Thăm Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Nam Định:

"Chúng em muốn làm người tốt"

Thứ Hai, 15/11/2010, 10:20
Không có những người thầy đầu bạc, những bác sĩ tuổi cao thì chẳng hiểu, số phận của hàng trăm em khuyết tật tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Nam Định sẽ ra sao? Tôi đã hỏi nhiều em, rằng các em ước gì? Các em đều trả lời: "Chúng em muốn làm người tốt".

Hơn 15 năm trước, Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Nam Định được thành lập bởi những bác sĩ, thầy giáo già nhiều tâm huyết, đã chữa trị, dạy chữ, dạy nghề cho gần 4.000 trẻ khuyết tật, góp phần giúp trẻ khuyết tật xoá bỏ mặc cảm, tạo dựng cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng. Chính lòng bao dung, độ lượng, sự săn sóc nhiệt tình của các bác sĩ, các thầy cô giáo đã giúp cho cả ngàn em tìm thấy nụ cười trong cuộc sống.

Những người làm việc không công

Ông Trần Trọng Nghiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật TP Nam Định nói rằng, giai đoạn khó khăn nhất của trung tâm là những năm mới thành lập 1996 đến 1998. Là một trung tâm nhân đạo tự nguyện, từ chỗ tay không, phải hoạt động nhờ ở một khu lán đóng than tổ ong, giờ đã có hai cơ sở khang trang, trung tâm đã vượt qua vô vàn khó khăn để tổ chức chữa trị, dạy học cho gần 4.000 trẻ em ở Nam Định và một số tỉnh lân cận.

Dù tuổi đã cao, ông Đạo vẫn nhiệt tình đứng lớp.

"Ngày đó khó khăn thật khủng khiếp, các thầy và những bác sĩ, y tá về hưu cưu mang lớp học này phải mua từng bao thuốc lá, từng trái dưa hấu về bổ ra thành miếng bán ở đường phố, chắt chiu từng đồng để lấy tiền chữa bệnh cho các em nhỏ, trả tiền điện nước hằng tháng và nuôi lớp học. Giờ có 21 cán bộ, một nửa là người cao tuổi. Tất cả đều làm việc không công, những cán bộ trẻ thì chỉ được hưởng trợ cấp" - ông Nghiêm tâm sự.

Dầu vậy, với lòng yêu trẻ, nhiều giáo viên, bác sĩ đã tình nguyện đến chữa trị, dạy học, tập nói... cho các em. Nhiều thầy giáo cao tuổi, trong đó thầy Lê Vũ Đạo đã 83 tuổi nhưng vẫn cần mẫn dạy học, bám lớp bám trò để giúp các em có tri thức, làm người.

Về thầy Đạo, ông Nghiêm bày tỏ: "Phải có tình thương bao la thầy Đạo mới trụ được ở lớp này. Có lần các trò đánh nhau, thầy Đạo đến can, tụi nó đánh luôn cả thầy! Bình thường các em rất thương thầy nhưng khi đã lên cơn thì không còn biết gì nữa. Thầy không buồn trách, lại bảo đó là những con người đáng thương nhất cuộc đời này".

Thầy Vũ Ngọc Hà năm nay hơn 70 tuổi, gắn bó với trung tâm nhiều năm, cũng là một tấm gương yêu trẻ hết lòng. Không có giáo trình dạy cho các em, thầy cùng thầy Đạo phải tự biên soạn lấy, dạy các em nhận diện được chữ, sau nữa là biết tính toán, biết giao tiếp, có kiến thức và kỹ năng làm người.

"Tập nói đi nào, con trai".

Thầy Nguyễn Ngọc Hưng (vốn là cán bộ kỹ thuật Công ty May Nam Định) tình nguyện dạy may cho các em ngay tại nhà mình suốt mấy năm. Thầy đã dạy khoảng 300 em khuyết tật, được chuyển từ lớp học của thầy Đạo và thầy Hà lên, giúp cho nhiều em có công ăn việc làm tại các công ty may.

Nhiều em khác đã "qua tay" các thầy và thành đạt, trong đó có Trần Mạnh Tuấn, hiện là giám đốc Công ty Quảng cáo Sao Đỏ. Tuấn bị liệt hai chân, suốt ba năm ròng ngày nào thầy Đạo cũng cõng Tuấn lên lớp học trên tầng hai rồi lại cõng xuống. Tuấn học đến lớp 9 rồi đi làm và sau đó mở công ty riêng.

Bác sĩ Lê Thanh Tú, là người từ bỏ nhiều công việc có mức lương hấp dẫn, để vào trung tâm trị liệu cho các em câm điếc. Với sự nhiệt tình, tình thương và đặc biệt là phương pháp trị liệu, chị Tú đã giúp nhiều em nói được chỉ sau 1 tuần. Chị Tú chia sẻ: "Để làm được điều đó, tôi phải đóng vai từng đứa để chúng cảm thấy gần gũi, rồi mớm từng lời, rồi dùng thuốc điều trị. Nói chung, phải có phương pháp mới thành công".

Tìm nụ cười cho trẻ bằng cái tâm

Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn song mỗi năm trung tâm đã đón nhận 150 - 200 trẻ em khuyết tật, trong đó đa phần là trẻ bị liệt vận động do bại não, di chứng chất độc da cam - dioxin. Nhờ sự chăm sóc tận tình và kiên trì chữa trị bằng các phương pháp châm cứu, điều trị bằng Tây y, đến nay trên 40% trẻ khuyết tật đã phục hồi và có tiến triển tốt. Nhiều trẻ bị liệt, câm điếc được điều trị đã có thể bỏ xe lăn, nghe và nói được.

Hiện có 50 em theo học văn hoá từ lớp 1 - 5. Nhiều em đã làm được văn, toán phân số tương đương với trình độ phổ thông. Trước đó một số em đã được chuyển vào học tại các trường phổ thông, trường giáo dục thường xuyên của tỉnh. Việc dạy văn hoá cho các em, do thầy Đạo, thầy Hà đảm nhiệm rất có quy củ, rất hiệu quả.

Thầy Đạo bảo rằng: "Mục tiêu của tôi là dạy các em bằng tình thương, xây dựng cho các em ý chí vượt lên số phận. Tôi cũng dạy các em theo 5 điều Bác Hồ dạy, ở đây em nào cũng đọc được. Như thế để các em có ý thức yêu Tổ quốc, yêu đồng bào". Còn ông Trần Trọng Nghiêm lại có cách giúp trẻ em có niềm vui, niềm tự hào bằng cách tặng khăn quàng đỏ, ông bảo: "Tặng các con khăn quàng đỏ, để các con phấn chấn, các con cảm thấy mình không phải là những người bị bỏ rơi".

Với tấm lòng như cha mẹ hiền, các thầy giáo già đã giúp các em tự kỷ chịu giao tiếp, một nửa trong số 12 em hiện nay đã đọc và viết được những chữ đơn giản. Còn với trẻ em câm điếc, các thầy cô cũng có những biện pháp chuyên biệt, giúp các em biết đọc, biết nói, biết hát và quan trọng hơn là trả lại nụ cười tròn trịa, hồn nhiên cho các em. Ở trường hợp các em câm điếc, các thầy giáo phải làm từng bước, kết hợp chữa bằng thuốc, bằng "thuật", bằng tình cảm mà các thầy vẫn gọi vui là phương pháp "Trị liệu ngôn ngữ".

Đồng cam cộng khổ

Ông Trần Hải (73 tuổi), Giám đốc trung tâm nói với tôi rằng, những người thầy ở nơi đây đã tự phát động được lòng thương mến các em khuyết tật, như thương chính bản thân mình. Ngọn cờ tình thương ấy, trong tim những người thầy, bác sĩ già lúc nào cũng đỏ như dòng máu trong huyết quản.

Mơ ước của các thầy giáo, các bác sĩ là mở rộng trung tâm, để có điều kiện giúp đỡ nhiều hơn nữa, để tạo cho các cháu khu vui chơi thoải mái. Nhưng tiền mua thuốc điều trị vẫn thiếu, tiền ăn trưa không có, những người lãnh đạo trung tâm lại đem sự nhiệt tình của mình đi tìm những tấm lòng hảo tâm, những tổ chức để giúp đỡ các em. Với các em, các thầy, các bác sĩ lúc nào cũng nâng niu, chăm sóc tận tình.

Không có những người thầy đầu bạc, những bác sĩ tuổi cao thì chẳng hiểu, số phận của hàng trăm em khuyết tật sẽ ra sao? Tạm biệt những tấm lòng của những cán bộ trong trung tâm, tạm biệt các em nhỏ, xin chúc trung tâm ngày càng phát triển, được biết đến, được giúp đỡ nhiều hơn nữa. Tôi đã hỏi nhiều em, rằng các em ước gì? Các em đều trả lời: "Chúng em muốn làm người tốt". Vâng, xin chúc ước mơ của các em thành hiện thực

Diên Khánh
.
.
.