Chuyện của người từng "bị bán"

Thứ Tư, 16/11/2005, 06:45

Bi kịch đầy nước mắt và đáng thương đổ xuống nhà anh Cao Văn Quân (xã Bình Dương, Đông Triều, Quảng Ninh): Mẹ bị lừa bán sang Trung Quốc (TQ), anh sang tìm mẹ cũng bị lừa bán. Phúc nhà còn nhiều, anh không những tìm được mẹ mà còn gặp được vợ, cũng là nạn nhân của bọn buôn người...

Chúng tôi được cán bộ của Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh dẫn về xã Bình Dương, mảnh đất thuần nông vùng biên Quảng Ninh có nhiều người đã từng là nạn nhân của bọn buôn người. Ở xã Bình Dương, ai cũng biết Cao Văn Quân, một nông dân chân lấm tay bùn ở mảnh đất vùng than Quảng Ninh từng là nạn nhân của bọn buôn người lại làm được những điều tưởng như không thể...

Hai nạn nhân và một tổ ấm

Bố mất sớm, một mình mẹ cặm cụi nuôi Quân lớn lên giữa đồng bãi quê. Bất hạnh bắt đầu đổ xuống gia đình nghèo này khi mẹ Quân đi làm ăn ở biên giới bị lừa bán sang TQ. Đã mất bố, giờ lại lạc mẹ, Cao Văn Quân quyết tâm sang TQ tìm mẹ vào năm 1986. Nhưng bất hạnh chồng lên bất hạnh, chưa tìm được mẹ thì anh cũng trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Mất vài năm, Quân mới tìm cách thoát thân được. Trong thời gian này, Quân ở lại TQ làm ăn và đã tìm được mẹ mình. Vì hoàn cảnh xô đẩy, mẹ anh đã có gia thất mới. Anh tiếp tục ở Quảng Đông làm ăn cho đến lúc gặp một nạn nhân đặc biệt của bọn buôn người.

Mái ấm gia đình anh Cao Văn Quân và chị Nguyễn Thị Tuyền.

Người đó là chị Nguyễn Thị Tuyền, vợ anh bây giờ. Chị Tuyền là người may mắn nhất trong số 4 nạn nhân cùng bị lừa bán sang TQ năm 1993. Nhớ lại, chị vẫn còn thấy sợ hãi. Chỉ vì nghe theo lời dụ dỗ có việc làm bên TQ của một người phụ nữ cùng địa phương, chị cùng 3 cô gái khác đã đồng ý sang để gánh hàng thuê. Thế nhưng, khi sang đến nơi, cả 4 người bị ép lấy chồng TQ, lúc đó họ mới biết mình đã bị đem bán với giá 1.200 tệ/người.

Cao Văn Quân gặp chị Tuyền trong một hoàn cảnh trớ trêu ở Quảng Đông. Anh quyết tâm cứu chị ra khỏi nơi nhơ nhớp. Anh liều mình xâm nhập, cứu chị thoát ra thì lại bị chủ nhà nơi chị Tuyền ở thuê người cướp lại và hành hung, đe dọa. Tìm cách trốn mãi không được, cuối cùng Quân đã mang hết số tiền bao nhiêu năm chắt chiu làm ăn trên đất khách để chuộc chị ra. Thoát khỏi bùn lầy, điều khát khao sâu thẳm nhất của hai người là muốn được trọn đời bên nhau, dù vây quanh họ còn bao nhiêu gian khó, hiểm nguy. Đám cưới của hai người được tổ chức sơ sài bên đất khách. Năm 1995, hai vợ chồng quyết định về quê sinh sống.

Quân bùi ngùi kể lại, vào buổi tối hôm đưa chị Tuyền từ TQ về quê chị (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang), cả nhà Tuyền đã ôm nhau khóc vì vui mừng. Họ không ngờ cô con gái mất tích bấy lâu đã bị bán sang TQ. Họ nghe chị Tuyền vừa khóc vừa kể về việc Quân đã cứu mình, và họ đã nên vợ nên chồng. Một tuần sau, một đám cưới tràn ngập hạnh phúc, đầy đủ họ hàng, bạn bè của hai người được tổ chức lại trên chính mảnh đất quê hương.

Chúng tôi tìm đến tổ ấm của hai nạn nhân. Từ ngày trở về bản quán, anh chị được người thân giúp đỡ mua đất, dựng nhà, được Hội Phụ nữ cho vay vốn nuôi gia cầm, trồng cây ăn quả. Hai đứa con của họ lần lượt ra đời trong ngôi nhà hạnh phúc đầy ắp tiếng cười.

Ngày trở về…

Cùng xã Bình Dương với vợ chồng Quân - Tuyền, có một phụ nữ từng là nạn nhân của bọn buôn người bây giờ trở thành... bà chủ. Nhìn cơ ngơi của gia đình chị không ai nghĩ chị đã từng bị lừa sang bên kia biên giới. Chị là Nguyễn Thị Việt, hiện là chủ của mấy lò gạch tại thôn Bắc Mã 2 (xã Bình Dương, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Chị nhớ lại, năm 1990, khi ấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị để mấy đứa con cho chồng chăm bẵm rồi lên biên giới buôn hoa quả. Và chị không thể ngờ mình lại trở thành "món hàng" cho bọn bất nhân. Chị bị bán chỉ vì cả tin nghe theo lời của một bạn hàng rủ sang đất TQ làm ăn, tiền thu được sẽ nhiều hơn buôn bán hoa quả ở Móng Cái.

Hai năm ở bên TQ, lúc nào chị Việt cũng mong ngóng về quê hương. Nhưng không có một dòng tin tức nào về gia đình được chuyển sang, cũng không có cách nào chị nhắn về cho chồng, cho con biết tình cảnh của mình nơi đất khách. Ở quê nhà, chồng chị mỏi mòn chờ vợ trở về. Vẫn biền biệt, không một chút thông tin. Không thể để bầy con nhỏ sống thiếu hơi ấm phụ nữ, anh được người làng mối lái cho một phụ nữ lỡ thì. Họ đã đến với nhau tự nhiên giữa cảnh quê nghèo nàn, lam lũ.

Năm 1992, chị Việt được Lực lượng Công an hai nước phối hợp giải thoát. Trở về quê, chị cũng không quá bất ngờ khi thấy có một người phụ nữ khác thay mình trong nhà. Chị hiểu anh làm thế chỉ vì thương các con mình non nớt. Thế rồi một câu chuyện cảm động đã xảy ra. Người vợ thứ của chồng chị tự nguyện "rút lui", trả lại vị trí người vợ, người mẹ trong gia đình cho chị. Hai người phụ nữ ôm nhau khóc, bên cạnh là chồng chị Việt đứng ngây người không biết giải quyết thế nào.

Chị Thúy, chuyên viên thuộc Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh, kể về một trường hợp đáng thương ở huyện Yên Hưng. Đó là chị Nguyễn Thị Huân (xã Sông Khoai). Chị bị lừa bán sang Trung Quốc cách đây gần chục năm và vừa được Công an TQ cùng Công an Việt Nam giải cứu. Vì đời sống khó khăn, chị lên biên giới buôn bán và bị lừa. Chị bị ép làm vợ của 4 bố con một gia đình bên TQ. Mỗi khi chị không chịu, bị đánh đập dã man nên bây giờ bị động kinh, không làm được việc gì nặng nhọc. Hiện chị Huân đang ở với bố mẹ già nghèo đói, cơ cực và quắt quay sống nốt phần đời bất hạnh còn lại...

Cuộc đời của những nạn nhân bị đem bán dù ở mức độ nào, trong hoàn cảnh ra sao vẫn là những bi kịch. Họ luôn cần những vòng tay dang rộng chở che và những hành động thiết thực của cơ quan chức năng ngăn chặn tệ nạn bất lương này

Thuỵ Sa.
.
.
.