Chuyện ghi ở chân núi bên bờ biển Tây

Thứ Ba, 28/06/2011, 09:00
Theo Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, hiện nay quanh núi Hòn Sóc có đến 10 DN được cấp phép khai thác đá, trữ lượng cho phép khai thác lên đến hơn 2 triệu m3. Đó là chưa kể hơn chục bãi đá khai thác tự phát của cư dân địa phương. Từ năm 2005 đến nay, ở các mỏ đá quanh chân núi Hòn Sóc, gần như năm nào cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người.

Hòn Sóc, một trong bốn ngọn núi ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang), rộng 117ha nhưng có đến hơn 95ha đang bị hàng chục doanh nghiệp (DN) thẳng tay nổ mìn để khai thác đá. Ở chân Hòn Sóc thuộc địa bàn xã Thổ Sơn, nghề xẻ đá đang phát đạt với hàng ngàn lao động, nhưng chẳng ai màng đến chuyện hiểm nguy.

Một ngọn núi trên địa bàn xã Bình An, huyện Kiên Lương đã bị san bằng

Gian nan đời chẻ đá

Mới tờ mờ sáng, các bãi xẻ đá dọc con đường nhựa từ thị trấn Hòn Đất chạy vào núi Hòn Sóc đã rộn rã tiếng đục đá. Những người phu đá da đen cháy vì phơi nắng gió lâu ngày cắm cúi căng dây làm chuẩn đưa búa đập lên những cây đục bằng thép. Theo từng nhát búa, cây đục cắm sâu vào những thớ đá xanh, chậm rãi tách phiến đá to đùng ra thành từng thanh dài theo kích thước đã định sẵn. Ông Châu Kha - một thợ đục đá với thâm niên hơn 20 năm, quê ở huyện Tri Tôn (An Giang), nói: “Thợ xẻ đá làm ăn sản phẩm, đục được một thanh đá 4 cạnh từ 15cm đến 20cm, cứ đo chiều dài, mỗi mét chủ bãi trả công 5.500 đồng. Thợ xẻ đá chuyên nghiệp chỉ cần liếc qua khối đá là xác định được mạch đá, từ đó dễ dàng căng mực, đục chẻ ra từng thanh. Người giỏi mỗi ngày có thể đục được 50m, kiếm được hơn 200.000 đồng. Nhưng dân mới vô nghề không xác định được mạch đá, cả ngày đục chưa được 10m, còn làm bể vụn tảng đá, bị chủ bắt đền”.

Những người phu xẻ đá ở Hòn Sóc nói, vì không có ruộng đất nên họ phải đeo theo nghề đá, tiền công hiện nay rẻ như bèo. “Nhiều người thấy thợ xẻ đá cuối ngày làm việc lãnh tiền công 100.000 - 200.000 đồng/ngày/người thì cho rằng nghề đá mau giàu. Nhưng họ đâu biết để chẻ được một thanh đá người thợ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, nhiều khi búa đập vào tay bật máu tươi, tiền công chỉ có 5.500 đồng/mét trong khi chủ bãi bán ra thị trường giá cao gấp chục lần” - anh Minh, thợ xẻ đá ở ấp Bến Đá, xã Thổ Sơn, nói.

Chỉ tay về phía những túp lều tạm bợ, xập xệ nằm rải rác quanh chân Hòn Sóc, anh Minh cho biết đó là nơi tạm trú của nhiều phu đá. Hiện nay đội quân xẻ đá đông đúc nên tiền công mà các chủ bãi trả cho họ ngày càng rẻ. “Bất kể ngày nắng hay mưa, hễ chủ bãi kêu là thợ phải xách búa, xách đục ra làm việc. Nếu không làm thì sẽ có người khác nhảy vô thế chỗ ngay tức khắc”, ông Kha nói.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, hiện nay quanh núi Hòn Sóc có đến 10 DN được cấp phép khai thác đá, trữ lượng cho phép khai thác lên đến hơn 2 triệu m3. Đó là chưa kể hơn chục bãi đá khai thác tự phát của cư dân địa phương.

Bà Võ Ngọc Thứ - Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết dù khai thác đá là một nghề hết sức nguy hiểm nhưng tình trạng bảo hộ lao động ở các mỏ đá rất kém. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 3.000 lao động làm việc ở các mỏ đá, nhưng hầu hết không được trang bị bảo hộ lao động.

Từ năm 2005 đến nay, ở các mỏ đá quanh chân núi Hòn Sóc, gần như năm nào cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người. Dân phu đá ở Hòn Sóc không ai quên được những tai nạn kinh hoàng ập xuống đầu thợ đá. Ngày 14/10/2010, ông Trịnh Phúc ở ấp Bến Đá bị đá đè chết tại mỏ Chín Hải. Trước đó, tháng 5/2010, ông Nguyễn Văn Quy ở ấp Hòn Sóc bị băng chuyền tải đá nghiến mất một cánh tay. Tháng 3/2010, ông Đặng Đồng Khởi ở ấp Bến Đá cũng thiệt mạng trong khi khai thác đá. Vụ tai nạn chết người kinh hoàng nhất xảy ra năm 2008, do khai thác sai quy trình nên nguyên một khối núi đổ ụp xuống đầu công nhân đang làm việc làm 4 người chết tại chỗ, trong đó có hai cha con ông chủ mỏ đá.

Núi đá gục đầu

Theo ông Hồ Văn Tấn - Chánh Văn phòng UBND huyện Kiên Lương, toàn huyện có khoảng 30 núi lớn, nhỏ. Thế nhưng, đến nay huyện không thể thống kê bao nhiêu núi đang bị khai thác đá xây dựng, đá vôi bởi việc cấp phép cho DN khai thác là thẩm quyền của tỉnh. Nói thế nhưng ông Tấn cũng “điểm danh” vài ngọn núi đang bị khai thác ồ ạt với thời hạn cấp phép từ 20 năm đến 50 năm và đang có nguy cơ biến mất như: Trà Đuốc Lớn, Trà Đuốc Nhỏ (xã Bình An), núi Mây, núi Còm, núi Trầu (xã Hòa Điền)… Một lãnh đạo Phòng TN&MT huyện còn cho biết, những ngọn núi như núi Quỷnh, núi Mây, Sơn Trà hiện đều đã có quy hoạch, khai thác. “Chắc sớm muộn gì cũng chung số phận với những ngọn núi khác” – ông cho biết.

Hàng ngàn thợ xẻ đá ở Hòn Sóc ngày ngày làm việc với hai bàn tay trần, chiếc búa và mấy chiếc đục thép, bất chấp nguy hiểm, tai nạn.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, toàn tỉnh Kiên Giang hiện có gần 70 dự án khai thác khoáng sản (gồm đá xây dựng, đá granit, đá vôi, cát sỏi…) và Kiên Lương được xem là địa bàn trọng tâm với hàng chục dự án khai thác đá, đá vôi ở 10 ngọn núi, công suất khai thác lên đến 250 triệu tấn/năm đối với đá vôi và đá xây dựng.

Nhiều nhà khoa học cho biết, không phải ngẫu nhiên mà UNESCO chọn nơi đây là một bộ phận của khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang. Vùng núi đá vôi Kiên Lương (hiện chỉ còn rộng chưa đầy 3,6km2) nhưng là vùng núi đá vôi duy nhất ở phía Nam Việt Nam với khoảng 21 hòn núi lớn nhỏ mọc lên trên vùng đầm lầy ngập nước ven biển, có tính đặc hữu và đa dạng sinh học…

Nhưng nhiều năm nay các núi đá vôi trong khu vực đã được cấp phép đào bới để sản xuất xi măng, vôi và phân bón NPK, trong đó núi Khoe Lá nơi có nhiều voọc bạc Đông Dương sinh sống đang bị một nhà máy xi măng khai thác ồ ạt. Khi nghe UBND tỉnh quy hoạch, cấp phép cho các nhà máy này tiếp tục khai thác núi đá vôi Kiên Lương để sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế của các nhà máy hơn 8.200 tấn/năm trong thời hạn từ 2011 đến 2020, nhiều người dân Kiên Lương buột miệng kêu trời.

Tạm dừng cấp giấy phép khai thác khoáng sản

Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa có ý kiến kết luận tạm dừng cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Quyết định này được đưa ra sau khi Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với các sở, ngành và huyện Kiên Lương để nghe báo cáo tình hình tranh chấp tại mỏ đá Sơn Trà và mỏ đá Trà Đuốc (xã Bình An, huyện Kiên Lương); đồng thời nghe cơ quan chức năng báo cáo tình hình cấp phép khai thác các mỏ đá, mỏ đất sét và mỏ than bùn.

Nhóm PV ĐBSCL
.
.
.