Chuyện tình đẹp trên cao nguyên

Thứ Ba, 11/03/2008, 10:35
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có rất nhiều chiến sỹ Giải phóng quân bén duyên cùng với các cô gái dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, những mối tình đó càng làm khăng khít thêm tình quân dân cá nước và mối đoàn kết giữa các dân tộc anh em.

Tại chiến khu Nâm Nung trong những năm tháng chiến tranh gian khổ đã có khoảng 10 cặp vợ chồng Kinh - Thượng như thế. Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều cặp vợ chồng đã an cư lạc nghiệp trên mảnh đất Đắk Nông cho đến tận hôm nay.

Hiện nay, nhiều đôi vợ chồng đã "đầu bạc răng long", con cháu đề huề và trở thành những mối tình đẹp, được mọi người kính trọng, ngưỡng mộ. Quả thật, chúng tôi hết sức ngại ngần không biết bắt đầu việc tìm hiểu về đời tư của những bậc "tiền bối" này như thế nào. Thế nhưng, may sao khi đề cập đến vấn đề này đã được các ông, các bà đồng ý tâm tình về mối lương duyên của mình không chút ngại ngần.

Ông Nguyễn Văn Nhiên, một cán bộ lão thành cách mạng, hiện ở tại tổ dân phố 1, phường Nghĩa Đức (thị xã Gia Nghĩa) đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện riêng tư của đời mình, trong khu vườn nhà thoảng mùi hoa thiên lý. Qua câu chuyện, chúng tôi biết được rằng, ông quê ở tỉnh Bình Dương, tham gia kháng chiến từ hồi "chín năm", ông rong ruổi khắp các chiến trường ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Năm 1965, đây cũng là thời gian Tây Nguyên rực lửa, ông được điều về chiến khu Nâm Nung, tỉnh Quảng Đức cũ (nay là tỉnh Đắk Nông), được bổ nhiệm làm Phó ban Hậu cần Tỉnh đội Quảng Đức.

Ham mê đánh giặc, mái tóc nhuốm bạc lúc nào không hay, gần 40 tuổi nhưng ông vẫn là "lính phòng không". Thế rồi trong quá trình công tác, ông đã gặp được cô gái giao liên dân quân người Êđê, H'Keo xinh đẹp. Những chuyến công tác binh vận thường xuyên đã vun đắp cho tình cảm của hai người. Tình cảm của ông đã được H'Keo đón nhận. Năm 1969 đơn vị đã tổ chức lễ cưới cho hai người giữa núi rừng Nâm Nung.

Trong gian khổ, tình yêu đã tiếp lửa cho cả 2 vượt qua bao nhiêu khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Sau năm 1975, gia đình ông đã chuyển về sinh sống tại thị xã Gia Nghĩa. Mùa xuân năm nay đã là mùa xuân thứ 39 hai người gắn bó bên nhau bằng một tình yêu chân thành. Hiện nay, ông Nhiên tuổi đã cao, lại là thương binh hạng 2/4 nhưng được sự chăm sóc tận tình, chu đáo của người vợ hiền nên vẫn còn rất mạnh khỏe, vui vầy cùng con cháu.

Ở phường Nghĩa Tân (thị xã Gia Nghĩa) cũng có một câu chuyện tình tương tự, đó là chuyện tình của bác Nguyễn Quyết Tiến, nguyên là Đội trưởng Đội công tác T.23, sau làm Bí thư liên chi hậu cần quân y tỉnh Quảng Đức cũ và bà H'Lan, người dân tộc M'nông, nguyên là y tá đội phẫu thuật tiền phương tại chiến khu Nâm Nung. Cũng như bác Nhiên, bác Tiến cũng là lính thâm niên đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp.

Năm 1954, chàng trai trẻ 24 tuổi Nguyễn Quyết Tiến ở Phù Mỹ (Bình Định) tập kết ra Bắc, nhưng đến năm 1960 lại xung phong Nam tiến. Vào chiến trường, ông được điều về chiến khu Nâm Nung, tỉnh Quảng Đức. Trong quá trình chiến đấu, ông bị thương nhiều lần và cũng đã nhiều lần được cô y tá H'Lan chăm sóc. Thế rồi hai người đem lòng yêu thương nhau. Năm 1968, lễ cưới của họ cũng diễn ra thật đơn giản nhưng đầm ấm, rồi 3 đứa con lần lượt ra đời tại chiến khu Nâm Nung.

Chiến tranh kết thúc, họ dìu dắt nhau về thị xã Gia Nghĩa lập nghiệp. Sau mấy mươi năm cùng chung sống, tình cảm của hai vợ chồng luôn đầm ấm, khăng khít. Bà con chòm xóm cho biết gia đình họ sống rất mẫu mực, rất thân ái với xóm giềng.

Đôi vợ chồng ông Lê Trúc Phương và bà H'Hồng, người dân tộc Mạ, ở phường Nghĩa Đức (thị xã Gia Nghĩa) cũng là một câu chuyện tình đẹp được nhiều người biết đến. Năm nay cả hai bác đều đã bước vào tuổi lục tuần, nghỉ hưu từ nhiều năm nay nên lúc nào cũng ở bên nhau.

Hai bác đến với nhau khi bác Phương đang là Chánh văn phòng Ban hành lang tỉnh Lâm Đồng, còn bác H'Hồng là một pháo thủ dũng cảm của đội pháo binh nữ lừng danh tỉnh Lâm Đồng những năm 1970. Hai bác được đơn vị tổ chức lễ cưới vào năm 1974 ngay tại chiến trường trong trận địa pháo. Sau cả hai cùng tham gia chiến dịch giải phóng Gia Nghĩa vào 23/3/1975 rồi mảnh đất này đã níu chân hai vợ chồng đến ngày hôm nay.

Nói về chuyện riêng của gia đình, bà H'Hồng cho biết: "Thời chiến tranh gian khổ, chúng tôi ít có dịp bên nhau, đến khi đất nước thống nhất thì cả hai lại hăng hái công tác, giờ đây về nghỉ hưu chúng tôi mới có điều kiện chăm sóc nhau nhiều hơn và càng thêm yêu thương hơn".

Chúng tôi, lớp con cháu của các ông, các bà được sinh ra khi đất nước đã sạch bóng quân xâm lược không hiểu hết những gian khó của cha anh đã từng nếm trải. Song chúng tôi cũng thấu hiểu phần nào giá trị của những câu chuyện tình đẹp, cảm động và thi vị này. Có lẽ đây cũng chính là "sợi dây đoàn kết" mà thế hệ trẻ ở Đắk Nông cần phải kết nối cho dài thêm

Gia Bảo
.
.
.