Chuyện người chế “siêu máy bơm” cứu ngập cho TP Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 30/09/2017, 06:45
Ròng rã 7 năm với một ý tưởng, doanh nhân Nguyễn Tăng Cường – Tổng Giám đốc Tập đoàn cơ khí Quang Trung đã chế tạo thành công “siêu máy bơm” chống ngập cho TP Hồ Chí Minh. Với cam kết “không hết ngập, không lấy tiền”, việc thử nghiệm sản phẩm đã đem lại hiệu quả không ngờ, chỉ trong 15 phút, đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) ngập sâu từ 35-40cm đã rút sạch nước.  


Nói về ý tưởng chế tạo “siêu máy bơm”, ông Cường cho hay: “Chúng tôi từng thi công nhiều cầu vượt kết cấu thép tại TP Hồ Chí Minh nên tôi rất hiểu từng con đường nơi đây. Các khu vực trũng thấp của TP Hồ Chí Minh thường xuyên ngập úng, đặc biệt tại quận 1, 2, Nhà Bè... khiến giao thông hỗn loạn, đảo lộn cuộc sống của người dân. Độ dốc hệ thống cống của TP. Hồ Chí Minh rất thấp, chỉ từ 1,5 đến 1,65m, trong khi cốt nước trung bình của sông khi dâng lên là 1,35m. Địa phương đã chi hàng nghìn tỉ đồng cho các công trình chống ngập nhưng không mang lại hiệu quả.

Với lợi thế là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí, tôi tin rằng chúng tôi có thể chế tạo máy bơm ly tâm công suất lớn để đặt tại các vị trí thường xuyên ngập úng mà không cần phải đào đường, lắp cống mới”.

Sau khi có ý tưởng, ông cùng đội ngũ kĩ sư bắt tay làm việc. Mọi công đoạn chế tạo, lắp ghép đều được thực hiện tại nhà máy ở Uông Bí (Quảng Ninh), khi hoàn thiện thì vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh để chạy thử nghiệm.

"Siêu máy bơm" được thử nghiệm thành công tại TP Hồ Chí Minh.

“Siêu máy bơm” của Tập đoàn công nghiệp Quang Trung có công suất 96.000m3/h, cao hơn khoảng 30 lần so với máy bơm bình thường. Bơm hút được đặt tại cửa xả nước tiếp giáp với sông và có bộ lọc tự động tách rác thải đưa vào xe chuyên dụng. Hệ thống tự động được kết hợp với cảm biến đo mực nước, trong khi đó, hệ thống van 1 chiều sẽ giúp đẩy nước xa 10km mà không bị dội trở lại. Khi hoạt động, máy bơm sẽ hút toàn bộ nước thông qua hệ thống cống và ống dẫn ngầm để thoát ra sông Sài Gòn. Theo tính toán, tổng chi phí cho “siêu máy bơm” này là 88 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 12 tỉ đồng, còn lại là chi phí cho công nghệ và thiết bị.

“Siêu máy bơm” đã được thử nghiệm thành công bước đầu tại đường Nguyễn Hữu Cảnh – rốn ngập của TP Hồ Chí Minh. Tại thời điểm thử nghiệm, mưa lớn kết hợp triều cường khiến con đường này ngập sâu từ 35-40cm (khu vực đối diện toà nhà The Manor) khiến nhiều phương tiện có nguy cơ chết máy. Chỉ sau 15 phút khởi động máy bơm, toàn bộ lượng nước đã được hút sạch. Theo ông Cường, thời điểm này, máy bơm mới hoạt động khoảng 60% công suất, tương đương lượng nước từ 50.000-60.000m3/giờ, trong khi công suất tối đa của máy lên tới 96.000m3/giờ.

Nói về việc UBND TP Hồ Chí Minh chỉ muốn thuê “siêu máy bơm” với giá 12 tỉ đồng/năm chứ không muốn chuyển giao, ông Cường cho biết: “Lãnh đạo thành phố đánh giá cao sản phẩm của chúng tôi nhưng vì trong lịch sử chưa từng có sản phẩm tương đương để đối chứng nên trước mắt thành phố muốn thuê lại.

Mặc dù bỏ số tiền lớn để đầu tư nhưng tôi nghĩ rằng đây cũng là phương án tốt. Chúng tôi không chỉ muốn thuyết phục lãnh đạo thành phố mà còn muốn thuyết phục tất cả người dân bằng hiệu quả của công trình. Khi mọi thứ đã hoạt động ổn định, tôi đảm bảo rằng, vấn đề ngập úng của thành phố sẽ cơ bản được giải quyết.

Hiện thành phố vẫn còn trên 66 điểm ngập úng, trong đó có trên 40 điểm ngập thường xuyên. Trung bình mỗi trận mưa, chi phí nhiên liệu để vận hành máy bơm chỉ khoảng 5 triệu đồng. Giải pháp của chúng tôi là tiết kiệm nhất, chi phí đầu tư thấp nhất”.

Doanh nhân Nguyễn Tăng Cường là con người của những ý tưởng táo bạo, nói là làm. Thành công lớn nhất của vị doanh nhân này là việc chế tạo thành công cẩu trục lớn nhất Việt Nam với tải trọng 1.200 tấn phục vụ cho nhà máy thuỷ điện Sơn La, giúp công trình về đích sớm 2 năm, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỉ đồng.

Với sản phẩm này, ông được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ. Bằng việc không ngừng đổi mới và sáng tạo, đưa khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất, ông còn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kì đổi mới – trở thành người trẻ nhất Việt Nam được nhận danh hiệu này.

Nhìn lại con đường đã đi qua, ông Cường chia sẻ: “Bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng chỉ có đầu tư vào công nghệ cao mới có thể tạo ra sự ổn định và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để đạt được điều này cần phải có rất nhiều nguồn lực, vốn và chất xám. Chính vì thế, trong tầm nhìn 10 năm tới, chúng tôi đưa yếu tố lựa chọn và tuyển dụng nhân sự là nhiệm vụ số 1, song song với đó là tìm kiếm, mua và chuyển giao những công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, đồng thời trang bị đầy đủ các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng để có thể kết hợp giữa lí thuyết với thực hành. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao, ứng dụng được vào thực tiễn”.

Vị doanh nhân được mệnh danh “vua thép” này nói thêm: “Chúng tôi cũng đã nghiên cứu thành công việc sản xuất ra điện mà không tốn chi phí, việc thử nghiệm đạt kết quả rất tốt. Sắp tới chúng tôi sẽ công bố rộng rãi”.

Khánh Vy
.
.
.