Chuyện ghi ở mái ấm Thiên Phước

Thứ Năm, 15/07/2010, 10:33
Năm 2001, xót xa trước nỗi đau của những em thơ tật nguyền nhiễm chất độc da cam dioxin do chiến tranh, linh mục Phan Khắc Từ cùng những người đồng chí hướng ở Hội Công giáo TP HCM đã đón 8 em thơ bất hạnh về chăm sóc tại một ngôi nhà nhỏ ở huyện Củ Chi. Đã 10 năm trôi qua, tổ ấm nhỏ nhoi ngày nào giờ là mái ấm bình yên của 74 em thơ bị các chứng bệnh bại não, câm điếc, não úng thủy…

Tọa lạc trên địa phận xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, trông bề ngoài Mái ấm Thiên Phước khá bình yên nhưng ẩn sau đó là những trẻ em không có tuổi thơ. Cùng đó là cuộc chiến chống những cơn đau, cái chết có thể ập đến bất kỳ lúc nào của các em và những nữ tu giàu lòng nhân ái.

"Cuộc chiến ấy diễn ra từng giờ, từng ngày, kéo dài qua năm này, tháng nọ, không bao giờ chấm dứt" - xơ Marie Dương Thị Sướng, 1 trong 7 nữ tu hiến dâng trọn đời chăm sóc các bé, cho biết: "Củ Chi là địa phương hứng chịu nhiều chất hóa học do Mỹ rải trong chiến tranh. Chất độc ấy thấm sâu vào lòng đất, lan tỏa vào nguồn nước và đấy chính là lý do khiến nhiều cặp vợ chồng sinh con bị dị dạng. Phần lớn các bé ở đây bị cha mẹ bỏ rơi khi mới chào đời hoặc được cha mẹ nhờ gửi tại mái ấm rồi ra đi không bao giờ trở lại".

Bên cạnh các cháu là con em của những gia đình ở Củ Chi, còn có nhiều em thơ ở các tỉnh, thành xa xôi như Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Cà Mau, Thái Bình… Do hệ thần kinh không hoạt động nên các cháu không ý thức được điều gì. Cứ cười, khóc ngây ngô. Không biết giận, không biết vui, không thiết ăn uống...

"Không như 20 cháu ở tầng dưới chỉ nằm im một chỗ nên dễ trông nom, chăm sóc, với số cháu còn lại ở tầng trên, do thần kinh của các cháu không bình thường, các cháu luôn trong tình trạng co giật, đập phá nên chỉ cần sơ sẩy một chút là rất nguy nan", vừa nói xơ Lê Thị Lan, phụ trách mái ấm, vừa đưa khách lên thăm thế giới lặng của những trẻ em tật nguyền.

Bình yên trong vòng tay chở che của các xơ.

Tầng trên của mái ấm được chia làm 3 phòng, phòng nào cũng trải kín những chiếc nôi inox, bên trong từng chiếc nôi là những hình ảnh rất đáng thương. Đấy là 2 anh em ruột Bình và Thuận. Cả 2 có cùng nỗi bất hạnh như nhau với tứ chi dị thường, dẹt như thanh sắt, ngắn củn, cong queo… Đấy là bé Loan không có hậu môn, là bé Hà tứ chi co quắp, người lúc nào cũng nóng hừng hực…

Thấy khách dừng mắt ở một cháu bé có cái đầu quá khổ so với tấm thân gầy yếu trơ xương, xơ Lan cho biết: "Đó là bé Phạm Minh Hoàng, bị chứng não úng thủy. 5 năm trước, sáng ra các xơ phát hiện bé còn đỏ hỏn được quấn trong một chiếc chăn bông". Hoàng lên 5 nhưng chẳng biết gì. Với cái đầu chừng như nặng hơn toàn bộ cơ thể, bé chỉ nằm một chỗ, chẳng nhúc nhích, mắt luôn thiêm thiếp mơ màng, trông bé như không có biểu hiện của sự sống.

74 em nhỏ ở mái ấm là 74 số phận, cuộc đời khác nhau. Với các em, tuổi thơ là khái niệm xa xỉ. Có chăng chỉ là những năm dài tháng rộng gắn chặt với cái chết luôn rình rập, cận kề. Với những di chứng độc hại còn tiềm ẩn trong từng hình hài dị biệt kia, cuộc sống với nhiều bé chỉ có thể tính từng ngày, các bé có thể "ra đi" bất kỳ lúc nào.

Đó có thể là bé Lộc, 12 tuổi, bị bệnh xương thủy tinh, chỉ cần một cử động nhỏ là xương của bé sẽ bị gãy vụn. Ngày hôm nay bé gãy xương 2 lần, mỗi lần như vậy bé đau đớn lắm! Đó có thể là các bé Minh, Hóa, Hưng… với chứng bệnh động kinh quái ác, luôn co giật, thi thoảng đập đầu, đập tay, chân vào thành nôi đến tướm cả máu. Để tránh các bé bị tử vong, các xơ phải dùng vải mùng trắng cột tay, chân các bé…

Chăm sóc những đứa trẻ bình thường đã khó, huống chi phải chăm lo cho hàng chục bé thơ bại não, thiểu năng trí tuệ. "100% các bé không thể tự chăm sóc mình nên 12 xơ ở mái ấm thay phiên nhau chăm lo việc ăn uống, vệ sinh cá nhân cho các bé. Các xơ trồng cây thuốc nam, áp dụng các bài thuốc cổ truyền để giúp các bé còn chút nhận thức như bé Lộc bị xương thủy tinh được khỏe mạnh để chống chọi với bệnh tật".

Sau sẻ chia, bác Lê Thị Lài, ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, người thường xuyên ghé thăm mái ấm, bày tỏ sự thán phục: "Giữa lúc các cháu bị đấng sinh thành bỏ rơi thì các xơ ở đây tuy không mang nặng đẻ đau lại đứng ra cưu mang, chăm bẵm các cháu. Tình thương ấy vượt trên cả tình mẫu tử. Nhiều xơ gắn bó với mái ấm từ những ngày đầu thành lập đến nay. Nếu không có từ tâm bao la thì khó ai có thể làm được điều ấy".

10h sáng, câu chuyện gián đoạn khi các xơ tất bật cho các bé dùng bữa. Xơ Lan giải thích, sở dĩ phải cho các bé ăn sớm bởi việc cho các bé ăn rất cực, có bé phải mất ít nhất nửa giờ đồng hồ nên phải tranh thủ cho các bé "ngoan" ăn trước, sau đó lo cho các bé "quậy" hơn ăn sau. "Đến giờ ăn của các bé cực lắm cháu ơi!" - bà Nguyễn Thị Hoài, 67 tuổi, lúc ghé thăm mái ấm, chia sẻ: "11 xơ ở đây không thể lo cho các cháu ăn kịp bữa nên phải huy động hơn chục cô ở bên ngoài giúp sức. Có bé không thể ăn cơm, cháo. Chỉ nuôi bằng sữa, mà phải bón từng giọt. Nếu không yêu thương, không kiên trì thì khó lòng mà chăm dưỡng cho các bé lắm!".

Ở Mái ấm Thiên Phước, đường, sữa, giấy, thuốc…, thứ gì cũng thiếu nhưng không thiếu tình yêu thương của những nữ tu dành cho các bé thơ tật nguyền!

Thành Dũng
.
.
.