Chuyện ghi ở Đồn Công an vừa phố, vừa làng

Thứ Tư, 27/08/2008, 08:36
Tổ CSHS của Đồn 1, huyện Từ Liêm, Hà Nội có 9 đồng chí, nhiệm vụ của các anh rất nặng nề bởi địa bàn này là nơi có nhiều người tập trung vui chơi vào buổi tối nhất; nơi có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất; nơi được Công an thành phố Hà Nội coi là địa bàn trọng điểm về ANTT… Chính vì thế, để thực hiện có hiệu quả chức năng của đơn vị Công an cơ sở, các anh phải nỗ lực rất nhiều.

Đồn Công an số 1 (gọi tắt là Đồn 1), huyện Từ Liêm, Hà Nội thành lập tháng 7/ 2006 theo mô hình thí điểm của Bộ Công an. Đồn có nhiệm vụ đảm bảo ANTT ở địa bàn trọng điểm về phát triển cơ sở hạ tầng, văn hoá, kinh tế xã hội ở phía Tây Hà Nội. Trên địa bàn Đồn quản lý ngoài 5 khu đô thị mới (ĐTM), còn có hai xã Mỹ Đình và Mễ Trì với tổng diện tích 10km2. Là nơi có Trung tâm Hội nghị quốc gia; Sân vận động quốc gia - Trung tâm chính trị, văn hoá lớn nhất nước ta.

Tự hào

14h, tôi chạy xe vào khu ĐTM The Manor với niềm tin mình sẽ dễ dàng tìm ra trụ sở của Đồn 1. Nhưng rồi sự tự tin ấy tắt ngấm khi hết rẽ vào khu nhà cao tầng này, đến khu nhà thấp tầng được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp khác mà không thấy biển hiệu màu đỏ đâu. Nhớ lời dặn của Trung tá Nguyễn Dũng, Đồn trưởng, tôi liền tạt vào một bốt canh của bảo vệ để hỏi đường.

"Đi hết chung cư màu xanh cao 15 tầng, chị rẽ phải, rồi rẽ trái", anh nhân viên bảo vệ nhiệt tình hướng dẫn. Đi theo chỉ dẫn, tôi thấy trụ sở Đồn 1, nằm nép mình dưới bóng cây xà cừ cổ thụ trong khuôn viên Trường cấp II Mễ Trì cũ. Thì ra, do xuống cấp,  trường này chuyển về địa điểm mới ở thôn Phú Đô. Một phần ngôi trường cũ làm trụ sở Đồn 1, phần còn lại do một trường dân lập thuê. Dựng xe vào bóng râm của tán cây, tôi thầm nghĩ bù lại sự cũ kỹ, nơi đây có không gian xanh ngát, thoáng đãng.

Trung tá Hoàng Quốc Bình, Phó Trưởng đồn cho biết, do trên địa bàn quản lý có hai xã Mỹ Đình và Mễ Trì nên Đồn cùng Công an hai xã phối hợp làm công tác ANTT, quản lý nhân hộ khẩu. Riêng địa phận các khu ĐTM, Đồn phải có trách nhiệm làm công tác này. Vì thế, trong biên chế của Đồn vừa có CSKV, vừa có Công an phụ trách xã. "Địa bàn của chúng tôi vừa phố, vừa làng", đồng chí Bình nói. Chẳng thế mà Đại uý Đoàn Văn Dương, Phó Trưởng đồn, phụ trách mảng hình sự khi trao đổi với chúng tôi cũng chia địa bàn ra làm hai: khu vực làng xã và khu vực ĐTM.

Cán bộ, chiến sỹ ở Đồn 1 ngoài một số đồng chí trước đây thuộc trạm Mỹ Đình, phần lớn đều từ các đội nghiệp vụ Công an huyện Từ Liêm điều chuyển. Thượng sỹ An Tuấn Dũng, 21 tuổi là người trẻ nhất ở Đồn. Khi chúng tôi có mặt tại Đồn, Dũng đang lấy lời khai một đối tượng phạm pháp mặt còn trẻ măng.

"Tuy công tác ở một đơn vị mới, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng anh em rất tự hào vì đây là trung tâm chính trị, văn hoá lớn", Trung tá Bình hồ hởi. Có lẽ vì thế mà anh em không ngại ngần khi hàng ngày phải vào Nhà máy nước Mai Dịch để xin nước ăn (ở đây chưa có hệ thống nước sạch, nước giếng khoan không đủ tiêu chuẩn cho phép sử dụng). Phòng ăn của cán bộ chiến sỹ là mấy gian nhà cấp 4 xuống cấp, mỗi khẩu phần ăn 7.000đ. Vượt qua khó khăn vật chất, cán bộ chiến sỹ vẫn hăng say công việc, vì thế trong các bữa ăn không thiếu tiếng cười.

Chiến công

Tổ CSHS của Đồn có 9 đồng chí, nhiệm vụ của các anh rất nặng nề bởi địa bàn này tập trung nhiều cái nhất. Đó là nơi có nhiều người tập trung vui chơi vào buổi tối nhất (khu vực quảng trường sân vận động Mỹ Đình); nơi có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất; nơi được Công an thành phố Hà Nội coi là địa bàn trọng điểm về ANTT… Chính vì thế, để thực hiện có hiệu quả chức năng của đơn vị Công an cơ sở, các anh phải nỗ lực rất nhiều.

Chúng tôi xin nêu ra đây ví dụ về công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm hình sự trên địa bàn. Nơi đề cập đến đầu tiên là quảng trường sân vận động Mỹ Đình - một địa điểm mỗi đêm có hàng nghìn người ra đây vui chơi và có những đối tượng hình sự trà trộn. Mặc dù, Công an thành phố đã bố trí các lực lượng CS113, CSCĐ, CS hỗ trợ tư pháp, CSHS… làm nhiệm vụ ở khu vực này, nhưng Đồn vẫn thường xuyên có hai xe ôtô tuần tra và cắt cử các chiến sỹ tổ CSHS bám sát địa bàn.

Để tạo ra "dấu ấn Công an Đồn" trên địa bàn có nhiều phòng chuyên môn của Công an thành phố tham gia không hề dễ dàng. Việc Đồn triển khai thực hiện chuyên đề chống cướp giật trên các tuyến đường, khu vực quảng trường là một điển hình.

Các tuyến đường trên địa bàn Đồn 1 có đặc điểm là rộng, đẹp, vắng người nên đối tượng lợi dụng để gây án. Tổ CSHS đã bố trí lực lượng ém quân hoặc tuần tra trên các tuyến đường để kịp thời phát hiện đối tượng.

Theo Đại uý Phạm Văn Quyết, trong một buổi tối hồi trung tuần tháng 3, các anh phát hiện hai đối tượng có biểu hiện bất minh nên bám theo. Đến ngã tư Đình Thôn- Phạm Hùng, chúng áp sát xe của một người phụ nữ, tên ngồi sau giật điện thoại di động. Lập tức, các anh đuổi theo, áp sát đối tượng buộc chúng phải về Đồn. Tại đây, qua đấu tranh khai thác, hai đối tượng khai đã gây ra 7 vụ cướp giật. 

Đại uý Dương cho biết thêm, tình hình ANTT ở các khu dân cư cũ khá phức tạp do tốc độ đô thị hoá nhanh, giá đất tăng cao, một số hộ nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp chưa thích ứng nhanh với việc chuyển đổi ngành nghề…nên dẫn đến hiện tượng "nhàn cư vi bất thiện". Nạn đề đóm, cá độ bóng đá, nghiện ma tuý xuất hiện. Còn ở khu ĐTM, do trình độ dân trí cao, mức sống tương đối tốt nên các tệ nạn nêu trên khó xâm phạm.

Tuy nhiên, những hạn chế về hiểu biết pháp luật của một số nhân viên bảo vệ cũng gây ảnh hưởng không tốt. Ví dụ như trường hợp một nhân viên bảo vệ khi người dân không thực hiện quy chế sử dụng cầu thang đã giữ người trái pháp luật. Vụ việc sau đó được đưa ra Đồn giải quyết và người này bị xử lý hành chính.

Nói đến đây, không thể không đề cập đến việc một số người dân sinh sống tại đây không tuân thủ quy định của Xí nghiệp quản lý nhà. Ví dụ theo quy định, cầu thang máy chỉ dùng để vận chuyển người nhưng có những chủ hộ đã dùng để vận chuyển đồ đạc. Việc làm này ảnh hưởng đến tải trọng, điện. "Nếu có nhu cầu dùng thang máy vào mục đích vận chuyển khác, chủ hộ nên có thoả thuận với lãnh đạo Xí nghiệp quản lý nhà", đồng chí Dương nói.

Cần một cơ chế quản lý khu đô thị

Trong các trường đào tạo nghiệp vụ Công an không có chuyên ngành Công an khu ĐTM. Lực lượng này ra đời do sự phát triển về hạ tầng, kinh tế, xã hội. Chính vì thế, khi đi vào hoạt động thực tiễn không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Họ là những người đặt nền móng đầu tiên trong việc đảm bảo ANTT ở khu ĐTM, nơi có những cư dân mới, hạ tầng mới.

Để làm tốt công tác của mình, các anh luôn quán triệt tinh thần "lấy dân làm gốc". Ví dụ như khi xây dựng tổ dân phố đầu tiên, nếu không gần dân, không có sự quan tâm của chính quyền thì không thể nào có được tổ chức cơ sở, nòng cốt của chương trình toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí CSKV Phạm Văn Vy, người từng quản lý 15 nhà chung cư cao tầng ở khu ĐTM Linh Đàm cho biết, anh đã tìm kiếm để chọn ra người dân tích cực trong số những người mới đến địa bàn sinh sống để đề nghị trao chức danh Tổ trưởng dân phố lâm thời. Đó là bác Nguyễn Thị Phúc, lúc đó đã 80 tuổi.

Sau này, khi đưa ra bầu tổ trưởng dân phố, bác Phúc cũng trúng cử. Hay như việc thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên cũng không hề dễ dàng. Thời kỳ đầu, khu ĐTM Linh Đàm chỉ có 5 đảng viên và sinh hoạt ghép cùng Chi bộ làng Linh Đàm. Khi dân cư về sinh sống ở đông hơn, Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời (2006) với 40 đảng viên do bác Lê Văn Trung là Bí thư. Bác Trung, bác Phúc là những hạt nhân, những quần chúng tiên phong có đóng góp rất lớn cho việc xây dựng đời sống mới ở khu dân cư mới.

Tại một số khu ĐTM hiện nay, việc xây dựng tổ dân phố, Chi bộ Đảng còn rất khó khăn. Ví dụ như địa bàn quản lý của Đồn 1, nơi mới có 8 tổ dân phố.  Nếu căn cứ vào số hộ, thì số lượng tổ dân phố ở  khu vực này phải hàng trăm (40-50hộ/một tổ dân phố). Đồng chí Nguyễn Quốc Thông, CSKV quản lý khu dân cư ĐTM Mỹ Đình II (11 nhà cao tầng, 240 nhà thấp tầng) và 2 khu dân cư cũ cho biết, địa bàn anh quản lý mới thành lập được một Chi bộ Đảng, còn tổ dân phố mới chưa đầy 5 đầu ngón tay.

Để Công an khu ĐTM làm tốt công tác của mình, chính quyền thành phố, tỉnh sớm ban hành quy chế quản lý khu ĐTM. Đồng thời, khi phê duyệt và triển khai dự án, UBND tỉnh, thành cần yêu cầu, giám sát chủ đầu tư xây dựng các hạng mục phúc lợi xã hội. Kiểm tra thường xuyên cung cấp dịch vụ công cộng trong khu ĐTM của chủ đầu tư. Quy hoạch lại nhà cho thuê ở tầng 1 của các nhà chung cư. Thống nhất chỉ cho thuê khi kinh doanh một số dịch vụ nhất định để tránh làm ảnh hưởng đến đời sống ở khu dân cư. Sự quan tâm đúng mức của chính quyền cơ sở, hợp tác của chủ đầu tư, sự đồng lòng của nhân dân sẽ giúp lực lượng Công an ở khu ĐTM làm tốt nhiệm vụ của mình

Cao Hồng - Việt Hà
.
.
.