Chuyện một Việt kiều về thăm quê Đắk Lắk

Thứ Tư, 16/07/2008, 14:33

Gần 30 năm năm sau khi bị bọn phản động FULRO đến tận nhà bắt vào rừng rồi lang bạt từ Campuchia, Thái Lan, Philippines và đến Mỹ năm 1985, ông Y In M'Lô Duôn Du, 66 tuổi, người ở buôn Tung Krăk, xã Ea Drông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, trở về thăm quê hương và kể lại câu chuyện đời mình.

Trong khi những người trong cuộc có hơn nửa đời người sống trên đất Mỹ đã quá thấu hiểu những nỗi đau khổ, mất mát do bọn phản động FULRO đưa đến cho họ thì một số người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Đắk Lắk -Tây Nguyên lại mơ hồ ảo tưởng về cuộc sống sung sướng không phải làm việc mà vẫn có đôla tiêu xài thoải mái, có nhà lầu cao to để ở, có xe hơi để đi du lịch.

Trong những ngày vừa qua, một số Việt kiều là người DTTS ở các buôn làng của Đắk Lắk đã về thăm quê và kể lại những câu chuyện của chính cuộc đời họ. Đó là sự giãi bày cũng là lời cảnh báo cho những người nhẹ dạ, không chịu khó làm ăn trên chính mảnh đất quê hương mà lại mong ngóng xa vời hão huyền. Trong đó, cuộc đời của ông Y In M'Lô Duôn Du, 66 tuổi, người ở buôn Tung Krăk, xã Ea Drông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, là một câu chuyện đượm buồn.

Sau một thời gian bị chế độ Mỹ - chính quyền Sài Gòn bắt đi lính, không muốn làm điều ác như bọn Mỹ - quân đội Sài Gòn, không muốn tay mình cầm súng bắn giết đồng bào mình, năm 1973, ông Y In đã đào ngũ về sống với buôn làng. Do trước đây có được học hành chút ít nên sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Y In được cán bộ cách mạng giao cho làm giáo viên dạy chữ, xóa mù cho bà con trong buôn làng.

Đang sống yên lành với một vợ và 4 đứa con trai, đứa đầu lên 9 tuổi, đứa út mới 4 tháng tuổi, thì đêm 29/12/1979, bọn phản động FULRO ập đến bao vây nhà, bắt ông ra rừng đi theo chúng. Nếu ông không theo thì chúng sẽ giết cả nhà. Ông không lạ gì cái bụng ác hơn con thú dữ của chúng. Ở trong rừng với bọn FULRO, ông Y In càng thấy rõ bản chất xấu xa, ác độc của chúng. Những đứa cầm đầu đặt ra chức vụ này, cấp bậc nọ để tự lừa mình và phỉnh phờ người khác chứ chúng có gì đâu ngoài mấy khẩu súng cũ và những chuỗi ngày vạ vật lang thang hết cánh rừng này đến ngọn núi khác, đói khát, rách rưới, bệnh tật hành hạ, lúc nào cũng sống trong sợ hãi.

Cứ phải theo chúng rồi ông Y In lần lượt trôi dạt sang Campuchia, Thái Lan, Philippines và đến Mỹ vào năm 1985. Ông và một số người DTTS Tây Nguyên khác co cụm cùng sống tại Bắc bang Carolina. Tại đây, ông phải làm thuê cho một nhà máy dệt chỉ. Phải làm việc quần quật mới đủ ăn. Trong thời gian sống ở đây, bọn cầm đầu phản động FULRO lưu vong có lôi kéo ông hoạt động nhưng ông đoạn tuyệt với chúng vì ông biết cho đến lúc này thì chúng không thể làm hại vợ con ông được nữa. Ông hận chúng đã đẩy gia đình ông vào cảnh ly tán. Chính ông, vì những ngày bị chúng đưa đi lang thang mà sức khỏe suy yếu, bệnh tật.

Ở bên Mỹ, đau ốm, bệnh tật mà không có tiền thì khó có chuyện chữa bệnh miễn phí. Chính vì thế mà sức khỏe ông ngày càng yếu đi nhiều. Tại Mỹ ông đã lấy vợ thứ hai là người Thái và đã có con nhưng nỗi niềm nhớ vợ, thương con ở Đắk Lắk - Việt Nam cứ đau đáu, dằn vặt trong lòng. Nghiệt một nỗi là ông không có tiền để về thăm. Nỗi khổ tâm ấy đeo đẳng ông suốt gần 30 năm qua. Mãi cho đến vừa rồi, khi nghe tin đứa con trai thứ hai bị bệnh chết, ông gom góp số tiền nhỏ nhoi phải chắt chiu dành dụm bao năm mới có được đi về làm đám ma cho con.

Khi về đến buôn xưa, ông không hình dung ra được buôn làng, người dân ở quê nhà lại thay đổi đến thế. Dọc theo con đường trải nhựa nối từ quốc lộ vào buôn Tung Krăk và những buôn khác, nhà cửa, nương rẫy xen kẽ nối nhau. Bên cạnh những ngôi nhà sàn kiên cố là nhiều ngôi nhà xây to và đẹp. Thỉnh thoảng ông lại bắt gặp những ngôi trường xây cao đến 3 - 4 tầng với rất nhiều phòng học. Ông rất ngạc nhiên khi biết bà con DTTS ở Việt Nam khi khám, chữa bệnh Nhà nước không thu tiền. Điện thắp sáng được kéo đến từng nhà. Trong nhà bà con, có rất nhiều tiện nghi sinh hoạt, máy móc để giúp làm nương, rẫy.

Riêng gia đình ông, từ lâu ngôi nhà sàn đã được vợ con làm mới to rộng và vững chãi, đất đai, máy móc sản xuất có đủ, cuộc sống rất ổn định. Thằng con út Y Thinh nay đã lấy vợ sinh con và ra ở riêng. Vợ ông - bà H'Briu M'lô - đã 60 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, cho ông hay, ở buôn làng lâu nay, bà và các con được chính quyền quan tâm giúp đỡ rất nhiều, không có chuyện phân biệt đối xử gì cả. Nghe vậy, ông Y In rất cảm động. Chính ông, khi về thăm quê nhà cũng được cán bộ buôn, xã, huyện và bà con đến hỏi thăm, nói chuyện rất thân mật nên mặc cảm, khoảng cách 30 năm bỏ quê ra đi đã nhanh chóng được xóa đi. Thay vào đó là những xúc cảm về tình nghĩa con người, buôn làng.

Với ông chuyến về thăm quê lần này đã thực sự là cuộc hồi hương trong tâm tưởng. Chính vì vậy, ông Y In muốn nhắn nhủ với bà con trong các buôn làng rằng: Bà con đừng có ai dại dột nghe theo lời thâm độc của bọn chúng, làm những việc gây hại cho quê hương, cho chính quyền, bỏ buôn làng ra đi mà rước tai họa, đau khổ cho bản thân và gia đình.

Ông cũng tỏ ý khi sang lại Mỹ, ông sẽ nói cho bà con Việt kiều DTTS bên đó hiểu rõ và đúng hơn về cuộc sống tốt đẹp hiện nay của bà con DTTS ở Đắk Lắk, để đừng có ai làm điều xấu, chống chính quyền, Nhà nước Việt Nam, gây hại cho quê  hương và bà con, dân tộc mình. Nếu có điều kiện thì hãy làm một điều gì đó có ích cho quê hương. Buôn làng và bà con luôn mở lòng tha thứ những đứa con xa xứ thật lòng muốn trở về. Chính quyền và Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để những người DTTS ở nước ngoài muốn góp phần xây dựng quê hương

Nguyễn Trọng
.
.
.