Chuyện các nhà báo ra Trường Sa

Chủ Nhật, 20/06/2010, 15:33
Tất cả chúng tôi tràn đầy hy vọng và tin tưởng ở điều vẫy gọi phía trước, phía Trường Sa thiêng liêng và rộng mở... Ngày mai, khi con tàu đi giữa đại dương xanh cũng là lúc tâm hồn người vỗ cánh!
>> Trăm ngàn thương nhớ gửi Trường Sa

Nhận được thông báo "ngày X, giờ Y" có mặt tại Nhà khách Bộ Tư lệnh hải quân số 1A Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM, tôi và Phong Điệp, phóng viên Báo Văn Nghệ Trẻ hẹn nhau: Dù nắng nóng đến mấy 3h chiều cũng phải "nhập trạm" để nắm tình hình trước khi lên đường.

Bữa ăn đầu tiên ở doanh trại quân đội thật hấp dẫn: một mâm sáu người, mỗi người có một đĩa thức ăn riêng, có rau muống luộc, su su xào thịt bò, thịt lợn luộc, một con cá rô kho tộ. Giữa mâm là âu cơm và âu canh to dùng chung. Tất cả đều tinh tươm, thơm ngon. Nhìn mâm cơm của bộ đội, vốn con nhà lính, tôi thầm nghĩ, thế này là chế độ trung táo rồi! Lúc này tất cả chúng tôi đang tràn đầy hy vọng và tin tưởng ở điều vẫy gọi phía trước, phía Trường Sa thiêng liêng và rộng mở... Ngày mai, khi con tàu đi giữa đại dương xanh cũng là lúc tâm hồn người vỗ cánh!

Chòng chành, sóng sánh giữa biển khơi

Cảng Cát Lái sớm hôm tàu xuất phát mang mầu sắc sinh động lạ lùng. Con tàu HQ 996 treo băng rôn "Nhiệt liệt chào mừng các đồng chí trong đoàn công tác ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa". Trên bờ, hàng thuỷ thủ bồng súng chào. Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hoà dẫn đầu đoàn công tác. Hai cô gái xinh tươi trong trang phục hải quân mang hoa tặng đoàn.

Chỉ nhìn các trang phục khác nhau: của sĩ quan, của lính, nhà sư,  ca sĩ, diễn viên múa, các ký giả..., đã đủ thấy tổng hoà những mầu sắc đan quyện giữa đạo với đời, giữa quân và dân. Mọi người nhìn nhau tươi cười thân thiện. Phòng nữ nhà báo (7 người), sau này chúng tôi đặt biệt hiệu là V7 - Trường Sa được ưu tiên ở khoang sâu nhất cho đỡ lắc. Tàu qua ngã ba Đồng Nai, tới Vũng Tàu và bắt đầu lướt giữa trùng khơi. Màu nước biển trong nắng xanh ngăn ngắt.

Một góc đảo Phan Vinh (Trường Sa).

Sóng cấp 3-4 hơi chòng chành nhưng mọi người vẫn còn chịu được. Tôi và Phong Điệp bảo nhau thử dùng ý chí chống say sóng, không uống thuốc, không buộc gừng vào tay như khi đi ôtô xem sao. Thế rồi tàu lắc mỗi lúc mạnh hơn. Một anh trong ban tổ chức lưỡng lự nói: "Hay là ta hoãn cuộc họp báo đầu giờ chiều lại vì mọi người bắt đầu say rồi!". Tôi nói cứng: "Đừng anh, hãy để bọn em thử sức. Anh cứ cho họp bình thường đi!".

Thế là tiếng loa vang lên mời các thành viên ban tổ chức và các nhà báo lên CLB hành khách họp. Chúng tôi bắt đầu quen dần với quân lệnh, có mặt đúng giờ, nghiêm túc. Nghe các thông tin được một lúc thì ôi, tàu ngày càng chòng chành hơn. Tôi thấy nổi gai ốc, mồ hôi lấm tấm, chỉ kịp gửi máy móc sổ sách cho Phong Điệp rồi chạy ra boong... Thế là xong! Từ đó tôi nằm bẹp một ngày một đêm.

Đoàn phóng viên vượt qua những con sóng thăm đảo Trường Sa.

Mỗi khi cần đi đâu cứ phải bò, tay vịn vào các điểm tựa. Tôi rút ra cách đi để đỡ say và mách bảo mọi người: "Chớ có đi thẳng hùng dũng mà hãy lom khom hay bò càng tốt!". Đêm đầu tiên sóng tới cấp 5-6. Cả phòng lần lượt say. Mọi người nhìn nhau với cái nhìn ảo giác.

Cả phòng hầu như bỏ ăn bữa sáng hôm đó. Phòng đối diện, các sư cô say còn dữ hơn. Các chiến sĩ trên tàu mang cháo tận giường, động viên mọi người hãy cố ăn để "lấy sức chiến đấu". Tôi ngóc đầu cố xúc thật nhanh nửa bát rồi nằm vội. Thế mà cháo ngấm có tác dụng. Mọi người tỉnh dần, bò ra boong hóng gió. Khỏe một chút là tôi với Phong Điệp và Phương Thuận (Báo Quê hương) rủ nhau lên buồng lái, vào phòng thông tin trò chuyện với anh em.

Có bao nhiêu hoa quả ngon các anh đều đem ra mời khách. Chúng tôi tâm tình rồi cùng hát, ngâm thơ với cánh lính trên tàu. Không ngờ những tiết mục ngẫu hứng ấy lại vào Mic và truyền tới từng khoang. Thế là tôi thành "nổi tiếng". Nhưng lạ nhất là hễ hát thì không say sóng nữa, còn cứ im lặng lại thấy chòng chành, sóng sánh...

Nghe tiếng trẻ thương yêu trên đảo xa

Sau hai ngày hai đêm chòng chành trên biển, tàu cập bến. Cái nắng gay gắt dường như dịu đi bởi sự thoáng đạt của gió biển và sự hưng phấn, hăm hở của những người lần đầu được đặt chân đến đảo Trường Sa lớn. Các chiến sĩ trong trang phục hải quân và trang phục lính trinh sát đứng thành hai hàng chào đón. Rồi những cô giáo, học sinh, những người dân trên đảo cũng hân hoan chào đoàn công tác từ đất liền.

Dường như ai cũng chững lại vài giây để cảm nhận rõ hơn cái cảm xúc ban đầu trên mảnh đất thiêng liêng và thân thương giữa trùng khơi sóng gió. Đây rồi cột mốc, kia là cây phong ba dũng mãnh và kề bên là những tán bàng quả vuông hoa tím cùng những cây "lá tra" xoè bóng mát.

Huyện đảo Trường Sa thật đẹp, một vẻ đẹp bình yên. Buổi sớm bình minh lên tỏa những tia nắng trong veo trên gương mặt những người lính trẻ đi canh gác. Nắng buông óng ả trên những mắt lưới của dân chài thu về mẻ cá đầu tiên. Những chú cún con tung tăng chạy theo người ra biển. Biển sớm đầy sinh lực, dòng sinh lực trỗi dậy đẩy những chiếc quạt năng lượng gió quay tít.

Tôi cũng thấy như được thăng hoa bởi những xúc cảm quá lớn. Cái mà tôi cảm nhận rõ nhất là, ngược lại với sự mong manh, nhỏ bé của con người giữa đại dương, nơi đây - đảo Trường Sa lớn có độ vững chãi và thực sự bình yên! Đàn gà bới mồi quanh quẩn bên anh lính nuôi quân. Vườn rau cải xanh non dưới giàn bầu chi chít quả.

Những cây đu đủ mới mắn quả làm sao, để buổi trưa các anh lại hái mời khách những miếng thơm chín vàng ngọt lịm. Lính đảo thật giỏi giang, khéo tăng gia, hiếu khách và vui tính. Đáng chú ý nhất là trẻ con ở đây, hầu như cháu nào cũng bầu bĩnh với nước da mịn hồng, gương mặt rất thông minh linh hoạt. Trường học của các cháu khá khang trang.

Cô giáo Bùi Thị Nhung, người rất tận tâm, yêu trẻ, nói: "Các em học giỏi, được điểm tốt thì mình cũng vui, hôm nào có em điểm kém thì mình buồn lắm. Mình chỉ muốn truyền hết kiến thức cho các em. Các em tiếp thu được là mình vui rồi...".

Trong lớp học, em thì ngồi làm toán, em đọc bài Tiếng Việt. Giọng đọc của em Nguyễn Thị Kim Hường, học sinh lớp 4 còn non nớt nhưng dễ thương làm sao! Em đang đọc bài văn mô tả về biển...

Những người dân trên đảo có cuộc sống khá ổn định. Chủ yếu họ đánh cá, trồng trọt, chăn nuôi và làm công nhân quốc phòng. Gia đình anh Nguyễn Đình Phượng chồng đi biển, vợ nấu ăn cho bộ đội, đã được nhận bằng khen của UBND thị trấn Trường Sa. Anh Đặng Thành Chương, chồng cô giáo Nhung khẳng định: "Cuộc sống hiện tại của tôi chính là mơ ước của tôi rồi!".

Trên con đường dân sinh, tôi ngắm các cháu thiếu nhi mải mê tập xe đạp. Nét hồn nhiên của các cháu làm vui lây sang người lớn. Có lẽ nhờ khí hậu biển trong lành hay chính nhờ tinh thần trong trẻo của con người sống nơi đây mà nhìn từ người lớn đến con trẻ đều hồng hào khoẻ khoắn.

Chị Trần Thị Hoa, người dân ở đây nhận xét về môi trường biển: "Biển ở đây sạch sẽ, khí hậu trong lành. Thỉnh thoảng tôi cũng theo chồng đi biển, cũng đánh được khá nhiều cá, lại chia bớt cho bộ đội...".

Đêm khuya, trên đảo Trường Sa, tiếng chuông chùa ngân vang. Ánh trăng mơn man trải rộng trên huyện đảo mà đã lâu lắm chúng tôi không có được một không gian nào đẹp hơn thế. Thực sự tôi cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp và giá trị của hai chữ "bình yên" -  Bình yên trên đảo Trường Sa.

Nhà báo Phạm Văn Miên, Phó Tổng Biên tập và nhà báo Phan Việt Anh, PV Báo CAND trong một lần ra Trường Sa.

Chính các anh thắp lửa cho chúng tôi

Từ Trường Sa lớn, con tàu hải quân đưa chúng tôi đi thăm đảo chìm Đá Tây và nhà giàn DK 1-2 Phúc Tần. Cả đời tôi sẽ không quên được hình ảnh các chiến sĩ đảo chìm lội nước ngập đến ngực để kéo xuồng của chúng tôi cập bến. Ở thăm anh em không được bao lâu thì đã phải quay về tàu, các anh lại lội nước kéo xuồng ra, đến đoạn xuồng tự đi được mới dừng lại vẫy tay tha thiết chào tạm biệt...

Trước khi cập nhà giàn, tàu dừng lại ở vùng biển từng chứng kiến sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ hải quân để làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Phút tưởng niệm khiến mọi người đều rưng rưng nước mắt, nhớ tới liệt sĩ Thượng uý Nguyễn Hữu Quảng, Phó chính trị nhà giàn DK 1/3 Phúc Tần, khi nhà bị đổ đã nhường chiếc phao và miếng lương khô cuối cùng cho người chiến sĩ yếu hơn và đã anh dũng hy sinh ngày 5/12/1990.

Đó là liệt sĩ Đại uý Vũ Quang Trung, Chỉ huy trưởng nhà giàn 2A DK 1/6 Phúc Nguyên, trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8-1999, đã bình tĩnh chỉ huy chiến sĩ rời trạm, xuống tàu về đất liền an toàn, còn mình và đồng chí đảng viên Nguyễn Văn An thì ở lại thu tài liệu, cuốn lá cờ Tổ quốc vào người và rời nhà giàn cuối cùng, nhưng ác thay, gió đã cuốn đi tính mạng của các anh.

Liệt sĩ Chuẩn uý Lê Đức Hồng đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với đất liền trước lúc hi sinh. Các đồng chí cán bộ: Thượng uý Phạm Quang Tạo, Đại uý Nguyễn Văn Tư, Trung uý Lê Tiến Cường, Thượng uý Ngô Sĩ Nga, chiến sĩ Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Đức Hanh v.v... đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh trực chốt kiên cường, dũng cảm cứu vớt đồng đội và đã anh dũng hy sinh. Sự hy sinh của các đồng chí đã động viên, nâng bước thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy và thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để lên nhà giàn DK 1-2 Phúc Tần, chúng tôi phải chia thành nhiều tốp xuống những chiếc xuồng nhỏ.

Đồng chí Nguyễn Hữu Thuận, chính trị viên nhà giàn nói: "Chúng tôi có đủ các thông tin qua báo, đài, tivi. Từ khi có chương trình phủ sóng biển Đông của Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi bắt sóng tốt lắm. Hôm nào Quốc hội họp thì chúng tôi mở đài suốt ngày...".

Nghe các anh nói mà thấy trách nhiệm trên vai của người trong đất liền lớn hơn. Ông Đặng Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài không giấu niềm xúc động: "Chúng tôi đến đây động viên các anh nhưng chính các anh động viên chúng tôi, thắp lửa cho chúng tôi...".

Chia tay ngậm ngùi mà ánh mắt người lính hải quân vẫn ngời sáng và những bàn tay siết thật rắn rỏi. Đúng, chính các anh đã thắp lửa cho chúng tôi...

Đêm giao lưu văn nghệ cuối cùng trên đảo kết thúc cũng là lúc chúng tôi phải "nhổ neo". Chia tay bịn rịn. Lên tàu, tất cả đứng trên boong để vẫy chào tạm biệt. Những bông hoa được tặng trong đêm giao lưu văn nghệ được giơ lên, vẫy chào các chiến sĩ.

Cả tàu cùng hô to: "Tôi yêu Trường Sa", cứ thế cho đến khi không còn nhìn thấy những bàn tay vẫy. Tôi nhớ lại câu nói của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa khi trả lời phỏng vấn: "Không phải cứ đến Trường Sa mới là yêu Trường Sa. Mỗi người biết vì Trường Sa mà làm tốt hơn phần việc của mình, sống đẹp hơn cũng là yêu Trường Sa rồi..."

Ngô Thị Thanh Thủy
.
.
.