Chuyện vợ chồng Anh hùng ở Bến Tre

Thứ Bảy, 01/05/2010, 09:45
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa ký Quyết định số 212/QĐ-CTN truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 9 tập thể và 11 cá nhân thuộc tỉnh Bến Tre, đã lập thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Trong số này có vợ chồng ông Đoàn Văn Thời (bí danh Văn Anh, 95 tuổi, quê quán xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam) và bà Trần Thị Tiết (bí danh Út Hạnh, 85 tuổi, quê quán xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú).

Sau ngày Đồng Khởi 1960, cuộc chiến tranh của miền Nam nói chung và xứ dừa Bến Tre nói riêng bước vào giai đoạn khốc liệt. Dường như trên 3 dãy cù lao Bến Tre, đạn bom chiến tranh đã không chừa một nơi nào. Nhiều chiến sĩ Cách mạng hy sinh, nhiều dân thường cũng bị chết.

Trước tình hình trên, tháng 6 năm1961 Huyện uỷ Mỏ Cày phân công ông Thời về củng cố tổ chức Quân y huyện, giữ chức vụ Trưởng ban Quân y trong điều kiện khó khăn của chiến tranh, người thiếu, thuốc men thiếu… nhưng người Trưởng ban Quân y cùng với đồng đội đã nỗ lực vượt bậc, điều trị khỏi bệnh cho khoảng 2.500 cán bộ, chiến sĩ quân đội, du kích và nhân dân địa phương; cứu sống hàng trăm ca bị thương rất nặng.

Nhiều lần, địch dùng máy bay phát loa tuyên truyền chiến tranh tâm lý kêu gọi những người theo Việt cộng rời bỏ đội ngũ. Có lần, chúng tuyên truyền, gọi thẳng tên ông và dọa rằng một mình ông không thể cứu sống được hết thương binh của Việt cộng, hãy ra đầu hàng, nhưng ông vẫn không nao núng.

Ông Đoàn Văn Thời và vợ bà Trần Thị Tiết.

Ông Thời từng có những lúc vừa chỉ huy các y, bác sĩ chiến đấu quyết liệt với "tử thần" để giành lại sự sống cho đồng đội và đồng bào, vừa tổ chức hàng trăm trận  chống địch càn quét vào Trạm Quân y, tham gia gài trái nổ, bảo vệ hành lang địa bàn, gây cho địch nhiều tổn thất.

Do chiến tranh ngày càng ác liệt, thương binh, bệnh binh ngày càng nhiều, trong khi tiền bạc, thuốc men thì rất khan hiếm, ông đã tiến hành nghiên cứu và bào chế ra nhiều loại thuốc an thần, thuốc bổ, thuốc trị một số loại bệnh từ những cây thuốc nam, thay thế 1/3 thuốc tân dược. Với tính cần cù, siêng năng, ông Thời còn mày mò sáng chế ra các loại dao mổ, cưa sắt… phục vụ phẫu thuật rất hiệu quả, nhất là đối với những ca phải phẫu thuật gấp, hoặc phải cắt bỏ một phần cơ thể thương binh nặng.

Và, trong những ngày gian khó, hiểm nguy ấy, ông đã gặp bà Trần Thị Tiết, tức Út Hạnh - sau trở thành người bạn đời thủy chung của ông. Theo lời kể của một số người, Út Hạnh tham gia cách mạng, bị đich bắt tra tấn đến gần chết. Chúng đem vứt bà vào nhà xác Trại giam Ty Cảnh sát tỉnh. Bà được đồng đội đưa về trạm xá của ông Thời. 

Lúc ấy thân thể bà đầy vết tra tấn của địch và chỉ còn chưa đầy 20kg. Ông Thời đã dồn hết tâm huyết của một người thầy thuốc cách mạng, làm tất cả những điều có thể. Và điều tưởng rằng không thể đã trở thành có thể. Út Hạnh đã được ông và đồng đội cứu sống… 

Câu chuyện của nữ Anh hùng Trần Thị Tiết - Út Hạnh cũng khiến rất nhiều người dân xứ dừa nể phục. Bà được sinh ra và lớn lên trong vùng căn cứ cách mạng thuộc xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú Anh hùng. Năm 14 tuổi, bà đã tự nguyện tham gia cách mạng. Lúc đầu, bà làm giao liên và sau đó, được chi bộ xã tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Năm 17 tuổi, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ít lâu sau, bà được điều động phụ trách củng cố và phát triển phong trào cách mạng ở các huyện: Ba Tri, Mỏ Cày và Thạnh Phú. Tháng 6/1960, để chuẩn bị cho Đồng Khởi đợt 2, bà cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo của huyện Mỏ Cày và Thạnh Phú tổ chức mít tinh biểu dương lực lượng, thu hút hàng ngàn người tham gia, với khí thế cách mạng sôi sục. Địch hay tin, điên cuồng tổ chức nhiều đợt hành quân càn quét để dập tắt phong trào. Bà không kịp rút vào căn cứ nên đã bị bắt. Chúng giam bà ở nhà lao huyện Thạnh Phú…

Suốt một tháng bị giam cầm trong nhà lao, bà bị tra tấn cực kỳ dã man. Có điều, người nữ cộng sản kiên cường, gan dạ ấy không hé răng dù chỉ một lời. Không còn cách nào khác, địch đành phải giải bà về Ty Cảnh sát Bến Tre. Tại đây, bà tiếp tục gánh chịu những trận đòn tra tấn ác hiểm hơn. Độc ác nhất là bọn cảnh sát dùng kìm, kẹp rứt từng miếng thịt trên người bà… Mỗi ngày, chúng dùng ống rút máu trong người bà từ 1 đến 2 lần để bà kiệt sức mà chết dần và bà bị đã chết đi sống lại nhiều lần. 

Sau gần 5 năm điều trị, sức khỏe bà dần được hồi phục. Tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc đã thúc giục bà tiếp bước trên con đường cách mạng. Năm 1974, bà  được bầu vào BCH Tỉnh ủy, giữ chức vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trong suốt 2 nhiệm kỳ. Đến tháng 4/1987, vì lý do sức khỏe nên bà nghỉ hưu.

Còn ông Thời, sau ngày 30/4/1975, được giao nhiệm vụ Trưởng phòng Y tế huyện Mỏ Cày. Với phẩm chất người lính Cụ Hồ, ông đã tích cực kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ ngành Y, xây dựng mạng lưới y tế huyện Mỏ Cày không ngừng lớn mạnh. Đến năm 1984, do tuổi cao sức yếu, ông Thời đã được nghỉ hưu.

Điều đáng quý ở hai vợ chồng ông Đoàn Văn Thời - bà Trần Thị Tiết là từ khi nghỉ hưu cho tới cuối đời vẫn tiếp tục nhiệm vụ của người đảng viên, tích cực tham gia công tác xã hội; đồng thời tảo tần, nuôi 3 người con ăn học. Thụ hưởng bản chất mẫu mực, tính siêng năng, chăm chỉ và của cha mẹ, cả 3 con của ông bà đều trưởng thành.

Con gái đầu đang là Trung tá, Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bến Tre. Con trai kế đang là Thiếu tá, Phó Trưởng Công an huyện Chợ Lách và người con gái út đang là Phó trưởng phòng của Công ty Bảo hiểm xã hội tỉnh Bến Tre. Quyết định truy tặng ông Thời, bà Tiết danh hiệu Anh hùng LLVTND của Chủ tịch nước sẽ là nguồn động viên rất lớn đối với con cháu của của họ

Th. Bình – Th. Hùng
.
.
.