Chuyện những người làm nghề “chăm người ngoài”

Thứ Tư, 24/06/2009, 15:06
“Đi chăm người ngoài hơn cả chăm lo cho bố mẹ, chồng con mình chỉ vì để có thu nhập tốt hơn... Công việc chăm bệnh nhân không phải ai cũng có thể làm được. Chúng tôi phải luyện tập tính nhẫn nại, chịu khó, biết được tâm lý của từng người bệnh và gia chủ để hạn chế sự sai sót…” - một phụ nữ làm nghề chăm sóc bệnh nhân tâm sự.

Chuyện "Ai là ân nhân của ai?" được ghi lại từ bệnh viện. Đó là các trường hợp một số bệnh nhân được chăm sóc thường xuyên (ngoài giờ thăm nom điều trị của cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện) bởi những người được hợp đồng thuê mướn khá xa lạ, được chăm sóc chu đáo khiến nhiều người tưởng lầm đó là vợ, con hoặc người thân trong gia đình. Những bệnh nhân này thường cao tuổi hoặc là mắc bệnh nặng nằm liệt trên giường không tự ăn uống và điều chỉnh các sinh hoạt bình thường, gia đình không có người vào bệnh viện chăm sóc nên phải thuê mướn người khác chăm sóc.

Những người làm nghề này, ngoài việc phải học "nghiệp vụ chăm sóc bệnh nhân" từ các y bác sĩ, nhân viên y tế, họ còn phải có tấm lòng nhân hậu, tinh thần trách nhiệm trước người bệnh để có thu nhập theo hợp đồng được thỏa thuận.

Họ được các y, bác sĩ chỉ dẫn người cần chăm sóc mắc bệnh gì, phải chú ý theo dõi từng phút, từng giờ như thế nào để có thể thông báo kịp thời cho y bác sĩ điều trị, trực ban khi cần thiết. Họ còn được chỉ dẫn để biết điều chỉnh một số phương tiện y tế như máy thở ôxi, điều tiết nhịp thở, cho ăn qua đường xông..

Những bệnh nhân nặng như bị tai biến mạch máu não, bị tai nạn… có trường hợp chỉ như một cơ thể sống, không còn nhận biết các tác động, ngay cả khi cần ăn uống, đi tiểu tiện, đại tiện cũng không thể tự điều chỉnh. Do đó, họ phải luôn có mặt và để mắt tới bệnh nhân gần như 24/24h, bởi nếu sơ suất có thể dẫn tới hậu quả xấu cho bệnh nhân.

Những người chăm sóc bệnh nhân thường là chị em phụ nữ trung niên, đôi khi cũng có nam giới đến thay cho một vài ngày khi họ có việc cần thiết. Ở các bệnh viện tại Hà Nội, người làm nghề chăm sóc bệnh nhân đến từ các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình… Nơi có người đi làm dịch vụ này nhiều phải kể đến xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ.

Nói chuyện với chị Dung khi đang chăm sóc một bệnh nhân tai biến mạch máu não được biết: Ở quê chị có khá nhiều phụ nữ ở độ tuổi trên dưới 40 đi ra Hà Nội làm công việc này, có gia đình cả hai vợ chồng cùng đi làm. Bởi so với thu nhập làm nông nghiệp tại quê thì để có thu nhập hơn một trăm ngàn đồng một ngày là rất hiếm, thậm chí vào dịp Tết Nguyên đán có bệnh nhân phải trả 250.000 đồng/ngày cho người chăm sóc nhưng gia chủ vẫn vui vẻ chấp nhận.

Các chị Oanh quê Hưng Yên; chị Bình, Dung ở Phú Thọ cho biết: Thực ra công việc chăm bệnh nhân không phải ai cũng có thể làm được. Chúng tôi phải luyện tập tính nhẫn nại, chịu khó, biết được tâm lý của từng người bệnh và gia chủ để hạn chế sự sai sót. Bữa ăn chúng tôi phải tranh thủ vào những lúc người bệnh thiếp đi trong giấc ngủ, ban đêm giấc ngủ thấp thỏm vì còn phải canh chừng người bệnh đi vệ sinh hoặc lên cơn đau. Hơn nữa, việc thường xuyên tiếp xúc với người bệnh, ở nhiều bệnh viện khác nhau, có thể có cả bệnh lây nhiễm sẽ ảnh hưởng ngay tới sức khỏe.

Nỗi buồn về nghề không ít, nhưng niềm vui cũng có. Nếu bệnh nhân được chăm sóc chu đáo sau khi khỏi bệnh, thân nhân họ tin tưởng, quý trọng mình như ân nhân, như người trong gia đình.

Các chị cho biết, có người vì chăm sóc tốt cho một bệnh nhân nằm ở Bệnh viện Hữu Nghị nhiều ngày, gia đình họ sau đó tạo điều kiện giúp đỡ xin việc cho con cái có công ăn, việc làm tại Hà Nội, hai gia đình thân nhau như trong thân tộc, vậy là chẳng biết ai là ân nhân của ai.

Nhiều người làm nghề này cho biết: "Đi chăm người ngoài hơn cả chăm lo cho bố mẹ, chồng con mình chỉ vì để có thu nhập tốt hơn. Nhưng vui nhất vẫn là có những trường hợp chẳng biết ai là ân nhân của ai giữa người bệnh và người giúp việc, bởi người bệnh đã có cả một thời gian được sự chăm sóc để vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, còn người giúp việc thì sau đó lại được chính người bệnh hoặc thân nhân người bệnh giúp đỡ có công ăn việc làm thường xuyên hoặc con cháu có điều kiện để học tập, công tác tại thành phố". Vậy ai là ân nhân của ai trong việc này?

Duy Tường
.
.
.