Chuyện lạ về loài rùa biển

Thứ Hai, 08/09/2008, 11:03
Cùng với sóc đen, chim gầm gì trắng, dugong (bò biển), bồ câu Nicoba,… rùa biển được những người làm công tác bảo tồn và giới khoa học đánh giá là "linh hồn" của Vườn quốc gia Côn Đảo. Loài bò sát nổi tiếng chậm chạp này có nhiều đặc tính sinh học kỳ thú mà các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải.

Nếu không đặt chân đến đất thiêng Côn Đảo, hẳn chẳng mấy ai biết được vùng đất từng được mệnh danh "địa ngục trần gian" nay là mái nhà bình yên của nhiều loài sinh vật biển quý hiếm. Càng bất ngờ hơn khi khát vọng gần gũi tự nhiên của du khách sẽ được đáp ứng bằng các hình thức du lịch sinh thái xuyên rừng băng biển, đặc biệt là tour tham quan rùa đẻ.

Sở hữu những con số kỷ lục

"Trước đây, ngư dân gọi chung các loài rùa biển là đú. Trong tổng số năm loài rùa biển có mặt ở nước ta gồm rùa da, đồi mồi, đồi mồi dứa, vích, quản đồng thì Côn Đảo hiện hữu đến bốn loài (không có quản đồng). Thường xuất hiện duy trì nòi giống tại khu vực đảo Hòn Cau và Hòn Bảy Cạnh, các ông đú hiện diện tại Côn Đảo đều có mặt trong Sách đỏ Việt Nam và đang được bảo vệ nghiêm ngặt".

Trong tự nhiên, rùa biển phải đối diện với nhiều mối đe dọa sống còn: Các loài bò sát lớn và các loài ăn thịt dưới biển là khắc tinh của rùa khi chúng còn nhỏ. Vượt qua những mối nguy này, đến tuổi trưởng thành thì rùa bị con người bắt giết thịt và vì mục đích thương mại. Ngoài ra, nạn ô nhiễm, ánh sáng đèn, các công trình bảo vệ bờ biển cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và cản trở việc sinh sản của rùa biển.

Trên đường đưa chúng tôi đi xem rùa đẻ, chị Võ Thị Bích Thùy, cán bộ Phòng Du lịch sinh thái bật mí, vì có đến 14 trong tổng số 16 hòn đảo được rùa biển chọn làm nơi đẻ trứng nên các nhà khoa học bình chọn Côn Đảo là "Bãi đẻ lớn nhất Việt Nam" (các địa phương từng xuất hiện rùa đẻ gồm vịnh Nha Trang, vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận), huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Điều này cũng đồng nghĩa với việc hằng năm, Côn Đảo đón nhận được số lượng rùa biển sinh sản lớn nhất nước.

Theo các nhà khoa học, rùa biển là loài sinh vật cổ xưa, đã sống qua hàng triệu năm, rất lâu trước khi con người bắt đầu hình thành và sinh sống trên hành tinh.

Chị Thùy cho biết, qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện các "cụ đú" sở hữu những con số rất kỷ lục: "Tuổi thọ của rùa biển có thể lên đến hơn 200 năm. Vào mùa sinh sản, rùa mẹ đẻ trung bình 5 ổ trứng với số trứng lên đến 500 quả. Có trên 80% số trứng này được ấp nở con thành công. Một con rùa phải mất từ 30-50 năm mới đủ tuổi trưởng thành và chỉ có 1 trong tổng số trên 1.000 rùa con mới sống sót được tới lúc đó".

Một sinh vật đặc biệt

Hôm chúng tôi đến Côn Đảo biển động nên rùa không cập bãi sinh đẻ như thường lệ.

Để "đền bù", anh Lê Xuân Ái, Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo khoản đãi chúng tôi đủ chuyện về rùa, một sinh vật mà theo anh có rất nhiều điều đặc biệt, trước tiên là vấn đề giới tính của rùa phụ thuộc vào nhiệt độ: "Khi nhiệt độ nóng lên thì trứng sẽ nở ra nhiều rùa cái và ngược lại. Nhờ nắm bắt được đặc tính này mà các nhà khoa học đã điều chỉnh nắng gió để cân bằng số lượng đực cái cho phù hợp điều kiện sinh thái từng vùng".

Sau hơn 30 năm sống giữa đại dương, đến mùa hạ sinh, rùa biển bao giờ cũng quay về nơi chôn nhau cắt rốn.

Ngay khi nở ra từ trứng, theo bản năng tự nhiên, rùa con sẽ quay đầu về phía biển, bắt đầu vòng đời lưu lạc dưới đáy đại dương hơn 3 thập kỷ.

Anh Ái say chuyện: "Điều kỳ lạ ở chỗ đến tuổi trưởng thành, rùa con sẽ quay trở lại nơi nó từng được sinh ra đặng thực hiện chức năng duy trì nòi giống. Bằng cách nào mà rùa nhớ và trở về đúng chốn xưa đến nay vẫn chưa có nhà khoa học nào lý giải thấu đáo".

"Hồi giờ mấy ông từng nghe, từng thấy có loài động vật nào biết làm tổ ngụy trang khi sinh đẻ chưa? Rùa biển đấy. Đẻ xong, rùa mẹ sẽ vun cát lấp ổ rồi dùng cả thân mình nén chặt. Tiếp đó nó dùng vây bơi cào một khoảng rộng nhằm xóa vết tích và làm thêm vài chiếc tổ giả để đánh lạc hướng những con thú chuyên săn tìm trứng", anh Ái cho biết.

- Thưa anh, rùa con khi xuống biển sống lẩn quẩn tại khu vực nó được sinh ra hay trôi theo dòng chảy? Trong vòng đời của mình, chúng đi du lịch đến những đâu?

- Vài năm trước, chuyện này vẫn còn là bí mật. Mới đây, các nhà khoa học phát hiện trong 5 năm đầu đời, rùa con lẩn sâu xuống đáy đại dương, tồn tại bằng cách ăn những loài nhuyễn thể, giáp xác. Chúng tôi có gắn chip theo dõi cho 3 "em" và hiện ghi nhận thông tin "mấy ẻm" đang du ngoạn ở Philippines đấy!

Vừa chào đời đã lao vào cuộc sinh tồn khắc nghiệt và khi trưởng thành vượt ngàn dặm xa trở lại nơi đất mẹ. Đặc tính này của rùa biển là bài học sinh động về tính tự lập và sự thủy chung với nguồn cội. Điều mà với nhiều bạn trẻ hiện đang dần trở thành khái niệm xa xỉ

N.T.Dũng
.
.
.