Chuyện ghi ở Jakarta

Thứ Sáu, 28/10/2005, 09:53

Tại Indonesia đã xảy ra nhiều vụ khủng bố nhưng người Indonesia không nói nhiều về khủng bố. Họ không thể hiện bất kỳ một sự sợ hãi nào của mình khi đi trên phố cả. Mọi sinh hoạt cuộc sống vẫn diễn ra hết sức bình thường và có lẽ vấn đề khủng bố đã bị báo chí phương Tây thổi phồng một cách quá đáng.

Nước Cộng hòa Indonesia có hơn 17.500 đảo lớn nhỏ, trong đó có 5 đảo chính là Sumatra, Java, Kalimantan, Sulawesi, Irian Jaya trải dài trên 6.000 km giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Người Indonesia gọi quốc gia của mình là Tanah Air Kita, có nghĩa là “Nơi của đất và nước” vì toàn lãnh thổ có tới 80% diện tích là nước bao bọc. Đây cũng chính là quê hương của hơn 400 ngọn núi lửa, trong đó có 128 ngọn vẫn đang hoạt động từng gây tàn phá khủng khiếp cho cư dân và mùa màng xung quanh.

Thủ đô Jakarta của Indonesia nằm trên đảo Java (chỉ chiếm 7% diện tích nhưng chiếm tới hơn 60% dân số) là thành phố lớn nhất được bao bọc xung quanh bởi những rặng núi, bờ biển, đảo xanh và những di sản văn hóa lịch sử cùng những thắng cảnh nổi tiếng. Jakarta trước kia có tên gọi Batavia, từng là kinh đô của vương quốc cổ Java. Chính vì vậy mà Jakarta luôn mang trong mình những nét hội tụ của nền văn hóa Batawie - Indonesia, văn hóa Hồi giáo và phương Tây.

Sau 6 giờ bay xuất phát từ Hà Nội, cộng thêm 2 tiếng quá cảnh ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia, tôi đã có mặt tại quốc gia vạn đảo Indonesia. Từ trên máy bay nhìn xuống, sân bay quốc tế Soekarno-Hatta rộ lên một màu đỏ thẫm với những mái ngói che nghiêng giống như nhiều ngôi nhà ở làng quê Việt Nam, mang đậm nét văn hóa Á Đông.

Phải mất khoảng 30 phút để làm thủ tục nhập cảnh, cuối cùng tôi cũng lấy được hành lý và dễ dàng tìm được một nơi đổi tiền trong sân bay Soekarno-Hatta. Tỉ giá của đồng tiền Indonesia là 1USD đổi lấy 9.300 rupiah.

Một trục lộ chính ở thủ đô Jakarta Indonexia.

Dân số Indonesia khoảng 225 triệu người, trong đó 85% dân số là theo đạo Hồi (Islam). Chính vì vậy mà Hồi giáo được coi là quốc đạo của quốc gia này. Ngoài Hồi giáo ra, ở Indonesia còn có các đạo khác như Ấn giáo (Hindu), Phật giáo và Cơ Đốc giáo. Từ thế kỷ thứ VIII, đạo Hồi đã thâm nhập vào Indonesia thông qua những lái buôn Ấn Độ và sau đó là những khách buôn Arập. Đạo Hồi đầu tiên trụ tại Aceh, phía bắc Sumatra, rồi từ đó tràn ra khắp Indonesia sau này.

Theo truyền thống, tín đồ đạo Hồi cầu nguyện mỗi ngày 5 lần vào lúc hoàng hôn, đêm, bình minh, trưa và chiều. Thứ sáu được coi là ngày lễ của đạo Hồi nên mọi người chỉ phải làm việc nửa ngày. Đàn ông theo đạo Hồi thì đến nhà thờ gần nhất để cầu nguyện kinh, trong khi phụ nữ cầu nguyện tại nhà. Phần lớn các công sở đều có một phòng nhỏ để cầu nguyện, và tại các nhà vệ sinh công cộng thì đều có chỗ rửa chân nhưng không có giấy vệ sinh vì nước được coi là sạch sẽ và hợp vệ sinh hơn.

Tại Indonesia, phần đông tín đồ Islam có quan điểm khá tự do với đạo Hồi. Chẳng hạn phụ nữ đạo Hồi ở Indonesia được tự do hơn nhiều so với phụ nữ ở các quốc gia Hồi giáo khác. Họ không phải đeo mạng che mặt mà thay vào đó họ mặc một chiếc áo ngắn có màu sắc sặc sỡ và một cái váy bó sát người gọi là xàrông. Tuy nhiên ở Jakarta, tôi ít thấy phụ nữ Hồi giáo mặc váy mà thay vào đó họ mặc quần âu nhưng tóc của họ thì phải che kín bằng một chiếc khăn khá rộng. Nhiều phụ nữ tuy vẫn theo đạo Hồi nhưng lại chuộng Tây hoàn toàn, tức là họ mặc váy ngắn hiện đại và đầu không đội khăn. Số này cũng rất nhiều, đặc biệt tại các công sở của Indonesia. Còn đối với tầng lớp thanh niên, họ ăn mặc rất hiện đại không khác gì ở Việt Nam. Chiều chiều, tôi thấy có khá nhiều thanh niên Indonesia cả nam lẫn nữ, tới mua vé để đi bơi trong khách sạn.

Tại khách sạn Kartika Chandra, tôi lân la hỏi nhân viên khách sạn thì được biết ở Jakarta cũng có những khu vực "đèn đỏ" mà điển hình là ở Kramat và Pejompongan Indah. Khu này mặc dù bị cảnh sát tấn công mạnh nhưng vẫn lén lút hoạt động. Theo nhân viên này nói, tại nhiều khách sạn ở Jakarta, nếu như khách có nhu cầu tìm “vợ giả” thì nhân viên khách sạn vẫn có thể “giúp”. Tuy nhiên, cũng có nhiều khách sạn không đồng ý để khách đưa gái vào phòng, không phải là vì sợ pháp luật mà là vì họ sợ... mất trộm.

Về ẩm thực, người dân Indonesia ăn uống khá đơn giản. Cơm được coi là món chính có thể dùng cho cả bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Khi ăn, người Indonesia không dùng bát, đũa mà dùng đĩa và tay để bốc. Tay bốc ăn là tay phải vì tay trái được coi là bẩn. Tay trái nhiều khi là tay thuận vì tôi để ý thấy có rất nhiều người Indonesia viết bằng tay trái. Trong khách sạn, người ta thường dùng dao và dĩa, còn trong các gia đình và tại các nhà hàng, người ta vẫn dùng tay để bốc. Trước khi ăn, nhà hàng bê cho mỗi người một chiếc liễn nhỏ làm bằng Inox để rửa tay rồi để đó đến hết bữa ăn.

Người dân Indonesia cũng có cái thú ăn uống trên đường phố giống như người Việt Nam. Trên nhiều đoạn đường ở thủ đô Jakarta, tôi thấy có khá nhiều xe bán rong phục vụ cho khách chờ xe buýt. Trên mỗi chiếc xe hai bánh đó, người ta bày nào cơm, trứng, thịt... đủ các loại. Các thực khách mỗi người cầm một chiếc đĩa hoặc đứng, hoặc ngồi và ăn uống một cách ngon lành.

 --PageBreak--

Cũng giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, sự phân hóa giàu nghèo ở Indonesia được thể hiện khá rõ. Tại Jakarta, tầng lớp nghèo thường sống trong những khu nhà ổ chuột được gọi là Kampung. Đó chính là tàn dư của những ngôi làng xưa kia còn sót lại nằm chen lẫn giữa những tòa nhà cao chọc trời của thủ đô. Theo ước tính, hiện có khoảng 20-25% dân số của Jakarta đang sống tại các Kampung. Ra xa vùng ngoại ô, tôi thấy có khá nhiều những căn nhà nhỏ tồi tàn làm bằng gỗ nằm chen chúc nhau dưới gầm cầu vượt. Đó là nhà của những người nghèo, vô gia cư. Ban ngày họ vào trong thành phố để kiếm sống. Ban đêm họ lại trở về đây để ở.

Còn trong thành phố, tại các cây cầu vượt dành cho người đi bộ và xe máy, tôi thấy có nhiều người trải tấm áo mưa ra để bán đĩa CD và dây lưng. Ngoài ra, còn có cả những người ăn xin ngồi ở đó. Vào buổi sáng chính những người ăn xin này quét dọn sạch cây cầu vượt rồi lẳng lặng đặt một chiếc hộp nhỏ bằng giấy ở trước mặt và cứ thế ngồi xin ăn. Khách bộ hành đi qua thỉnh thoảng lại quẳng vào trong chiếc hộp một hoặc hai đồng tiền xu 200 rupiah. Những người này không chìa tay ra để xin mà chỉ ngồi đó im lặng cúi đầu như thể họ đang cầu thánh Allah phù hộ vậy.

Nhiều gia đình ở Jakarta cũng đã bắt đầu học theo lối sống công nghiệp của các nước phương Tây. Một tuần, họ đi chợ một lần và mua đầy thức ăn nhét vào tủ lạnh. Yekti Maunati, một người bạn của tôi ở Jakarta cho biết, gia đình của chị cũng nuôi một người phục vụ và mọi việc trong gia đình đều do họ làm cả. Buổi sáng, chị dậy sớm đi bộ để giảm cân, sau đó ăn sáng, tới cơ quan và đến chiều mới trở về nhà.

Indonesia, lương khởi điểm của một công chức nhà nước khoảng 100 USD và sẽ được tăng dần hàng năm. Còn nếu làm cho tư nhân thì tiền lương có thể gấp tới vài ba lần và cá biệt có nơi gấp tới 40 lần. Tới Jakarta, bạn có thể thấy nhiều người dân nói được tiếng Anh và tại các cơ quan nhà nước tiếng Anh hết sức được coi trọng. Yekti Maunati cho tôi biết, Chính phủ Indonesia bắt tất cả các công chức làm việc trong cơ quan nhà nước đều phải học tiếng Anh, bất kể là già hay trẻ. Nếu không học tiếng Anh, bạn sẽ không được tăng lương và không được cấp tiền để làm đề tài khoa học. Khi thi tuyển công chức, tiếng Anh cũng được đặt lên hàng đầu.

Tại khách sạn nơi tôi ở, an ninh cũng được bảo vệ hết sức chặt chẽ nhằm tránh để xảy ra các vụ khủng bố tương tự như tại khách sạn J.W.Marriot hồi năm 2003 trước đây. Ở cổng ra vào của khách sạn, có ít nhất 5 nhân viên an ninh đứng làm nhiệm vụ. Họ được trang bị cả súng tiểu liên và máy dò mìn. Tất cả các xe ra vào khách sạn đều được ghi lại một cách rất cẩn thận. Nếu có nghi ngờ gì đó, họ sẽ yêu cầu lái xe mở cửa để họ kiểm tra. Ngồi trên ôtô đi trong thành phố, ở khách sạn nào tôi cũng gặp hình ảnh tương tự. Mặc dù tại Indonesia đã xảy ra rất nhiều vụ khủng bố khác nhau nhưng tôi để ý thấy người Indonesia không nói nhiều về khủng bố. Họ cũng không thể hiện bất kỳ một sự sợ hãi nào của mình khi đi trên phố cả. Họ cũng không hề cảnh báo tôi nên đề phòng khủng bố. Mọi sinh hoạt cuộc sống vẫn diễn ra hết sức bình thường và có lẽ vấn đề khủng bố đã bị báo chí phương Tây thổi phồng một cách quá đáng.

Tại bữa ăn sáng đầu tiên ở khách sạn Kartika Chandra, tôi có dịp được ngồi ăn chung và trò chuyện với các thanh niên Hồi giáo. Tôi hỏi họ rằng người Hồi giáo các bạn nghĩ gì về các vụ khủng bố do những người Hồi giáo tiến hành, và phản ứng của các bạn như thế nào trước việc lính Mỹ báng bổ Kinh Koran? Một trong ba thanh niên cho biết: “Người Hồi giáo ở Indonesia là những người ôn hòa. Những kẻ khủng bố cực đoan ở Indonesia chỉ chiếm tỉ lệ cực nhỏ và họ không đại diện cho thế giới Hồi giáo, hành động của họ khiến chúng tôi rất buồn. Về chuyện lính Mỹ báng bổ Kinh Koran, cộng đồng Hồi giáo cũng cảm thấy buồn nhưng không vì thế mà chúng tôi căm ghét người Mỹ. Cũng như quốc gia của các bạn vậy, lính Mỹ giết dân của các bạn nhưng các bạn có trả thù đâu. Chúng tôi thấy vẫn có nhiều người Mỹ đến Việt Nam đấy chứ. Đất nước chúng tôi cũng vậy, chúng tôi vẫn quý và tôn trọng họ!”.

Nhìn vào đôi mắt của những người thanh niên kia, tôi tin những điều họ nói là sự thật. Cũng như người Việt Nam, người Hồi giáo Indonesia cũng rất mến khách. Tôi thực sự cảm nhận được điều này ngay từ khi bước chân đầu tiên xuống Indonesia. Số là tại sân bay Soekarno-Hatta, khi đi ngang qua đám đông đang đứng đợi ở phía cửa, mà có lẽ là những người lái xe taxi, bỗng nhiên một số người liền chỉ tay về phía tôi và kêu lên: Việt Nam! Việt Nam! Sau đó, họ quay sang nói với nhau gì đó rồi quay sang phía tôi cười. Tôi rất ngạc nhiên không biết tại sao những người này lại biết tôi là người Việt Nam. Thì ra, trên chiếc túi của tôi có in hình Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng Việt Nam và vì thế họ dễ dàng nhận ra.

Phải nói rằng người Indonesia rất mến khách và có cảm tình rất đặc biệt với người Việt Nam. Chỉ có 4 ngày ở Indonesia nhưng tôi dễ dàng nhận ra được điều này. Phần lớn người Indonesia biết đến Việt Nam qua báo chí, qua cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc Việt Nam. Anh chàng lái xe taxi Joko khi biết tôi đến từ Việt Nam cũng đã phải ồ lên một tiếng tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Có lẽ đây là lần đầu tiên anh được tiếp xúc với một người Việt Nam và vì thế anh hỏi tôi rất nhiều chuyện. Trước khi chia tay rời khách sạn, Joko nói một ngày nào đó anh nhất định sẽ tới thăm Việt Nam.

Đêm trước khi ra sân bay để trở về Hà Nội, những người bạn Indonesia mời tôi tham dự một bữa tiệc sinh nhật cô bạn gái Gusnelly trong Ban tổ chức Hội thảo ngay tại khách sạn tôi ở. Lúc máy bay cất cánh, sân bay Soekarno-Hatta lại rực lên một màu đỏ thẫm dưới nắng sớm

Cao Cường
.
.
.