Chuyện buồn về những “tỷ phú chân đất”

Thứ Hai, 30/05/2016, 09:50
Cơn sốt đất ở ngoại thành TP HCM đạt đến đỉnh điểm là vào những năm đầu của thế kỷ 21. Khi đó cù lao Long Phước (quận 9) có khoảng trên dưới 1.500 hộ dân sống bằng nghề nông thì có trên 70% bán đất ruộng, rất nhiều người trong số đó bỗng chốc trở thành tỷ phú. Vậy mà chẳng bao lâu sau, không ít “tỷ phú” dạng này rơi vào diện xóa đói giảm nghèo, không còn “cục đất chọi chim”, phải tha phương cầu thực…

 


Từ “một thời oanh liệt”

Chuyện xảy ra hơn 10 năm rồi nhưng mỗi khi nhắc đến ông Sáu Quy, người dân Long Phước đều kể vanh vách. Từ khi bán 30.000m² đất ruộng được gần 5 tỷ đồng, ông rất ghét ai gọi mình là sáu Quy mà phải làm Ba Quy hay “cậu Ba” cho giống… cậu Ba Huy công tử Bạc Liêu! 

Từ một nông dân chân lấm tay bùn, bỗng chốc có bạc tỷ, hàng xóm nhìn ông với cặp mắt khác hơn, họ “nể” ông thấy rõ. Ông lấy làm hãnh diện, ngắt ngay một cọc tiền ước chừng 20 triệu đồng (tương đương 4 cây vàng thời đó) rồi sai đám thanh niên ở xóm mua heo, bò, bia rượu đãi cả làng để bù lại những tháng ngày nhâm nhi rượu đế với cá nướng trui. 

Tại buổi tiệc hoành tráng đó, bạn bè chí cốt từ thuở hàn vi tụ tập rất đông, ai cũng khuyên ông cần có kế họach làm ăn để đảm bảo cuộc sống lâu dài nhưng ông bỏ hết ngoài tai. Buổi tiệc vừa tàn, ông bỏ nhiều tiền vào giỏ xách rồi kêu thanh niên trong xóm đưa mình ra chợ Thủ Đức, cách nhà non 15 cây số, tấp vào cửa hàng mua liền 2 chiếc Dream Thái mới tinh, 4 chiếc điện thoại Nokia xịn nhất lúc bấy giờ.

Một góc cù lao Long Phước.

Sáng hôm sau, như thường lệ, ông thức dậy rất sớm nhưng không phải ra đồng mà… tập chạy xe gắn máy. Chiếc Dream láng bóng đề nổ ngon lành, ông vô số và vọt ngay… xuống ruộng. Báo hại đám thanh niên trong xóm phải xúm lại để kéo ông lên. Đáp lại, ông dúi cho tụi nhỏ 100.000 đồng… mua kẹo. Ông qui ước luôn, cứ mỗi lần ông ngã, được kéo lên sẽ trả tụi nhỏ 50.000 đồng. 

“Tiếng dại” đồn xa, chẳng mấy chốc đám con nít mò cua bắt ốc bỏ việc, tụ tập tại nhà “cậu Ba” rất đông để chờ ông tập chạy. Do nào giờ chưa biết cầm tay lái nên “cậu Ba” tập suốt nửa tháng ròng mới có thể ngồi vững trên yên. Tính ra ông tốn khoảng 1 cây vàng cho cuộc tập này.

Kể từ ngày biết chạy xe, “cậu Ba” như một người khác hẳn. Áo quần tươm tất, chân đi dép da, điện thoại di động kè kè, còn tiền thì lúc nào cũng đầy túi. Cùng với một số “tỷ phú chân đất” khác ở cù lao, “cậu Ba” lao vào ăn chơi trác táng, có ngày uống bia, hát karaoke có em út phục vụ đến mấy lần. Tiếp viên nào mà cậu Ba “kết” thì số tiền “boa” có thể lên đến cả triệu đồng. 

Cách chơi ngông mà cậu Ba để đời chính là qui định: Đứa nào ở xóm gọi bằng “cậu Ba” thì sẽ được thưởng ngay 1 gói thuốc 555. Thế là đám thanh niên nghiện thuốc ngày ngày “canh me” cậu Ba ra khỏi nhà để khoanh tay, gật đầu chào một cách đầy kính trọng. Khi số lượng “chào” trong một ngày lên đến vài chục đứa thì “cậu Ba” thuê hẳn chiếc ôtô 45 chỗ để chở tụi nhỏ xuống Sài Gòn nhậu… cho biết “bia ôm” với người ta! 

Tội nghiệp “bà xã” cậu, từ ngày nhà có tiền, cái cảnh vợ chồng con cái quây quần bên mâm cơm “râu tôm nấu với ruột bầu” dường như chỉ còn là kỷ niệm. Không còn chịu đựng nổi cảnh chồng nhậu nhẹt suốt ngày, lăng nhăng với các cô gái trẻ, “mợ Ba” bỏ về bên ngoại ở. “Cậu Ba” không gì thế mà thức tỉnh, tiếp tục lún sâu vào con đường ăn chơi. Khoảng 2 năm sau, người ta thấy “cậu Ba” trở về với cái thời đi chân đất, hút thuốc rê, ngày ngày dầm mưa dãi nắng đi làm thuê kiếm sống…

Khi có trong tay gần 3 tỷ đồng từ tiền bán đất, vợ chồng ông V ở ấp Long Thuận, giã từ mảnh ruộng đã gắn bó bao đời nay. Nhằm “đầu tư” cho con cái “lên đời”, ông V tậu liền một lúc 4 chiếc xe Su Sports cho 4 cậu con trai, còn mình thì chiếc Spacy màu nho cáu cạnh. Thế là, chẳng mấy chốc, các quý tử da nám, tay sần sáng sáng ăn mặc theo mốt Hàn Quốc, cưỡi xe chạy thành hàng tiến về trung tâm quận 9. Tụ tập ăn sáng, uống cà phê xong, mỗi đứa mỗi nơi đi tìm “chân trời lạ”. 

Đây cũng là khoảng thời gian mà bà con trong ấp bị tra tấn bởi những tiếng nẹt pô nghe đinh tai nhức óc từ những chiếc Su Sport. Nhiều người bực mình thưa lại với ông V. Ông chẳng những không rầy la con mình mà còn chửi đổng: “Ở đời khổ thật, giàu có cũng bị người ta dòm ngó”. Thực ra, vì ông ăn chơi hơn cả các con mình nên không thể nào dạy dỗ chúng. 

Vợ ông cũng “noi” theo chồng con, ăn diện như một bà hoàng, suốt ngày giam mình nơi chiếu bạc. Tuy nhiên, tiền bạc chảy nhanh là kể từ khi đứa con thứ 3 của ông “dính” vào ma túy. Nhà hết tiền, hết tài sản, các con ông mạnh đứa nào đứa nấy bán xe rồi bỏ nhà đi biệt. Rồi đứa vào “nhà đá”, đứa đi cai nghiện, đứa còn lại bị tai nạn giao thông… Riêng ông V trở lại cuộc sống cơ hàn, ngày ngày đi mò cua, bắt ốc…

Đến cả đời làm thuê…

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó ban nhân nhân ấp Trường Khánh buồn rầu nhớ lại: “Khi cơn sốt đất lên cao, nông dân ở đây chả còn ai mặn mà trồng lúa, họ treo bảng bán đất khắp cánh đồng. Có người bán vài công, có người bán vài mẩu để cất cái nhà, còn lại thì tiêu xài, ăn chơi. Toàn ấp có 255 hộ nhưng chỉ có 3 hộ là không bán đất. Mấy “tỷ phú chân đất” giờ tan nát hết rồi, có người thuê lại chính mảnh đất của mình để làm ruộng, có người phải tha phương cầu thực”. Còn con cái của họ, đứa có chút chữ nghĩa đi làm công nhân cho các khu chế xuất, khu công nghiệp; không có học hành thì làm thuê lay lất qua ngày”.

Theo qui hoạch chung, Long Phước sẽ là khu nghỉ dưỡng cuối tuần. Tuy nhiên, cho đến nay hơn 10 dự án vẫn chưa có dự án nào nên hình, nên dạng. Bao giờ Long Phước thật sự trở thành một khu nghỉ dưỡng hoàn chỉnh vẫn chưa thể trả lời nhưng có một điều chắc chắn rằng, những người nông dân Long Phước khó thể làm giàu trên quê hương mình. Ngày trước họ nghèo nhưng có đất, bây giờ họ hoàn nghèo nhưng lại không còn cục đất chọi chim.

Phương Tuyền
.
.
.