Chuyện mới ghi được ở thành cổ Quảng Trị

Thứ Tư, 27/07/2005, 07:56

Theo chỉ định của bà Trần Thị Cam, người ta đã khai quật được tại ba địa điểm, cách nhau không xa xung quanh thành cổ Quảng Trị, tìm được 9 bộ hài cốt và 37 hiện vật là trang bị của bộ đội ta lúc bấy giờ. Nhờ những hiện vật này mà Ban Di tích thành cổ Quảng Trị xác định được tên, địa chỉ của một vài liệt sĩ.

Rất nhiều người ở thị xã Quảng Trị, trong những ngày 24, 25/4/2005 đã chứng kiến một chuyện lạ lần đầu tiên xảy ra ở đây. Đó là chuyện bà Trần Thị Cam, 45 tuổi, bán hàng ăn ở chợ Quảng Trị đã vào trụ sở Ban Di tích thành cổ Quảng Trị, nơi đang rộn ràng chuẩn bị địa điểm cuộc giao lưu của đoàn đại biểu Hội Cựu chiến binh các tỉnh phía Bắc trong cuộc hành quân xuyên Việt “Tiếp lửa truyền thống, vang mãi khúc quân hành”, chỉ chỗ nằm của các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Cho đến nay, người ta vẫn chưa giải thích được tại sao bà Trần Thị Cam bằng cách nào mà phát hiện ra nơi chôn cất liệt sĩ năm 1972. Và ngay cả bà Cam cũng không ngờ mình làm được việc có ích như vậy. Các cấp chính quyền nhân dân địa phương đều trân trọng cảm ơn nhờ bà mà hài cốt liệt sĩ nằm trong lòng đất thành cổ Quảng Trị sau 33 năm đã được đưa về nghĩa trang.

Ấm áp tình đồng chí và tình cảm gia đình

Khi tiến hành khai quật ở hố thứ ba theo chỉ định của bà Trần Thị Cam, cách cửa chợ Quảng Trị chừng 100m và gần sát bờ sông Thạch Hãn, Ban Di tích thành cổ Quảng Trị phát hiện được một bộ hài cốt liệt sĩ, bên cạnh đó là dép cao su, lược chải đầu, làm bằng mảnh xác máy bay giặc Mỹ và một bi đông nhôm. Đại tá Lương Tiến Đại, Trưởng đoàn đại biểu Hội Cựu chiến binh Quảng Bình tham gia cuộc hành quân, đến quan sát và cầm chiếc bi đông lên. Anh đọc được dòng chữ khắc ở chiếc bi đông: “Văn Hạnh - QL - Quảng Trạch - Quảng Bình”.

Cảnh khai quật hố số 3, nơi có hài cốt liệt sĩ Trần Văn Hạnh tại khu vực thành cổ Quảng Trị.

Đúng là chiến sĩ của tỉnh mình rồi! Nhưng QL là xã nào? Quảng Liên, Quảng Lưu, Quảng Long hay Quảng Lộc? Cần xác định rõ danh tính, quê quán liệt sĩ để báo cho địa phương và gia đình. Nghĩ vậy, Đại tá Lương Tiến Đạt liền bấm máy ĐTDĐ gọi về Quảng Bình, báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy Hà Hùng Cường và đề nghị đồng chí chỉ đạo cơ quan chức năng xác định gấp. Bí thư Tỉnh ủy Hà Hùng Cường liền gọi điện thoại về Quảng Trạch, gặp Phòng Thương binh - Xã hội yêu cầu rà soát danh sách liệt sĩ các xã trên để xác định Văn Hạnh thuộc xã nào.

Thông tin về liệt sĩ Văn Hạnh được truyền đến ngay gia đình cô Trần Thị Khánh Châu, giáo viên Trường tiểu học Ba Đồn, hiện đang cư trú tại xóm Cầu, xã Quảng Phong, huyện Quảng Trạch. Cô Trần Thị Khánh Châu đón xe ngay vào Quảng Trị. Cầm chiếc bi đông, cô nhận ra đó là vật dụng của người cậu ruột mình, quê ở xã Quảng Long.

Cô Trần Thị Khánh Châu cho biết: “Tháng 4/1968, đang học nghề ở Hải Dương theo tiếng gọi của chiến trường miền Nam, theo bước chân người anh ruột là Trần Đức Hạ đồng chí Trần Văn Hạnh đã lên đường nhập ngũ. Trên đường hành quân vào chiến trường B, đồng chí Trần Văn Hạnh ghé thăm nhà được một buổi chiều, có đeo cái bi đông khắc tên Trần Văn Hạnh và chụp ảnh chung với cháu gái (Trần Thị Khánh Châu). Đầu năm 1973, gia đình nhận giấy báo đồng chí Trần Văn Hạnh chiến đấu và hy sinh tại thành cổ Quảng Trị giữa tháng 8/1972. Lúc bấy giờ đồng chí là đảng viên, cấp bậc Trung sĩ, chức vụ Tiểu đội phó. Từ năm 1973 đến nay, gia đình đã nhiều lần vào Quảng Trị tìm kiếm phần mộ của liệt sĩ Trần Văn Hạnh nhưng đều không có kết quả.

Nhìn thấy hài cốt và những kỷ vật của cậu, cô giáo Trần Thị Khánh Châu xúc động, nghẹn ngào. Thế là sau 30 năm, hài cốt liệt sĩ Trần Văn Hạnh đã được đón rước về quê. Nhân dân, chính quyền xã Quảng Long, Quảng Trạch, Quảng Bình đến dâng hương, tưởng niệm tại gia đình bà Trần Thị Nhung (vợ liệt sĩ chống Pháp) năm nay 72 tuổi, mẹ của hai liệt sĩ (anh trai liệt sĩ Trần Văn Hạnh cũng hy sinh ở chiến trường B). Tất cả đều tự hào và biết ơn những người con trung hiếu của gia đình đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc

Hồ Ngọc Diệp
.
.
.