Chuyện về gần 1.000 học sinh tiểu học ở Hà Nội phải học bán trú tại... nhà dân

Thứ Tư, 28/10/2009, 15:12
Trong khi gần 98% học sinh Hà Nội (cũ) được học 2 buổi/ngày và bán trú tại trường thì gần 1.000 học sinh của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vẫn phải chịu cảnh học "bán trú" tại nhà dân, trong điều kiện chật chội, không đảm bảo môi trường sư phạm. Điều đó khiến nhà trường lo lắng, cô giáo vất vả, phụ huynh chưa thể yên tâm. Và người chịu nhiều thiệt thòi nhất vẫn là các em học sinh.

Thiệt thòi không được bán trú

Cái thiệt thòi mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân không được học theo phương pháp "giáo dục toàn diện" mà ngành Giáo dục đang khuyến khích đẩy mạnh, đặc biệt đối với học sinh tiểu học. Trong khi học sinh các trường khác được học 2 buổi/ngày, được ở bán trú tại trường, được vui chơi, được học nhiều môn học lựa chọn thì điều này đối với Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân là xa vời. Nguyên nhân là do Trường Tiểu học và THCS Lê Ngọc Hân hiện nay vẫn phải chung cơ sở vật chất, học cùng một trường, cấp II học buổi sáng, cấp I học buổi chiều.

Ngay từ khi năm học mới chưa bắt đầu, phụ huynh và học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân đã phải lo lắng tìm nơi "bán trú" cho con. Và họ chỉ còn một lựa chọn là cho con trọ học tại nhà dân hoặc nhà cô giáo chủ nhiệm. Nhưng giữa thời buổi "tấc đất tấc vàng", việc tìm đủ chỗ học cho gần 1.000 học sinh (chiếm 80% tổng số học sinh của trường) là điều không dễ. Em nào may mắn thì được học trọ tại các tuyến phố gần trường, xa hơn thì phải học ở khu vực Nhà văn hóa quận Hai Bà Trưng, phường Đông Mác… Những nơi học xa, phụ huynh và giáo viên phải hợp đồng với một số công ty xe khách thuê xe chở các em đến trường.

Đại úy Phạm Thắng, Cảnh sát khu vực của Công an phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) phụ trách cụm dân cư số 2 dẫn chúng tôi tới thăm một vài "nhóm trẻ gia đình" có học sinh của Trường Lê Ngọc Hân theo học (con anh Thắng cũng là học sinh của Trường Lê Ngọc Hân, đang học "bán trú" tại một nhóm trẻ ở phường Đông Mác).

Lớp học của cô giáo Trần Thị Tuyết chen chúc trong căn phòng nhỏ.

Lớp học của cô Trần Thị Tuyết có hơn 40 học sinh học, các em ngồi chen chúc trong một phòng học chỉ rộng chừng 30m2. Phòng học có đủ điện nước, ánh sáng nhưng vẫn quá ngột ngạt. Các em sẽ học từ sáng đến trưa và chơi tại chỗ (trừ lúc ra ngoài đi vệ sinh). Ở cuối lớp, 10 chiếc dát giường chồng lên nhau, khi ăn xong, các cháu sẽ kê lên trên bàn học để ngủ. Cô Tuyết chỉ lên gác xép lửng và bảo do ở dưới không đủ chỗ ngủ, một số em sẽ ngủ trưa ở đó. Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè nóng nực thì thật khổ các em. Do không có điều kiện nấu nướng nên giải pháp hữu hiệu nhất là gọi cơm hộp cho các em. Cô Tuyết cho hay, mong từng ngày từng giờ được đưa các em vào trường học bán trú, chứ điều kiện như thế này, khổ cả thầy cả trò.

Chúng tôi lại đến một "nhóm trẻ gia đình" khác do cô giáo Lệ Ánh phụ trách. Căn nhà 2 tầng của cô Ánh đã được dẹp hết bàn ghế, giường tủ để dành diện tích cho các em học. Gần 60 em học sinh lớp 1 được chia làm 2 nhóm, học ở tầng trên và tầng dưới. Tầng tum của gia đình cô Ánh được sử dụng làm bếp nấu ăn cho các cháu. Phòng nào cũng chật chội. Nhưng cô Ánh cho biết, đây vẫn là phòng học lý tưởng vì có nơi, các em phải học trong điều kiện tạm bợ hơn. Giống như cô Tuyết, cô Ánh cũng mong mỏi Trường Lê Ngọc Hân sớm được tách cấp, các em không phải học chật chội như thế này.

Học chung trường: Cả thầy và trò đều khổ

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Lê Ngọc Hân cho hay, học chung hai cấp vô vàn cái bất tiện. Mô hình trường tiểu học và THCS khác nhau, học sinh lớp 9 cũng phải ngồi học theo bàn ghế của học sinh lớp 1; trường tiểu học muốn trang trí lớp học cho đúng với mô hình tiểu học thì với các em THCS lại không phù hợp. Giữa hai trường còn bao cái chung khác như điện, nước, phòng ốc. Đây là nỗi lo thường trực của nhà trường, cuộc họp nào giáo viên cũng khẩn thiết đề nghị Ban giám hiệu kiến nghị lên cấp trên về vấn đề tách cấp 2 trường tiểu học và THCS. Giáo viên cũng mệt mỏi vì nếu được dạy các em trong trường, họ yên tâm hơn nhiều.

Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Việc chưa thể tách Trường Tiểu học và Trường THCS Lê Ngọc Hân khiến cho cả học sinh và phụ huynh học sinh của hai trường này đều gặp nhiều khó khăn. Học sinh của Trường Lê Ngọc Hân học ở nhà dân chưa được công nhận là trường học 2 buổi/ngày. Các em không có không gian để tham gia các chương trình ngoại khoá, nâng cao thể chất. Các nhóm học ở nhà dân rải khắp quanh khu vực trường và những phường lân cận cũng đang gây khó khăn cho nhà trường, hiệu trưởng rất khó quản lý.

Đến thời điểm này, việc di dời nhà máy rượu của Hà Nội để lấy mặt bằng xây Trường THCS Lê Ngọc Hân vẫn chưa được thực hiện, mặc dù theo đúng chủ trương của TP Hà Nội phải thực hiện xong từ năm 2008. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã liên tục kiến nghị với thành phố, đề nghị UBND các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng nhanh chóng tạo điều kiện để tách trường, đảm bảo học 2 buổi/ngày.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, giải pháp trước mắt tốt nhất đối với học sinh Trường Lê Ngọc Hân là hội phụ huynh học sinh cần phối hợp với cô giáo tìm địa điểm đảm bảo yêu cầu về diện tích, ánh sáng; mời cô giáo đến chăm lo, quản lý và hướng dẫn các cháu học bài…

Ông Nguyễn Như Thắng, Phó Trưởng phòng Giáo dục, quận Hai Bà Trưng cho biết: Chủ trương của thành phố lấy đất của Công ty Rượu Hà Nội để xây dựng Trường THCS Lê Ngọc Hân có ít nhất từ 5 năm trước, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy có một thông tin chính thức nào. Dân cư của phường Lê Ngọc Hân và các phường lân cận vốn đã rất đông đúc, nay lại có thêm chung cư 30 tầng ở 93 Lò Đúc nên nhu cầu trường lớp cho con em người dân sở tại lại càng trở nên cấp thiết hơn.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mới để tách cấp cho Lê Ngọc Hân. Chậm một ngày là một ngày các em phải học trong điều kiện không tốt, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, kết quả học tập của các em.

Thu Phương - Thu Uyên
.
.
.