Cô gái mù làm sách kỹ thuật số cho người khiếm thị

Thứ Sáu, 06/04/2007, 19:16

Đinh Việt Anh, một trong 5 người mù ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tham gia lớp học CNTT ở Nhật Bản, cho biết, cô đã và đang làm sách kỹ thuật số Daisy dành cho người mù. Loại sách này giúp người khiếm thị dễ dàng tiếp cận với tri thức thông qua máy tính.

Con đường đến trường của Việt Anh khác hẳn những bạn cùng trang lứa. Không có sự chan hòa của ánh sáng. Chỉ có lòng nhiệt thành được học tập. Những con chữ chập chờn trước mắt dần dần được cô trò nhỏ viết tròn trịa, ngay ngắn trên dòng kẻ in đậm.

Thật khó tin con bé mù như Việt Anh lại có thể viết, có thể đọc. Đến cả bố mẹ Việt Anh, những người làm nghề giáo cũng không dám tin khi cầm trên tay quyển vở sạch sẽ, với những hàng chữ sạch đẹp. Lên 3 tuổi, con gái họ bị mắc căn bệnh thoái hóa giác mạc. Chạy chữa, uống đủ các loại thuốc nhưng ánh sáng vẫn mờ dần trước mắt cô bé.

Những tưởng cô con gái nhỏ sẽ cam chịu trước sự không may mắn của số phận nhưng mới lên 5 cô bé đã đòi đến lớp. Thương con, họ đành xin nhà trường cho theo học với suy nghĩ để Việt Anh bớt tủi thân. Họ đã tỉ mẩn tô đậm các dòng kẻ để con gái dễ nhìn. Cứ thế, Việt Anh viết kín dần những trang vở được bố mẹ kỳ công tô đậm dòng kẻ.

Hơn 3 lần Việt Anh đứng trước thực tế phải bỏ học. Đó là năm học lớp 9, dù cố gắng nhưng đôi mắt cô đã đầu hàng trước ánh sáng. Việt Anh buộc phải nghỉ học. Năm 1992, các bác sỹ Bệnh viện Mắt TW đã tiến hành ghép giác mạc cho cô. Ca ghép được coi là thành công, song căn bệnh thiên đầu thống khiến kết quả không như mong đợi, ánh sáng chỉ le lói trong mắt cô. Lại đến lớp, lại ghé sát mắt vào trang sách. Đến cuối năm lớp 10 thì những tia sáng cuối cùng không chịu để cô nhìn thấy.

Việt Anh cương quyết không bỏ học. Cô vẫn đến lớp nghe giảng và chép bài theo quán tính. Những dòng chữ viết không thẳng hàng, xiên xẹo. Vậy mà Việt Anh vẫn đứng đầu lớp. 12 năm phổ thông, 12 năm là học sinh giỏi. Cô là hiện tượng đặc biệt ở huyện miền núi Hương Sơn giàu lòng hiếu học của đất Hà Tĩnh.

Khát sách và làm sách

Việt Anh là 1 trong 5 người mù ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tham gia lớp học công nghệ thông tin tại Nhật Bản. Lần đầu tiên đi xa nhưng với trình độ ngoại ngữ khá, Việt Anh đã tiếp thu tốt kiến thức do các chuyên gia Thụy Điển truyền thụ. Được đào tạo để trở thành giáo viên nguồn về máy tính cho người mù nên Việt Anh càng có thêm kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ giáo viên tin học tại Trung tâm.

Con đường để cô trở thành giáo viên Trung tâm cũng đầy chông gai. Tốt nghiệp THPT nhưng không một trường đại học nào nhận người khiếm thị nên hồ sơ dự thi của cô bị loại ngay từ đầu. Qua Đài Tiếng nói Việt Nam, cô tham gia khóa học đại học từ xa ngành Quản trị kinh doanh. Học với mục đích để đầu óc không nhàn rỗi và chờ cơ hội. Và rồi thời cơ đến khi Tỉnh hội Người mù Hà Tĩnh giới thiệu đến Trung tâm Phục hồi chức năng người mù.

Từ học viên, Việt Anh trở thành giáo viên nhờ thành tích học tập tốt. Cũng thời gian này, Việt Anh thi vào Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Là cô giáo trên bục giảng buổi sáng, tối đến, Việt Anh là sinh viên cần mẫn ở trường. Không có ngày nghỉ và kết quả là cô tốt nghiệp loại giỏi. Các khóa học tiếng Anh ngắn hạn liên tục thu hút cô, đến nay Việt Anh đang học văn bằng hai chuyên ngành tiếng Anh.

Việt Anh cho biết, cô đã và đang làm sách kỹ thuật số Daisy. Với cách này, người khiếm thị dễ dàng tiếp cận với tri thức thông qua phương tiện hỗ trợ là máy tính. Việt Anh đã hoàn thành cuốn giáo trình về tin học đầu tiên và đưa vào giảng dạy. Việt Anh lý giải cách làm và sử dụng loại sách này cũng gần như phương tiện phần mềm hỗ trợ người khiếm thị sử dụng ĐTDĐ. Không nhìn thấy chữ, nhưng họ vẫn có thể nhắn tin miễn là ĐTDĐ có hệ điều hành cài phần mềm đọc màn hình.

Tự nuôi sống bản thân, ứng dụng khoa học tiên tiến vào cuộc sống và công việc, đó là những gì cô gái 30 tuổi này đã làm được. Việt Anh thật xứng đáng khi được tôn vinh là người phụ nữ vượt lên số phận

Cao Hồng
.
.
.