Kỷ niệm 40 năm Chủ tịch Fidel Castro vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị:

Chuyện cảm động về người cất giữ kỷ vật của Fidel Castro ở vùng cát

Thứ Tư, 18/09/2013, 13:48
Đã 40 năm trôi qua kể từ khi Chủ tịch Fidel Castro sang Việt Nam và vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị (tháng 9/1973), nhưng những kỷ niệm, hình ảnh về vị Chủ tịch của nước bạn vẫn ăm ắp đầy trong trí nhớ những ai một lần được gặp.

Chúng tôi tìm về vùng cát trắng Quảng Bình, Quảng Trị với tâm trạng chộn rộn niềm xúc động khó tả khi tìm về miền ký ức liên quan đến Fidel Castro. Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày Fidel Castro đến thăm mảnh đất này, nhiều người vẫn cất giấu trong sâu thẳm ký ức về vị Chủ tịch nước bạn Cuba chân tình, giản dị. Có người 40 năm qua cất giấu những kỷ vật của Fidel như một tài sản lớn lao không gì đánh đổi. Có người vẫn thường ngóng nhìn lên bức ảnh Fidel rồi lau vội nước mắt khi nhớ đến ông. Căn phòng nhỏ Fidel từng ở như vẫn còn ăm ắp hơi ấm của ông, và đặc biệt hơn, những món quà Fidel tặng người dân vùng cát vẫn ngày ngày tỏa sáng đầy ắp ánh lửa nhân văn.

"Anh ấy vẫn còn khỏe chứ"

Đi ngang giữa cánh đồng lúa còn thơm phức mùi rạ, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Thanh Đàm ở Quảng Bình. Mới nghe tôi nhắc đến Fidel Castro, ông Đàm đã quẹt nước mắt hỏi: "Anh ấy vẫn còn khỏe chứ". Trong miền sâu thẳm ký ức của ông Đàm, Fidel vẫn luôn hiện hữu như người anh trai đi công tác xa nhà lâu rồi chưa về. Năm nay đã bước qua 91 tuổi, nhưng ông Đàm vẫn minh mẫn, khỏe khoắn.

Ông bảo: "Nhờ tui rèn luyện võ dân tộc thường xuyên và sống vui vẻ nên trời thương cho sống lâu", nói xong ông "khoe" với tôi chiếc thẻ khám chữa bệnh cho cán bộ tiền khởi nghĩa ông mới được cấp. Nhấp một ngụm trà, ông Đàm đưa tay lau nước mắt khi nói đến Fidel Castro. Trong câu chuyện, ông Đàm dùng từ "anh" để nói về vị Chủ tịch của nước bạn nghe gần gũi, thân thiết đến lạ thường.

Tối 16/9/1973, đoàn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Fidel vào thăm vùng giải phóng ở tuyến lửa Quảng Trị, xong quay ra thăm Quảng Bình. Sau bữa cơm chiều hơi muộn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về nghỉ tại nhà khách Tỉnh ủy ở thị xã Đồng Hới. Chủ tịch Fidel cùng đoàn tùy tùng nghỉ lại nhà giao tế Quảng Bình.

Lúc bấy giờ ông Nguyễn Thanh Đàm là Chủ nhiệm phụ trách khu giao tế. Fidel Castro là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, lại có phần hơi bất ngờ nên công tác chuẩn bị rất gấp gáp. Nhiều anh chị em ở cơ quan giao tế có phần lúng túng trong công việc, nhưng khi nhìn thấy nụ cười ấm áp của Phi-đen ai cũng thấy ấm lòng và lo tốt phần việc của mình được giao.

Chủ tịch Fidel Castro thăm Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình (tháng 9/1973).

Khi ông Đàm chào Chủ tịch Fidel bằng tiếng Pháp, Fidel tỏ ra thích thú vì ông đang muốn tìm hiểu về vùng đất Quảng Bình. Còn gì tốt hơn khi một người con địa phương đã đi theo cách mạng khi mới mười lăm, mười sáu tuổi như ông Đàm lại thông thạo ngoại ngữ, rất am hiểu về địa phương nói chuyện với Fidel.

Tối hôm đó, khi mọi người đã ngủ, Chủ tịch Fidel Castro hỏi ông Đàm rất nhiều chuyện, như: Người dân Quảng Bình bắn rơi được nhiều máy bay Mỹ không? Có nhiều người anh hùng không? Cuộc sống của bà con thế nào? Người dân nơi đây cần gì nhất?...

Ông Đàm nói với Chủ tịch Fidel rằng Quảng Bình là địa phương đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ. Đây là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và nhiều anh hùng khác. Nghe ông Đàm nói vậy, mắt Chủ tịch Fidel Castro sáng lên niềm xúc động. Câu chuyện về con người, quê hương tuyến lửa Quảng Bình đã xóa nhòa ranh giới giữa vị Chủ tịch đáng kính và anh chủ nhiệm khu giao tế.

"Trong câu chuyện, tui gọi Chủ tịch Fidel Castro bằng từ anh khi nào không biết nữa", ông Đàm nói vậy. Rồi ông Đàm hỏi Chủ tịch Fidel thích ăn món gì, Chủ tịch Fidel bảo ăn gì cũng được, nhưng ông Đàm không chịu, ông dứt khoát phải làm món ăn mà Chủ tịch Fidel thích. Sáng sớm, ông Đàm tranh thủ đi chợ mua thức ăn về làm món sốt vang đãi Chủ tịch Fidel. Fidel cười nói: "Đàm rất hiểu anh".

Sau đó, ông Nguyễn Thanh Đàm phiên dịch cho Chủ tịch Fidel Castro nói chuyện với bà con Đồng Hới. Trong câu chuyện tối hôm trước với ông Đàm, biết bà con vùng cát rất khó khăn trong khám chữa bệnh, đặc biệt là khi bị trúng bom đạn của kẻ thù, Chủ tịch Fidel đã giúp bà con Đồng Hới, Quảng Bình xây dựng một bệnh viện khang trang.

Đã 40 năm trôi qua, nhưng Bệnh viện Việt Nam - Cuba ở Đồng Hới, Quảng Bình được xem như ngọn lửa nhân văn cháy hết mình tấm lòng của vị chủ tịch nước bạn. Hằng năm, hàng ngàn người dân vùng cát được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện này...

Nói về chuyến thăm của Chủ tịch Fidel khi vào Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ: "Lần đầu tiên trong lịch sử, có một nguyên thủ quốc gia bầu bạn đến thăm Quảng Bình, đặc biệt còn thăm vùng mới giải phóng ở phía Nam sông Bến Hải. Chuyến thăm của đoàn là biểu hiện cao đẹp tình cảm anh em keo sơn gắn bó của nhân dân Cuba và Việt Nam. Chủ tịch Fidel dành nhiều tình cảm cho nhân dân Việt Nam Anh hùng. Với Quảng Bình, Chủ tịch Fidel rất khâm phục tinh thần sản xuất và chiến đấu giỏi của nhân dân Quảng Bình khi Chủ tịch Fidel đến thăm".

Hơn 40 năm cất giữ kỷ vật của Fidel Castro

Khi rời Khu giao tế Quảng Bình, ông Đàm cứ ôm lấy Chủ tịch Fidel mà khóc, mà nhớ như tiễn người anh trai đi công tác xa nhà. Chủ tịch Fidel bắt tay từng cán bộ, nhân viên khu giao tế, sau đó Chủ tịch Fidel quay lại nơi ông Đàm.

Đôi mắt Chủ tịch Fidel nhìn đăm chiêu ra chiều suy nghĩ, rồi Chủ tịch Fidel rút trong túi ra một hộp thuốc xì gà còn mới và tấm danh thiếp đưa cho ông Đàm. Ông Đàm cảm động nước mắt lưng tròng, Chủ tịch Fidel vỗ vai động viên ông Đàm, rồi nói "Cảm ơn đồng chí. Khi sang Cuba, cầm tấm thiệp này đi đâu đồng chí cũng được chào đón".

Ông Nguyễn Thanh Đàm kể về những ngày Chủ tịch Fidel đến Quảng Bình.

Đã 40 năm trôi qua, mỗi lần nhớ đến Chủ tịch Fidel, ông Đàm lại lấy hộp xì gà và tấm danh thiếp ra ngắm nghía. Tấm danh thiếp in trên giấy đặc biệt, có hoa văn chìm và con dấu nổi. Dòng trên ghi chữ in đứng CMDTE. FIDEL CASTRO RUZ và dòng dưới: Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, nét chữ in nghiêng bằng tiếng Tây Ban Nha.

Năm 2009, có một số nhà báo Cuba sang thăm Quảng Bình theo đoàn đại biểu Trung tâm báo chí và hợp tác truyền thông quốc tế, họ đã tìm đến nhà ông Đàm. Khi ông Đàm đưa hộp xì gà và tấm danh thiếp của Chủ tịch Fidel Castro tặng cho ông, các nhà báo đã rất háo hức, ai cũng quay phim, chụp nhiều ảnh với ông Đàm để làm kỷ niệm. Có nhà báo đã ôm lấy ông Đàm và nói: "Tại Cuba, rất ít người có được có tấm danh thiếp này"...

Rời nhà ông Đàm, tôi tìm về Khu giao tế Quảng Bình. Những căn nhà cấp 4 nằm ngay ngắn dưới những hàng cây rủ đầy bóng mát. Căn phòng Chủ tịch Fidel từng ở khi vào thăm tuyến lửa Quảng Bình vẫn còn đây. Căn phòng Chủ tịch Fidel từng nghỉ lại được bảo tồn nguyên vẹn từ nội thất đến đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Hình ảnh vị Chủ tịch gần gũi, thân thương như òa về trong chiều thu làm nước mắt người viết cay xè.

Đã 40 năm trôi qua kể từ khi Chủ tịch Fidel Castro sang Việt Nam và vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị (tháng 9/1973), nhưng những kỷ niệm, hình ảnh về vị Chủ tịch của nước bạn vẫn ăm ắp đầy trong trí nhớ những ai một lần được gặp

Dương Sông Lam
.
.
.