Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm nhà văn thương binh Sơn Tùng

Thứ Năm, 27/07/2006, 08:06

Người cán bộ bảo vệ đã quay trở lại và chú Sáu Phong kia, như từ những năm tháng gian khó ấy tươi cười bước ra. Chú ấy vẫn không có chi quan dạng cả - nhà văn thoáng qua một ý nghĩ khi nhác thấy Sáu Phong Nguyễn Minh Triết cúi xuống tháo giày...

Tầm sáu giờ chiều, lối vào khu chung cư Ngõ Văn, tên gọi khác của khu tập thể Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội, có một người đàn ông cao to, khuôn ngực gồ lên những múi chắc khừ sau lần áo mỏng đang sải những bước không lanh không chậm lên căn hộ gác hai nơi cư ngụ từ mấy chục năm nay của gia đình nhà văn Sơn Tùng. Trên vuông chiếu gần bốn thước vuông, diện tích cố hữu dùng tiếp đủ các loại khách nhiều năm nay thân lẫn sơ vốn mến mộ chủ nhân vẫn thường bất chợt ghé qua như thế, nhà văn thương binh Sơn Tùng đang ngồi cùng mấy người khách.

Vị khách mới sau khi lễ phép chào đã ý tứ ghé bên mép chiếu tỏ ra không vội thong thả từ tốn đón lấy chén nước từ tay chủ nhân. Những người đến trước tưởng đây là một người quen của nhà văn vì sau một lúc ngồi từ tốn góp chuyện đã thân thiết dùng bàn tay to bè khẽ xoa xoa lên vai nhà văn, giọng thân mật cữ nắng nôi này chắc vết thương cũ hành bác nhiều lắm nhỉ? Bác dạo này có viết được nhiều không ạ?... Nhà văn Sơn Tùng cũng tưởng người mới tới như bao bạn đọc khác trong đó có rất nhiều người lần đầu tìm gặp. Và hầu hết ai cũng có động thái hỏi thăm thân mật ấy cả!

Khi chỉ còn hai người, người ấy từ tốn cho hay, anh là người bảo vệ của đồng chí Chủ tịch nước. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết muốn đến thăm nhà văn, Chủ tịch cho anh đến trước để thưa lại như thế với lại cũng biết thêm, chẳng may nhà văn bị mệt hoặc có bận gì chăng?

... Mái tóc cước bồng bềnh của nhà văn Sơn Tùng chừng như khẽ rung rung... Ông đang xúc động! ồ, anh Sáu Phong, đồng chí Nguyễn Minh Triết, đồng chí Phó văn phòng kiêm Đội trưởng Bảo vệ cơ quan Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam mà ông biết từ năm 1968.

Thời điểm đó Sơn Tùng có bút danh là Sơn Phong vừa mới chân ướt chân ráo từ miền Bắc đặt chân tới Trung ương Cục sau bảy tháng ròng rã cuốc bộ vượt Trường Sơn. Bốn phóng viên của Báo Tiền phong: Sơn Tùng, Tâm Tâm, Lưu Quang Huyền, Phạm Hậu cùng ba phóng viên của Báo Thiếu niên Tiền phong là Ái Nhi, Mạnh Chuẩn, Khải Hoàn được lệnh đột xuất lên đường đi B với nhiệm vụ đặc biệt: là lực lượng tăng cường phối hợp với lực lượng tại chỗ của R để ra tờ báo Thanh niên, tiếng nói của Đoàn TNNDCMMN. Sơn Tùng được cử phụ trách nhóm phóng viên đi chiến trường ấy.

Mãi sau này người ta mới biết, chính cái đêm để ngày mai lên đường, Sơn Tùng đột ngột nhận được tin người em ruột hy sinh ở chiến trường! Nhưng Sơn Tùng đã cắn răng ém nhẹm cái tin ấy, mà đi! Tại cơ quan Trung ương Cục, công việc để ra tờ Thanh niên được tiến hành khẩn trương.

Phó văn phòng Nguyễn Minh Triết với cái tên thân mật Sáu Phong, chàng trai trông trắng trẻo thư sinh ấy năm 1960 đang học khoa Toán đại học Sài Gòn rồi sau đó tham gia phong trào học sinh, sinh viên. Năm 1963, Sáu Phong rời Sài Gòn vô chiến khu công tác ở Khu Sài Gòn - Gia Định. Từng vào sống ra chết nhiều phen ở địa bàn tỉnh Mỹ Tho. Kém Sơn Tùng hơn mười tuổi, nhưng Sáu Phong đã nếm mùi bom đạn ác liệt của chiến trường trước Sơn Tùng năm năm trời... Nhưng Sơn Tùng vẫn được anh em tin tưởng bầu làm Bí thơ chi bộ cơ quan.

Ngó vóc dáng thơ sinh, nhưng Sáu Phong hăng hái vô việc và được việc. Công tác vật chất chuẩn bị cho việc ra một tờ báo hầu như  Sáu Phong phải gánh tất. Nào khâu giấy, mực in và nhiều thứ cụ bị đồ đạc khác... Khi ấy không có Tổng Biên tập Phó Tổng chi hết mà anh em phân công nhau mỗi người lo một việc vậy thôi.

Sơn Tùng cùng đám phóng viên lo bài vở tổ chức bài, trang báo. Họa sĩ Ái Nhi đột suất lên cơn sốt rét hay ông Tư Bô thợ mi ốm, nhiều khi Sơn Tùng và mấy anh em đảm nhận cả việc làm maket lẫn mi cho tờ báo. Còn phần việc khá nặng là in ấn, được giao tuốt cho Sáu Phong.

Ngày 20/12/1968, kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận DTGPMN Việt Nam, tờ Thanh Niên được phát hành tại khu căn cứ Đoàn TNNDCM miền Nam là một sự kiện đáng ghi nhớ. Đậm trong tâm trí của Sơn Tùng và anh em cơ quan là một Sáu Phong tháo vát thân gần mà sau này dõi theo những bước trưởng thành của người cán bộ Đoàn ấy, Sơn Tùng đã dùng cụm từ không quan dạng! Gọi như vậy vì không ít người, không ít cán bộ cái chất quan dạng xa dân nguy hiểm ấy dường như đã lấp ló xuất hiện từ khá sớm ngay từ cái thuở hàn vi kia.

Và cái buổi sáng 15/4/1971, trong âm thanh chát chúa của bầy trực thăng ào vô căn cứ, trong tiếng nổ đinh tai nhức óc của các cỡ đạn của những chùm M.79 từ máy bay phóng xuống, may mắn run rủi thế nào mà từ mãi xa, Sáu Phong lại tức thời biết được Sơn Tùng đang gục xuống vì chùm M.79, không quản nguy hiểm, Sáu Phong lao tới hầm của Sơn Tùng kịp thời cấp cứu cho người bí thơ chi bộ. Sau đó có Hải Sơn, một nhân viên cơ quan tới trợ giúp.--PageBreak--

Người ta nói vết thương của Sơn Tùng (14 mảnh đạn găm khắp người, nặng nhất chưa phải hai bàn tay mà sau này bị co rút, mà là 7 mảnh trên đầu trong đó 2 mảnh còn găm sát sạt cạnh não không thể nào gắp ra được, xếp hạng thương tật nặng nhất 1/4 vĩnh viễn) nếu không được cấp cứu kịp thời thì chết ngay sau đó không lâu! Chao ôi, cái ơn như là cứu mạng ấy cùng bao thứ nặng nợ khác với anh em đồng chí và với cả người vợ, cô thanh niên xung phong xinh xắn đã chi dùng tất tật những năm tháng đẹp nhất được nhất của đời mình để chăm bẵm cho người chồng ốm o đau yếu, Sơn Tùng như dùng làm hành trang làm vũ khí chống chọi với thương tật để sống và để viết?

Và bây giờ ở cương vị Chủ tịch nước, lu bu bao công việc, người cán bộ văn phòng tình nghĩa của những năm bom đạn ấy vẫn dành thời giờ đến thăm ông... Rân rân bên hai cánh tay ông trên da mặt ông, triệu chứng không phải báo trước của những lần vết thương tái phát mà là thứ cảm xúc lành. Cảm xúc ấy hệt hền hên như bữa cơm tối Thủ tướng Phạm Văn Đồng đãi hàn sĩ xứ Nghệ Sơn Tùng cái năm Tám mốt, lần Thủ tướng cho gọi ông lên để hỏi thêm về Búp sen xanh (cuốn sách có một thân phận khá đặc biệt. Đến thời điểm này đã hơn 20 lần tái bản với 60 vạn bản. Và có lẽ cũng khá hy hữu là lời đề tựa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mãi 25 năm sau mới được in trọn vẹn? Có lẽ xin hầu bạn đọc vào một dịp thích hợp) Một đĩa rau dền tía luộc đầy có ngọn. Một đĩa cá kho. Đĩa thịt rim mặn. Và một bát nước rau! Còn phần của Thủ tướng là củ khoai luộc chẻ tư cùng với ít cơm nếp.

Khi Sơn Tùng nói với con trai Thủ tướng cho xin cái thìa vì không cầm được đũa, Thủ tướng đã lặng đi sững sờ rồi đập mạnh tay vào trán: Tôi không ngờ tình trạng thương tật của đồng chí nặng đến vậy! Không cầm được đũa, không bưng nổi cái bát, phải kê bát cao lên mới xúc được cơm - rồi Thủ tướng quay sang nói với Phạm Sơn Dương, con trai mình - nhà văn chỉ có ba ngón tay mà vẫn bíu vào cuộc đời để làm việc bằng óc dẫu bộ óc ấy còn găm ba mảnh đạn!

Sau bữa cơm ấy ít lâu, khi đó Thủ tướng còn đương chức, mắt còn nhìn rõ cho gọi ông lên nói Chính phủ tặng nhà văn Sơn Tùng một căn hộ vì Thủ tướng được báo cáo thực trạng nhà cửa của nhà văn Sơn Tùng rất khó khăn (thì vẫn khó như hiện trạng bây giờ. Như sau 16 năm Thủ tướng đi xa). Ngang? Gàn? Tiết tháo? Hành xử theo quy chuẩn của những ông đồ xứ Nghệ? v.v... Có lẽ để bạn đọc xét nhưng nhà văn Sơn Tùng, không một chút đôi hồi nói ngay với bác Tô thế này: Nếu được Bác giải quyết nhà ở cho cháu thì không tránh khỏi cái tiếng cháu viết sách về Bác Hồ để rồi lần đến cửa Thủ tướng Phạm Văn Đồng xin nhà!

Chuyện nhà cửa lại một lần nữa khiến nhà văn xúc động.Thành đoàn Hà Nội và Quận đoàn Đống Đa tặng cho ông một căn nhà gọi là nhà tình nghĩa. Ông từ chối: Tôi sao đành lòng dùng những đồng tiền của các cháu, các em đóng góp. Vả lại tôi may đang còn vợ, con. May chưa phải cô đơn không nơi nương tựa... và nhường lại cho một gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn hơn ông!

... Người cán bộ bảo vệ ấy đã ra ngoài một lúc. Khu tập thể Ngõ Văn, như cách gọi vui của nhà văn Sơn Tùng, chiều muộn vẫn huyên náo nhưng là huyên náo trật tự theo cái cách cố hữu của một khu tập thể nhà chật người đông. Khói than tổ ong vẫn quện cùng mùi cá kho khô lót riềng và vô số thứ mùi xào nấu khác lẩn quất vào tận chiếu văn ba mét rưỡi vuông, cũng theo kiểu gọi vui khác để chỉ phòng khách của nhà văn Sơn Tùng.

Người cán bộ bảo vệ đã quay trở lại và chú Sáu Phong kia, như từ những năm tháng gian khó ấy tươi cười bước ra. Chú ấy vẫn không có chi quan dạng cả - nhà văn thoáng qua một ý nghĩ khi nhác thấy Sáu Phong Nguyễn Minh Triết cúi xuống tháo giày...

Tất thảy chủ khách đều xệp trên vuông chiếu ba mét rưỡi vuông ấy. Câu chuyện hàn huyên chừng như không hợp với quỹ thời gian eo hẹp bốn mươi lăm phút đồng hồ, đồng chí Chủ tịch nước hẹn một dịp khác lâu hơn. Bây giờ việc mới, anh có đưa cô ấy với các cháu ra Hà Nội không?

Sáu Phong Nguyễn Minh Triết tươi cười hướng về phía vợ nhà văn Sơn Tùng: Dạ em cũng chưa tính anh chị ạ, ở trỏng công việc của cô ấy đang thuận lợi... Nhà văn Sơn Tùng đỡ lấy hộp thuốc bổ não mà Sáu Phong Nguyễn Minh Triết tặng sau cái bắt tay lẫn ôm xiết thật chặt...

Tấm lịch trên tường rờ rỡ con số mồng mười tháng bảy...

Ngõ Văn 7/2006
.
.
.