“Chuyện lạ” liên quan đến “người bắt muỗi”

Thứ Ba, 30/05/2017, 08:01
Người đi làm nghề “bắt muỗi” thật ra là những cán bộ của Khoa Sốt rét - Kí sinh trùng - côn trùng (SR-KST-CT) Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) TP Hồ Chí Minh, là những người thực hiện các thao tác chuyên môn đầu tiên trong nhiệm vụ cảnh báo, phòng chống dịch sốt rét (SR). Đây là công việc rất đặc thù, có liên quan trực tiếp đến hiệu quả công tác phòng chống dịch SR. Thế nhưng thành phố hơn 10 triệu dân này đang trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng “người bắt muỗi”.


Làm “mồi” cho muỗi

Theo Viện SR-KST-CT Trung ương, công tác giám sát về SR các tháng cuối 2016, đầu năm 2017 đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong (tại TP Hồ Chí Minh) do SR. Từ đầu năm 2017 tới nay, tại TP Hồ Chí Minh cũng có 6 trường hợp người dân mắc bệnh SR phải nhập viện.

SR có thể quay trở lại cũng là lời cảnh báo của Cục trưởng Cục YTDP Trần Đắc Phu cách đây không lâu tại cuộc hội thảo về công tác YTDP. Chia sẻ với chúng tôi, chiều 26-5, ông Trần Văn Mong, cán bộ khảo sát muỗi định kì của Khoa SR-KST-CT (Trung tâm YTDP TP Hồ Chí Minh) than thở: “Công việc thì nhiều mà từ đầu năm tới nay do có sự điều chuyển một số cán bộ tại khoa đi, việc khảo sát muỗi theo phân công là 4 người, nhưng vì 2 người được điều chuyển lên phòng hành chính của trung tâm, một người lại vừa bị nhồi máu cơ tim phải nghỉ dưỡng bệnh nên chỉ còn một mình tôi lo đi… bắt muỗi”.

Ông Trần Văn Mong, nhân viên Khoa SR-KST-CT TP chuẩn bị cho ca đêm đi “bắt muỗi”.

Qua mô tả cho thấy, công tác khảo sát muỗi, côn trùng của các cán bộ YTDP quả là một nghề đặc biệt. Hàng đêm, tuỳ theo lịch bố trí mà nhóm khảo sát phải đi "bẫy” muỗi để lấy mẫu xét nghiệm, nghiên cứu. Họ chia làm 2 ca. Đồ nghề là những ống nghiệm thủy tinh dùng bắt muỗi. Họ tới các địa bàn trọng điểm về SR như: huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh. 

Tuy nhiên, trước đây, công việc hàng đêm này phải có ít nhất từ 4 tới 6 người/đêm trực để khảo sát tại nhiều vị trí. Nay chỉ còn duy nhất ông Mong. Ông Mong đã đưa cho chúng tôi xem bản kết quả điều tra muỗi Anopheles mới đây nhất tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ vào đêm 9-5. Ông “vào ca” từ 19h ngày 9-5 tới 7h sáng hôm sau. 

Cụ thể, ông Mong vào vị trí “mồi người trong nhà đêm” tại một nhà dân và khảo sát trong 3 tiếng. Ông sẽ phải ngồi thật yên trong bóng tối, trong tư thế xắn quần cao trên đầu gối, để “bẫy” muỗi. Khi muỗi đậu vào chân đốt, sẽ nhẹ nhàng bắt con muỗi đưa vào ống nghiệm. Tại vị trí này trong đêm 9-5, ông Mong đã bắt được 2 con - loại muỗi Epiroticus. Do thiếu người nên ông Mong ngồi thêm 1 ca 3 tiếng nữa tại vị trí khảo sát “mồi người ngoài nhà đêm” (bẫy muỗi ngoài vườn nhà dân). Kết quả "bẫy" được 15 con loại Epiroticus và 51 con - loại sinensis – mật độ đạt 17.

Theo ông Mong, qui trình khảo sát đảm bảo chất lượng nhất phải đạt đủ 6 vị trí, với 6 người “làm mồi”/mỗi đêm. Do thiếu người nên việc khảo sát đang bỏ trống nhiều vị trí.

Lo ngại “trở tay không kịp” (!)

Chia sẻ thêm về nhiệm vụ của Khoa SR-KST-CT thuộc Trung tâm YTDP TP Hồ Chí Minh, anh Trương Vũ Bá Thi, kĩ thuật viên thuộc khoa cho biết: “Tôi làm nhiệm vụ khảo sát muỗi tại khoa từ năm 2015 nhưng năm 2017 lại được luân chuyển sang phòng hành chính. Công tác phòng chống SR đã được thực hiện rất tốt nhưng tại phía Nam do mật độ người dân đi lại đông, nhất là có qua lại thường xuyên với Campuchia, Lào là nơi còn lưu hành vi trùng SR. Công tác phòng chống SR là rất đáng báo động nhưng nhân sự tại khoa hiện không thể hoàn thành được nhiệm vụ”.

Cũng theo ông Mong, SR giờ không phải “điểm nóng” như sốt xuất huyết nhưng không thể chủ quan. Tháng 7- 2011 ngay tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè đã xảy ra đợt dịch SR với hơn 50 trường hợp mắc. Phải mất 2 tháng cùng địa phương mới dập xong dịch.  

Theo bản kế hoạch báo cáo đề xuất vào đầu tháng 11-2015 về số lượng nhân sự bố trí theo năng lực và công việc của Khoa SR-KST-CT (theo Thông tư số 51/2014/TT-BYT), số nhân sự lao động cần là 10 nhân sự cho các việc quản lý, giám sát. Thế nhưng một năm sau, con số chỉ có 9 người. Cuối năm 2016, thực hiện điều chuyển nhân viên, thêm một số cán bộ bị bệnh nên nhân sự của khoa càng thiếu trầm trọng.

Trao đổi với PV Báo CAND, Viện trưởng Viện SR-KST-CT TP Hồ Chí Minh - PGS.TS. Lê Thành Đồng cho biết, ngoài phòng chống bệnh SR, Khoa SR-KST-CT còn phải đảm đương nhiệm vụ chính hiện nay là khảo sát, giám sát phát hiện bệnh kí sinh trùng trong cộng đồng, đặc biệt là công tác phòng ngừa bệnh giun sán, các bệnh về nấm, đơn bào, bệnh cóc, ghẻ, chấy (chí) ở khối mầm non; bệnh do côn trùng đốt (muỗi, ve, bọ chét...). Khối lượng công việc rất lớn nên nhân sự quá ít thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Theo nguồn tin riêng của PV Báo CAND, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế đã thành lập một tổ kiểm tra, xác minh về những bức xúc, kiến nghị thể hiện trong đơn của tập thể các BS tại Khoa SR-KST-CT. 

Kết quả kiểm tra cho thấy Trung tâm YTDP thực hiện luân chuyển 2 viên chức tại Khoa SR-KST-CT trong khoảng thời gian 2014-2016 không có kế hoạch và không đảm bảo số lượng nhân sự tại khoa theo Đề án vị trí việc làm được Sở Y tế thẩm định, dễ dẫn tới không đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Tổ kiểm tra đề nghị Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm YTDP thực hiện nghiêm túc trình tự thủ tục hồ sơ luân chuyển bổ nhiệm cán bộ; định kì hàng năm xây dựng dự thảo kế hoạch luân chuyển, điều động công tác cán bộ, công chức viên chức theo qui định…

Huyền Nga
.
.
.