Chuyện một người thầy biến Mù Cả thành… sáng cả (Phần II)

Thứ Bảy, 30/07/2005, 07:29
5 năm gắn bó với Mù Cả, thầy giáo Nguyễn Văn Bôn đã đưa xã vùng núi cao heo hút này trở thành điểm sáng giáo dục hàng đầu của toàn bộ vùng rẻo cao nước ta. Đối với người dân tộc Hà Nhì, thầy Bôn giống như một vị tiên. Họ đặt tên ông cho một ngọn núi ở vùng đất mà ông đã xả thân cống hiến.

Ngày ngày, khỉ vượn nhảy, hú quanh nhà, tiếng hú chói chang. Có ông già đi nương bắt được con hổ con bèn bế về nộp cho châu Mường Tè, châu đem xuống tặng cho Vườn thú Hà Nội. Đêm, sói với hổ bắt vật nuôi của bà con tạo nên những âm thanh rất khủng khiếp. Thỉnh thoảng, bà con hay nhặt được những con nai, con hoẵng bị chó sói moi hết ruột ăn, bỏ lại thịt tươi ngon. Bà con đem về nấu, tôi cũng hay được ăn, rất ngon và... thú vị!

Sau quá trình tìm hiểu kỹ, tôi quyết định họp cán bộ và bà con lại để bàn về chủ trương mở trường dạy chữ. Tôi họp các trưởng bản lại và thống kê: số trẻ em trong toàn xã ở độ tuổi từ 7 đến 12 có khoảng gần 50 em. Thống nhất ý kiến, mỗi em đi học phải mang theo gạo và quần áo. Tôi xắn tay đẵn gỗ dựng một ngôi trường hẳn hoi, bằng gỗ, nứa, có đủ bàn ghế, đủ cho 40 em học sinh ngồi học. Trong khi xã Mù Cả chưa có trụ sở Ủy ban, chưa có bất cứ công trình “công cộng” nào thì trường của tôi đã mọc lên.

Tôi rất nhớ ngày hôm đó, ngày 10/9/1959, tôi hồi hộp chờ đợi năm học đầu tiên của Mù Cả được bắt đầu. Mùi gỗ mới đẵn, mùi tre tươi thơm ngọt mà hăng hắc tỏa ra từ bàn ghế, kèo cột, mái gianh ngôi trường mới. Đúng giờ tập trung, 40 em học sinh từ các bản có mặt đông đủ. Quần áo các em thật sặc sỡ, đôi mắt trẻ em vùng núi cao bao giờ cũng tròn xoe ngơ ngác như vậy. Chúng rụt rè nhìn tôi. Tôi phân chia các em về từng gia đình ở “ngoại trú”.

Xong việc, tôi ngồi khóc, khóc thật sự. Vậy là sau bao ngày đêm lăn lộn vất vả, rất nhiều đêm thức trắng “tay không bắt giặc”, thậm chí đối mặt với quá nhiều hiểm nguy, bây giờ tôi đã có một ngôi trường, có học trò để dạy. Tôi thấy phấn chấn vô cùng. Buổi đầu tôi dạy cho các em cách tự xưng tên mình, dạy các em học hát. Bài hát đầu tiên, cũng rất thiết thực, nó là một bài học thể dục thì đúng hơn:

“Ngồi mãi mỏi lưng
viết mãi mỏi tay
Thể dục thế này
là hết mệt mỏi”

Thầy trò viết chữ lên cổ tay, lên lá chuối và... lưng trâu!

Giờ lên lớp, chỉ có một hộp phấn, một quyển sách vỡ lòng, tôi viết lên bảng, tiếng trẻ đọc vang khắp bản làng, người lớn khắp nơi cũng tò mò kéo đến xem, các bà các chị cũng vui lắm. Bấy giờ chưa có bảng đen hay bút giấy gì, tôi cứ bảo các em tập viết vào cổ tay mình rồi giơ lên cho thầy xem. Cũng chẳng cần biết các em viết, đọc đúng sai thế nào, cứ thấy 40 cánh tay giơ lên, cứ nhìn nét mặt các em chăm chú, méo mồm uốn cổ tay theo thầy là thấy thích rồi.

Ngay sau buổi học ấy, tôi đưa ra sáng kiến dùng tàu lá chuối dọc bỏ sống giữa, gấp lại thành “sách”, thành “bảng” đem đến lớp để tập viết. Tôi lấy một cái bút mẫu cho các em nhìn, rồi để tự các em mỗi người đẽo cho mình một cái bút gỗ, có “ngòi” không quá nhọn - tránh làm rách lá chuối tươi khi viết. Các em dùng bút gỗ viết trên lá chuối, cứ thế mà học.

Trẻ em vùng cao rất hiếu động, để các em khỏi nhớ nhà mà... trốn mất, ngay từ khi ấy, chủ trương học mà chơi - chơi mà học đã được tôi đề cao đặc biệt. Tôi cuộn rơm hoặc nhặt bưởi ngoài rừng về làm thành quả bóng cho các em chơi. Chủ nhật, tôi tổ chức đi hái nấm, bẻ măng, bắt cá suối về tổ chức “đại tiệc” còn thừa bao nhiêu cá đem phơi ra làm thức ăn dự trữ khi mùa mưa về. Thậm chí học trò còn tổ chức vây bắt được cả những đàn khỉ về chơi. Tôi nặn ra sa bàn có núi non, khe lạch, và cả đồi trọc để dạy cho các em.

Lớp học của tôi đã có lần bị vỡ. Lần đó là do nạn quần hôn ở vùng sâu vùng xa mà tôi chưa kịp biết. Sau khi khai giảng độ nửa tháng, một tối tôi đi kiểm tra nơi ăn chốn ở của các học sinh. Đến đến nơi thì thấy vắng lặng ở nhiều nhà, sau tôi tìm đến một nhà rộng rãi mát mẻ thì thấy các em nam nữ nằm ở trần tùm lum. Tôi quát gọi tất cả trở dậy, bảo các em mặc quần áo, nhà nào về nhà nấy đi ngủ.

Hôm sau, đến giờ học, chờ mãi chỉ thấy mấy em học sinh bản Mù Cả ra lớp, còn lại, học sinh ở các bản khác trốn tiệt. Tôi tìm hiểu kỹ, thì mới vỡ lẽ ra, ở đây còn tàn dư của nạn quần hôn. Tôi gọi đồng chí Bí thư xã lên trình bày, anh ta bảo, thì nó cũng như cái nương ấy mà, nếu không chịu phát thì cây mọc lấp mất đường, bít mất nương. Con gái trong bản cứ 12-13 tuổi là cha mẹ cho ra ở buồng riêng, con trai cứ vào tự do hoạt động. Trước tình hình đó, tôi đã đả phá kịch liệt cái hủ tục này. (Sau này, tôi về Bộ Giáo dục báo cáo về tình trạng này, khiến nhiều người cực kỳ sửng sốt, nhiều nhà dân tộc học, nhà sử học tìm gặp tôi để hỏi thêm rất kỹ).

Hết học kỳ 1, năm học 1959-1960, tôi về châu họp, rồi lại về Trung ương nữa, nghe một đồng chí ở Vụ Phổ thông, Bộ Giáo dục - Đào tạo nói, xã Mù Cả đã tập hợp được số học sinh theo học đông nhất so với các xã vùng cao dân tộc ít người khác. Gần như 100% các em trong độ tuổi đến trường, trong khi ở các xã như Pa Vệ Sủ chỉ có 1 em, nhiều xã khác cố lắm chỉ có 4-5 em.

Dạy tốt ở nhà trường phổ thông, tôi lại nghĩ, làm sao để cả bản cả xã đều dạy nhau học, chứ một mình mình là thầy giáo thì chưa phải là đã tốt. Tôi đề nghị xã cho nghị quyết: mỗi bản phải lựa chon 1-2 thanh niên sáng dạ và chăm chỉ đến học thầy Bôn suốt 2 tháng, học bằng hết quyển vở vỡ lòng và đọc được. Họ sẽ trở về và dạy xóa mù cho những người khác.

Sáng sớm, tôi dạy chữ cho những người chuyên nghề đi nương. Tôi dạy chữ bằng phấn viết lên bảng. Khi sương núi loãng dần, người ta lục tục lên nương, đó cũng là lúc mà tôi viết phấn lên lớp da đen bóng của trâu, để họ vừa đi vừa ôn bài. Sẩm tối, bên bếp lửa, tôi dạy các bà trung niên học chữ. Sáng, trưa, chiều, tối tôi mở liên tiếp bốn lớp khác nhau do một mình tôi đảm nhiệm.

Chính nhờ những nỗ lực đó, năm 1963, Mù Cả là xã duy nhất ở rẻo cao phía bắc được Nhà nước ta công nhận là xã xóa được nạn mù chữ. --PageBreak--

Bắn súng lên trời đón Tết của người kinh

Tết Nguyên đán của người Kinh đến, chỉ có 2 anh em tôi, đang loay hoay không biết phải đón giao thừa như thế nào. Chúng tôi cho mời anh Phó chủ tịch UBND xã đến, bảo rằng, ở dưới xuôi, vào giờ khắc này, gia đình đi đông đi tây gì gì nữa thì cũng phải tụ họp, cúng ông bà ông vải, nghe Bác Hồ đọc thư chúc tết. Vì nhiệm vụ chúng tôi ở đây với bà con, chúng tôi không tổ chức tết lễ gì nhiều, nay mời đồng chí sang uống chén rượu nhạt. Tôi xách khẩu súng cạc-bin ra bắn một loạt đạn lên không trung. Vì đã phổ biến trước việc bắn 21 viên đạn cạc-bin cho dân bản biết, nên súng nổ cũng không gây náo loạn gì.

Chúng tôi nằm bên nhau trong giá rét. Ông Phó chủ tịch ngồi nghe cứ thở dài thương cái cán bộ quá, tết chả được về nhà “cúng bản” gì cả. Trời hửng sáng, chúng tôi bảo nhau: hãy xuất hành đầu xuân bằng việc đi sửa máng nước cho bà con dân bản. Chúng tôi trèo lên ngọn núi cao nhất bản, lần theo máng nước bằng tre đã cũ. Nó cũ quá, đã bị con nai con hoẵng đi trong rừng hoang vô tình giẫm vỡ.

Đang chuẩn bị sửa thì thấy dân bản kéo đến lôi chúng tôi về đầu bản. Tại khu rừng thường diễn ra các lễ tết Hà Nhì, tôi thấy họ giết lợn giết gà, thức ăn bày la liệt. Cả bản tuyên bố nghỉ đi nương, nghỉ học, ăn tết người Kinh với cán bộ. Chúng tôi uống rượu bằng bát.

Lập công viên, bảo tàng và phòng thí nghiệm giữa rừng

Mỗi lần nhìn bà con cởi hết quần áo tắm suốt buổi ngoài suối, lòng tôi héo thắt lại. Chỉ có một bộ quần áo rách rưới thôi, nên họ tắm xong rồi, giũ áo quần phơi lên phiến đá rồi đi loanh quanh tranh thủ hái măng, nhặt nấm, kiếm củi, đợi bao giờ quần áo khô mới được... trở về. Tôi mua gương lược cho các em chải đầu, tự chỉnh trang ăn mặc cho gọn gàng. Nói thật, tôi còn dạy các em gái mặc xu-chiêng cho bộ ngực sắp lớn của mình. Các bà các chị ở đây, bao đời nay làm gì có khái niệm dùng cái nịt ngực. Câu chuyện sau này được giảng dạy trong sách giáo khoa nhiều năm trời, đó là chuyện tôi đã cắt đôi tấm chăn đơn của mình ra rồi chia cho mỗi em học trò một nửa.

Mỗi lần về phép, tôi mang lên Mù Cả đủ thứ, những thứ mà bây giờ kể ra đây mọi người phải bật cười: tôi mang mớ cẳng sắn (hom sắn) để giâm trồng thành cây sắn; mang chai, lọ, vài nhúm hạt rau cải, vài viên gạch nung màu hồng... để làm giáo cụ dạy các cháu. Những thứ vô cùng quen thuộc với người Kinh đó, các cháu người Hà Nhì đều chưa bao giờ được trông thấy. Bây giờ, lên Mường Tè thấy mênh mông nương sắn. Nhưng, đúng là trước kia, người bản địa chưa bao giờ hình dung trên đời lại có một cây là cây sắn. Họ gọi cây sắn là cây khoai của atê (cha) Hồ (Hồ Chủ tịch). Bà con sống trong các căn nhà tường chình dày - họ cũng không hình dung trên đời lại có những viên gạch nung trong lửa dùng để xây nhà.

Tôi tổ chức cho các em đốt  nương, phát cỏ tranh, làm tới năm sáu mẫu ruộng. Mỗi vụ trường thu tới vài tấn lúa. Chúng tôi còn được biết đến với danh hiệu: trường đầu tiên của toàn bộ khu vực đã tự trang bị được đài để nghe Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Tất nhiên, đó là một chiếc đài đốt bằng măng-xông của Trung Quốc, chúng tôi mua bằng tiền bán thóc tăng gia của thầy và trò nhà trường. Chúng tôi mua được cả máy nghe đĩa quay bằng tay, đèn chiếu; rồi tiến tới mua cả bò, cả trâu để nuôi lấy sức kéo.

Tôi vốn nhút nhát và chẳng bao giờ nghĩ rằng có ngày mình lại phải sáng tác bài hát, sáng tác bài múa, bài kịch như... nghệ sĩ đích thực. Tôi cho các em múa điệu hái chè, bắt bướm, múa nón, múa sạp. Rồi diễn kịch Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Đại hội Đảng huyện Mường Tè, Trường Mù Cả là trường duy nhất được đem một lúc gần 30 em học sinh về biểu diễn văn nghệ! Chương trình truyền thanh tiếng Hà Nhì đã ra đời ở cấp... trường. Đúng như sách giáo khoa sau này có viết và cho các thế hệ sau học, tôi đã cho học sinh lập ra một vườn cây thuốc nam có thể chữa được những bệnh thông thường (dựa vào kinh  nghiệm của những người già trong bản).

Đặc biệt, tôi còn cho thiết lập một công viên độc đáo ngay tại bản. Cũng đơn giản: tôi cho học sinh đi đẵn các cây tre vầu lớn, đục suốt vách ngăn giữa các đốt, rồi dùng vải buộc kỹ các chỗ nối để dòng nước từ hồ chứa trên núi có thể được dẫn về giữa sân trường. Nước bị dồn xuống, tôi làm một vòi hoa sen ở cuối đường ống. Hoa sen làm bằng một hộp đựng thuốc bằng nhôm, đục thủng lỗ chỗ. Nước bị nén và có thể được phun lên cao tới 5m. Khi ánh nắng chiếu rọi, các tia nước hình cầu vồng được khuếch tán màu rực rỡ, trông rất vui mắt.

Tôi cũng không hiểu sao mà bấy giờ tôi sáng tạo ra nhiều hoạt động đến như thế. Tôi đã lập cả bảo tàng, cả phòng thí nghiệm - đúng là kể thì không ai tin được. Tôi muốn thế hệ sau hiểu tất cả những gì đang có của cha ông người Hà Nhì. Tôi cho học sinh dựng một căn nhà hai gian kiên cố, tại đó, có trưng bày một bộ quần áo rách rưới nguyên bản nhất; một bộ bàn đèn thuốc phiện nhẵn bóng với ống tẩu được “ve vuốt” không biết từ bao nhiêu đời; một vài mảnh vải với đường kim mũi chỉ tài hoa sặc sỡ nhất của phụ nữ Hà Nhì; các mẫu quặng thu được ở ngoài suối, mẫu đất đá nhặt về từ các ngọn núi...

Khách đến, hoặc các em học sinh vào tham quan, sẽ nhận thấy rất nhiều điều về lịch sử đau thương, lầm lũi, cũng như những điều đáng tự hào của quê mình. Phòng thí nghiệm bên cạnh lại còn có rất nhiều các xác ướp “mẫu động vật” trong rượu cực mạnh của bà con để phục vụ việc học tập. Đó là các con kỳ đà, tức kè, thằn lằn, các loài ong, bướm...".

* * *

Sau 5 năm dựng trường và lập những kỳ tích ở Mù Cả, xã mù chữ cả đã không còn ai không biết chữ. Không ai tin được vùng đất mông muội hầu như bị bỏ quên trong mây mù ấy lại trở thành điểm sáng giáo dục hàng đầu của toàn bộ vùng rẻo cao nước ta. Ông Bôn trở thành cổ tích trong các thế hệ người Hà Nhì, ông được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huy hiệu chiến sĩ Thi đua toàn quốc, Huân chương Lao động hạng Ba. Ông đã được mời về dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ Thi đua toàn quốc lần thứ 3, do Bác Hồ chủ trì trong 3 ngày và tại đây, ông được Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và Danh hiệu Anh hùng Lao động.

Tôi từng nghe nhiều về tình cảm của bà con với ông Bôn. Năm 1999, sau khi nghỉ hưu tại Hải Phòng, ông Bôn sớm thu xếp một chuyến trở lại Mù Cả. Những học trò cũ của ông giờ có người là đại biểu Quốc hội; Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh; Phó bí thư thường trực huyện ủy; Bệnh viện trưởng...; họ đón ông Bôn như đón một vị cứu tinh trong đời họ. Họ đã lớn lên từ Mù Cả, đó là điều mà cha ông họ không thể ngờ tới được. Ông Bôn đi thuyền độc mộc dọc sông Đà theo vách đá dựng trời và ghềnh thác lên Pác Ma, ngược Mù Cả. Lúc chia tay, những người học trò như Vù Pố Xá đã theo chân ông tới 4-5km, và cứ ôm lấy ông mà khóc. Có nhiều người giữa huyện lị Mường Tè cứ ôm lấy ông, bảo rằng, em tưởng không bao giờ còn gặp lại được thầy, em cứ nghĩ thầy như một vị tiên mà đời em không bao giờ còn được trông thấy.

Điều lớn nhất đối với Anh hùng Nguyễn Văn Bôn mà ông đã có được sau những tháng ngày xả thân vì cộng đồng người Hà Nhì ở Mù Cả, ấy là một lẽ sống hiến dâng

Đỗ Doãn Hoàng
.
.
.