Chuyến “vi hành” cuối năm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Thứ Ba, 12/02/2008, 10:14
7h sáng 6/2/1997 (tức 30 Tết), chúng tôi được gọi đến hóa trang trực tiếp để Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thăm một số nơi tại Hà Nội. Sau mấy phút dán ria, Thủ tướng đeo thêm cặp kính mắt, đội mũ phớt hạt dẻ, khoác chiếc áo nhung đen, đeo thêm chiếc máy ảnh Canon, trông ông như một Việt kiều về Việt Nam đón Tết.

Những câu chuyện về nghề trinh sát tưởng chừng chỉ là những tình huống ly kỳ, mạo hiểm, những sự việc phải xử lý thật thông minh, nhanh nhạy hoặc đầy bản lĩnh trước mỗi đối tượng đấu tranh.

Những câu chuyện được ghi lại từ một trinh sát lão luyện trong nghề dưới đây lại là một công việc mà rất ít người biết đến: Hoá trang thay đổi một phần nhận dạng cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thị sát việc nhân dân Hà Nội chuẩn bị đón Tết Đinh Sửu 1997.

Anh là Nguyễn Minh Thi, Trưởng phòng một Cục nghiệp vụ - Bộ Công an. Anh kể: Trong đời làm trinh sát, tôi đã từng hoá trang cho nhiều người và một số trinh sát khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, còn lần này thì thật bất ngờ.

Vào những ngày đầu tháng 2 năm 1997, cũng là những ngày giáp Tết nguyên đán Đinh Sửu, khi nhận được yêu cầu từ cấp trên về việc làm các bộ râu, tóc giả giúp Thủ tướng Võ Văn Kiệt hoá trang để đi khảo sát thực tế việc chuẩn bị đón Tết, vui xuân của nhân dân Thủ đô Hà Nội ở các địa bàn khác nhau.

Để làm được, tôi thận trọng đề nghị lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ bố trí cho chúng tôi được trực tiếp gặp, tiếp xúc với Thủ tướng để hiểu rõ yêu cầu cụ thể.

Tối 1/2/1997, Thủ tướng đồng ý tiếp chúng tôi tại nơi làm việc. Thủ tướng cho biết cần hoá trang hình thức bề ngoài về râu tóc và trang phục không để mọi người biết Thủ tướng khi ông đi thị sát thực tế tại một số nơi trên địa bàn Hà Nội.

Trong khi nghe chuyện, tôi đã để tâm quan sát khuôn mặt của Thủ tướng, để có thể làm được một bộ râu, tóc phù hợp nhất.

Thật sự nan giải vì làm một bộ tóc phải mất tới 10 ngày (mà chỉ còn 5 ngày nữa là 30 Tết), tôi xin được làm bộ râu trong 2 ngày và sẽ hoá trang kết hợp thay đổi trang phục về kính, mũ như anh em trinh sát thường hoá trang khi đi làm nhiệm vụ sẽ vẫn giữ được bí mật. Thủ tướng đồng ý với đề xuất.

Khi bắt tay vào thực hiện công việc, vì lâu nay bộ phận hoá trang của đơn vị ít sử dụng nên các vật liệu, phương tiện thiếu thốn. Tôi đành phải khắc phục bằng cách tự tạo ra kim đan tóc, tìm một số sợi tóc mềm, có màu sắc phù hợp với người già đem hấp sấy lại để đan.

Sau hai ngày đan, pha chế cồn dán, chỉnh sửa để bộ ria thật giống tự nhiên, chúng tôi báo cáo xin được gặp Thủ tướng để hoá trang thử. Đúng tối ngày 3/2, sau khi công tác về, Thủ tướng gọi chúng tôi đến để hoá trang thử.

Tôi dán bộ ria cho Thủ tướng thấy rất phù hợp, sau khi chỉnh sửa một chút, tôi đưa cho Thủ tướng chiếc mũ phớt và áo khoác, nhìn qua gương thấy mình có sự thay đổi hình thức bề ngoài, Thủ tướng rất hài lòng.

Cùng lúc, phu nhân của Thủ tướng từ gác hai đi xuống, bà nhìn ông một thoáng và sững lại giây lát rồi phá lên cười: "Em nhìn anh cứ tưởng diễn viên Đức Trung của Nhà hát Tuổi trẻ tới thăm", mọi người có mặt cũng cười theo.

Như vậy, công việc hoá trang thử đã đạt yêu cầu chỉ cần chỉnh sửa và hướng dẫn một chút về cách thức để Thủ tướng có thể tự hoá trang được khi cần thiết.

7h sáng 6/2/1997 (tức 30 Tết), chúng tôi được gọi đến hoá trang trực tiếp để Thủ tướng đi thăm một số nơi tại Hà Nội. Tôi cùng đồng chí Trần Đăng Tĩnh (khi đó là Trưởng phòng) đến nơi làm việc của Thủ tướng, sau mấy phút dán ria, Thủ tướng đeo thêm cặp kính mắt, đội mũ phớt hạt dẻ, khoác chiếc áo nhung đen, đeo thêm chiếc máy ảnh Canon, trông ông như một Việt kiều về Việt Nam đón Tết.

Để đảm bảo bí mật cũng như bảo vệ tốt nhất cho Thủ tướng tại các điểm ông sẽ tới, chúng tôi thống nhất cùng lực lượng cảnh vệ, mọi người đi theo ông đều phải hoá trang đôi chút về nhân dạng và trang phục so với thường ngày khi cần trao đổi sẽ xưng hô là chú (bác) chứ không báo cáo Thủ tướng như mọi ngày.

Khoảng 8h30’, đoàn xe dừng lại từ đầu phố Phan Đình Phùng gần cuối vườn hoa Hàng Đậu. Thủ tướng xuống xe hoà vào dòng người đi bộ vào chợ hoa Hàng Lược, ông rất vui vẻ chú ý tới những cành đào, cây quất cảnh, nghe việc trao đổi giá cả giữa người mua bán.

Ông mua một nhành hoa hải đường theo truyền thống như người cao tuổi đất Hà thành, hỏi chuyện trồng hoa, cây cảnh của bà con vùng Nhật Tân, Quảng Bá, rồi đưa máy ảnh chụp quang cảnh nhộn nhịp của chợ hoa.

Từ chợ hoa, ông tiếp tục đi bộ sang chợ Đồng Xuân vào xem các quầy hàng bánh, mứt, kẹo phục vụ đón Tết, hỏi giá cả từng loại. Thủ tướng đi tiếp các phố Đồng Xuân - Hàng Đường - Hàng Đào để hoà mình vào không khí của người dân đi sắm Tết. Nét mặt ông luôn vui vẻ và không quên mua một chiếc khăn choàng để làm quà tặng "bà xã".

Khoảng 10h30’, Thủ tướng vào thăm đền Ngọc Sơn, thắp hương tại nhà tiền tế, sau đó ra sân Trấn Ba Bình ngắm cảnh hồ Hoàn Kiếm và hỏi chuyện những công nhân đang làm vệ sinh, treo băng rôn, khẩu hiệu, đèn hoa chuẩn bị cho việc đón Tết.

Rời đền Ngọc Sơn, ông lên xe ôtô đi thăm Phủ Tây Hồ, tôi vinh dự được ngồi cùng xe Thủ tướng để chỉnh sửa lại đồ hoá trang sau một đoạn đường dài chen chúc đi bộ trong chợ và trên đường phố. Khi xe tới đường Yên Phụ, Thủ tướng yêu cầu vào thăm chợ Yên Phụ họp ngay dưới chân đê.

Buổi trưa 30 Tết chợ khá đông, mọi người đều hối hả mua sắm hàng hoá, có đoạn phải len lỏi mới đi được nhưng Thủ tướng không ngại, vào tận khu vực bán thịt cá, hoa quả để nắm được giá cả. Nét mặt ông rất vui vẻ hỏi chuyện một vài người bán hàng và người sắm Tết.

Một chị bán hàng hỏi: "Bác là Việt kiều về quê ăn Tết thấy có vui không? ", ông  trả lời: "Vui quá, vì thấy mấy năm gần đây đời sống nhân dân được nâng cao, người dân Hà Nội sắm hàng vui xuân, đón Tết thật đầy đủ và vui vẻ".

Rời chợ Yên Phụ, Thủ tướng vào thăm một cơ sở sản xuất thủ công làm tượng nghệ thuật trên dốc Nghi Tàm, sau đó cùng mọi người vào thắp hương tại Phủ Tây Hồ.

Hơn 12h trưa, Thủ tướng hỏi một đồng chí cảnh vệ: "Xem có quán  hàng nào nghỉ chân để ăn trưa". Đồng chí  cảnh vệ suy nghĩ và thưa lại: "Giờ là trưa 30 Tết, có lẽ các hàng quán đều đóng cửa, chỉ còn quán Bánh tôm Hồ Tây". Ông đồng ý: "Thế thì ăn bánh tôm".

Cả đoàn vào quầy bánh tôm Hồ Tây. Bác sĩ yêu cầu nhân viên nhà hàng làm đồ ăn đảm bảo vệ sinh, nóng sốt và khẩn trương. Những đĩa bánh tôm nóng hổi được đưa ra, bia Heineken rót ra cốc, Thủ tướng gọi mọi người cùng ngồi vào bàn ăn uống vui vẻ.

Tôi ngồi sát Thủ tướng, quan sát bộ ria mép và hỏi nhỏ: "Bác ăn có bị vướng không?", ông cười: "Rất thoải mái, bây giờ thấy quen rồi".

Khoảng 14h, Thủ tướng sang thăm chùa Trấn Quốc. Khi xe đi trên đường Thanh Niên, ông bảo tôi tháo ria mép ra. Tôi thận trọng dùng cồn tẩy trang thấm nhẹ và nhẹ nhàng gỡ bộ ria mép ra, lau sạch các vết dán, dùng kem xoa nhẹ để da đỡ căng.

Sau đó, Thủ tướng bỏ kính, mũ, áo khoác, chỉ mặc bộ comple vào chùa. Các nhà sư, tăng ni, phật tử tại chùa vui mừng đón và hướng dẫn Thủ tướng thăm, lễ tại chùa. Lúc này, một số phóng viên báo chí mới được biết và tiếp cận chụp ảnh, ghi hình để đưa tin.

Sau gần một ngày cuối năm rong ruổi cùng vị Thủ tướng trên nhiều địa bàn Thủ đô Hà Nội, anh em trong đoàn cũng cảm thấy thấm mệt, nhưng ai cũng vui vì thấy vị Thủ tướng trong chuyến "Vi hành" cuối năm được trực tiếp thấy không khí chuẩn bị vui xuân đón Tết của nhân dân Hà Nội thật sự sôi động.

Chúng tôi được chụp ảnh cùng Thủ tướng trước cửa phòng làm việc của ông bên hoa đào, hoa mai nở rộ đón một mùa xuân mới yên vui, thanh bình. Có lẽ đây sẽ là kỷ niệm không thể nào quên trong đời trinh sát của tôi vào một ngày cuối năm, một mùa xuân mới tuyệt đẹp.

(Ghi theo lời kể của đồng chí Nguyễn Minh Thi, Trưởng phòng, Cục nghiệp vụ - Bộ Công an)
Duy Tường
.
.
.