Chuyện mới ghi ở Cuba

Thứ Năm, 07/12/2006, 15:40

Khi sang Cuba lập nghiệp, cụ thân sinh ra Fidel, cụ Angel Castro Arjiz, đã có hai việc làm vĩ đại vào ngày ấy, đó là cho thành lập một trường tiểu học dành cho con em những người lao động trong trang trại, và tiến hành chia đất cho các gia đình.

Cách đây 50 năm, vào lúc 1h30 ngày 25/11/1956, con tàu Granma do Fidel Castro chỉ huy cùng 81 chiến sĩ cách mạng xuất phát từ bờ biển Tuxpan (Mexico) nhằm Cuba thẳng tiến. Sau 7 ngày chống chọi với bão tố, đêm 2/12 , con tàu cập vào một bãi biển ở tỉnh Oriente, cách quê hương Fidel không xa lắm. Chính quyền Batista đã huy động hàng ngàn quân với đủ cả máy bay, tàu chiến, xe tăng săn lùng các chiến sĩ cách mạng.

Trong cuộc chiến không cân sức đó, họ đã hy sinh chỉ còn 27 người. Nhưng 25 tháng sau, cuộc cách mạng có một không hai đã thành công. Một Nhà nước Cuba XHCN đầu tiên được ra đời cạnh nước Mỹ.  Và cho đến nay, đã có 10 đời tổng thống Mỹ quyết tâm "nhổ" cái gai Cuba, với hơn 600 lần CIA tổ chức mưu sát Fidel, rồi cộng với sự sụp đổ của Liên Xô, nhưng Cuba vẫn kiên cường tồn tại và phát triển. Ngày nay, ở Mỹ  Latinh, bên cạnh Cuba còn có thêm Venezuela, Bolivia...

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày con tàu Granma đổ bộ lên bãi biển Cuba và cũng là ngày thành lập LLVT Cách mạng Cuba, kỷ niệm 80 năm ngày sinh Fidel, ANTG xin giới thiệu phóng sự  này.

Phần I - Fidel học xây dựng Chủ nghĩa xã hội từ... bố?

Tôi và anh Đặng Văn Dũng, Tham tán Đại sứ Việt Nam tại Cuba, lên đường về quê Chủ tịch Fidel Castro  ở quận Birán, tỉnh Hol Guin vào  một ngày cuối tháng 11.

Từ La Habana đi về tỉnh  Hol Guin khoảng hơn 800km và cũng coi như đã đi dọc theo chiều dài đất nước Cuba. Lãnh đạo Bộ Nội vụ Cuba cử Trung tá Humrbecto  Cruz Ruiz ở Cục Đối ngoại đi cùng và “điều” hẳn một chiếc xe Hyundai 9 chỗ có gắn biển “Protocol” (lễ tân) cho chúng tôi. Mặc dù có đến 3/4  quãng đường là đường cao tốc có 8 làn xe, nhưng cũng phải mất hơn chục giờ đồng hồ chúng tôi mới tới được nhà khách Công an tỉnh Hol Guin.

Từ thành phố Hol Guin phải đi thêm 50 cây số nữa về hướng đông - bắc mới tới quận Brián  và trang trại Manacas - nơi 7  chị  em Fidel ra đời và khôn lớn.

Đường về quê Fidel giống như một đoạn đường lên Tây Bắc nước ta và cũng có nhiều đoạn xấu. Cứ nhìn cảnh đường sá, cầu cống và những cụm dân cư hai bên đường, chúng tôi cũng cảm nhận được rằng,  nơi  di tích lịch sử quan trọng này chưa được đầu tư để bảo tồn đúng mức. Đây là điều làm chúng tôi ngạc nhiên bởi  khi chúng tôi tới thăm ngôi nhà mà đại văn hào Hemingway đã ở tại La Habana thì thấy ở đây được bảo vệ nghiêm ngặt và tôn tạo hết sức cẩn thận.

Sau này mới biết là Fidel chưa bao giờ đồng ý để khu trang trại Manacas thành khu di tích, mà chỉ gần đây, Hội đồng Nhà nước Cuba ra quyết định thành lập khu bảo tàng gồm toàn bộ trang trại thì Fidel mới miễn cưỡng chấp hành. Chính vì điều đó mà trong cuốn sách giới thiệu về du lịch ở Cuba không có dòng nào nói về quê hương Fidel, mặc dù gần đây, mỗi năm có khoảng 15.000 khách nước ngoài và 50.000 người Cuba đến thăm nơi này.

Học sinh đến tham quan.

Trong khuôn viên rộng chừng 26 hécta, còn lại 11 ngôi nhà gồm nhà ở, nhà làm việc của cụ Angel Castro Arjiz  và cụ bà  Lina Ruz González, nhà cho Fidel, một khách sạn nhỏ dành cho lữ khách, những ngôi nhà cho người làm công, một nhà ngũ giác làm đấu trường chọi gà và đấm bốc, rồi nhà bưu điện, bệnh xá... Những ngôi nhà này có từ năm 1919 đã được tu sửa nhiều lần.

Ngôi nhà lớn nhất là nhà sàn, giống như  của bà con người Thái ở Việt Nam, có diện tích đến hơn 400m2 được thiết kế theo hình chữ L. Đây là nơi làm việc và sinh hoạt của toàn bộ gia đình. Phòng làm việc của cụ Angel không có bàn mà chỉ có những chiếc ghế xếp quanh một xúc gỗ lớn, trên đó có khắc bản đồ vùng Galicia, quê hương của cụ.

Đứng trên nhà sàn trông xuống, toàn bộ khu trang trại hiện ra như một bức tranh với thảm cỏ rộng  khoảng 2 hécta, những cánh rừng gỗ sồi vây quanh và rất nhiều cây  “magua”, một loại cây cho quả tròn như quả cam lớn, nhưng không ăn được. Loại quả này, khi khô kiệt, nếu lắc sẽ có tiếng kêu như xúc xắc, và những người nông dân lấy nó để làm nhạc cụ.

Bên cạnh ngôi nhà lớn là nhà sàn cụ Angel dựng cho Fidel, những mong sau khi tốt nghiệp đại học, Fidel trở về làm ở trang trại. Ngôi nhà này, vào năm 1953, khi cụ đi chữa bệnh, ông Ramon Castro, người anh trên Fidel, đã mua ximăng về đổ nền. Việc làm này đã khiến cụ Angel nổi giận.

Cách không xa lắm là nhà bưu điện, bệnh xá, nhà đấu gà, khách sạn... tất cả đều bằng gỗ.

Chúng tôi bồi hồi đứng trước chiếc nôi mà Fidel cũng như những người em khác trong đó có Raul Castro đã từng nằm; chiếc yên ngựa mà thân mẫu Fidel từng sử dụng và vì nó mà thế giới suýt mất một thiên tài.

Nhà sử học Antonio Lopez kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đượm sắc màu huyền thoại là khi bà Lina Ruz González mang thai Fidel tới tháng thứ bảy thì những người thợ trong trang trại làm cho bà chiếc yên ngựa. Bà  liền cưỡi thử và chả hiểu sao, con ngựa lồng lên khiến bà rơi xuống đất. Ai cũng nghĩ bà sẽ sẩy thai. Một người bạn tới thăm bà và “tiên đoán” rằng “đứa bé trong bụng sẽ rất cứng đầu cứng cổ”. Vì ngã ngựa như vậy mà không sẩy thai là chuyện chưa từng thấy ở vùng quê này.

Quả nhiên, sau này, ngay khi còn ở tuổi thiếu niên, Fidel cũng tỏ ra “cứng đầu cứng cổ” hơn tất cả những đứa trẻ trong trang trại, người dân trong vùng đã đặt cho Fidel cái tên là “Caiguarán”, có nghĩa là "gỗ vỡ rìu”. Đó là một loại gỗ rắn chắc bậc nhất trong các loài gỗ quý ở Cuba, không bị mối mọt, không bị nứt vỡ, cong vênh. Và đó là loại gỗ được dùng để làm tà vẹt cho đường ray xe lửa.

Trang trại Manacas có một lịch sử tuyệt đẹp.--PageBreak--

Thân sinh ra Fidel là cụ Angel Castro Arjiz, vốn là một nông dân nghèo đến mức không thể nghèo hơn được nữa ở làng Ancara gần tỉnh Lugo phía tây bắc vùng Galicia (Tây Ban Nha). Năm 1895, cụ bị bắt đi lính để chuẩn bị sang Cuba chống lại cuộc cách mạng giành độc lập do Jose Marti khởi xướng. Nhưng phải 3 năm sau, vào năm 1898, cụ mới sang Cuba và lúc này, đang có cuộc can thiệp của Mỹ vào Cuba để chống lại chính quyền do Tây Ban Nha dựng lên.

Cuộc can thiệp này đã lật đổ chính quyền cũ và dựng lên chính quyền thân Mỹ. Sau hiệp định đình chiến, cụ Angel trở về nước. Vốn là người nông dân cần cù, cụ phát hiện ra Cuba là một thiên đường cho làm nông nghiệp và thế là cụ quay trở lại Cuba theo dòng người di cư Tây Ban Nha. Trong những ngày ở Cuba trước đây, cụ chơi thân với một nhà buôn và cho vay lãi tên là Fidel Pino Santos. Khi cụ quay trở lại, chính ông Fidel này đã cho cụ vay tiền để cụ về tỉnh Oriente mua đất làm trang trại.

Cụ về quận  Birán thuộc vùng Mayarí mua một khu đất rộng hơn 800 hécta làm trang trại đồng thời thuê thêm 10.000 hécta nữa trong 90 năm và lập nên đồn điền mang tên Manacas. Vùng đất này cách vịnh Nipe khoảng gần 50km về phía đông  nam và cách Dos Rios, nơi Jose Marti đã hy sinh trong khi đánh nhau với quân đội Tây Ban Nha năm 1895 cũng bằng chừng ấy. Ở nơi đây bạt ngàn cây caiguarán và có lượng mưa nhiều nhất Cuba.

Trang trại ngày đó chủ yếu trồng mía, khai thác gỗ. Cụ Angel thuê những người Cuba và người Haiti và cả người Tây Ban Nha di cư để làm. Là người xuất thân từ tầng lớp bần cố nông cho nên cụ rất hiểu nỗi cực khổ của nông dân, vì thế, cụ đã xây dựng trang trại Manacas thành một trang trại độc đáo ở Cuba ngày đó, và có lẽ là cả ở châu Mỹ.

Ngôi nhà của Fidel tại trang trại Manacas.

Đầu tiên là cụ cho dựng một ngôi nhà ngũ giác và dùng nơi đó làm nơi giải trí cho nông dân sau giờ lao động. Tại đây, thường xuyên tổ chức đấu gà chọi - đó là môn mà người Tây Ban Nha vô cùng ưa thích. Ngoài đấu gà chọi còn đấu quyền Anh, mà sau này, Fidel cũng là một người đấm bốc có hạng ở trong vùng.

Rồi cụ cho dựng một bệnh xá có cả phòng chữa răng và nếu là công nhân của cụ thì được chữa bệnh miễn phí. Rồi cụ mở một cửa hàng bán các loại nhu yếu phẩm, một xưởng mổ bò và cả một rạp chiếu phim. Cụ cho dựng một khách sạn cũng là kiểu nhà sàn có 6 phòng để cho lữ khách nhỡ bộ đường nghỉ.

Cụ Angel đã có hai việc làm vĩ đại vào ngày ấy, đó là cho thành lập một trường tiểu học dành cho con em những người lao động trong trang trại, và tiến hành chia đất cho các gia đình.

Trường tiểu học đó mang tên Marcane, tuy do cụ Angel lập ra nhưng việc quản lý và dạy dỗ thì do chính quyền quận Brián và tỉnh Oriente  chịu trách nhiệm. Sau này, Fidel cũng như anh trai Ramon và em trai Raul đều học ở đây. Còn khu vực mà cụ chia cho những người dân thì trở thành một thị trấn với 260 nóc nhà. Thị trấn này tồn tại mãi đến năm 1975.

Khi đó, chính quyền xây một con đập ngăn sông Brián để làm hồ chứa nước. Vì sợ khi nước dâng sẽ làm ngập thị trấn nên chính quyền đã dời toàn bộ số gia đình trong thị trấn ra một nơi ở mới cách đó khoảng 4km. Khu tái định cư này có điều kiện sinh hoạt, đi lại tốt hơn nhiều so với nơi ở cũ, nhưng rất nhiều gia đình không thích vì họ vẫn muốn ở quanh khu trang trại Manacas, nơi mà cụ ông Angel và cụ bà Lina yên nghỉ.

Chúng tôi gặp cụ Juan Ramon Martine, người cùng thời với Fidel từng làm thợ mộc trong trang trại. Cụ nói với vẻ xúc động: “Người dân chúng tôi  ở đây đều coi cụ Angel như một  người cha. Vì thế, khi mà cụ mất vào ngày 21/1/1956, khoảng 5.000 người dân trong vùng đã đến tiễn đưa. Đó là đám tang đông chưa từng thấy ở tỉnh Oriente”.

Trang trại Manacas làm ăn thịnh vượng nhất vào những năm 40 của thế kỷ trước, đồng thời cụ Angel cũng được coi là người có uy tín nhất của tỉnh Oriente. Bảy người con của cụ đều được học hành tử tế, tuy nhiên, ông Ramon thì chỉ thích làm nông nghiệp vì thế, ông bỏ dở học hành và về quê. Trang trại tồn tại đến sau cách mạng. Khi chính quyền Cách mạng Cuba do Fidel gây dựng nên bắt đầu cuộc cải cách ruộng đất và quy định người dân chỉ được sở hữu không quá 100 hécta đất. Số thừa ra phải nộp cho Nhà nước và biến thành nông trang.

Gia đình Fidel cũng không nằm ngoài quy định đó. Lúc đầu, bà Lina Ruz González không đồng tình với chủ trương này nhưng không phản đối. Chỉ có một người em của Fidel là Emma phản đối quyết liệt nhất và cho rằng đã bị mất phần thừa kế, và bà bỏ đi.

Trang trại được quốc hữu hóa chỉ để lại 26 hécta như ngày nay. Năm 1963, thân mẫu Fidel qua đời, từ đó, việc chăm sóc khu nhà hoàn toàn do ông Ramon đảm nhiệm. Fidel vì quá bận việc nước cho nên thỉnh thoảng mới về thăm, và bao giờ Người cũng mời những người bạn cũ đến hàn huyên.

Sinh ra trong một gia đình có người cha sống nhân hậu, xây dựng một trang trại với những tiêu chí như một nông trang của tập thể XHCN sau này, có lẽ Fidel đã  chịu  ảnh hưởng rất lớn tư tưởng bảo vệ người nghèo, chống lại sự áp bức của cường quyền và chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho người dân của bố.

(còn nữa)

Ảnh trong bài: Đặng Văn Dũng
.
.
.