Chuyện một người được giảm án tha tù trên đỉnh Ba Vì

Thứ Tư, 03/09/2008, 09:32
Phủ "con rơi" - biệt hiệu một thời từng là nỗi khiếp đảm của du khách lẫn người dân ở khu du lịch Ao Vua vì anh từng là "đại ca" có số đã chỉ chỏ cho đám đàn em chuyên đi gây án chém người, phạm tội, vào tù… Còn bây giờ, anh được người ta nhắc đến như một "giang hồ rẽ lối hoàn lương" thành công đã làm lại cuộc đời và là tấm gương vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, là tấm gương sáng để nhiều người noi theo.

Cũng vì hủ tục… con rơi

Chúng tôi đến làng Yên Sơn, Ba Vì nằm chênh vênh trên vùng núi cao của huyện Ba Vì, nơi có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống để thăm Triệu Tiến Phủ, 39 tuổi nổi tiếng một thời. Ông Lý Sinh Vượng, Trưởng Công an xã Ba Vì cho hay: Ngày trước, Triệu Tiến Phủ sinh ra trong dòng họ có phong tục lạc hậu nhất bản người Dao nên bị bỏ rơi, lớn lên thiếu sự chăm sóc, giáo dục của gia đình nên mới dẫn tới Phủ phạm tội. Phủ là "có số" nhất trong đám trai làng nghiện ngập giang hồ.

Trong toàn xã có tới 6 họ Triệu, thì họ Triệu Mốc của Phủ sinh rất nhiều con nhưng cả nhà chỉ tập trung chăm lo cho đứa con cả, còn con thứ như Phủ thì bị bỏ rơi. Con cả được nuông chiều từ nhỏ, lớn lên được quan tâm dựng vợ gả chồng, có nhà cửa và ruộng nương tử tế. Con thứ hầu như không được quan tâm.

Ông Vượng nói: "Phủ sinh ra trong hoàn cảnh ấy, để rồi một thời gian dài Phủ buông thả theo kiểu trả thù đời, trả thù lại những người thân, các cấp chính quyền đau đầu vì Phủ, bao nhiêu biện pháp phạt hành chính, giam, bỏ tù… không làm nhân vật ngang tàng ấy quay đầu, cho đến khi…".

Ông Vượng bỏ lửng câu nói và bắt đầu kể lại câu chuyện từ khi Phủ ra đời ngang ngược. Cả nhà có 8 anh chị em, Phủ là con thứ sáu nên cũng rơi vào cảnh ngộ bị "bỏ rơi". Lớn lên sớm theo bạn bè, tụ tập rượu chè, quậy phá, trộm cắp đã từng có nhiều tiền sự và tiền án, rồi đi tù 2 năm ở tận Nghệ An… Ra tù, Phủ bỏ nhà "đi bụi" ở các thành phố kiếm sống nhưng tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Anh lại về quê sống lêu lổng, trộm cắp, trấn tiền… trở lại con đường phạm tội.

Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu… "giang hồ"

Thế rồi, một lần vào năm 1990, Phủ về quê ngoại và vô tình gặp và bén duyên với Triệu Thị Lan, cô gái cùng quê ngoại ở Phú Thọ. Họ trở thành chồng vợ trong sự ngờ vực của đôi bên gia đình vì Phủ lấy vợ nhưng vẫn được giới giang hồ trong vùng tôn xưng và dựa dẫm.

Cuộc sống vợ chồng với 2 bàn tay trắng, ăn còn chẳng đủ. Trong khi đó, dưới chân núi, khu du lịch Ao Vua đang phát triển mạnh, khách du lịch thập phương nô nức đổ về, thiên hạ hái ra tiền nhờ đủ thứ dịch vụ. Phủ như bị bỏ bùa mê. Phủ chỉ đạo đám đàn em "tự cho" mình quyền được ép khách, trấn lột, đe dọa khách. Phủ chính là nhân vật đứng đầu sai đám đàn em làm mọi chuyện từ lừa khách, thu tiền bảo kê… Chủ kinh doanh nào không tuân theo là anh cho đám đàn em đến quấy phá, lùa khách khỏi địa bàn.

Khi cơ quan Công an đến can thiệp thì "quân" của Phủ đã rút êm. Không thể ra mặt "xử" thì Phủ lại cho "quân" đêm đến phá trộm, bao nhiêu vụ phá phách gây mất an ninh trật tự làm xôn xao dư luận mà cơ quan Công an địa phương không thể có đủ nhân chứng, vật chứng để "bắt tận tay" và bỏ tù kẻ phạm tội.

Biết chồng ngày càng dấn sâu vào con đường xấu, Lan khéo bề can ngăn. Nhưng mỗi lần như thế, Lan đều bị Phủ đánh chửi thậm tệ. Lan kể: "Sau mấy năm tôi ki cóp được ít tiền, định bụng mua thêm con trâu, con lợn tăng gia sản xuất, nào ngờ sểnh ra một tí, chỗ tiền đã không cánh mà bay. Tôi biết và ra điều căn ngăn liền bị anh ấy đuổi đánh cả đêm, may mà có chị em trong hội kịp thời can thiệp. Những lúc như thế tôi chỉ muốn chết, chẳng muốn sống trên cõi đời này nữa".

Tung hoành ngang dọc rồi cũng đến ngày Phủ phải "trả nợ đời". Còn nhớ hôm đó, vào buổi sáng sớm, đang chuẩn bị lên nương ngô, Phủ nhận được tin báo có "đôi bạn" trông sang trọng đang "lạc" giữa rừng. Sau mấy phút chần chừ, Phủ cùng đệ tử xách dao đi "tiếp sức" cho đám đàn em "hoa tiêu".

Đến nơi, kẻ dùng dao khống chế, người thực thi "công vụ". Trúng quả, được hai túi lớn bao gồm tư trang, quần áo, tiền và máy ảnh trị giá hàng chục triệu đồng. Nhưng chưa đi được bao xa, thì bị dân và bảo vệ Ao Vua đuổi theo. Cả đám của Phủ bỏ chạy thục mạng lên rừng ẩn náu. Lưới trời lồng lộng, Phủ và đồng bọn đã sa lưới pháp luật.

Phủ kể, những ngày sống trong vòng lao lý là những ngày anh có thời gian "hồi tưởng" lại quá khứ và cảm thấy lương tâm bị giày vò. Đang ngồi tù thì Phủ nhận được tin vợ đã bụng mang dạ chửa, hằng tuần phải băng rừng đi bộ hàng chục cây số đưa đồ tiếp tế. Đồ tiếp tế đó cũng chẳng có gì, chỉ có vài nắm cơm. Nghĩ lại thấy thương Lan vô cùng, Vợ anh nghe được rằng bên Công an đang lập hồ sơ cho anh đi trại xa, mà lần này đi lâu hơn, rồi đời Phủ sẽ tàn trong tù tội… Lan phát hoảng tìm đủ mọi cách vận động anh khai báo và hối cải.

Nhờ cải tạo tốt, anh được khoan hồng và tha trước thời hạn. Khi ấy, Phủ về nhà và ngẫm lại đời mình thấy ân hận, thấy có lỗi với vợ con, với tất thảy mọi người. Chính từ những suy nghĩ đó, lại thêm được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, đã giúp Phủ quyết tâm "hoàn lương" và thành công.

Năm đó, xã Ba Vì có chương trình vận động thanh niên đi xây dựng vùng kinh tế mới, giao đất giao rừng, thế là 2 vợ chồng Lan - Phủ khăn gói quả mướp chọn sườn núi Yên Sơn làm nơi lập nghiệp. Đây là vùng toàn cỏ lau, cây dại hiếm người nông dân cần cù nào cải tạo được. Dựng vội túp lều tranh, Phủ đi khai hoang lấy đất trồng lúa, trồng sắn.

Thế nhưng, bởi đất hoang, chăm chút mấy cũng chẳng đủ ăn… mấy lần anh chán nản định bỏ của xuống núi với đám bạn mời gọi. Nhưng Lan thì dùng đủ mọi cách, nhất là đức hy sinh và thậm chí dọa tự tử nếu anh xuống núi quay lại đường cũ. Rồi Lan đi mua sách hướng dẫn cây trồng, mô hình VAC về đọc, cho Phủ cùng đọc, chỗ nào không hiểu thì xuống núi hỏi thêm, cứ thế họ học cách làm.

Ngày về…

Đến hôm nay khi ngồi tiếp chuyện với chúng tôi trong trang trại màu mỡ đang độ xuân đến, từ cây cảnh và vật nuôi đều đáng đồng tiền bát gạo, Phủ gần như không nói nên lời bởi có được thành quả làm giàu cho bản thân mình và quê hương bằng mồ hôi và nước mắt. Vì thế, bây giờ khi có tiền dư, anh cho bà con vay vốn để tăng gia sản xuất.

Có trường hợp như Tân, vốn là "đàn em" những hồi còn sống "giang hồ" cũng được anh gọi lên cho vay vốn là 20 triệu đồng để làm VAC. Tân bảo với chúng tôi, tuy anh Phủ cho vay vốn ít thế nhưng ngày xưa anh từ hai bàn tay trắng, huống hồ bây giờ tôi có vợ chồng anh ủng hộ, bà con ủng hộ. Anh Phủ làm được, em tin em cũng thành công.

Bây giờ, trong nhà Phủ có tới 10 người làm thì 4 lao động vốn là những tên côn đồ từng "dưới trướng" của Phủ ngày xưa cũng "rửa tay gác kiếm" theo anh Phủ hoàn lương và được trả công 1,2 triệu/tháng. Phủ bảo, sang năm sẽ nhận thêm nhiều người làm và có việc ổn định, nếu thanh, thiếu niên hư hỏng nào muốn xin vào làm anh cũng sẵn lòng, bởi anh trước đây cũng như họ, anh tin họ sẽ trở thành người tốt nếu có quyết tâm cao.

Phủ kể, trong những ngày bị quản thúc tại địa phương, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền về cây giống, Phủ đã khai hoang trồng được một nghìn gốc bương lấy măng, hàng ngàn gốc bạch đàn, chè Ô Long và quế. Riêng từ măng, hằng năm Phủ cung cấp cho khu du lịch Ao Vua vài ba tấn thu về hàng chục triệu đồng... Sau đó Phủ chuyển đổi hẳn sang trồng ngô phục vụ chăn nuôi. Trong làng ai cũng bảo nhà Lan - Phủ mát tay, hằng năm xuất chuồng mười đến mười lăm tấn lợn hơi, trừ chi phí cũng thu được chục triệu đồng.

Phủ không bao giờ quên ơn những người đã "sinh" ra Phủ lần thứ hai. Đó là các cấp chính quyền xã, Ban Công an xã, là Trưởng Công an xã Lý Sinh Vượng, lãnh đạo khu du lịch Ao Vua và đặc biệt là vợ anh, đã thường xuyên khuyên nhủ, động viên và tạo mọi điều kiện cho Phủ làm lại cuộc đời

Thành Văn
.
.
.