Chống tội phạm có tổ chức ở Việt Nam thời mở cửa

Thứ Bảy, 18/06/2005, 07:31

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây tình hình tội phạm có tổ chức đã phát triển và diễn biến phức tạp. 15 năm qua, nước ta đã phát hiện và triệt phá được 15.136 băng, ổ, nhóm tội phạm hình sự. Đặc biệt, các băng tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen" đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố.

Điển hình là các băng tội phạm: Phúc "bồ", Khánh "trắng" ở Hà Nội; băng Hùng "bo" (tức Mai Văn Thơm), Tài "lừa" (Phạm Văn Sơn), Sáu "râu" Tư Kiệt, Trương Văn Cam ở Tp.HCM; băng Dung "Hà", Cu Nên ở Hải Phòng; băng Sơn Điều, Hà Khôi, ở Nam Định; Minh Samasa ở Vũng Tàu; băng Phạm Chí Tin ở Khánh Hòa... Các băng tội phạm này đã phát triển ở mức cao hơn so với loại tội phạm có tổ chức đơn giản mang tính truyền thống nặng về sử dụng bạo lực.

Kết quả nghiên cứu về tội phạm có tổ chức trong toàn quốc cho thấy tình hình tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức ở nước ta chủ yếu vẫn ở hình thức tổ chức đơn giản loại băng, ổ, nhóm. Tuy vậy, trong 5-7 năm gần đây hoạt động của chúng bắt đầu đi vào chiều sâu, tạo vỏ bọc hợp pháp, gây án một cách kín đáo với nhiều hình thức che đậy rất khôn khéo, có hình thức tổ chức cao hơn so với tội phạm có tổ chức mang tính truyền thống.

Một điều đáng lưu ý là hầu hết các băng nhóm tội phạm có tổ chức cao và số lượng trên dưới 20 tên đều núp dưới danh nghĩa các tổ chức doanh nghiệp, đội bốc xếp, kinh doanh khách sạn, nhà hàng... để hoạt động phạm tội.

Thực tiễn cho thấy tội phạm có tổ chức ở nước ta hiện nay đã hình thành 2 loại cơ bản là:

Qua phân tích 224 băng tội phạm với tổng số 1.596 đối tượng mà lực lượng Công an đã triệt phá ở 30 tỉnh, thành phố cho thấy: Các tổ chức tội phạm đã gây ra 2.916 vụ án các loại, trong đó có 56 vụ hiếp dâm, 485 vụ cướp, 567 vụ cưỡng đoạt tài sản, 298 vụ cố ý gây thương tích, 551 vụ trộm, 360 vụ gây rối trật tự công cộng, 50 vụ bắt cóc tống tiền và 524 vụ án khác như mua bán phụ nữ, tổ chức mại dâm, lừa đảo, tổ chức đánh bạc... 65% thành viên của các tổ chức tội phạm đã có tiền án tiền sự, hầu hết trong số họ có tuổi đời từ 18 đến 35 (chiếm 70%), số không có nghề nghiệp chiếm 70%.

Loại thứ nhất: Tội phạm có tổ chức có cơ cấu tổ chức đơn giản (gọi tắt là tội phạm có tổ chức đơn giản): Đây là những nhóm tội phạm có mối quan hệ với nhau nhất thời, có tổ chức thiếu chặt chẽ với số lượng thành viên không nhiều. Sự hình thành các nhóm tội phạm thường như sau: Lúc đầu chúng hoạt động đơn lẻ hoặc chỉ 2-3 tên, phạm tội có tính bột phát ít gây hậu quả nghiêm trọng. Sau đó chúng móc nối với nhau câu kết thành nhóm với sự cầm đầu của một tên có tai tiếng trong giới giang hồ. Tuy vậy, tội phạm có tổ chức đơn giản không có sự phân chia thứ bậc một cách rõ ràng. Chủ yếu chúng sử dụng bạo lực để phạm tội một cách manh động, nhanh chóng, rồi giải tán ngay khi giải quyết xong một “phi vụ”. Chúng thường gây ra các loại án như giết người, cướp của, trộm cắp, lừa đảo...

Tội phạm có tổ chức đơn giản không có tài chính riêng, không có “điều lệ” hoạt động một cách chính thức mà chủ yếu quan hệ với nhau theo quy ước đơn giản. Mục đích chính của chúng là chiếm đoạt tài sản và khi chiếm đoạt được tài sản chúng thường chia nhau ngay theo công lao của mỗi thành viên hoặc sử dụng ngay cho những việc nhất thời: ăn chơi, cờ bạc, chích hút ma túy, chơi số đề, cá cược... Loại tội phạm này hoạt động trắng trợn, lỏng lẻo, nhất thời, nên dễ bị tan rã khi một tên trong nhóm bị bắt hoặc bị truy  đuổi. Những tên trốn thoát thường chuyển sang địa bàn khác lẩn trốn để rồi nếu có cơ hội và điều kiện có thể tiếp tục nhen nhóm thành nhóm tội phạm khác.

Thành phần phạm tội thường là những tên có nhiều tiền án tiền sự (trên 65%), tính tình thô bạo, tàn ác, côn đồ, trình độ văn hóa thấp, không có công ăn việc làm, hoặc làm lao động đơn giản, mức thu nhập thấp. Thành phần xuất thân thường là trong gia đình (cha, mẹ, anh, chị em) là những người đã có tiền án tiền sự. Một số khác do điều kiện hoàn cảnh khó khăn vì miếng cơm manh áo phải làm thuê cho bọn chỉ huy rồi bị khống chế, ép buộc từng bước đã trở thành những kẻ phạm tội.

Tuy có cơ cấu tổ chức đơn giản nhưng bọn này lại thường gây ra các vụ án cực kỳ nghiêm trọng, như: băng cướp Bạch Văn Chanh cùng nhiều người khác đã gây ra 30 vụ cướp, 3 vụ giết người. Băng Hoàng Văn Chung ở Lạng Sơn gây ra 40 vụ cướp ở địa bàn Lạng Sơn vào năm 1992. Băng cướp Đỗ Thái Bình gồm 9 tên, đã gây ra 64 vụ cướp trên quốc lộ 1A (khu vực tỉnh Quảng Nam, Tp. Đà Nẵng). Một số băng chuyên đâm thuê, chém mướn như băng Trần Mạnh Hùng ở Tp.HCM gồm 10 tên đã gây ra 5 vụ giết người, điển hình là vụ giết ông Yeen Genyou quốc tịch Mỹ để nhận 10 triệu đồng.

Loại thứ hai: Tội phạm có tổ chức ở mức cao hoạt động theo kiểu “xã hội đen” (gọi tắt là tội phạm có tổ chức cao). Loại này đã tồn tại ở nước ta ở một số tỉnh phía Nam từ những năm trước giải phóng trong cơ chế thị trường có thành phần kinh tế tư bản tư nhân. Sau giải phóng, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, với nền kinh tế tập trung, loại này bị ta tập trung xóa bỏ và không có điều kiện tồn tại. Tội phạm có tổ chức cao bắt đầu được xuất hiện trở lại ở nước ta cách đây 5 - 7 năm, khi nền kinh tế thị trường đã bắt đầu đi vào hoạt động tương đối ổn định, nền kinh tế của đất nước đang trên đà phát triển, các loại hình kinh doanh, dịch vụ, du lịch tư nhân được bung ra. Loại tội phạm này thường hiện diện ở ở các thành phố và các tỉnh lớn có nền công nghiệp, dịch vụ và du lịch phát triển, những địa bàn có khai thác khoáng sản quý (vàng, đá quý) mà những người lao động tự do ở khắp nơi kéo đến đông để khai thác hoặc làm thuê. Đây là những tổ chức tội phạm bí mật, khép kín với cơ cấu tổ chức rõ ràng, bền vững có mục tiêu hoạt động lâu dài.

Với sự giao lưu quốc tế mở cửa, do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa, tội phạm, các băng, nhóm tội phạm có tổ chức là người Việt Nam ở nước ngoài đã, đang và sẽ câu kết với các tổ chức tội phạm của người nước ngoài và trong nước để móc nối, thiết lập, xây dựng các đường dây buôn lậu ma tuý, lừa đảo, bắt cóc trẻ em, phụ nữ để bán ra nước ngoài...

Về cơ cấu tổ chức của tội phạm có tổ chức: Đó là các băng, nhóm tội phạm có cơ cấu tổ chức rõ ràng, chặt chẽ, bền vững với hai hoặc ba cấp:

+ Cấp cầm đầu (thủ lĩnh): có thể là 1 hoặc 2, 3 tên, nhưng thường là có một tên đứng đầu chúng gọi là boss, thủ lĩnh, đại ca, băng trưởng... Được chọn làm “thủ lĩnh” của tổ chức tội phạm ở mức cao, thường là những tên có đầu óc tổ chức, có hiểu biết khá rộng (về luật pháp, về xã hội...) và mối quan hệ rộng rãi trong xã hội, có quá khứ “oanh liệt” trong giới giang hồ hoặc các "thế giới ngầm". Cấp cầm đầu quyết định mọi hoạt động  của tổ chức tội phạm này. Những tên này thường ít trực tiếp tham gia vào việc gây án, mà điều hành qua số chỉ huy. Sự “chỉ đạo” gián tiếp này ngày càng làm cho tên cầm đầu ít có nguy cơ bị sa lưới pháp luật.

+ Cấp chỉ huy: Mỗi tổ chức tội phạm cao có nhiều nhóm. Mỗi nhóm có 1 hoặc 2 tên chỉ huy do thủ lĩnh trực tiếp chỉ định. Những tên này trực tiếp điều hành các hoạt động cụ thể của các tổ, nhóm theo lệnh của “thủ lĩnh” và phải có trách nhiệm báo cáo cho thủ lĩnh về mọi hoạt động của thành viên trong nhóm, thu tiền kiếm được của các thành viên trong nhóm để nộp cho chỉ huy. Trong các tổ chức tội phạm số tiền thu nhập (chúng gọi là trả lương) của cấp chỉ huy rất cao so với bọn tay chân.

+ Các thành viên của các băng, nhóm tội phạm: là những tên trực tiếp thực hiện các hành vi phạm tội, cũng như mọi nhiệm vụ do nhóm trưởng, tổ trưởng giao. Khi nghiên cứu về mafia, các nhà tội phạm học Italia và các nhà tội phạm học tư sản đã gọi các thành viên này bằng tên caporegim (xếp vùng).

Qua nghiên cứu về tội phạm có tổ chức, Bộ Công an  đã rút ra 5 đặc trưng cơ bản của tội phạm có tổ chức ở Việt Nam:

1. Là một tổ chức bí mật, khép kín, bất hợp pháp (có thể núp dưới danh nghĩa một tổ chức hợp pháp) được hình thành với mục đích là phạm tội. Có tổ chức rõ ràng, chặt chẽ, có tên cầm đầu, chỉ huy, có kỷ luật riêng được quy ước bằng miệng hoặc bằng văn bản.

2. Có số lượng người phạm tội đông, đã được thử thách và được tuyển lựa trong quá trình thực hiện tội phạm.

3. Hoạt động phạm tội mang tính chất hệ thống, có sự chỉ huy thống nhất, mục đích cuối cùng là thu lợi bất hợp pháp về kinh tế.

4. Những tên cầm đầu luôn tìm mọi cách tạo vỏ bọc kín để chỉ huy các thành viên hoạt động phạm tội. Các vỏ bọc này thường dưới các hình thức phụ trách nhà hàng, khách sạn, tổ đội lao động, các công ty tư nhân, nhà doanh nghiệp,... có hoạt động từ thiện để từng bước ra công khai, tạo uy tín và đi vào con đường làm giàu.

5. Móc nối với một số cán bộ, nhân viên nhà nước biến chất, bằng nhiều thủ đoạn với mục đích lôi kéo họ giúp đỡ, tạo điều kiện che chắn cho bọn chúng trong việc thực hiện và che giấu tội phạm hoặc để trốn tránh pháp luật khi cần thiết.

Đấu tranh chống tội phạm có tổ chức ở Việt Nam đã và đang là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 09/CP của Chính phủ và Chương trình quốc gia Phòng chống tội phạm. Chương trình đã có Đề án 3 về đấu tranh phòng chống các tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm có tổ chức và tội phạm có tính quốc tế. Để tổ chức đấu tranh chống mafia và các tội phạm quốc tế, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Liên Hiệp Quốc và các nước. Từ năm 1991, Cảnh sát Việt Nam đã tham gia Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Inerpol) và năm 1995 tham gia Hiệp hội Cảnh sát các nước ASEAN (ASEANAPOL), năm 1997 tham gia 3 Công ước Liên Hiệp Quốc về kiểm soát ma tuý năm 1961, 1971 và 1988; năm 2000 tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; năm 2003 tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng; v.v... Ngoài ra, Nhà nước ta đã tham gia, phê chuẩn, ký kết hàng chục công ước, hiệp định về chống khủng bố, chống các tội phạm quốc tế với Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế và với các nước

.
.
.