Chuyện một nông dân khiếm thị nửa thế kỷ trèo cây kiếm sống

Chủ Nhật, 02/10/2005, 08:03

Khi bị mù, đi lại trên mặt đất đã gặp rất nhiều khó khăn, ấy vậy mà có một ông già mù hơn nửa thế kỷ qua hàng ngày vẫn đều đặn trèo cây, chặt cành mé nhánh cho người dân trong vùng để kiếm sống qua ngày. Đó là ông Lê Văn Hòa (Ba Hòa), 74 tuổi, ở KV6, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, Cần Thơ.

Bây giờ, một ngày vợ chồng ông Ba Hòa kiếm được trên dưới 40.000 đồng. Bữa nào nhận lãnh cả phần chẻ củi thì số tiền khá hơn. Năm nay đã bước qua cái ngưỡng "thất thập cổ lai hy" nhưng ông vẫn theo nghề và chưa có ý định "giải nghệ". Khắp vùng Bình Thủy, Long Hòa, Long Tuyền, Ô Môn, Cờ Đỏ… ai cũng biết đến cái biệt danh ông Ba mù đốn cây. Cứ có việc tỉa nhánh, mé cành, đốn cây làm củi, xẻ ván làm cột là mọi người lại gọi ông.

Chú Hai Lâm, người hay mướn ông Ba Hòa đốn cây cho biết: "Thấy hoàn cảnh anh Ba như vậy, chúng tôi thương nên có việc là kêu anh ấy làm. Mà anh làm cẩn thận lắm, giao cho anh là an tâm". Mọi người sống trong vùng đều quý mến vợ chồng ông Ba Hòa bởi cái tính thật thà, chăm chỉ làm ăn. Ông Ba Hòa không phải bị mù bẩm sinh. Năm 12 tuổi, trong một lần đi câu cá bị bụi bay vào mắt, ông liền đưa tay dụi qua dụi lại, nhưng không ngờ ông đã vĩnh viễn mất đi đôi mắt vì nhiễm trùng.

Trong 50 năm leo cây, chỉ duy nhất một lần cách đây 23 năm, ông bị người bạn vô tình kéo dây không đúng làm ngã xuống đất từ độ cao 10m. Ông kể: "Lần đó tui đốn cây xoài cho cô Ba Lân ở trại dưỡng lão. Tui đã mé hết các nhánh, chỉ còn cưa cái đọt để vợ ở dưới giựt dây cho nó rớt là có thể xuống cưa gốc. Tính kêu bà xã kéo dây thì bất ngờ ông bạn cùng xóm đi công chuyện ghé ngang. Thấy trưa nắng, ông biểu bà xã tui để ông ấy phụ một tay cho chóng xong việc. Lúc đó, tui chưa kịp ghì người vào thân cây thì ông đã nắm dây kéo cái rụp. Tui không kịp la đã té bổ nhào từ lưng chừng cây xuống đất. Nằm chết giấc một hồi tui lồm cồm bò dậy. Trận đó ớn tới giờ. Chút xíu nữa là tiêu rồi. Chỗ tui té chỉ cách mấy cục đá cạnh hàng rào có vài tấc".

Vợ chồng ông Ba Hoà và cháu ngoại.

Ở miệt Long Tuyền, nhà nào cần tỉa nhánh cây, cưa cây làm cột, xẻ ván đều nhờ đến ông. Thậm chí có những cây dừa lão cao chót vót hơn 20m, thợ củi chung quanh vùng đều chào thua vì cây quá cao, leo lên sợ gió to ngọn yếu dễ bị té xuống. Nhưng gặp tay cưa của ông đều phải ngoan ngoãn "chịu phép". Nhìn ông leo thoăn thoắt, ít ai nghĩ rằng tuổi ông đã bước qua cái ngưỡng 70 từ cách đây 4 năm. Không chỉ leo cây, các công việc nhà như bửa củi, dừng vách, dọn dẹp vườn tược ông đều làm rành rẽ không thua gì người sáng mắt. 

Chuyện duyên tình của ông cũng lắm điều trúc trắc. Năm 18 tuổi, ông cưới vợ. Đám cưới của anh chàng mù làm nghề chài lưới cũng rình rang khắp làng trên xóm dưới. Cô vợ là người nơi khác chạy giặc Pháp đến xóm lưới cư ngụ. Ông khoe: Hồi đó tui cưới vợ hết 300 đồng lận. Cái thời cá tôm ê hề, chịu khó chút xíu là chỉ cần làm một đêm sáng ra bán cho mối thôi cũng rủng rỉnh tiền tiêu xài". Nhưng rồi người vợ ấy ở với ông chưa đầy 2 năm đã bỏ ông chạy theo tiếng gọi nơi phồn hoa đô thị. Đêm ấy, vợ chồng ông ra mé rạch buông lưới như mọi ngày. Trong lúc ông đang gỡ lưới để buông thì không nghe thấy tiếng vợ nên cất tiếng gọi. Gọi riết mà không nghe lời đáp trả, ông vội lần tìm đường về nhà báo cho cha mẹ để phụ đi tìm vì sợ vợ gặp chuyện không may. Cả xóm cũng đổ ra kiếm giúp, nhưng vợ ông vẫn "bóng chim tăm cá". Lúc ấy vợ ông đang mang thai đứa con đầu lòng. Hai tháng sau, vợ ông từ Sài Gòn nhắn tin về báo là cô không thể sống mãi với cảnh chài lưới sớm hôm nên ra đi tìm cuộc sống khác.

Buồn tình, ông như người mất hồn. Mấy tay lưới cũng nằm chỏng chơ trên giàn phơi… Suốt ngày ông ngồi như tượng trên bộ ván đặt trước cửa nhà như trông ngóng… Lần hồi không làm thì lấy gì mà ăn, ông lại lủi thủi tay lưới, tay câu ra bến sông kiếm sống. Rồi ông theo ba mẹ về Rạch Chanh (xã Long Hòa) coi vườn mướn để nguôi ngoai nỗi buồn.

Năm 1964, ông gá nghĩa với bà Nguyễn Thị Tám. Bà Tám khi ấy 27 tuổi nhưng đã một nách 3 con. Chồng bà là liệt sĩ Hồ Văn Vàng, hy sinh năm 1962. Bà phải đi làm thuê làm mướn nhưng vẫn không đủ ăn. Tình cờ trong một buổi đi làm cỏ mướn, bà gặp ông Ba Hòa đang đốn cây. Thấy ông hì hụi một mình vừa lo cột dây, dắt cưa để hạ cây bạch đàn cao chót vót, bà mủi lòng đánh tiếng kéo phụ...

Từ đó người dân Rạch Chanh lại bắt gặp cảnh đôi vợ chồng nghèo dắt tay nhau đi hết khu vườn nọ đến khu vườn kia trong vùng để làm nghề trèo cây tỉa cành mé nhánh, chẻ củi… Lần lượt 4 người con, 2 trai, 2 gái chào đời trong mái tranh nghèo và lớn lên bằng những đồng tiền công trèo cây mướn của cha mẹ.

Cái duyên nợ như tự thuở nào đã gắn bó hai người cùng cảnh nghèo ấy với nhau cho đến nay đã hơn 40 năm.Các con của ông bà bây giờ đều có gia đình ổn định, riêng cậu con trai út vẫn ở với ông bà. Hàng tháng, các con của ông bà vẫn về thăm và phụ giúp cha mẹ trong cuộc sống. Nhưng ông bà quyết không nhận tiền bạc của con cái mà tuyên bố: "Cứ để vợ chồng già tự lo. Còn sức là còn làm". Ông bà còn nhận nuôi một đứa cháu ngoại.

Cái lạnh của trời chiều lan tỏa khắp miệt vườn, nhưng ngồi nghe câu chuyện đời của ông già mù với nửa thế kỷ sống bằng nghề trèo cây sao lòng ấm áp lạ thường. Một con người bình dị, sống bằng chính sức lao động của bản thân với nghị lực sống và một tấm lòng tự trọng cao cả. Tôi chợt nhớ đến cô bạn đồng nghiệp ở một tờ báo từng viết loạt bài về những kẻ giả danh mù lòa để đi ăn xin thiên hạ mà càng cảm phục nghị lực sống của ông Ba Hòa

Nam Thơ
.
.
.