Chuyện ở An Phú, An Giang:

Chốt bình yên ở đầu nguồn sông Hậu

Thứ Tư, 24/09/2008, 09:34
Những dãy nhà cấp bốn lợp tôn lá đã xỉn đen dáng trầm mặc, cũ kỹ, khiêm tốn nép dưới rặng dừa, nơi có dải đất nhô ra của ngã ba mênh mông sông nước. Đó chính là nơi ở và làm việc của mấy chục con người mà phòng ở của cán bộ và chiến sĩ không khác nhau là mấy. Họ đã gắn bó với nhau dưới mái nhà này nhiều năm trời, trong đó có người coi đơn vị như gia đình thứ hai của họ.

Bình dị đời lính

Chúng tôi đến Đồn 933 khi trời đã tắt nắng. Cảnh vật dần dần hiện ra trước mắt thân thiết đến ngạc nhiên. Mọi thứ đều giản dị, khiêm nhường như chính mảnh đất và con người nơi đây. Tuy vậy, sự khiêm nhường đó vẫn không thiếu tính quy củ, ngăn nắp, thể hiện sức mạnh và kỷ luật của một đơn vị chiến đấu.

Vẻ ngoài bình lặng là thế nhưng chúng tôi thừa biết rằng, mỗi cán bộ, chiến sĩ của Đồn đang phải hằng ngày, hằng giờ đối mặt với biết bao hiểm nguy, gian khổ để bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh, trật tự ở địa bàn biên giới được coi là trọng điểm và phức tạp nhất của tỉnh An Giang.

Những dãy nhà cấp bốn lợp tôn lá đã xỉn đen dáng trầm mặc, cũ kỹ, khiêm tốn nép dưới rặng dừa, nơi có dải đất nhô ra của ngã ba mênh mông sông nước. Đó chính là nơi ở và làm việc của mấy chục con người mà phòng ở của cán bộ và chiến sĩ không khác nhau là mấy.

Họ đã gắn bó với nhau dưới mái nhà này nhiều năm trời, trong đó có người coi đơn vị như gia đình thứ hai của họ. Trong mái nhà đó, có đầy đủ giọng Bắc - Trung - Nam tụ họp như vị trí chính mảnh đất họ đang sống và chiến đấu, nơi tụ họp của ngã ba sông Hậu, sông Bình Di của Việt Nam và sông Bát Sắc của Campuchia.

Qua cổng sắt, đồng chí trực ban dẫn chúng tôi vào phòng làm việc của một đồng chí chỉ huy Đồn đang đi vắng. Sau này, tôi mới biết đó là phòng ở và làm việc của Đại uý Nguyễn Hồng Khiêm, Phó Đồn trưởng phụ trách trinh sát, người chỉ huy trẻ tuổi nhất của Đồn. Tưởng rằng anh Khiêm mới nhận công tác ở Đồn nên chưa kịp trang bị, hoá ra phòng ở và làm việc của các đồng chí chỉ huy khác cũng chẳng khá gì hơn.

Bữa cơm tối với những câu chuyện thân tình dường như đã xua đi cái mệt nhọc sau một ngày đi đường vất vả của chúng tôi. Bàn ăn được kê ngay dưới gốc xoài sum suê trong khuôn viên đơn vị. Càng tiếp xúc, tôi càng ấn tượng với lối nói chuyện hóm hỉnh nhưng sâu sắc của Thiếu tá, Đồn trưởng Trần Duy Thụ.

Với giọng gốc Nam Định nhẹ nhàng trầm ấm, pha lẫn âm hưởng Nam Bộ của người đã từng gắn bó với miền đất này gần 20 năm nay, vừa tiếp khách, anh Thụ vừa chậm rãi trò chuyện mặc dù là ngày nghỉ nhưng các anh vừa kết thúc một ngày làm việc tất bật.

Chuyện thường ngày ở… Đồn

Theo chúng tôi biết, do địa hình phức tạp, phía đối diện bên kia biên giới là những tụ điểm ăn chơi, buôn bán; Long Bình là cửa khẩu quốc gia, lại là nơi gần nhất để đi thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia; vì vậy trong những năm gần đây, nhất là vào mùa nước nổi, các loại đối tượng xuất nhập cảnh trái phép tăng mạnh và chúng thường coi đây là cửa ngõ thuận lợi để đi lại, thực hiện các hành vi phạm pháp. Trong đó, nhiều đối tượng thuộc loại tội phạm hình sự chuyên nghiệp, manh động, liều lĩnh.

Thời gian qua, Đồn cũng đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, người Khmer Nam Bộ bị kẻ xấu kích động, lôi kéo chạy sang Campuchia để đi nước thứ ba hoặc tham gia các tổ chức phản động đang trú ngụ ở vùng ngoại biên hoặc các đối tượng của các tổ chức đó xâm nhập bất hợp pháp để hoạt động chống phá Việt Nam.

Sáu tháng đầu năm 2008, Đồn đã bắt, xử lý 21 vụ, 52 đối tượng; trong đó 4 vụ đã khởi tố vụ án theo thẩm quyền, bao gồm 2 vụ vận chuyển trái phép chất ma tuý, 2 vụ tổ chức đưa người trái phép qua biên giới.

Ngoài ra, địa bàn mà Đồn phụ trách còn là nơi trung chuyển của tội phạm ma tuý từ Campuchia vào Việt Nam; tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em cũng diễn ra phức tạp với những thủ đoạn hết sức tinh vi.

Bên cạnh đó, vào những thời điểm giá cả một số mặt hàng ở Việt Nam và Campuchia có sự chênh lệch thì Long Bình lại trở thành một trong những điểm nóng về buôn lậu. Dấu ấn của những ngày vất vả để ngăn chặn nạn xăng dầu chảy ra; đường cát, gạo... Thái Lan tràn vào còn in trên gương mặt các anh... Người ta cứ nghĩ lính Biên phòng cửa khẩu thì sung sướng và giàu có nhưng đối với Đồn 933, tôi đồ rằng điều đó có lẽ vẫn còn là cách nghĩ xa lạ.

Bữa cơm tối bị gián đoạn liên tục vì điện thoại và những công việc cấp bách mà các anh trong Ban chỉ huy Đồn phải giải quyết nhưng vẫn không kém phần vui vẻ và sôi nổi.

Tôi và Long, bạn cùng đi được ưu tiên nghỉ ngay tại phòng ở của Phó Đồn trưởng Nguyễn Hồng Khiêm. Nhìn những chiếc ảnh Bác được để trang trọng, ngay ngắn ở bàn làm việc và treo ngay trên đầu giường ngủ, tôi tin đây không phải là việc làm phô trương hình thức của cá nhân anh khi mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Tôi cũng tin rằng, chiếc radio để trên đầu giường cá nhân trong căn phòng giản dị của anh có lẽ là người bạn thân thiết trong những đêm khuya, như bao người lính Biên phòng khác, khi anh phải thường xuyên xa người vợ trẻ và đứa con thơ yêu dấu để làm nhiệm vụ, mặc dù nhà riêng chỉ cách đơn vị hơn 50km.

Thì ra, nơi đầu sóng ngọn gió, các cán bộ chiến sĩ Biên phòng không chỉ phải đương đầu với muôn vàn hiểm nguy, gian khổ mà họ còn phải chịu bao thiệt thòi của cuộc sống đời thường khi địa bàn của họ phần lớn là các vùng biên giới xa xôi, rừng sâu, núi thẳm, thiếu thốn cả tinh thần lẫn vật chất.

Lại một câu chuyện trong buổi sáng mà chúng tôi được chứng kiến thật bất ngờ và cảm động, đó là tất cả cán bộ, chiến sĩ ở khu vực gần cổng phía trước của Đồn, kể cả Ban chỉ huy Đồn mặc dù dậy rất sớm nhưng vẫn phải lùi thời gian làm vệ sinh cá nhân của mình lại để nhường khu nhà vệ sinh đó cho 8 người phụ nữ bị tạm giữ tắm giặt và làm vệ sinh cá nhân trước.

Phó Đồn trưởng Nguyễn Hồng Khiêm tủm tỉm cười. Anh giải thích: "Những người này tuy có vi phạm pháp luật nhưng vẫn chưa thể kết luận được có phạm tội hay không. Toàn là dân mình cả, họ lại là phụ nữ, trong đó có người là nạn nhân, dù sao cũng đáng thương và cần được giúp đỡ. Chúng tôi đã quen với những việc như vậy rồi…".

Tôi chợt nghĩ, thành tích của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 933 có thể được ghi nhận bằng những cờ, bằng khen hoặc danh hiệu khác mà cấp trên trao cho, nhưng phần thưởng vô giá mà các anh có được, đó chính là hình ảnh của các anh trong mắt người dân, thế trận mà các anh tạo dựng được trong lòng người dân. Đây mới là nền tảng cho bức tường thành của Tổ quốc được xây dựng và bảo vệ ngày càng vững chắc

Tuệ Anh
.
.
.