Chuyện tình cảm động của hai nhà báo

Thứ Ba, 21/06/2005, 09:48

Tình yêu chung thủy, đẹp đẽ tự nó thường có những cách thức minh chứng khác nhau. Với nhà báo Võ Thế Ái, hàng trăm lá thư ông viết cho vợ trong hành trình tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được bà gìn giữ như báu vật quý giá nhất trên đời chính là minh chứng rõ ràng nhất về chuyện tình cảm động của ông bà.

Thư tình nhà báo, khác với sự lãng mạn thường thấy, như một cuốn ký sự mà niềm hạnh phúc của cặp tình nhân luôn gắn liền với những thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường. Tôi đã được ông bà cho phép đọc những lá thư này trước khi ông đưa đi biên tập để in thành cuốn “Thư tình một thời”, sắp ra mắt bạn đọc.

“Tôi có may mắn, với nghề phóng viên, được đi hầu khắp đất nước những năm nhân dân ta chiến đấu vì nền độc lập thống nhất của Tổ quốc. Cuộc sống ấy đan xen niềm vui nỗi gian lao vất vả, nhưng thật trong sáng và đẹp đẽ. Tôi cũng may mắn có được một tình yêu bền vững dù thường xuyên phải xa nhà và người bạn đời đã gìn giữ từng bức thư tôi viết từ ngày đầu yêu nhau cho đến khi tôi từ chiến trường trở về...”. Ông dự định sẽ mở đầu cuốn sách bằng lời tâm sự như vậy.

Nhà báo Võ Thế Ái và nhà báo Nghiêm Thị Tú trên chiến trường khu 5 - 1968.

Võ Thế Ái đến với nghề báo tự nhiên như thể nghề báo đã chọn sẵn ông vậy. Sinh năm 1930 trên quê hương Đà Nẵng, ông tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi với vai trò là chiến sĩ liên lạc cho bộ đội Khu 5. Năm 1950, ông lên đường ra chiến khu Việt Bắc để chuẩn bị đi học ở nước ngoài. Chiến thắng Biên giới năm đó đã giữ chân ông lại vì tình thế cách mạng thay đổi, ta đang rất cần lực lượng chuẩn bị để chuyển sang thế phản công. Ông được điều về Nha Thông tin, rồi chuyển sang Việt Nam Thông tấn xã, ông là một trong những cán bộ đầu tiên của đội quân báo chí “xung kích” này.

Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, ông tự hào là một nhà báo đã theo sát chiến dịch từ đầu đến giờ phút chiến thắng. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân. Nhiều người khuyên ông tranh thủ lấy vợ trong điều kiện hòa bình nhưng ông chỉ cười trừ. Trong thâm tâm, ông nguyện sẽ chỉ lập gia đình khi miền Nam, trong đó có thành phố Đà Nẵng quê hương được giải phóng.

Nhưng đầu năm 1957, có một người xuất hiện làm cho suy nghĩ của ông hoàn toàn thay đổi. Đó là việc cô thanh nữ đất Hà thành Nghiêm Thị Tú được tuyển vào làm việc tại Việt Nam Thông tấn xã. Cô gái xinh đẹp này lập tức trở thành “điểm ngắm” của nhiều chàng trai, trong đó có Võ Thế Ái. Với lợi thế về “cự ly” được công tác cùng cơ quan, căn phòng tập thể lại cách nhau chỉ đúng... một tầng nên “chàng” đã nhanh chóng khiến cho trái tim cô gái phải... rộn nhịp.

Tình yêu mới chớm, Võ Thế Ái đã nhận nhiệm vụ vào phụ trách phân xã Khu 4. Làm việc ở thành phố Vinh nhưng tình cảm luôn hướng về người yêu ở thủ đô nên anh đã chọn giải pháp tốt nhất là viết những bức thư bày tỏ tình cảm nồng nàn. Lúc này, chị vẫn đang là một “cô bé kiêu kỳ”, thích trêu chọc người yêu. Vì thế, trong mỗi lá thư anh gửi đều “hôn em vạn chiếc” thì chị luôn tinh nghịch “thân ái bắt tay” khiến anh hờn dỗi qua mấy lần thư đi thư lại. Sau đám cưới giản dị năm 1957, anh được điều trở lại Hà Nội công tác và những lá thư tình đã trở thành kỷ niệm.

Võ Thế Ái được công nhận như là một trong những phóng viên đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã (có lẽ là của cả các cơ quan báo chí Trung ương) vào chiến trường B. Với anh, việc tham gia đấu tranh giải phóng miền Nam và thành phố quê hương có một sức cuốn hút kỳ lạ. Khi Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (khóa II) được ban hành, anh biết cơ hội trở lại quê hương, dùng ngòi bút và cả cây súng để đấu tranh đã đến. Vậy mà khi mong ước ấy được cấp trên chính thức chuẩn y, anh lại thấy tâm trí có chút băn khoăn. Nghĩ đến người vợ trẻ và đứa con mới sinh, anh không khỏi lo lắng. Anh âm thầm làm một cuộc “chuẩn bị tư tưởng” cho vợ bằng cách ướm hỏi:
- Thằng Diệm khủng bố đồng bào miền Nam ác quá, em nghĩ phải làm gì?
Chị nghĩ anh đang “kiểm tra trình độ” mình (lúc đó, chị là đoàn viên, còn anh là đảng viên), nên vui vẻ đáp:
- Phải đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang.
Anh lại ướm tiếp:
- Nếu anh được phân công tăng cường cho miền Nam chiến đấu thì ý em thế nào?
...Câu chuyện thường bỏ lửng giữa chừng vì chị vẫn nghĩ anh “thử” chị mà thôi. Anh lại rủ chị đi chụp ảnh kỷ niệm, tranh thủ lúc rỗi là đưa chị đi ăn kem... khiến chị dần dần nghĩ đến chuyện anh trở vào Nam là có thật.

Thời gian làm công tác chuẩn bị khá dài (nửa năm), vậy mà lúc nhận được thông báo sẽ lên đường vào dịp giáp Tết Canh Tý (1960) anh vẫn thấy lưu luyến khôn nguôi. Tối 24 tết năm ấy, anh đáp tàu điện từ chỗ tập huấn về thăm nhà, thấy chị đang ngồi giặt một đống tã lót bé Huy (con trai anh – lúc này mới 8 tháng tuổi). Còn Huy ngồi trên giường mếu máo khóc. Anh ôm con vào lòng đùa giỡn, gợi đủ thứ chuyện để nói với chị, cố nấn ná để bên chị được nhiều hơn. Chị vẫn không hề biết chuyện anh lên đường, nhắc mãi anh về chuyện xin nghỉ phép để cùng nhau đi chợ tết.

Anh rời căn phòng hạnh phúc, bước xuống lưng chừng cầu thang bỗng dưng thấy có cái gì đó dâng lên nghèn nghẹn ở cổ. “Liệu mình có còn gặp lại vợ con nữa hay không?”. Câu hỏi ấy thúc giục anh trở lên gác. Anh vờ bình thản, lấy cớ quên chiếc bút máy rồi lén giấu một chiếc áo của con vào balô, ôm hôn con thêm một lần thật lâu nhưng lại tránh hôn vợ vì sợ rằng chị sẽ cảm nhận thấy việc anh vào Nam rồi không giữ được bí mật.

Sáng sớm hôm sau, anh lên đường làm nhiệm vụ. Lần dừng chân đầu tiên giữa rừng Trường Sơn vào ngày 28 tết, anh ghi ngay cho chị một lá thư, dặn dò: “Anh đi vì nhiệm vụ giải phóng quê hương và cũng vì hạnh phúc của chúng mình; từ nay, viết thư cho anh thì em làm thành hai phong bì. Phong bì trong đề: Nguyễn Huy. Phong bì ngoài đề: Ban kinh tế Vĩnh Linh”. Chuyến đi của anh đã hoàn toàn giữ được bí mật.

Trước đó, cơ quan cũng đã nghĩ đến phương án đánh lạc hướng bằng cách cử anh đi họp một hội nghị chuyên đề về miền núi. Nhiều người trong cơ quan vẫn nghĩ anh đang đi công tác bên Lào nên gặp chị ngoài đường vẫn chào vui: “Xin chào bà phụ tá của đại úy Coong le” (viên đại úy làm đảo chính ở Lào năm 1960). Gia đình bên vợ thì vẫn đinh ninh anh đang đi học bên Trung Quốc. Người anh rể của chị – nhạc sĩ Văn Cao – trong một bức thư nhờ chị gửi cho anh đã hỏi thăm: “Chú đã ăn quen cái thứ dầu vừng ấy chưa?”. (Lúc bấy giờ, lưu học sinh của ta bên Trung Quốc thường được chia thức ăn là món dầu vừng).

Suốt dọc đường Trường Sơn và sau này vào đến căn cứ chiến đấu, lúc nào dừng chân là anh viết ngay thư về thăm vợ. Nhiều lúc ốm đau dọc đường, viết thư cho vợ anh đã giấu hết để chị yên tâm. Không ngờ, bằng sự nhạy cảm của người vợ, chị thường phán đoán rất chính xác tình hình sức khỏe và tâm lý, tinh thần của anh. Bức thư viết tháng 3/1960, anh khoe là mấy hôm nay được đi riêng một mình, lại được trạm giao liên ưu tiên cho một nồi cháo cá rất to. Nhận được thư, chị đề ngay ra lề: “Chắc là ốm nên bị rớt lại sau và phải ăn cháo”. Về sau, khi xem lại bức thư này, anh ngạc nhiên vì “không gì qua được mắt vợ”.

Một năm sau đó, Tết năm 1961, anh báo tin vui: “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập. Thông tấn xã Giải phóng bắt đầu hoạt động. Mỗi sự việc là một tin vui. Anh vô cùng sung sướng được góp một phần – dù rất nhỏ – vào các hoạt động ấy. Và chắc em cũng sung sướng như anh”.--PageBreak--

Những lá thư thời chiến, dù được viết rất nhiều cũng không giúp họ nguôi ngoai niềm thương nhớ. Lúc anh đi, chị mới 19 tuổi – hai năm làm vợ nhưng số ngày ở gần chồng đếm được trên đầu ngón tay. Cơ quan Thông tấn xã đã có một cách kéo gần khoảng cách giữa họ. Trong một lá thư, anh viết: “Mấy ngày nay nghe bản tin đọc chậm trên đài phát thanh, có một giọng giống như giọng em. Nếu đúng thế thì thật là tuyệt”. Còn trong nhật ký, anh ghi: “Cứ sáng sáng mở máy thu thanh là nghe tiếng vợ thánh thót bên tai, hạnh phúc tuyệt vời”. Thì ra, mấy đồng nghiệp trong cơ quan đã thu xếp cho chị phần việc đọc “bản tin đọc chậm” hướng vào miền Nam trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Có lần, chị bị mệt nhưng vẫn cố gắng đến đọc để anh khỏi lo lắng.

Anh viết trong nhật ký: “Cô ấy không phải là ca sĩ nhưng khi ở trong rừng mình mở đài nghe giọng đọc cô ấy thì thật tuyệt vời. Có hôm bỗng nghe giọng vợ mình khàn khàn, mình đoán là cô ấy đang bị viêm họng vì gió mùa đông bắc. Khàn khàn mà nghe vẫn hay! Cảnh đó, lúc đó khiến mình nhớ đến tiểu thuyết “Ngôi sao” của nhà văn Xôviết Kazakêvích. Nhân vật Ngôi sao, một chiến sĩ tình báo Xôviết trong vùng địch hậu, vô cùng sung sướng mỗi khi nghe tiếng gõ maníp quen thuộc của người yêu qua máy thu tin. Anh ta chỉ được nghe tiếng gõ maníp, thua hẳn mình được nghe rõ giọng nói của vợ mình!”.

5 năm sau, anh nghe được tin chị cũng đang xin vào chiến trường. Bức thư tháng 5/1965 anh viết: “Một số anh vừa vào đây cho biết em đang xin đi B... Các anh hỏi ý kiến anh thế nào, anh trả lời: Quyền của cô ấy, chứ tôi làm sao có ý kiến được”... Anh cũng rất lo ngại, nhưng biết là khó ngăn cản em thực hiện ý nguyện. Anh chỉ mong trước khi đi, em gửi Huy thật chu đáo...”.

Và thế là chỉ mấy tháng sau, chị đã băng rừng Trường Sơn vào sát cánh bên anh và đồng nghiệp trong Thông tấn xã Giải phóng miền Nam vào những năm tháng diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ và ác liệt nhất trên suốt dải đất miền Trung Trung Bộ.

Trước khi vào chiến trường...

Vào Nam chiến đấu với chị vừa là thực hiện lý tưởng thiêng liêng của thanh niên cả nước lúc bấy giờ, vừa để thực hiện một tâm nguyện rất lãng mạn của chị: sống cùng sống, chết cùng chết với người mà chị yêu thương. Ý tưởng này theo đuổi chị và ám ảnh ngay cả trong những chuyện thường nhật.

Anh em trong cơ quan đã từng được anh chị “đãi” một bữa thịt gà nhờ những suy nghĩ đó. Số là hồi cùng ở chiến trường, anh chị thường đi công tác cùng nhau. Một lần vào bản của đồng bào dân tộc Kadon, anh chị được đồng bào biếu một đôi gà trống mái về nuôi. Chẳng hiểu do lạ đàn hay vì điều gì mà đôi gà này cứ cặp kè với nhau trong mọi lúc, mọi nơi. Một hôm, chồn xông vào chuồng gà cắn chết cả đôi gà nọ, đem vứt thì tiếc rẻ vì chiến trường lúc đó rất “đói”, anh chị đành đem biếu đồng nghiệp vì thương đôi gà có tình cảm sâu nặng, không nỡ ăn thịt.

Chị công tác trong chiến trường được 4 năm thì được lệnh trở ra. Quãng thời gian anh chị cùng công tác và chiến đấu tại chiến trường có biết bao kỷ niệm. Sau này, khi chị đã trở ra Bắc, tháng 7/1969, anh viết thư cho chị: “Đi đến nơi nào có kỷ niệm của em, anh lại thấy nhớ em. Đến cái trảng gần thị trấn Trà My lại nhớ lúc hai đứa gặp máy bay địch quần lượn, em đã thét lên như một “vị tướng” chỉ huy anh: “Phải nấp xa em để có một người sống về nuôi con!”.

Bây giờ nhớ lại chuyện ấy, chị kể: “Lúc vào chiến trường thì nghĩ: sống cùng sống, chết cùng chết. Nhưng khi thấy máy bay trực thăng địch quần lượn trên đầu, rõ tới cả thằng giặc lái, biết khó mà thoát chết thì chợt nhớ đến con. Ý nghĩ phải nằm cách xa nhau ra để nếu có chết thì chỉ chết một đến bất thình lình như vậy đấy”.

Cả anh và chị đã may mắn thoát chết trong lần địch đổ quân ấy. Nhưng nào có được gần con như mong muốn. Số là khi anh đi chiến trường được vài tháng thì bé Huy mắc bệnh viêm não Nhật Bản (lúc đó, anh chị chưa biết gì về căn bệnh này). Được Bệnh viện Việt Nam - Cuba tận tình cứu chữa, nhưng căn bệnh đã để lại di chứng tâm thần nên cháu phải sống tại bệnh viện tâm thần, cách ly bố mẹ. Nhiều năm ở chiến trường, cả anh và chị đều biết bị nhiễm chất độc điôxin rất nặng nên không dám mạo hiểm sinh cháu thứ hai. Căn hộ trong khu tập thể của Thông tấn xã dù rất nhỏ mà vẫn thanh lặng lạ thường.

Bây giờ, nhà báo Võ Thế Ái đã ở tuổi 76, còn bà cũng xấp xỉ cái tuổi xưa nay hiếm. Tuy nhiên, họ vẫn thấy mình hạnh phúc. Ông nói: “Dù có nỗi bất hạnh riêng nhưng tôi vẫn được sống đến già với người mà mình yêu thương. Và may mắn hơn nhiều đồng chí, đồng nghiệp đã vĩnh viễn yên nghỉ hoặc để lại một phần xương máu ở chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc"

Mã Tùng
.
.
.