Chuyện lạ trên đường phố thị xã Trà Vinh

Thứ Bảy, 28/05/2005, 07:44

Mỗi cây đều có lý lịch, sổ theo dõi riêng. Khi phát hiện có hành vi xâm phạm đến cây, người dân điện thoại ngay cho Bí thư Tỉnh ủy hoặc Chủ tịch UBND tỉnh dù là lúc nửa đêm. Chuyện trân trọng, nâng niu cây xanh tuyệt vời này đã có và được duy trì từ hàng chục năm nay ở Trà Vinh.

Nhóm công nhân Đội công viên cây xanh thuộc Công ty Công trình công cộng Trà Vinh gồm: Nhiên, Trí, Minh, Sơn và Hải suốt ngày ở ngoài đường và mắt cứ ngó lên trên đọt cây, có khi cao đến 50m. Thường họ bắt đầu công việc của một ngày mới từ các đường: Trần Phú, Trần Quốc Tuấn, Phạm Hồng Thái, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi (người dân Trà Vinh quen gọi là đường số 1 đến số 6 - PV) rồi mới men ra các tuyến đường mới vùng ngoại ô thị xã Trà Vinh. Đến đâu, Trưởng nhóm Nhiên cũng say sưa dùng ống nhòm quan sát. Đối tượng "để mắt" của anh là những nhánh cây khô hoặc dấu hiệu của loại sâu đục thân nào đó. Nếu phát hiện, anh "báo động" cho các thành viên còn lại ra tay ngay. Kỹ sư Nguyễn Văn Hưởng, cán bộ Phòng Kỹ thuật Công ty Công trình công cộng cho biết: "Những loại cây ít bị sâu đục thân "tấn công" nhất cũng được bơm, xịt thuốc định kỳ. Ngoài ra, xen kẽ với việc tưới nước hàng ngày, chúng tôi còn hỗ trợ phân hữu cơ cho chúng…".

Thực ra, đó chỉ là một trong những công việc thường xuyên của những người được chính quyền giao cho trách nhiệm bảo quản, chăm sóc cây xanh đường phố tại Trà Vinh. Có điều, nó được duy trì thực hiện một cách đều đặn, tỉ mỉ và hoàn toàn không có chuyện "làm cho có", hoặc "làm cho hết ngày, hết giờ, đến tháng lãnh lương" như một số nơi.

Theo ông Lữ Văn Hai, Phó Giám đốc Công ty Công trình công cộng, chưa kể hàng ngàn cây cổ thụ quanh khu du lịch Ao Bà Oom, trong khuôn viên các chùa Khmer, công sở… hiện trên 25 tuyến đường chính của thị xã Trà Vinh có 8.586 cây xanh. Trong đó có 3.400 cây đã có biển số, "lý lịch" riêng, trong số này có trên 600 cây cổ thụ với tuổi thọ từ 100 đến 300 năm tuổi. Song song với công tác bảo vệ nghiêm ngặt cây cổ thụ (dầu, sao, xà cừ, chiêu liêu, nhạt ngựa, gõ đỏ, gõ mật…), quan điểm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh là trồng mới những loài cây có hoa đẹp và hương thơm như sò đo cam, bò cạp nước, bằng lăng, vàng anh… 

Ông Hồ Văn Trí, Giám đốc Công ty Công trình công cộng cho biết: "Từ cách nay hơn 10 năm, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành nghị quyết về việc trồng, bảo vệ và chăm sóc cây xanh đường phố. Theo đó, dự án Bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đường phố ra đời. Từ năm 2001 đến nay, bình quân vốn của dự án này "rót" cho công việc tương ứng khoảng 100 triệu đồng/năm. Điều đáng mừng là qua công tác tuyên truyền, ý thức bảo vệ, giữ gìn cây xanh của người dân đã nâng lên đáng kể”.

Ông Trí cũng cho biết thêm: Cách đây không lâu, có hai hộ dân từ nơi khác đến thuê mặt bằng trên đường Điện Biên Phủ để mở điểm bán mắt kính và đại lý xe gắn máy. Do không hiểu quy định của địa phương nên họ vô tư chặt mé nhánh cây gần đó. Người dân phát hiện báo ngay cho đồng chí Nguyễn Thái Bình, Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Bí thư chỉ đạo cho chúng tôi kịp thời đến nơi lập biên bản, xử phạt nghiêm với mức 2 triệu đồng/trường hợp. Hay như một trường hợp trên đường Lê Lợi đã tuỳ tiện "khai tử" cây xanh mới trồng. Khi được tin báo của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi đã đến, "xé" biên lai phạt tiền và buộc phải tìm mua cây tương tự trồng lại. Cách nay mấy hôm, cũng nhờ tin báo của người dân mà chúng tôi ngăn chặn kịp thời hành vi của một số trẻ em khi chúng bẻ đọt cây trên đường Phan Đình Phùng".

Gần đây, có một số đơn vị thiết kế, thầu xây dựng công trình cứ nghĩ chuyện "xử tử" cây xanh ở thị xã Trà Vinh giản đơn như một số đô thị khác. Đến khi "bắt tay" vào thi công công trình, gặp phải những cây cổ thụ đứng tầng ngầng đó nên có văn bản "cầu cứu" Công ty và UBND thị xã và tỉnh, xin được đốn cây. Tuy nhiên, những lá đơn dạng này đều bị lãnh đạo "bác". Thế là họ phải điều chỉnh lại thiết kế. Quan điểm chung của tỉnh Trà Vinh là không tạo tiền lệ xấu, đi ngược lại quy chế bảo vệ cây xanh.

Ông Lữ Văn Hai, Phó Giám đốc Công ty cho biết: "Dù bận bịu trăm công nghìn việc nhưng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên "để mắt" đến công việc chăm sóc, tỉa xén cây xanh của Công ty. Để có được những hàng cây đẹp và khá ấn tượng như hiện tại, ấy là nỗ lực chung chứ chẳng phải của riêng chúng tôi!".

Những ngày đầu tháng 5, dù đã bắt đầu có mưa nhưng nước dưới sông Long Bình ngang qua thị xã Trà Vinh vẫn còn mặn. Lãnh đạo Công ty Công trình công cộng cho biết, nước dùng để tưới cây hàng ngày Công ty vẫn phải mua nước máy với giá 2.000 đồng/m3. Để bảo vệ màu xanh của cây, cả mùa khô vừa rồi, đơn vị đã sử dụng khoảng 1.500m3. Trước khi chia tay với thị xã nhỏ Trà Vinh, tôi không quên rảo hết một lượt cả chục con đường rợp mát bóng cây cổ thụ.

Khi tôi đang chụp ảnh hàng me trên đường 19.5, một người dân nói với tôi: "Hồi chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, mỗi một gốc me này che chắn cho mỗi một chiến sĩ của ta. Phải thừa nhận rằng, ngoài tinh thần quả cảm, mưu trí, chính nhờ những thân me cổ thụ này giúp sức chiến sĩ ta đánh chiếm dinh Tỉnh trưởng thắng lợi đúng như kế hoạch". Tôi nghiệm ra thêm một điều vì sao người dân Trà Vinh, tuy đời sống còn nhiều vất vả nhưng lại mến yêu và giữ gìn cây xanh đường phố đến như vậy

Thái Bình
.
.
.