Chuyện ở Chu Lai ngày ấy... bây giờ

Thứ Năm, 29/01/2009, 10:08
Giây phút đầu tiên người dân xã Đức Thắng (Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) được chứng kiến cuộc gặp gỡ hy hữu này, đó là: Người lính Mỹ Richard Aluttrell mái đầu bạc trắng, từng là kẻ thù bắn chết liệt sỹ Nguyễn Trọng Ngoạn đã ôm chầm lấy hai người con của liệt sỹ mà khóc.

Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, không phải chỉ có người lính Mỹ trong câu chuyện: “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” và bộ phim “Linh hồn người Việt Cộng”... mới ân hận, day dứt về tội lỗi của mình, mà còn rất nhiều người lính Mỹ khi tuổi đã về già, họ vẫn không lý giải nổi vì sao họ đã cướp đi sinh mạng những người lính Việt Nam cách họ nửa vòng trái đất, không hề thù hận gì nhau...

Richard Aluttrell cũng là một người nhứ thế. Nhưng, mỗi câu chuyện lại có những tình tiết và nét độc đáo riêng, thật cảm động.

Sau nhiều cuộc điện thoại liên hệ để tìm địa chỉ, đầu tháng 7 năm 2008, tôi về thôn Phúc Thắng, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang, quê hương của liệt sỹ Nguyễn Trọng Ngoạn. Qua hai chuyến xe buýt chừng 60km, tôi mới tới được trung tâm phố Thắng (Hiệp Hoà). Khi mới nói địa chỉ cần đến, mấy người lái xe ôm đang chờ đón khách đã lao xao hỏi:

- Có phải gia đình liệt sỹ được người Mỹ sang tạ tội và đưa hài cốt về quê không?

- Vâng, đúng rồi đó!

Người lái xe ôm tầm trung tuổi nói là biết nhà liệt sỹ và nhận đưa tôi đi. Vừa đi, anh vừa nói chuyện về cuộc viếng thăm của người lính Mỹ đã làm xôn xao dư luận một vùng quê xưa vốn yên bình.

Xe vòng vào con đường bê tông thôn Phúc Thắng và dừng lại trước cổng gia đình liệt sỹ Nguyễn Trọng Ngoạn, nay do anh Nguyễn Văn Huệ, người con trai duy nhất đang ở và đảm nhiệm việc thờ cúng liệt sỹ. Mới vậy, mà tôi đã thấy trào dâng niềm xúc động trong lòng...

Từ đây, câu chuyện của 41 năm về trước đối với hai người lính ở hai bên chiến tuyến, cách nhau nửa vòng trái đất đã được tái hiện qua một số sự kiện, lời kể trong hiện tại và quá khứ, tại mặt trận Chu Lai, trên tuyến đường mòn ở Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1967.

Chuyện được mọi người biết đến bắt đầu từ sự hối hận của người lĩnh Mỹ ở bên kia bờ Thái Bình Dương - Richard Aluttrell. Hơn 30 năm, người Mỹ này đã bị ám ảnh vì tội lỗi, nên ông đã quyết tâm đi tìm hai bố con người Việt Cộng trong bức ảnh đã bị ông bắn chết rồi lục túi lấy và giữ tới bây giờ.

Nhìn bức ảnh người bộ đội Việt Nam chụp cùng cô con gái đã được in trong cuốn sách: “Những vật tặng tại bức tường” ở Mỹ, chuyên sưu tập những kỷ vật trong cuộc chiến tranh Việt Nam, do ông Richard Aluttrell tặng cho gia đình con trai liệt sỹ Nguyễn Trọng Ngoạn mà người xem không khỏi nao nao trong lòng. Bởi không thể hình dung nổi người chiến sỹ kia, đang hạnh phúc bên cô con gái bé bỏng, đã phải kết thúc cuộc đời bởi chính người đã tặng lại gia đình cuốn sách này.

Tại chiến trường Chu Lai, như lời Richard Aluttrell kể lại trong bức thư gửi Đại sứ Việt Nam Lê Văn Bàng tại Mỹ năm 1997, đã viết... “Ngày ấy, tôi mới 18 tuổi và phục vụ trong Sư đoàn Không vận 101, Đại đội A, Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 372 của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Đầu năm 1967, trên đường mòn Chu Lai, tôi đã mặt đối mặt với người lính dũng cảm của đất nước ngài. Tôi đã cướp đi mạng sống của người lính đó, và cho đến ngày nay, tôi luôn mang trong mình nỗi đau và tội lỗi về hành động của mình. Hơn 22 năm qua, tôi đã mang theo mình bức ảnh của anh ta chụp với con gái. Tôi đoán là như vậy... Nhiều năm qua, tôi mặc cảm về tội lỗi vì đã giết anh ta. Nó luôn ám ảnh tôi giống như một căn bệnh ung thư gặm nhấm trái tim và trí não tôi... Tôi cầu xin sự tha thứ và cúi đầu xin Ngài giúp đỡ tôi tìm lại sự thanh thản để tôi có thể tiếp tục quãng đời còn lại...”.

Năm 1989, Richard Aluttrell đã đặt bức ảnh mà ông lục túi người lính Việt Cộng lấy được sau khi đã bị ông bắn chết trong cuộc đối mặt tại chiến trường Chu Lai, cùng bức thư xin tạ tội dưới chân tượng đài chiến tranh Việt Nam ở Washington (Mỹ). Nhưng, ông vẫn chưa thấy lòng mình thanh thản. Chính vì vậy, mấy năm sau, được sự giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam và đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Văn Bàng, ông Richard Aluttrell đã tìm được gia đình người lính Việt Nam trong ảnh cùng cô con gái, bức ảnh mà ông đã giữ mấy chục năm qua bên mình.

Lập tức, ông đã đích thân cùng vợ làm hộ chiếu xin sang Việt Nam và đến tận gia đình liệt sỹ Nguyễn Trọng Ngoạn ở thôn Phúc Thắng, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang để xin tạ tội.

Ông Richard Aluttrell viết: ... “Biết bao nhiêu lần qua năm tháng, tôi đã ngắm nhìn bức ảnh về anh và người con gái, chắc là con anh. Một lần, tim tôi và họng tôi lại cháy bỏng lên vì đau đớn, tội lỗi... Giờ đây, chúng ta không còn là kẻ thù của nhau, tôi đã nhận rõ anh là một người chiến sỹ dũng cảm bảo vệ tổ quốc của mình... Hãy tha thứ cho tôi, thưa anh, tôi hứa sẽ sống cho ra sống cả cuộc đời mình, cuộc sống mà anh và nhiều bạn bè anh đã bị tước đoạt mất...”.

Ông Richard Aluttrell về thăm gia đình liệt sỹ Nguyễn Trọng Ngoạn.

Giây phút đầu tiên người dân xã Đức Thắng (Hiệp Hoà) được chứng kiến cuộc gặp gỡ hy hữu này, đó là: Người lính Mỹ Richard Aluttrell mái đầu bạc trắng, từng là kẻ thù bắn chết liệt sỹ Nguyễn Trọng Ngoạn đã ôm chầm lấy hai người con của liệt sỹ mà khóc.

Hai người con của liệt sỹ là chị Nguyễn Thị Lan (người con gái trong tấm ảnh chụp cùng bố năm xưa - bức ảnh hơn hai chục năm đã cùng ông Richard Aluttrell phiêu dạt sang nước Mỹ, đã từng đăng trên một số tờ báo của Mỹ, nay lại được trở về với gia đình) và anh Nguyễn Văn Huệ, người con trai duy nhất của liệt sỹ mà cha anh chỉ duy nhất một lần thấy anh khi anh 6 tháng tuổi. Lần ấy, cha anh về phép trước lúc lên đường vào Nam chiến đấu và hy sinh.

Thắp hương xin tạ tội với hương hồn liệt sỹ xong, người lính Mỹ năm xưa còn xin được thắp hương tạ tội trước linh hồn bà Nguyễn Thị Hương, vợ liệt sỹ Nguyễn Trọng Ngoạn, người phụ nữ Việt Nam đã vì ông mà gần 30 năm phải mòn mỏi chờ chồng trong vô vọng cho tới khi về cõi vĩnh hằng.

Như thế chưa vơi hết sự tội lỗi trong lòng, qua phiên dịch, ông Richard Aluttrell còn hỏi chị Lan và anh Huệ:

- Anh chị có oán hận tôi không?

- Chuyện đó đã lùi vào quá khứ rồi. Bây giờ, chúng tôi không oán hận gì ông cả!

Chị Lan nay đã là bà nội của hai cháu, nghẹn ngào kể lại với tôi cái giây phút gặp người lính Mỹ đã bắn chết cha mình. Ông ấy nói:

- Vậy... hãy cho tôi được gọi anh chị là... con!

Nói rồi, ông Richard Aluttrell ôm ghì lấy hai chị em Lan, Huệ lần nữa cùng những giọt nước mắt vỡ oà trong ân hận, trước sự chứng kiến của nhiều cán bộ cùng đi trong đoàn và bà con nhân dân thôn Phúc Thắng, xã Đức Thắng (Hiệp Hoà).

Hiện nay, hài cốt liệt sỹ Nguyễn Trọng Ngoạn đã được trở về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ quê nhà, nơi mà 41 năm trước đây ông đã tạm biệt quê hương, gia đình, vợ trẻ con thơ lên đường ra trận, đã ấp ủ niềm yêu thương đó bằng tấm ảnh chụp cùng cô con gái bé bỏng bên mình. Để rồi, sau khi ông anh dũng hy sinh, tấm ảnh đã trở thành lời sám hối cho một nhân cách con người tận bên kia trái đất

Trần Thị Mây Lai
.
.
.