Chúng ta là “ching cồ”?

Chủ Nhật, 14/11/2010, 20:23
Kết quả thu được từ những hoạt động của đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại Hàn Quốc trong chương trình Xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, thật bất ngờ. Không chỉ là từ những con số vốn đầu tư cho nhiều dự án mà còn là sự hiểu biết, trân trọng và thông cảm như những người bạn. “Ching cồ”, tiếng Hàn Quốc có nghĩa là “bạn bè”. Đối với người Hàn, “ching cồ” có ý nghĩa rất thiêng liêng vì thế, khi người Hàn đã thốt lên “ching cồ”, thì đó là những tiếng nói từ đáy lòng.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa việc hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào các  dự án lớn của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Việt Nam), từ 8/11 đến 13/11/2010, Ban Đầu tư của Tập đoàn phối hợp với Kotra (Tổ chức Xúc tiến đầu tư thương mại Hàn Quốc) tổ chức các cuộc gặp gỡ, hội thảo về đầu tư của lãnh đạo Petro Việt Nam với các Tập đoàn công nghiệp lớn của Hàn quốc.

Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn POSCO trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng.

Hàn Quốc trong những ngày cuối thu đầu đông này, thời tiết thật là đẹp. Ban ngày nắng rực rỡ càng làm cho những rặng cây thêm vàng lá nhưng nhiệt độ cũng chỉ dưới 10 độ, còn ban đêm, cái lạnh tê tái đối khi có những bông tuyết bay đủ khiến cho người đi đường xuýt xoa…

Cả thủ đô Seoul như đang “sôi” bởi các hoạt động của Hội nghị G20 và mặc dù đang rất bận rộn cho Hội nghị này, nhưng nhiều lãnh đạo của Bộ Kinh tế Trí thức cùng lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp, thương mại phía các đối tác Hàn Quốc vẫn dành nhiều thời gian để gặp gỡ TS Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, Tổng Giám đốc một số Tổng Công ty thành viên và các chuyên viên.

Lịch làm việc của đoàn dày đặc  đến mức tưởng như “không thở được” và được sắp xếp chính xác đến từng phút. Riêng đồng chí Đinh La Thăng, ngoài việc gặp gỡ  lãnh đạo một số tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc - mà trong đó có nhiều đơn vị đang hợp tác đầu tư với ngành dầu khí- thì còn tham gia các hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hàn Quốc, khi Thủ tướng sang dự Hội nghị cấp cao G20.

Trong các hoạt động này, có một sự kiện rất quan trọng là Thủ tướng tham dự Hội nghị đối thoại với các nhà đầu tư Hàn Quốc và chứng kiến lễ ký của Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí với Tập đoàn Samsung, Tập đoàn C&T về hợp tác xây dựng đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn và hợp tác thiết kế thi công nhà, các công trình chuyên ngành, hợp tác trao đổi chuyên gia.

Cũng phải nói thêm rằng trong nhiều năm qua, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đứng đầu trong đầu tư làm ăn tại Việt Nam, với 2.600 doanh nghiệp tổng số vốn đầu tư lên tới 23 tỷ đô la. Trong rất nhiều dự án mà các công ty Hàn Quốc đang đầu tư Việt Nam thì ngành dầu khí là nơi được Hàn Quốc quan tâm nhất, và cũng đang có nhiều dự án lớn.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Hàn Quốc (KNOC) thành công trong Công ty Liên doanh điều hành chung Cửu Long khai thác dầu khí các lô 11-2 và lô15-1; Tập đoàn SK thành công với hợp đồng chia sản phẩm khai thác dầu khí các lô 15-1 và lô 15-1/05; Công ty SK Enginering & Contruction góp vôn vào liên doanh PVOS trong dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp kho tại các nhà máy lọc dầu; nhà thầu Hyundai thực hiện Hợp đồng EPC dự án các nhà máy sản xuất Polypropylene Dung Quất và nhà máy sơ xợi Đình Vũ; Nhà thầu EPC Samsung với dự án nhà máy đạm Phú Mỹ…

Các công trình, dự án của các Tập đoàn công nghiệp Hàn Quốc tham gia với ngành dầu khí luôn được Chính phủ và lãnh đạo Petro Việt Nam đánh giá cao bởi sự vận hành an toàn, có hiệu quả kinh tế lớn.

Các dự án này đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng thần tốc của ngành dầu khí Việt Nam. Trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của tập đoàn trung bình là 22%. Riêng năm 2009, doanh thu đạt trên 15 tỷ USD thì năm 2010 đã tăng lên 25 tỷ USD, chiếm gần 20% GDP của cả nước. Năm 2010,  dự kiến, Tập đoàn sẽ nộp ngân sách Nhà nước 6 tỷ USD, xuất khẩu đạt 9 tỷ USD

Hiện nay, Petro Việt Nam đang có nhiều dự án lớn như Khu Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), nhà máy lọc dầu và tổ hợp hóa dầu ở Long Sơn (Vũng Tàu); nhà máy đạm Cà Mau, đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn, đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2, các nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1, các dự án kho ngầm tại Dung Quất, Nghi Sơn, dự án đóng tàu ở Dung Quất, Nhơn Trạch, các dự án cảng dịch vụ dầu khí Phước An, Hòn La, Nghi Sơn… Chính vì thế mà sự đầu tư của các Tập đoàn công nghiệp lớn của nước ngoài - đặc biệt là của Hàn Quốc vào các dự án này là rất cần thiết.

Sở dĩ lãnh đạo Petro Việt Nam rất coi trọng sự hợp tác với Hàn Quốc bởi qua nhiều công trình liên doanh, phía Hàn Quốc đã chứng thực được những phẩm chất của một quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới và cách làm việc khẩn trương, chính xác, rất có trách nhiệm cộng với tính kỷ luật cao, ý chí vươn lên, khắc phục khó khăn và đặc biệt là tinh thần tự tôn dân tộc của đội ngũ chuyên gia Hàn Quốc.

Hợp tác với Hàn Quốc, chúng ta không chỉ tranh thủ được sự đầu tư về vốn, về khoa học công nghệ mà còn có thể học hỏi được ở họ nhiều điều. Câu hỏi đáng để chúng ta suy nghĩ nhất là : Tại sao một quốc gia đất chật, người đông, không được thiên nhiên ưu đãi, không có tài nguyên khoáng sản, vậy mà trở thành một nước công nghiệp, một đất nước bắt đầu đi lên nền kinh tế trí thức?

Trong những cuộc gặp gỡ với đồng chí Đinh La Thăng, nhiều vị Chủ tịch, Tổng Giám đốc các tập đoàn danh tiếng của Hàn Quốc bày tỏ sự  “thèm muốn” của mình về một đất nước có nhiều tiềm năng và được thiên nhiên ưu đãi như Việt Nam.

Đúng thế thật, Hàn Quốc chẳng có mỏ dầu, chẳng có mỏ than, ruộng đất thì ít, lại cằn cỗi, thứ nổi tiếng nhất của người Hàn Quốc từ xưa là củ sâm và… rau cải muối cay ( kim chi)… Ấy thế mà chỉ sau hơn 40 năm, từ một quốc gia nghèo thê thảm, họ đã trở thành giàu “nứt đố đổ vách”, và “biên giới” của Hàn Quốc đã mở rộng ra khắp thế giới. Ngay ở Việt Nam ta, bên cạnh những hàng công nghiệp, điện tử như ti vi, tủ lạnh, ô tô, các nhà máy lớn thì chăn ga, gối đệm Hàn Quốc đã đến cả những nơi thâm sơn cùng cốc...

Rồi văn hóa Hàn Quốc cũng đang thực hiện cuộc “xâm lăng” ngọt ngào vào nền văn hóa vốn đang “lệch chuẩn” của Việt Nam.

Không ngày nào lại không có kênh truyền hình chiếu phim Hàn; nam thanh, nữ tú đua nhau nhuộm tóc, bôi son theo mẫu các “sao” Hàn; rồi có người “đạo” cả kịch bản phim của Hàn, “đạo” cả nhạc Hàn, rồi lại có vùng quê lại đua nhau đặt tên con theo tên các minh tinh màn bạc Hàn… Đồ ăn thức uống mang phong cách ẩm thực Hàn Quốc cũng len lỏi đi cùng với đồ điện tử, thậm chí đến món kim chi, vốn cực kỳ xa lạ với khẩu vị người Việt thì nay cũng đã được không ít gia đình trang trọng đặt bên cạnh đĩa dưa hành trong ngày Tết.

Hôm đồng chí Đinh La Thăng và đoàn có một cuộc gặp gỡ với gần 300 doanh nghiệp Hàn Quốc thật đáng nhớ. Có lẽ lần đầu tiên trên đất Hàn Quốc lại có một đơn vị kinh tế Việt Nam được sự quan tâm đặc biệt của giới doanh nhân Hàn Quốc như Petro Việt Nam.

Sau khi nghe bài phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn, bài nói của đồng chí Đinh La Thăng về những quan điểm xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, rồi lời giới thiệu tổng quan về Petro Việt Nam và các Dự án kêu gọi đầu tư của Petro Việt Nam, rồi lời giới thiệu của ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn về một số dự án … thì nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đặt những câu hỏi hết sức cụ thể và thẳng thắn.

Phải công nhận rằng họ - các doanh nghiệp Hàn Quốc đã nghiên cứu các dự án của Petro Việt Nam khá kỹ. Họ hầu như không băn khoăn nhiều về chính sách đầu tư của chính phủ Việt Nam, mà điều họ lo ngại đó là cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu công nhân kỹ thuật có tay nghề, và tính kỷ luật trong lao động của công nhân ta còn yếu.

Đồng chí Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh cũng đã giải đáp hết những vấn đề mà doanh nghiệp Hàn Quốc cần tìm hiểu. Tất nhiên, với những việc cụ thể thì các doanh nghiệp trực tiếp làm việc với các tổ chuyên gia. Trong hai ngày liền, các chuyên gia của Ban Điện, rồi giám đốc các công ty đang có dự án xây dựng cảng, nhà máy đã phải tiếp rất nhiều các doanh nghiệp Hàn Quốc. Có hôm phải tiếp và làm việc với họ đến 21h tối.

THủ tướng NGuyễn Tấn Dũng và Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng chứng kiến lễ ký thoả thuận hợp tác giữa một thành viên PVN với phía Hàn Quốc.

Hôm chúng tôi đi cùng anh Vũ Đức Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí, một đơn vị lớn thứ hai của Tập đoàn với ngót 13.000 cán bộ công nhân và tổng doanh thu dự kiếm của năm nay là hơn 9000ty, đến thăm Tập đoàn Hansing vào lúc gần 20h tối, nhưng các phòng làm việc của Tập đoàn vẫn đầy ắp người đang chăm chú làm việc. Chúng tôi không giấu được sự ngạc nhiên và khi hỏi vị Tổng Giám đốc thì mới biết thêm một đức tính cực kỳ quý báu của người Hàn.

Giờ làm việc của Hàn Quốc là từ 9h sáng đến 6h tối, có nghỉ 1 tiếng. Nhưng hầu như tất cả công chức và nhân viên không có khái niệm “hết giờ là về”, mà họ luôn làm việc theo tinh thần “hết việc là về”. Người cấp dưới coi việc ra về trước người lãnh đạo là xấu hổ… Và họ làm thêm giờ rất nhiều, nhưng không bao giờ đòi hỏi tiền làm thêm. Tất nhiên là các ông chủ cũng không lạm dụng tinh thần này để bóc lột người lao động.

Một điều khiến chúng tôi thấy rất kính nể các các nhà báo Hàn Quốc đó là tác phong làm việc cực kỳ chuyên nghiệp và nghiêm túc của họ. Trong khuôn khổ các hoạt động của hội nghi thượng đỉnh G20, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petro Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn của các nhà báo Hàn Quốc. Phòng họp báo được Ban tổ chức sắp xếp cho khá rộng, nhưng không còn thừa một chỗ. Giờ họp báo là 15h chiều, nhưng trước đó nửa giờ, các nhà báo đã ngồi kín cùng với một “rừng” camera…

Đúng giờ, cuộc họp báo bắt đầu. Khá nhiều câu hỏi mà các nhà báo đặt ra cho phía lãnh đạo Petro Việt Nam, và có nhiều câu “ hơi sốc”. Nhưng nghe câu các câu hỏi, mới thấy phóng viên chuẩn bị rất kỹ. Thậm chí họ còn hiểu rõ là hổi cuối tháng 6, Petro Việt Nam đã có một  chương trình tiếp xúc đầu tư tại Nhật Bản với quy mô rất lớn và họ muốn biết sau lần tiếp xúc đó thì việc đầu tư của Nhật Bản vào Petro Việt Nam là như thế nào? Cuộc họp báo kéo dài đến hơn một giờ, đồng chí Đinh La Thăng và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Khánh đã thực sự làm thỏa mãn “trí tò mò” của báo giới Hàn Quốc.

Trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nơi nào lãnh đạo Petro Việt Nam và các thành viên trong đoàn cũng nhận được sự tiếp đón chân tình, trọng thị, thẳng thắn và ai cũng mong muốn là trở thành “ching cồ” với Việt Nam.

Làm đối tác với nhau thì không khó, nhưng trở thành bạn bè của nhau được thì khó gấp bội. Và quan trọng là khi đã thành bạn bè, thì phải học được cái hay, cái giỏi của bạn và làm cho bạn mình khá hơn

N.N.P. (Bài viết riêng cho CAND Online từ Seoul)
.
.
.