Chúng tôi bảo vệ bác Lê Duẩn

Chủ Nhật, 04/04/2010, 17:18
Nhân kỷ niệm 103 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 - 7/4/2010), xin chuyển tới bạn đọc những hồi ức của một trong những người lính cận vệ của đồng chí Lê Duẩn.

Trong cuộc đời cách mạng phong phú và đặc sắc của mình, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã vượt qua muôn vàn hiểm nguy, thử thách. Bên cạnh sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân dành cho nhà cách mạng này, là sự bảo vệ của đồng chí, đồng đội và những người lính cảnh vệ qua các thời kì. Hầu hết những người từng được vinh dự bảo vệ, phục vụ đồng chí Lê Duẩn đều có ấn tượng sâu sắc về vị lãnh tụ của Đảng; họ luôn tự hào bởi một điều: Chúng tôi từng là cận vệ của bác Lê Duẩn...

Chân dung một sĩ quan cận vệ

Trong số những cận vệ của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thượng tá Nguyễn Huy Công (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) có vinh dự được bảo vệ, phục vụ "bác Ba" - theo cách gọi trân trọng và thân mật của anh em cảnh vệ với đồng chí Lê Duẩn - từ năm 1977 cho đến khi bác qua đời. Gần ba thập kỉ đã qua, người lính cận vệ năm xưa vẫn vẹn nguyên tình cảm với bác Ba và những người thân trong gia đình bác. Những ngày lễ, Tết, ngày giỗ bác Ba, anh đều có mặt như con cháu trong nhà, thắp nén hương thơm tưởng nhớ bác Ba...

Dáng người chắc chắn, nhanh nhẹn; đôi mắt sáng và nụ cười tươi cùng với tác phong cởi mở, Thượng tá Nguyễn Huy Công mở đầu câu chuyện bằng chất giọng xứ Nghệ trầm ấm: "Đời người lính cảnh vệ không ít gian truân, vất vả, song cũng thật vinh dự!".

Anh giở cuốn album ảnh của gia đình với những bức ảnh đã nhuốm màu thời gian. Thượng tá Công chỉ vào những bức ảnh đặc biệt: "Đây là bức ảnh chụp bác Ba đến dự đám cưới vợ chồng tôi. Với những anh em cảnh vệ, vốn thường xuyên được gần gũi và nhận sự quan tâm trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, điều này vẫn là một vinh dự đặc biệt. Nhất là, trong đám cưới tôi, có các cụ trong họ từ quê hương Nghệ An ra dự, thì việc "Bác Lê Duẩn đến dự đám cưới thằng Công nhà mình!" trở thành niềm vinh dự của cả làng, cả họ".

Thượng tá Công bồi hồi nhớ lại kỉ niệm xưa: "Vợ chồng tôi cưới nhau năm 1981. Đám được cưới tổ chức ngay tại hội trường cơ quan, bác Ba và bác gái cùng đến dự, chúc phúc cho chúng tôi. Trong số những món quà hai bác dành cho chúng tôi, có cuốn album ảnh này, mà đến nay gia đình tôi vẫn trân trọng nâng niu, giữ gìn".

Tôi lật giở cuốn album ảnh đầy dấu ấn lịch sử. Đây là ảnh hoạt động của Tổng Bí thư Lê Duẩn nhân dịp sang Liên Xô dự Olympic Matxcơva năm 1980; bác thăm các nhà máy, cơ sở khoa học kĩ thuật, bảo tàng của nước bạn. Trong các bức ảnh, bác Ba luôn nở nụ cười tươi trên khuôn mặt rạng ngời niềm lạc quan. Có cả những bức ảnh vợ chồng Thượng tá Công được chụp với bác Ba trong chuyến thăm Liên Xô lần đó, hoặc chụp tại nhà riêng của bác. Nhiều bức ảnh ghi lại cảnh bác đi thăm đồng chí, đồng bào, thăm nhà máy, nông trường ở khắp mọi miền đất nước...

Tôi nhìn quanh căn phòng khách ấm áp của gia đình Thượng tá Công, nằm trong một ngõ nhỏ phố Quán Thánh, Hà Nội; trên tường treo trang trọng những bức ảnh hoạt động của các đồng chí lãnh Đảng, Nhà nước mà Thượng tá Công vinh dự được tham gia bảo vệ, trong đó nổi bật là bức ảnh đen trắng Tổng Bí thư Lê Duẩn chụp riêng với người cận vệ của mình. Mỗi bức ảnh đều gợi lên tình cảm bâng khuâng, lưu luyến và xiết bao thân thương.

Niềm vinh dự đặc biệt

"Tôi trở thành cận vệ của bác Ba rất tình cờ - Thượng tá Công nhớ lại. Năm 1976, khi bác Ba đi thăm vùng than Quảng Ninh, có ghé thăm đảo Ngọc Vừng. Từ Hà Nội, đoàn tiền trạm cảnh vệ đi Quảng Ninh, với đầy đủ phương tiện, trang bị cần thiết thời đó. Chính chúng tôi lúc ấy cũng chỉ biết là đi Quảng Ninh làm nhiệm vụ đặc biệt, thế thôi. Tôi lái chiếc Uoazt đến một quân cảng, rồi chiếc xe được đưa lên tàu Hải Quân để chở ra đảo... Năm đó tôi còn rất trẻ, lần đầu tiên được trực tiếp phục vụ bác Ba trong một chuyến công tác, nên không tránh khỏi tâm trạng lo lắng...".

Chiếc máy bay trực thăng xuất hiện giữa biển trời mênh mông và đỗ xuống một bãi đất bằng phẳng trên đảo, bác Ba xuất hiện, giơ hai tay vẫy chào đồng chí, đồng bào. Sau đó, bác và một số đồng chí cùng đi bước lên chiếc xe Uoazt đã nổ máy sẵn sàng - người điều khiển chính là Nguyễn Huy Công.

Dọc đường từ nơi máy bay đậu đến trụ sở Ủy ban, rất đông cán bộ và nhân dân ra chào đón bác Ba. Khi nói chuyện với cán bộ và nhân dân tại trụ sở Ủy ban, bác Ba ân cần thăm hỏi tình hình sản xuất của địa phương, đời sống, công việc của bà con... - Thượng tá Công nhớ lại.

Bác Ba dành thời gian thăm các cơ sở sản xuất trên đảo Ngọc Vừng. Bác ghé thăm cơ sở nuôi trai lấy ngọc, thăm đơn vị bộ đội đóng quân trên đảo. Đảo Ngọc Vừng khá rộng, đường mấp mô nên tôi phải tập trung điều khiển chiếc xe sao cho chạy êm nhất, ít phải sử dụng phanh. Dọc đường, Bác hỏi tôi tên gì, quê quán và công việc bảo vệ. Tuy rất hồi hộp nhưng tôi đều trả lời trôi chảy, nhanh nhẹn; bác Ba tỏ ra hài lòng. Hôm ấy, bác Ba dùng bữa trưa cùng với anh em bộ đội trên đảo, dưới một nhà bạt dã chiến. Đó là bữa ăn vui vẻ, ấm cúng giữa biển đảo bao la đầy nắng gió và chan hòa tình cảm, mà chúng tôi không thể nào quên.

Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn chụp ảnh chung với bạn bè quốc tế và đội cận vệ trong chuyến thăm Liên Xô năm 1980 (Cận vệ Nguyễn Huy Công đứng hàng thứ tư, bên phải).

Sau chuyến công tác đó, Nguyễn Huy Công được tổ chức điều động làm bảo vệ tiếp  cận của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Anh có nghĩ rằng, sự điều chuyển này là có ý kiến của bác Ba? - Tôi hỏi Thượng tá Công. Trầm ngâm giây lát, Thượng tá Công trả lời: Tôi cũng không rõ nữa. Nhưng quá trình được bảo vệ và phục vụ bác Ba, tôi thấy mình được bác quý mến, tin cậy. Bác quý những người trung thực, tận tụy và biết rõ công việc của mình. Có lần, tôi sơ suất đưa xe đến chậm, các đồng chí lãnh đạo Cảnh vệ đề nghị bác Ba sử dụng xe khác; nhưng bác bảo: "Cứ chờ chú Công thêm một lát!". Sau này được anh em kể lại việc này, tôi rất ân hận nhưng cũng thấy thật vinh dự và coi lời bác vừa là lời phê bình, vừa là một phần thưởng lớn lao. 

Bác Ba dạy làm công tác bảo vệ

Càng được gần gũi bác Ba, Thượng tá Công càng hiểu: Đồng chí Tổng Bí thư là người rất có kinh nghiệm về công tác An ninh nói chung và công tác cảnh vệ nói riêng. Những kinh nghiệm đó được tích lũy từ thời kì bác còn hoạt động bí mật, phải thường xuyên lẩn tránh sự truy lùng của mật thám. Bác nhìn việc, nhìn người rất tinh tường. Trong mỗi chuyến công tác, khi có điều kiện, anh em cảnh vệ lại được bác Ba truyền đạt kinh nghiệm đối phó với địch, để bảo vệ an toàn bản thân và đồng chí, đồng bào.

Đầu những năm 1950, bác Ba từ Nam Bộ ra Bắc. Khi bác vào nghỉ tại gia đình một cơ sở bí mật ở Phan Thiết. Mọi việc diễn ra bình thường, nhưng buổi trưa hôm sau, có một cô gái nhìn rất lạ, chơi nhảy dây một mình ở khoảnh sân trước nhà... Bác Ba lệnh cho những người cùng đi lập tức bí mật rời khỏi Phan Thiết; thì ngay chiều hôm ấy, bọn mật thám ập vào khám xét, nhưng chúng không thu được kết quả nào.

Sau giải phóng miền Nam, có lần bác Ba đi thăm một gia đình trí thức ở bán đảo Thanh Đa - TP HCM; theo kế hoạch, lúc đi bằng đường bộ, lúc về sẽ đi đường thủy. Khi kết thúc chuyến thăm, mọi người lưu luyến tiễn bác Ba. Ra đến bến sông, bác Ba đứng lại nhìn chiếc ca - nô, nhìn người lái, rồi nhìn ra sông; sau đó bác yêu cầu đi về bằng ôtô. Tất nhiên, mọi người nghiêm túc thực hiện lời bác, nhưng ai cũng băn khoăn vì sao bác lại thay đổi kế hoạch. Sau này, bác nói với người cận vệ của mình: "Ca nô nhỏ, người thì đông, sông nước mênh mông như vậy mà đang lúc gió to... Nếu có chuyện gì thì làm sao các chú xử lí được?". Đây là một bài học rất thấm thía với anh em cảnh vệ. 

Một kỉ niệm sâu sắc không chỉ của riêng Thượng tá Công mà nhiều anh em cảnh vệ khác cũng vinh dự là "người trong cuộc". Năm 1982, tỉnh Nghệ An bị tàn phá nặng nề bởi cơn bão số 4. Bác Ba cho gọi những anh em cảnh vệ quê ở Nghệ An lên gặp. Sau khi ân cần thăm hỏi tình hình gia đình anh em cảnh vệ, bác bảo: "Chú Công lấy xe của tôi, đưa anh em về thăm nhà. Nhớ mua theo gạo, thực phẩm làm quà!".

"Điều này quá bất ngờ với chúng tôi - Thượng tá Công xúc động kể. Vì chiếc xe Uoazt của bác Ba là quà tặng riêng từ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Brêgiơnep; chỉ dùng vào những chuyến công tác xa của bác. Mấy anh em phấn chấn mua gạo, thịt làm quà; rồi nhằm hướng Nghệ An xuất phát"...

Trên chuyến xe đặc biệt đó, mấy anh em cảnh vệ háo hức như lần đầu xa quê được về thăm mẹ... Đối với họ, cũng như đồng chí, đồng bào ở khắp mọi miền đất nước, hình ảnh và những tình cảm với bác Lê Duẩn vẫn mãi thủy chung, son sắt.

Thượng tá Nguyễn Huy Công tuổi Bính Thân (1956), sinh ra và lớn lên tại Nam Đàn, Nghệ An, một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Học xong cấp III, anh xung phong đi bộ đội, nhưng được tuyển vào ngành Công an. Sau khi vào ngành, anh được đưa đi đào tạo tại Trường nghiệp vụ Cảnh sát (đóng tại tỉnh Hà Tây cũ); rồi vào lực lượng Cảnh vệ, học khóa K1-74...

Anh bảo, những bài học chính trị, quân sự võ thuật thu hút anh em lính trẻ, ai nấy đều tích cực học tập và dần dần ý thức được nhiệm vụ thiêng liêng của mình là sẽ bảo vệ các đồng chí lãnh đạo tối cao của đất nước. Trong 55 học viên của khóa, có 15 học viên được lựa chọn học chuyên sâu, nhằm đào tạo những cận vệ có bản lĩnh, phản xạ tốt và xử lí chính xác mọi tình huống có thể xảy ra.

Trần Duy Hiển
.
.
.