Chuyện về những người nghiện… đất

Thứ Năm, 21/04/2005, 08:07
Bà Lạc kể: “Ngày tôi đang có chửa cháu Xuyến, tôi ăn đất càng tợn. Đêm nằm nhớ miếng đất đến mức không tài nào ngủ được. Tôi cứ ngồi đuôi giường nhai rau ráu”.

Tình cờ trong những lần đến công tác tại một vài bản làng xa xôi, tôi đã chứng kiến cảnh người dân đào đất, nhặt đất đá bỏ vào miệng ăn ngon lành như ăn... kẹo. Tôi chụp ảnh các hang đất ăn được to như hầm tránh bom mà đời nọ qua đời kia người Hà Nhì, người Khơmú đã khoét trong lòng núi đất. Tôi đã nhặt những mẩu đất xám như miếng gan gà, gan lợn ấy đút túi làm kỷ niệm.

Không ngờ, nghe tin, tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã tìm đến, đề nghị tôi cung cấp các mẫu đất kỷ niệm và cùng thực hiện đề tài nghiên cứu quy mô về đất ăn được. Tôi nhận nhiệm vụ của một “nhà dân tộc học” tham gia công trình - đó là đi khảo sát một vùng dân: thị trấn Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trên một gò cao gần nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Lập Thạch, tôi tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Lạc, 84 tuổi. Bà xởi lởi đưa tôi về nhà, bằng cái giọng của người Việt cổ trên đất Tổ:

“Đất để ăn chứ gì? Gọi là “ngói”, đất đem về hun khói thơm lừng lên, ăn ngon lắm. Ăn như ăn trầu, như ăn kẹo ấy cháu ạ. Nghề làm “ngói” bán, truyền thống là ở bên Long Cương xã bên kia kìa. Người ta đào hầm mấy chục mét trong lòng đất rồi đẽo từng tảng đất to như cái gối, gánh về, xắt miếng ra rồi hun khói. Mưa xuống, hầm lấy đất ăn ấy biến thành “ao”. Tôi đi thả bò, có lần bò thụt chân xuống “ao” chết... đuối cơ mà”.

Bà Lạc đã ăn những miếng đất này.

Bà Lạc tiếp: Tôi đẻ 4 đứa con, đứa nào cũng khỏe mạnh, gần hết đời người rồi, tôi có bị làm sao đâu. Bên Lập Thạch chúng tôi thì gọt đất từng miếng vừa... miệng rồi hun ăn. Nhưng kiểu ăn đất của một số người dân ở bên huyện Tam Dương lạ lắm, họ nhồi đất vào ống nứa, đốt lên như nấu cơm lam rồi xắt ra từng miếng như miếng sắn lát, chia nhau ăn hay đem ra chợ bán”.

Không chỉ một mình bà Lạc nghiện ăn đất. Ở chợ Rau thị trấn Lập Thạch, và hầu hết các chợ quê trong cả một vùng mênh mông giáp tận Việt Trì, Vĩnh Tường, Phong Châu của tỉnh Phú Thọ... đều có bán “ngói” ăn. Đất hun khói được bán theo mô hình bán kẹo vừng, kẹo lạc ở chợ quê. Một cái thúng ở dưới, trên đặt cái mẹt con, lòng mẹt xám xịt, vàng ươm toàn "ngói" ăn.

“Cả nhà tôi đem xe cải tiến đi đào đất về chế biến rồi đem bán buôn, bán lẻ khắp vùng”

Đó là gia đình anh Tạ Văn Bảng ở xóm bên cạnh nhà bà Lạc. Anh Bảng năm nay 54 tuổi, từng tham gia quân đội chiến đấu bảo vệ biên giới; năm 1976, anh lấy chị Lê Thị Lan, người gốc Thái Bình rồi về quê Lập Thạch sinh sống.

Anh Bảng - Người làm đất đem bán làm... thức ăn!

Anh Bảng khoe tay nghề bằng cách giúp tôi và bà Lạc chọn một miếng đất ngon trong số đất chúng tôi vừa lấy ở sau “đồi Công an” về. Sở dĩ gọi là “đồi Công an”, bởi gò đất đó nằm ở phía sau trụ sở Công an huyện Lập Thạch, đó là nơi vợ chồng anh Bảng đã “độc quyền khai thác” đất ăn trong nhiều năm.

Anh đã đào hang hốc, đã vạc phân nửa một quả đồi đem về nhà mình hàng vạn tảng đất to như cái ấm rồi xắt ra chế biến phục vụ bà con trong cả một vùng rộng lớn... Những ngày sắp tết, ngày hội hè, bà con có tâm lý mua nhiều “ngói” ăn về dự trữ, nên gia đình anh Bảng thường phải đi mượn xe cải tiến (nhà nghèo không mua được xe) chở đất về chế biến.

Chế biến là cả một công nghệ không dễ tiết lộ. Ngay các mỏ đất ăn ngon cũng phải bí mật. Chị Lan nói: “Anh Bảng đi trước, tôi cứ phải canh chừng, kẻo có người theo dõi chiếm mất mỏ đất và điều tra học lỏm kỹ thuật chế biến “ngói” ăn đấy”.

Trong khi anh Bảng vừa cầm con dao con chuyên nghề gọt đất thành “miếng vừa miệng” vừa giảng giải: “Đất mềm, trắng, mịn thế này là rất ngon, nhưng nó vẫn bám sạn. Phải cạo bỏ các tạp chất. Phải chọn đất trắng tinh, hoặc vàng, xanh, tuyệt đối không có các cái thớ màu đen xen lẫn, rồi gọt thành từng miếng. Đan phên tre thành một cái sàn có thể xếp từng miếng đất lên được, rồi bắt đầu đốt giáng với lá sim, lá mua, lá chè cay.--PageBreak--

Tiếng là đốt, nhưng không cho cháy lên thành ngọn lửa. Vì là lá tươi, nên đốt rất khói. Khói ấy bay lên, ta dùng cái thúng, cái mẹt úp sụp lên phên xếp đất. Bao nhiêu khói bị ủ lại, ám vào từng miếng đất, vàng, thơm. Anh có hình dung, tôi đốt ở đây, mà bà nào đi qua cũng nuốt nước miếng”.

Tục ăn đất đã có ở Việt Nam từ mấy nghìn năm trước?

Trở về Hà Nội, tôi mang các mẫu đất mà bà Lạc đã ăn đến cho tiến sĩ Việt. Đổi lại, ông cho tôi đọc tư liệu mà ông vừa sưu tầm được về tục ăn đất của người Việt Nam và... thế giới. Thú vị hơn cả là công trình về chế độ và phong tục hôn nhân thời Hùng Vương mang tên “Việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu” của bà Lê Nhâm Tuyết (hiện đang nghỉ hưu, sống ở Hà Nội). Nhiều người trong giới nghiên cứu, trong đó có ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học đã nói với tôi về công trình này.

Theo bà Tuyết, bước một của việc hỏi vợ thời Hùng Vương là phải có gói đất làm... mai mối - bằng chứng thuyết phục là trong “Lĩnh Nam chích quái” chép: “Việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu”. Một số dị bản của cuốn sách này viết gói đất thành “gói muối”. Ông Đinh Gia Khánh khi chú giải đã gợi ý: “Cả hai cách đều có thể được”.

Từ luận điểm này, bà Tuyết tiếp tục đi tìm hiểu về “tục ăn đất” (chữ dùng của bà Tuyết). Bà đã rất công phu sưu tầm được cả một kho tư liệu về tục ăn đất trên khắp Việt Nam, xin trích nguyên văn:

Một hang đất ăn của người Hà Nhì ở Mường Mú (Điện Biên).

“Tục ăn đất chúng ta đã tìm thấy ở một số dân tộc thuộc ngữ hệ Môn Khmer, những dân tộc vốn có quan hệ rất gần gũi với người Kinh, như người Kháng, người Ba Na... Đồng bào Kháng ở vùng Thuận Châu, Sơn La, có tục phơi đất trên gác bếp rồi lấy xuống ăn. Đất ăn thường lấy được từ những đám đất ở sườn đồi. Những người đi rừng đi nương gặp loại đất này, lấy đem về nhà, ai cũng mừng rỡ như được một món quà quý (tài liệu do đồng chí Nguyễn Trúc Bình cung cấp).

Người Ba Na cũng có tục ăn đất. Tác giả một cuốn sách nói về người ở Công Tum, viết: “Sau một trận lụt có thứ bùn non đông lại trên mặt đất. Khi bùn ấy khô, họ lột từng bộng mà ăn kêu là póc-cơ-tớp. Họ nói bùn non ấy thơm và ngon lắm...".

Riêng tục ăn đất của người Việt trước đây, các học giả nước ngoài cũng đã có chú ý đến. T.Ha-my, cuối thế kỷ XIX, năm 1899 đã có viết về "Những người ăn đất ở Bắc Kỳ". Đầu thế kỷ này, G. Đuy-mu-chiê cũng đã nói đến tục này (trong "Tiểu luận về người Bắc Kỳ", 1908). Vùng đất đai có tục ăn đất và chế biến đất ăn được theo dõi là các tỉnh Sơn Tây, Hà Đông cũ, Nam Định, Thái Bình. Không hiểu được kỹ và đúng tục lệ này, những người nước ngoài đã mày mò đem những mẫu đất đi tận Paris để phân tích nó...”.

Tại khu vực Lập Thạch, bà Tuyết và các cộng sự của mình cũng đã khảo sát kỹ càng. Bà viết: “Xưa kia, trong khắp tỉnh Vĩnh Phú phổ biến có nghề buôn bán đất ăn. Có gia đình làm giàu về nghề này. Cả nhà, từ người lớn đến trẻ em đều đi buôn đất đem ra các chợ làng bán”.

Hơn thế, bà Tuyết viết những dòng rất văn chương, đọc mà cứ thấy ngỡ ngàng không tin được về tục ăn đất ở vùng Lập Thạch, Vĩnh Phúc ngày nay: “Người ta mua đất làm quà cho nhau khi đi chợ về, gọi là “quà chợ”; nàng dâu quý trọng mẹ chồng, bè bạn quý nhau biếu “ngói” gói trong lá chuối khô - như gói thuốc lào. Ngày thường hay ngày có việc vào chơi nhà nhau, đem “ngói” đặt vào đĩa, mang ra mời nhau, như mời điếu thuốc, miếng trầu... (trước khi con gái đi lấy chồng), cha mẹ cho con gái... nghề làm đất (ăn) với cả gian nhà đất, cả giếng đất và dụng cụ làm "ngói".

Được biết, tiến sĩ Nguyễn Văn Việt đã viết xong bản thảo công trình nghiên cứu về ục ăn đất và ăn đá khoáng ở Việt Nam. Ông cho biết, có thể hội thảo khoa học châm ngòi cho công trình sẽ được tổ chức vào tháng 6/2005

Doãn Anh
.
.
.