Chuyện về bác sĩ chế thuốc bổ Filatov

Thứ Ba, 08/10/2019, 06:43
Người tìm ra chế phẩm thuốc bổ Filatov đã cứu hàng vạn bộ đội của ta trong thời chiến tranh đã được Bác Hồ khen, nhưng câu chuyện này đến nay mới được kể.

Giáo sư Nguyễn Thiện Thành sinh ngày 30-9-1919 tại xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, ông từng thi đậu và học ở trường Thuốc (Đại học Y dược Hà Nội), sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại BV Bạch Mai. Tháng 10-1945, ông tham gia phong trào Nam tiến kháng chiến. Năm 1947, ông được điều vào chiến trường miền Nam làm Vụ trưởng Phòng Quân y Phân liên khu miền Tây Nam Bộ. Năm 1968, trong lúc bệnh sốt rét trở thành nỗi ám ảnh với các chiến sĩ bộ đội, ông đã cùng Bệnh viện K71 tiến hành nghiên cứu và hoàn chỉnh phương pháp chữa trị bệnh sốt rét thành công.

Khi đất nước trong thời kỳ chiến tranh chống giặc ngoại xâm, BS Nguyễn Thiện Thành luôn trăn trở làm thế nào để có thuốc trị bệnh cho nhân dân và nâng cao sức đề kháng của cơ thể bộ đội trong điều kiện thiếu thốn của kháng chiến trường kỳ. Từ trăn trở ấy, ông đã tiếp cận với những giả thuyết từ phương pháp Filatov của một vị bác sĩ Liên Xô và cho rằng đây là một lý thuyết có căn cứ khoa học.

Giáo sư Nguyễn Thiện Thành.

Năm 1951, BS Nguyễn Thiện Thành đã thuyết trình về phương pháp Filatov trước cán bộ quân y và được mọi người đón nhận. Từ đó phương pháp cấy nhau theo học thuyết Filatov ra đời và áp dụng vào thực tế chữa bệnh cho người dân mang lại kết quả khả quan. Công trình ứng dụng phương pháp Filatov của ông rất nổi tiếng, một phương thuốc đột phá bào chế từ nhau thai, cứu mạng hàng vạn quân dân trong thời kỳ kháng chiến.

Sau ngày giải phóng, trên cương vị là Viện trưởng Bệnh viện Thống Nhất (hiện là BV Thống Nhất), ông đã đóng góp nhiều tâm sức và trí lực để xây dựng BV ngày càng phát triển, trở thành một trong những trung tâm y khoa hàng đầu của nước ta ở phía Nam (ông là giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Thống nhất TP Hồ Chí Minh).

Thời gian này, ông cũng được Đảng và Nhà nước tín nhiệm giao trọng trách là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương và tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở nhiều trường đại học về y dược. Ông là người đã khai sinh ra bộ môn Tích tuổi học - Lão khoa tại Việt Nam.

Với nhãn quan và tư duy của người thầy thuốc được đào tạo bài bản, GS Nguyễn Thiện Thành sớm nhận thấy tầm quan trọng của chuyên ngành Lão khoa. Ông đã đề xuất và sáng lập ra bộ môn Lão khoa tại Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, cũng là bộ môn Lão khoa đầu tiên trong ngành Y tế nước ta. Giáo sư Nguyễn Thiện Thành là người thầy tận tâm đào tạo nhiều thế hệ học trò.

Gia đình Giáo sư Nguyễn Thiện Thành tại lễ kỷ niệm.

Năm 1982, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành hợp tác với Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 24 nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất hai loại dược phẩm mới là Kaglutam và Spirulina Linavina có tác dụng chữa một số bệnh về gan, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho người lớn tuổi.

Không chỉ là một nhà khoa học, trong chiến tranh, ông đã nhiều lần hiến máu để cứu các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, bệnh binh khi bị thương trong chiến trường, Giáo sư đã cống hiến cả cuộc đời mình cho ngành Giáo dục và đào tạo y tế Việt Nam.

Được biết, vào năm 1955, khi Bác Hồ đến thăm Quân y viện 108, Bác nói trong kháng chiến, quân y Nam Bộ đã làm được thuốc Filatov, phục vụ bộ đội. Mặc dù chiến trường Nam bộ lúc đó rất khó khăn thiếu thốn, các cô các chú học tập những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì sức khỏe và tính mạng thương bệnh binh.

Thấy Bác nói vậy, Cục trưởng Cục Quân y Võ Văn Cần nói ngay: "Thưa Bác, người nghĩ ra phương pháp Filatov là bác sĩ Nguyễn Thiện Thành đấy ạ”. Bác quay sang bác sĩ Nguyễn Thiện Thành và nói: “Chính phủ và Bác đã được Cục Quân y báo cáo về việc chú làm, bây giờ miền Bắc được hòa bình, Bác mong chú làm nhiều việc hay hơn, tốt hơn nữa".

Với những đóng góp quan trọng cho ngành Y tế, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, với 16 huân, huy chương, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Năm 1980, ông được Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư. Đến năm 1985, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1989, ông nhận danh hiệu Thầy thuốc nhân dân. Giáo sư Nguyễn Thiện Thành qua đời ngày 8-10-2013 để lại nỗi tiếc thương và lòng biết ơn của đồng chí, đồng đội, đặc biệt là những chiến sĩ và nhân dân - những người bệnh được ông cứu chữa trong những năm tháng khó khăn, gian khổ.

T.Bình – N.Cảnh
.
.
.