng M`Nông, phiên dịch sang tiếng Việt.

Để nghe, hiểu viết lại và dịch ra tiếng Việt sao cho dễ hiểu, đòi hỏi người dịch phải "sống lại thời kỳ sử thi", vận dụng tất cả những kiến thức, vốn hiểu biết của mình để dịch. Công việc không hề đơn giản một chút nào. "Ngày trước mình có giúp bố làm, nên cũng học được cách làm của bố - Mỗi bài ca dao dân ca là một bài học được đúc rút bằng kinh nghiệm của những người đi trước, càng đọc càng hứng thú, càng muốn tìm hiểu" - chị tâm sự.

Không chỉ dịch sử thi, Điểu Thị Mai còn mở một lớp học (ba tháng) về ca dao dân ca của người M`Nông cho hai lớp thiếu nhi và phụ nữ, thu hút rất đông học sinh trong bon tham gia. Học sinh dạy những câu khuyên răn như: nghe lời bố mẹ, không lười biếng, không nói dối… Phụ nữ dạy những câu về cách sống, nuôi con, giữ hạnh phúc…

Cửa hang pũt mở rộng, cửa hang eng mở rộng

Cửa hang cua mở rộng, cửa hang ếch mở rộng

Chui vào thì dễ không biết lối ra.

(Đại ý: Việc làm nhìn thì dễ, khi làm mới thấy khó)

Bỏ trong gùi còn thấy cái chân

Bỏ trong bồ còn nổi cái lưng

Đổ vào bếp còn thấy ngọn lửa.

(Đại ý: Sự việc không giấu giếm được)

"Những bài ca dao dân ca sử dụng những hình ảnh rất gần gũi, thiết thực, thường gặp trong đời sống sinh hoạt, lao động của người M`Nông nên nó là một trong những cách giáo dục, khuyên bảo tốt nhất, được đúc kết từ xưa" - chị Mai nói.

"Mong muốn mọi người, nhất là những người dân tộc mình biết, nghe được và hát được sử thi" - chị Mai tâm sự. "Các nghệ nhân hát sử thi đang già đi, có nhiều người do tuổi tác đã không thể hát được nữa, nếu mình không sưu tầm kịp nhiều bài sử thi sẽ mất đi vĩnh viễn" - chị Mai trăn trở. Việc làm của Điểu Thị Mai thật đáng trân trọng, cần được giúp đỡ và khuyến khích.

Trọng Bình
.
.
.