Chung cư bằng gỗ ở Hà Nội: Sống cùng hiểm hoạ

Thứ Tư, 22/06/2005, 09:01

Âm thanh trong những chung cư này là tiếng mọt ken két ngày đêm; tiếng nước mưa theo những kẽ dột trên mái nhà chảy tong tong xuống xô, chậu; tiếng chuột chạy to hơn tiếng người nói chuyện, tiếng cọt kẹt "già nua" của chiếc cầu thang gỗ mỗi khi có người đi lại… Hơn 2.000 người đang phải sống trong những khu nhà chung cư gỗ dột nát như thế…

Tuy đã biết trước nơi mình đến là những khu nhà xập xệ, nhưng khi đặt chân lên chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ tiêu điều, tàn tạ của những căn nhà bằng gỗ đã có "niên đại" 50 năm. Mỗi bước chân, dù đã hết sức nhẹ nhàng cũng không ngăn được sàn gỗ rung rinh, kẽo kẹt. Tôi phải căng hết mọi giác quan để tránh không giẫm phải những tấm ván mục nát sẵn sàng "bẫy" người rơi cùng nó xuống tầng 1. 17 lô nhà chung cư bằng gỗ đã quá hạn sử dụng cách đây 30 năm vẫn đang ngày ngày cùng chủ nhân của mình chống chọi lại sự phá hủy của thời gian.

Những gian nhà dưới mức "ổ chuột"

Trong đoàn quân về tiếp quản Thủ đô năm 1954, bác Phạm Văn Quyến được phân công công tác tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đầu năm 1956, khi những lô nhà bằng gỗ còn đang trong giai đoạn hoàn thành, bác Quyến và nhiều gia đình khác công tác ở Ngân hàng đã được phân một gian nhà tầng 1. Khi ấy, với những viên chức Nhà nước như bác Quyến, một gian nhà tập thể thơm mùi gỗ là niềm hãnh diện trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo khó.

Hàng chục năm nay người dân vẫn phải nấu ăn ngoài hành lang.

Bác Quyến đã sống trong căn nhà ấy sắp tròn 50 năm. Nửa thế kỷ chứng kiến biết bao cảnh chuyển đến, chuyển đi của những người cùng khu nhà, bác cũng là nhân chứng "mục sở thị" sự xuống cấp từ từ theo năm tháng của khu nhà 2 tầng bằng gỗ này. Cũng giống như 16 lô nhà khác, khu nhà bác Quyến cùng hàng chục hộ gia đình đang ở được xây dựng bằng gỗ. Toàn bộ khu nhà chỉ có 6 chiếc cột bê tông chịu lực chính, còn lại đều bằng gỗ, tre, nứa. Tường nhà cũng bằng nứa ghép trát vữa.

Thời gian sử dụng của các lô nhà này từ 18 - 20 năm, nhưng nó đã "gánh" thêm hơn 30 năm. Và bây giờ, đã đến lúc những lô nhà này không thể chịu đựng thêm bất cứ sự  "khai thác" nào, dù chỉ là một cú giẫm chân mạnh. Các cây cột, dầm, xà bằng gỗ đã mục ruỗng. Nhiều cây cột bị mọt "gặm" hết 2/3, người dân phải chằng, buộc giữ cho nó "đứng" vững. Sau mỗi trận mưa, các gia đình ở tầng 1 đều phải dùng gáo, thậm chí dùng xô múc nước từ trong nhà đổ ra ngoài. Sống ở tầng 1 nhưng nhiều hộ cũng phải chịu chung cảnh mưa dột như các hộ tầng 2 bởi nước mưa theo các kẽ gỗ chảy xuống.

Khu nhà bác Quyến đang ở là khu tập thể của Ngân hàng Nhà nước, hiện vẫn do Ngân hàng Nhà nước quản lý, vì vậy, vẫn được ưu đãi hơn các khu nhà khác. Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước vẫn đầu tư tiền tu sửa, chắp vá lại những chỗ hỏng hóc. Bước chân sang khu tập thể của Bộ Xây dựng mới thấy hết sự khổ sở của người dân. 50 năm qua, các hộ gia đình ở tầng 2 chưa biết đến khái niệm "bếp". Mục đích khi xây tầng 2 là để phân cho các cán bộ, nhân viên sống độc thân nên không có bếp nấu ăn, không có công trình phụ. Trải qua thời gian, dần dần các căn hộ trên tầng 2 trở thành hộ gia đình. Họ đành phải tự quây tạm các tấm cót ép, thậm chí căng các tấm nilon một góc trong nhà để làm bếp, còn tắm giặt, vệ sinh phải xuống nhà vệ sinh công cộng đầu khu tập thể.

Chúng tôi gặp cô Nguyễn Thị Sắn đang nấu cơm ngoài hành lang. Từ khi về sống với bà mẹ già, 10 năm nay cô phải kê bếp điện nấu nướng ngoài hành lang. Nhà vệ sinh thì dùng nhờ người hàng xóm bên cạnh cơi nới, lấn chiếm được một khoảng không gian chưa đầy 1m2 làm công trình phụ. Theo lời kể của cô Sắn, người hàng xóm nhà cô không dám cho con, cháu về ở cùng vì đứa cháu hiếu động hay chạy nhảy, liên tục bị tụt chân xuống sàn. Sàn gỗ ngăn cách tầng 2 với tầng 1 được làm hai lớp gỗ cách nhau 20cm, nhưng các hộ ở tầng 1 đã tháo hết lớp gỗ phía dưới xuống vì quá mục nát. Các miếng gỗ sàn tầng 2 cũng  bị mục ruỗng, thỉnh thoảng lại có người bị tụt chân xuống tầng 1.

"Chúng tôi vẫn không khổ bằng bà Mứt đâu, các cô cứ đến mà xem. Bao nhiêu năm nay bà ấy phải ngồi tắm trong tấm áo mưa đấy". Gian nhà của bà Trịnh Thị Mứt rộng chưa đầy 10m2. Bà ở tầng 2, không có chỗ để tắm giặt, nấu nướng. Chỉ cần dội một gáo nước thì  hộ sống dưới tầng 1 phải hứng đủ cả 1 gáo nước đó. Vì thế, bà Mứt đã có sáng kiến căng 4 góc của tấm nilon, đổ nước vào và ngồi tắm trong đó. Tắm xong, bà lại múc nước từ tấm nilon vào xô, khệ nệ xách xuống tầng 1 đổ. Bà Mứt năm nay đã gần 70 tuổi, không biết khi sức khỏe của bà không đủ để xách nước đổ đi, bà sẽ phải làm thế nào?

Băng qua phố Hàm Tử  Quan, chúng tôi tiếp tục đến khu tập thể của Bộ NN&PTNT. Trèo lên tầng 2, điều đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là một dãy hành lang có độ uốn khúc gần giống hình sin trong đồ thị toán học. Các tấm gỗ bị nắng, mưa làm cong vênh chỉ chực bật ra khỏi đinh.

Vào nhà anh Lê Văn Ánh, nhân viên Trung tâm Khí tượng thủy văn, chúng tôi được anh lật tấm nhựa trải nhà cho xem cảnh những con mọt đang cần mẫn làm công việc phá hoại các tấm sàn gỗ. Sàn nhà anh Ánh cũng nhấp nhô, lồi lõm. Chiếc bình nước đặt trên sàn nhà nghiêng lệch về một bên. Anh cho biết, hầu hết các hộ gia đình đang sinh sống trong 17 lô nhà chung cư hai tầng bằng gỗ này đều đã và đang công tác trong các Bộ, ngành như  Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ NN&PTNT, Bộ Thương mại... Các hộ dân và cả UBND phường Chương Dương đã nhiều lần kiến nghị để được sửa sang, di dời nhưng vẫn không có kết quả vì rất nhiều lý do!

Vướng ở Pháp lệnh Đê điều?

Việc phải sinh sống trong các lô nhà gỗ đã quá hạn sử dụng hàng chục năm đang gây nhiều bất tiện, thậm chí cả nguy hiểm cho hơn 2.000 người dân phường Chương Dương (Hoàn Kiếm). Các lô nhà đều bằng gỗ, ngoài việc mối mọt còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Năm 1994, hai khu nhà bằng gỗ đã bốc cháy, đẩy hàng chục hộ gia đình lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất". 15 khu nhà thỉnh thoảng lại xảy ra chập điện, tàn lửa nấu nướng bám vào xà gỗ. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Duy Hồng, Chủ tịch UBND phường Chương Dương, cho biết, thành phố không cấp phép cho xây dựng lại các lô nhà này vì vướng Pháp lệnh Đê điều. Nếu xây dựng lại sẽ cản trở dòng chảy thoát lũ  của sông Hồng. Nếu đúng việc xây dựng lại các lô nhà vi phạm Pháp lệnh Đê điều thì đã có hàng chục khu nhà chung cư cũng ở ngoài đê ngay tại phường Chương Dương, phường Phúc Tân, Phúc Xá vi phạm. Nhiều người dân đang sống trong các lô nhà gỗ này đã nói với chúng tôi: "Các hộ dân ở hai khu nhà bị cháy sướng thật. Sau khi nhà cháy, hai khu nhà 5 tầng đã được xây dựng thay thế, không như chúng tôi muốn góp tiền cùng Nhà nước xây nhà cũng không được".

Hiện tại, các khu nhà gỗ vẫn tiếp tục phải chịu đựng những mùa mưa bão. Chẳng nhẽ các cơ quan chức năng chờ sập nhà mới lo cho dân?

Ngọc Yến
.
.
.