Chuyện về hai người vợ liệt sĩ Công an thờ chồng trong ngày tết

Thứ Tư, 01/02/2006, 08:17

Trên chuyến xe muộn mằn cuối năm về Hải Phòng hôm ấy, chỉ có tôi và gần chục người khách. Tôi ngồi lặng lẽ nghe câu chuyện rôm rả của những người khách. Họ mang theo niềm háo hức, những món quà về cùng gia đình chuẩn bị đón Tết. Còn tôi, mang trong lòng nỗi niềm băn khoăn xuống thăm hai người phụ nữ mà xuân này, cánh cửa nhà vẫn hé cửa chờ hai người chồng thân yêu dù rằng các anh đã mãi mãi không về.

Ngôi nhà nhỏ bé quét vôi màu xanh cũ kỹ nằm ngay dưới chân cầu Bính. Cửa đã mở sẵn, đón tôi với một nụ cười mỉm nhẹ nhàng, người phụ nữ ấy vừa bế con vừa rót nước mời khách. Căn phòng chật không đủ kê một bộ bàn ghế, chỉ có một chiếc đi - văng dài trên chứa lỉnh kỉnh đồ chơi của trẻ con. Giữa phòng là một chiếc tủ tường vừa để đựng đồ, vừa để ngăn cách chiếc giường ngủ bên trong với chỗ tiếp khách. Vậy mà, căn nhà nhỏ bé hơn chục mét vuông ấy đã từng là tổ ấm của 4 người, đôi vợ chồng trẻ và hai đứa con "trứng gà, trứng vịt". Bây giờ, án ngữ ngay phía ngoài là một bàn thờ nghi ngút mùi trầm hương. Di ảnh của liệt sỹ, Thiếu tá công an Bùi Tiến Tường, Phó trưởng công an phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng được đặt ở chính giữa.

Hai bên bàn thờ, người vợ thảo hiền của anh đã cắm hai cành đào Tết nho nhỏ. Nhưng sắc hồng của hoa đào  không làm bớt đi không khí cô quạnh của ngôi nhà và làm tươi tắn nét mặt u buồn của chị Phạm Thị Bích Hạnh. Sự ra đi đột ngột của người chồng đã lấy đi sắc thanh tân trên khuôn mặt chị. Anh đã mang theo tất cả, cả niềm hạnh phúc của người vợ chăm chắm mong được chuẩn bị Tết cho chồng con, chỉ để lại cho chị sự cứng cỏi và nghị lực để chị có thể làm thay anh công việc của một người chồng, người cha là nuôi nấng hai đứa con thành người.

Như bất cứ một người vợ yêu chồng nào, chị Hạnh vẫn giữ nguyên mọi thứ trong căn nhà như anh chưa bao giờ đi xa. Chiếc mũ vẫn ở trên tường, thảnh thơi như người chồng mới treo lên sau giờ đi làm về. Chỉ khác, không có ai đáp lại tiếng gọi bập bẹ “ba Tường” của bé Khang, đứa con mới tròn tuổi của anh chị. Tôi không biết phải bắt đầu câu chuyện với chị từ đâu bởi tôi biết, chỉ cần nhắc đến tên anh thôi, nước mắt sẽ lại rơi trên khuôn mặt vốn đã phải chất chứa quá nhiều cay đắng của số phận.

Những người phụ nữ hiền hậu thường không bao giờ chuẩn bị tâm lý cho những điều bất hạnh, nhưng khi phải đối đầu với nó, họ lại can đảm hơn những người can đảm nhất. Chị Hạnh cũng vậy. Anh ra đi đột ngột quá, chẳng kịp dặn dò chị điều gì, cũng chẳng kịp nựng con buổi tối trước khi đi làm. "Hôm ấy khoảng 9h tối ngày 2/8, nhận được tin báo có hai nhóm thanh niên có hung khí đang xô xát với nhau ngoài khu vực Bến Nở, anh vội vã lấy xe máy đi xuống hiện trường. Cách Bến Nở chừng 20m, anh phát hiện có hàng chục tên cầm dao nhọn, lê, kiếm và gạch đá đang xông vào đâm chém nhau. Thoáng thấy một tên vung dao nhọn định chém một thanh niên, nhanh như cắt, anh lao tới tước con dao ra khỏi tay tên côn đồ. Nào ngờ, một đồng bọn của hắn đã đâm lén anh từ đằng sau...". Chị Hạnh nghẹn ngào nhớ lại. Chị không có mặt để chứng kiến hành động anh hùng của chồng, chỉ nghe qua lời kể của đồng đội anh, đọc trên báo chí mà tê tái, đau đớn trước cái chết của chồng.

Chị trầm ngâm kể, anh là người rất dễ tính, đơn giản trong cuộc sống nhưng lại vô cùng chính xác, nghiêm túc trong công việc. Mỗi buổi chiều đưa chị đi chợ, trước những câu hỏi:''Ba Cún thích ăn gì để em mua?"  (Cún là tên đứa con gái đầu mới học lớp 3), anh chỉ cười xòa:"Mẹ Cún mua gì cũng được". Chị lấy anh cũng vì yêu tính cách giản dị của người chiến sỹ công an ấy. Nhưng với sự tinh tế của một người phụ nữ yêu chồng, chị luôn biết anh cần gì và hạnh phúc được chia sẻ với anh những khó khăn trong công việc. Ấy là những buổi tối anh thường xuyên về muộn, mâm cơm vẫn nóng sốt chờ đợi. Là câu chuyện rôm rả của hai vợ chồng, tiếng cười đùa của các con với bố. Và thường xuyên từ khi lấy anh đến giờ, cánh cửa đêm 30 luôn hé mở sang ngày Mùng 1 Tết. Trong nhà, hai đứa con chờ bố về đã mệt và ngủ say trên giường, chỉ còn chị ngồi lặng lẽ, trong lòng ấm áp chờ anh đi trực mang theo mùa xuân về nhà.

Chị tốt nghiệp Đại học sư phạm, cũng giống như những mối tình lý tưởng giữa giáo viên và công an, anh chị yêu nhau và lấy nhau trong sự hoan hỉ của họ hàng hai bên và bạn bè. Đầu tiên, tổ "chim câu" của họ ở chót vót trên tầng 5 của khu tập thể. Mỗi lần dắt xe từ tầng 1 lên tầng 5, anh chị lại mơ ước có được một căn nhà dù nhỏ thôi ở dưới đất. Rồi ước mơ ấy cũng thành sự thật, căn nhà này anh chị được người quen bán cho với giá rẻ, chỉ 30 triệu đồng nhưng số tiền ít ỏi ấy anh chị cũng phải vay mượn. Đồng lương giáo viên của chị và lương Trung tá của anh chỉ đủ trang trải cho cuộc sống chật vật hàng ngày. Đến giờ, khi anh đã mất, chị vẫn còn nợ 20 triệu đồng tiền mua nhà.

Cứ mỗi sáng mùng 1 Tết, anh chị lại đưa bé Cún (Tết năm ngoái có thêm bé Khang) sang chúc Tết ông bà nội, ngoại. Năm nay, dù không còn anh, chị nói cũng sẽ giữ nguyên nếp ấy. Chị không muốn có sự xáo trộn nào. Chỉ khác, sẽ không còn ai giúp chị bế bé Khang để chị dắt bé Cún như mọi khi. Riêng sự thiếu vắng bố, những đứa con của anh chị chưa kịp nhận ra dù anh đã ra đi gần nửa năm. Sự hồn nhiên của con trẻ đôi khi khiến chị chạnh lòng nhưng chị cũng thấy may mắn. Bởi lẽ, chúng còn nhỏ quá, còn trong sáng quá, chị không nỡ để chúng có một dấu vết hay gợn buồn nào trong tâm hồn.

Rời Hải Phòng, tôi bắt xe ô tô sang huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Xã Hải Ninh nằm ven con đê vẫn thanh bình chờ đón Tết. Chỉ khác, năm nay, trong tiết trời xuân sẽ thiếu vắng bước chân tuần đêm của người chiến sỹ công an xã Đinh Văn Bình. Cũng những nhát dao oan nghiệt của kẻ côn đồ đã đem anh rời xa mãi mãi ngôi nhà của mình. Ít ra, ở nhà chị Hạnh, tiếng trẻ bi bô còn xoa dịu không khí u buồn. Còn ở đây, gian nhà ngói quạnh quẽ với đống rơm trước sân bỗng nhiên làm bước chân tôi ngập ngừng. Một người phụ nữ ngồi lặng lẽ trong nhà nhìn ra. Sự tĩnh lặng bao trùm làm đông cứng cả không khí.

Cũng đã quá giờ cơm trưa, chị Phạm Thị Ngân cẩn trọng đặt lên bàn thờ chén nước chè nóng và chiếc tăm. Rồi người phụ nữ thuần chất quê ấy lụi cụi lau đi lau lại từng chi tiết của chiếc xe máy dù nó đã sạch không còn hạt bụi. Chiếc xe hàng ngày anh vẫn đi làm, giờ dựng góc nhà. Chiếc mũ bảo hiểm và chiếc cặp công tác vẫn im lìm trên nóc tủ. Anh chẳng đi xa đâu, chị biết thế bởi lúc nào chị cũng cảm nhận thấy anh đi lại, nói cười trong nhà. Đứa con trai duy nhất đang học Đại học trên Hà Nội vẫn chưa về nhà dù đã cận kề ngày sang năm mới. "Chắc nó bận sắm đồ Tết. Nó đã trưởng thành rồi, làm thay những công việc của bố được rồi", chị Ngân nửa như tự hào, nửa lại bùi ngùi. Mới đây thôi, hai bố con anh Bình còn tính toán gom góp tiền tiết kiệm và tiền dạy thêm của con đi mua cho chị chiếc tủ lạnh kê góc nhà kia, và cả chiếc bếp ga dưới bếp nữa. Nhưng từ ngày anh mất, chị cũng chẳng buồn nấu nướng vì có ai ngồi ăn cùng đâu. "Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân", hơn ai hết, chị Ngân thấm hiểu câu thành ngữ này.

Một mình ra vào như chiếc bóng trong ngôi nhà, Tết đến gần lúc nào chị cũng không biết nữa. Giấc ngủ vốn đã chẳng bình yên ngay cả ngày còn anh giờ càng trằn trọc trong đêm khuya. Công việc của một người công an xã hầu như không có lúc nào ngơi nghỉ. Càng những ngày lễ, Tết, anh càng bận. Giao thừa năm nào anh cũng vắng nhà, cùng đồng đội đi tuần để làng trong, xóm ngoài không còn tiếng pháo nổ, không còn chiếu bạc, trộm cắp trong những ngày xuân. Cũng giống như anh Tường, giản dị và hiền lành là điểm nổi bật của anh. Giản dị ngay cả cách xưng hô "cậu, tớ" với vợ, con.

Tình yêu của hai người phụ nữ dành cho chồng khiến tôi cảm phục. Dường như sự mất mát càng làm lớn lên tình yêu trong họ. Và mùa xuân này, cánh cửa của hai ngôi nhà vẫn hé mở chờ đợi. Dù rằng đã tàn đêm giao thừa...

Ngọc Yến
.
.
.